Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết: Video phản cảm như 'trộm tiền em gái' của Hưng Vlog xử phạt hành chính là chưa đủ

Vừa qua, chủ nhân của nhiều kênh youtube đã bị xử phạt vì hành vi đăng những video phản cảm, trái với thuần phong mỹ tục và không đúng với quy định của luật pháp. Tuy nhiên, theo Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, chỉ xử phạt hành chính thì không thể giải quyết được vấn đề cốt lõi.

Hiện nay, hàng loạt các kênh Youtube mọc lên như nấm nhưng do bản chất là môi trường mạng xã hội mở nên những video được đăng tải rất khó có thể kiểm soát tốt về mặt nội dung. Không những vậy, với mục đích câu view, câu lile, kiếm tiền, nhiều youtuber còn không ngại dựng lên các kịch bản đi ngược với truyền thống, đạo đức và văn hóa Việt Nam.

Mới đây (7/10), Nguyễn Văn Hưng chủ kênh Youtube Hưng Vlog đã bị Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Giang mời lên làm việc và phạt 10 triệu đồng vì hành vi đăng tải clip "Troll lấy cắp tiền, đập bể heo đất của em gái, em trai đi ăn chơi" gây phản cảm, sai với quy định của pháp luật. Đây không phải là lần đầu tiên chủ kênh Youtube này bị xử phạt khi trước đó anh đã từng bị xử phạt 7,5 triệu đồng cho hành vi nấu gà sống nguyên lông của mình. Điều đáng chú ý là những video dạng này lại đang có hàng triệu lượt xem, đặc biệt là giới trẻ khiến không ít phụ huynh lo lắng.

Hình ảnh phản cảm trong clip "Troll lấy cắp tiền, đập bể heo đất của em gái, em trai đi ăn chơi" của Hưng Vlog.

Hình ảnh phản cảm trong clip "Troll lấy cắp tiền, đập bể heo đất của em gái, em trai đi ăn chơi" của Hưng Vlog.

Trao đổi về vấn đề này, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Đại biểu Quốc hội, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: "Tuy xử phạt hành chính là cần thiết nhưng nếu chỉ xử phạt hành chính không thì e rằng sẽ không thể chấm dứt được hiện tượng này. Nếu nhìn một cách tổng thể và khách quan, không chỉ Youtube mà cơ bản các trang thông tin, diễn đàn, mạng xã hội trên internet hiện nay đều đang rất khó kiểm soát. Điều đáng lo nhất là giới trẻ lại đang là đối tượng tiếp cận chủ yếu. Ở độ tuổi này, các em chưa chín muồi về nhận thức, suy nghĩ, hành vi không may tiếp cận những tư duy kiểu "trộm tiền em gái", "nấu cháo gà nguyên lông",… sẽ vô cùng nguy hại".

Theo nguyên Đại biểu Quốc hội, trên thực tế chúng ta vẫn chưa kiểm soát được các thông tin trên internet nói chung và mạng xã hội nói riêng. Quyền tự do ngôn luận là quyền cần được tôn trọng. Tuy nhiên, để tránh lợi dụng điều đó, chúng ta cần những giải pháp mạnh hơn về cả pháp luật và giáo dục nhận thức.

GS. Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Đại biểu Quốc hội.

Về pháp luật, có thể tăng mạnh các mức phạt để chủ các tài khoản, trang mạng, nền tảng chia sẻ thông tin. Khi hình thức xử phạt đủ răn đe thì các thông tin, video sai lệnh, phản cảm sẽ không thể có đất sống. Chúng ta có thể thấy thực tiễn qua Nghị định 100 về Phòng chống tác hại rượu bia.

Về giáo dục nhận thức, đây là một trong những vấn đề rất đáng lo ngại hiện nay với chúng ta. Người Việt Nam vốn có tâm lý a dua, số đông, tâm lý "cứ đông lượt xem là tốt, là hay" rất phổ biến trong nhận thực người tiếp cận. Các sinh hoạt trong nhà trường cần phải sáng tạo và phù hợp hơn. Nên có những tiết dạy, những tập huấn về cách tiếp cận thông tin trên mạng xã hội.

Không chỉ vậy, trong sinh hoạt gia đình, bố mẹ cần phải dành thời gian hướng dẫn con sử dụng mạng xã hội, tránh đưa máy điện thoại để con tự xem các chương trình yêu thích mà không có sự kiểm soát. Nếu thực hiện tốt các biện pháp trên thì mỗi một người dùng sẽ tự tạo cho mình một màng lọc tự nhiên trước các thông tin trên mạng xã hội.

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cũng cho rằng: "Không chỉ là các video phản cảm mà hiện nay trên mạng xã hội còn có nhiều thông tin xuyên tạc các chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước. Nhiều người nổi tiếng trên các diễn đàn này không có am hiểu sâu sắc về các vấn đề nhưng vẫn đưa ra các quan điểm gây hoang mang, lo lắng trong dư luận xã hội".

Huy Hoàng

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/giao-su-nguyen-minh-thuyet-video-phan-cam-nhu-trom-tien-em-gai-cua-hung-vlog-xu-phat-hanh-chinh-la-chua-du-2020100816292534.htm