Giáo sư Nhật Bản kiểm tra tật đầu nhỏ của cháu bé ở Đắk Lắk

Để kết luận tật đầu nhỏ của cháu bé 4 tháng tuổi ở Đắk Lắk có phải do virus Zika gây ra hay không, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã lấy mẫu kiểm tra lần 3.

Sáng 1/11, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên cùng Giáo sư Futoshi Hasebe (Đại học Nagasaki - Nhật Bản) đã đến gia đình có cháu bé 4 tháng tuổi bị tật đầu nhỏ tại huyện Krông Búk, Đắk Lắk để lấy mẫu kiểm tra lần 3.

Tại đây, đoàn công tác đã lấy 12 mẫu máu của những người thân trong gia đình cháu bé để đưa đi xét nghiệm lần 3.

Trước đó, Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương lấy mẫu gia đình cháu bé đi xét nghiệm thì phát hiện kháng thể IgM đặc hiệu của virus Zika và kháng thể trung hòa virus Zika.

Các chuyên gia kiểm tra đối với dị tật đầu nhỏ của cháu bé ở Đắk Lắk. Ảnh: M.Q.

Các chuyên gia kiểm tra đối với dị tật đầu nhỏ của cháu bé ở Đắk Lắk. Ảnh: M.Q.

Ông Phạm Thọ Dược - Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, cho biết Bộ Y tế đã công bố kết quả xét nghiệm đối với gia đình cháu bé đầu nhỏ dương tính với virus Zika.

Tuy nhiên, tật đầu nhỏ của cháu bé có liên quan đến virus Zika hay không cần kiểm tra thực địa và lấy mẫu xét nghiệm lại.

"Tật đầu nhỏ có rất nhiều nguyên nhân gây ra, do đó đoàn công tác xuống mẫu kiểm tra lại và đề xuất Bộ Y tế có hướng xử lý", ông Dược nói.

Theo các cơ quan chức năng, chứng đầu nhỏ có thể ghi nhận tại 1-10% trẻ được sinh ra từ các bà mẹ bị nhiễm virus Zika trong 3 tháng đầu thai kỳ. Do đó, Việt Nam hoàn toàn có thể xuất hiện trường hợp trẻ mắc chứng đầu nhỏ do virus này.

Tại các nước trong khu vực Đông Nam Á, Thái Lan đã ghi nhận 2 trường hợp mắc hội chứng đầu nhỏ có liên quan đến virus Zika.

Tây Nguyên

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/giao-su-nhat-ban-kiem-tra-tat-dau-nho-cua-chau-be-o-dak-lak-post694321.html