Giáo sư Nhật Bản nhận định về kế hoạch thăm Việt Nam của tân Thủ tướng Suga

Kế hoạch của tân Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga lựa chọn đến thăm Việt Nam và Indonesia thay vì Mỹ trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên ở cương vị mới đang được dư luận đặc biệt quan tâm.

Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga. Ảnh: Reuters

Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga. Ảnh: Reuters

Đài NHK (Nhật Bản) đưa tin Thủ tướng Yoshihide Suga dự kiến vào giữa tháng 10 sẽ đến thăm Việt Nam, gặp gỡ Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và tới Indonesia để trao đổi cùng Tổng thống Joko Widodo.

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) cho biết ông Suga đã không theo bước chân của những người tiền nhiệm trước đây, thường đến thăm Mỹ trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên khi giữ chức Thủ tướng.

Từng giữ ghế Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản dưới thời Thủ tướng Shinzo Abe trong nhiều năm, với nhiệm vụ chính tập trung vào vấn đề nội địa, giới chuyên gia nhận định ông Suga nay muốn củng cố thêm hồ sơ chính sách đối ngoại.

Giáo sư Go Ito tại Đại học Meiji đánh giá: “Cựu Thủ tướng Abe rất thoải mái trong phương pháp đối ngoại nhưng có phần bảo thủ về chính sách, do vậy ông Suga có thể cho thấy bản thân đang theo đuổi con đường khác và muốn đóng góp cho Đông Nam Á”.

Các nhà phân tích nhận định Việt Nam và Indonesia chính là những điểm đến “hiển nhiên” đối với ông Suga trên cương vị Thủ tướng Nhật Bản.

Họ chỉ ra rằng chính cựu Thủ tướng Abe cũng từng đến thăm Việt Nam trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên trước nhiệm kỳ thứ hai của ông. Ông Jeff Kingston tại Đại học Temple Nhật Bản đánh giá Thủ tướng Suga sẽ được chào đón nồng hậu tại cả Việt Nam và Indonesia.

Nhật Bản vốn là nhà viện trợ lớn cho Indonesia. Phải kể đến hệ thống giao thông công cộng nhanh của Indonesia được cấp vốn bởi khoản vay ưu đãi từ Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản. Năm 2020, Nhật Bản là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ ba của Việt Nam với tổng cộng 270 triệu USD, chỉ đứng sau Singapore và Trung Quốc.

Việt Nam là một trong những lựa chọn ưu tiên của các nhà đầu tư Nhật Bản. Ngoài ra, Việt Nam còn nằm trong nhóm thị trường Đông Nam Á mà Nhật Bản muốn các công ty nước này đẩy mạnh đầu tư để giảm phụ thuộc của Tokyo vào sản xuất gia công từ Trung Quốc. Trong giai đoạn từ 2014-2018, Nhật Bản là nhà viện trợ lớn nhất của Việt Nam với gần 280 triệu USD dành cho phát triển cơ sở hạ tầng, môi trường…

Giáo sư Go Ito lý giải về việc Thủ tướng Suga không lựa chọn đến Mỹ trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên ở cương vị Thủ tướng: “Nước Mỹ đang diễn ra vận động tranh cử và sự kiện còn kéo dài đến tháng sau. Trong khi đó, việc công du nước ngoài sớm trên cương vị mới là quan trọng với ông Suga. Do vậy việc không lựa chọn Mỹ là đúng đắn”.

Ngoài ra, Nhật Bản không muốn bị kéo vào vòng xoáy chính trị nội địa Mỹ. Nếu Thủ tướng Suga đến thăm Mỹ trong thời gian tới, ông sẽ phải đối mặt với nhiều câu hỏi, trong đó có vấn đề trả thêm kinh phí cho quân đội Mỹ đóng quân tại Nhật Bản. Tổng thống Donald Trump nhiều lần thể hiện rõ rằng ông muốn các đồng minh trả thêm kinh phí cho an ninh mà Mỹ cung cấp.

Chính phủ Nhật Bản cũng không ưu ái giải pháp ông Suga đến thăm châu Âu bởi lo lắng về tình hình dịch COVID-19 tại châu lục này. Trong trường hợp đến thăm châu Âu, ông Suga và các nhân viên có thể phải cách ly khi quay trở về Nhật Bản.

Thủ tướng Suga đã điện đàm với Tổng thống Trump và nhiều lãnh đạo thế giới khác như Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Anh Boris Johnson và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

Hà Linh/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/giao-su-nhat-ban-nhan-dinh-ve-ke-hoach-tham-viet-nam-cua-tan-thu-tuong-suga-20201002110348503.htm