Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết: 'Không phải cứ vào đại học mới thành người'

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, không nên đặt ra mục tiêu là phải vào đại học cho bằng được và không phải cứ phải vào đại học mới thành người được.

Liên quan việc định hướng nghề nghiệp cho con cái phóng viên Báo Gia đình Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.

- Thưa Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, ông đánh giá như thế nào về vai trò, tầm quan trọng của việc định hướng nghề nghiệp cho các em học sinh?

- Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết: Thực ra công tác định hướng nghề nghiệp phải được thực hiện ngay từ những năm học đầu THPT rồi. Nếu không từ lớp 10 thì tới lớp 11, lớp 12 các em đã phải được phụ huynh và nhà trường định hướng. Còn kỳ thi THPT quốc gia chỉ là khâu cuối cùng để xác định hướng mà các em đã chọn. Cụ thể ở đây liên quan trực tiếp đến việc các em đăng ký vào trường nào, dựa vào kết quả thi và những môn thi nào.

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (TL).

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (TL).

Theo tôi, mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau sẽ có những lựa chọn khác nhau. Như trước đây các con tôi mà đi thi, tôi khuyên cứ trường nào, ngành nào khó nhất thì thi vào. Bởi vì nếu đỗ những trường, ngành khó vào như vậy thì khi ra trường sẽ dễ kiếm công ăn việc làm hơn. Còn nếu chọn một trường, một ngành dễ vào thì có thể đỗ nhưng sau khi ra trường chưa chắc đã có công ăn việc làm. Trong khi đó, nếu học 4 năm có thể mất thời gian, chi phí học tập mà ra trường khó kiếm việc làm và khó phát triển sự nghiệp thì rất lãng phí.

- Theo ông, các bậc phụ huynh cần định hướng nghề nghiệp cho con em mình như thế nào hay để các em tự lựa chọn cho phù hợp với khả năng và sở thích của mình?

- Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết: Như tôi đã nói, việc định hướng nghề nghiệp thì cha mẹ cần bàn bạc với con cái từ khi các cháu còn đang học những năm đầu THPT rồi chứ không đợi tới kỳ thi mới thực hiện. Trước mỗi kỳ thi, phụ huynh có thể có những thông tin tham khảo liên quan đến các trường đại học năm ngoái, năm kia tuyển sinh số lượng là bao nhiêu, lấy điểm chuẩn như thế nào,... để tính toán khả năng con em mình có thể vào trường nào trong số những trường mà mình thích.

Tuy nhiên, thông tin tuyển sinh của các trường có thể có sự xô lệch giữa các năm vì có thể những năm trước lượng thí sinh nộp hồ sơ vào trường đó rất đông nên điểm chuẩn của trường bị đẩy cao lên nhưng năm nay các thí sinh lại không đổ xô vào trường ấy nữa thì điểm chuẩn lại lấy thấp xuống. Nhưng sự lên xuống sẽ không có chênh lệch lớn lắm và những trường thuộc tốp đầu điểm chuẩn vẫn cao và các em có thể lựa chọn các trường tương tự cho phù hợp chứ không thể đổi sang các khối, ngành khác được.

Cha mẹ không nên phó mặc cho con cái việc lựa chọn nghề nghiệp (Ảnh: H. Nam)

Trong việc lựa chọn nghề nghiệp, cha mẹ ngay từ những năm đầu học THPT đã phải giúp con em mình tìm hiểu hệ thống nghề nghiệp và nhu cầu của thị trường lao động, đòi hỏi của nghề nghiệp đối với mỗi học sinh, qua đó biết được mình thích làm gì và phù hợp với nghề nghiệp nào.

Việc phó mặc cho con em tự quyết là không nên bởi các em còn ít tuổi, chưa đủ kinh nghiệm để lựa chọn. Tuy nhiên, cha mẹ cũng không nên áp đặt nghề nghiệp cho con em mình, bởi vì nếu những nghề đó không phù hợp với sở thích, sở trường của các con thì sẽ rất khó phát triển.

Theo tôi, cha mẹ phải trao đổi, trò chuyện với con em mình để nghe các con nói lên nguyện vọng của mình rồi đưa ra các định hướng để cùng bàn bạc, phân tích và cuối cùng để các con có sự lựa chọn đúng đắn.

- Có một thực trạng hiện nay là nhiều bậc phụ huynh vẫn có suy nghĩ nhất định con em mình phải thi vào các trường đại học thay vì đi học nghề. Ông đánh giá như thế nào về thực trạng này?

- Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết: Tôi thấy xã hội chúng ta hiện nay vẫn có khuynh hướng trọng bằng cấp cao nhưng việc định hướng nghề nghiệp cần phải căn cứ vào năng lực, hoàn cảnh, điều kiện của mỗi học sinh, từ đó mới quyết định nên đi theo hướng nào cho phù hợp.

Nếu con đường đi học đại học mà có cơ hội phát triển thì tôi nghĩ rằng lựa chọn đó là đúng đắn nhưng trong trường hợp đi thi cốt chỉ để lấy cái tiếng đỗ đại học thì không cần thiết mà lúc đó cần phải tính một con đường khác như có thể đi học nghề, mà học nghề sau này vẫn có thể tiếp tục học lên đại học nếu có điều kiện.

Chúng ta có thể làm một phép tính đơn giản là nếu mất 4 năm học đại học với biết bao nhiêu tiền của, thời gian nhưng sau khi ra trường không kiếm được công ăn việc làm thì rõ ràng là các em đã lãng phí cơ hội, lãng phí tiền bạc, thời gian. Trong 4 năm đấy, nếu các em đi học nghề thì đã có một tay nghề tương đối vững.

Cho nên, theo tôi, không nên đặt ra mục tiêu là phải vào đại học cho bằng được bởi như thế là rất lãng phí và việc này phải tùy vào hoàn cảnh cụ thể của mỗi gia đình, mỗi thí sinh và không nhất thiết là cứ phải vào đại học mới thành người được.

- Xin cảm ơn giáo sư về cuộc trao đổi này!

/**/

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhvietnam.com/giao-su-nguyen-minh-thuyet-khong-phai-cu-vao-dai-hoc-moi-thanh-nguoi-d144643.html