Giáo sư Mỹ: Hạ viện sẽ chịu áp lực luận tội Tổng thống Trump

Trao đổi với Zing.vn, chuyên gia Mỹ dự đoán sau khi giành quyền kiểm soát Hạ viện, đảng Dân chủ sẽ sớm phát huy quyền lực giám sát và chất vấn đối trọng Nhà Trắng.

Trao đổi với Zing.vn, Giáo sư Melissa Miller của Đại học Bowling Green State, chia sẻ những nhận định của bà về kết quả cuộc bầu cử giữa kỳ Mỹ năm 2018, tác động của kết quả này đối với 2 năm cuối nhiệm của Tổng thống Donald Trump và hàm ý cho cuộc bầu cử năm 2020.

Chiến thuật của ông Trump phản tác dụng ở Hạ viện

- Đảng Dân chủ đã lấy lại được Hạ viện nhưng rõ ràng “làn sóng xanh” không đủ lớn như kỳ vọng. Bà nghĩ thế nào về kết quả này?

- Chính xác là đã có “làn sóng xanh” vào đêm 6/11 vừa qua nhưng nó không đủ lớn như những người Dân chủ kỳ vọng. Dù vậy, những bước tiến của đảng Dân chủ là rất đáng kể.

Những người Dân chủ cũng lấy được 7 ghế thống đốc. Điều này có ý nghĩa quan trọng đến cả hoạt động lập pháp cấp bang lẫn Hạ viện Mỹ. Đến năm 2020, Mỹ sẽ tiến hành khảo sát dân số định kỳ 10 năm, sau đó vẽ lại ranh giới phân chia khu vực bầu cử quốc hội và lập pháp bang.

Giáo sư Melissa K. Miller, chuyên gia về Khoa học Chính trị tại Đại học Bowling Green State. Ảnh: BGSU.

Giáo sư Melissa K. Miller, chuyên gia về Khoa học Chính trị tại Đại học Bowling Green State. Ảnh: BGSU.

Lấy được 7 ghế thống đốc giúp đảng Dân chủ tăng khả năng tác động đến quy trình tái phân chia khu vực bầu cử. Điều này cũng gia tăng cơ hội chiến thắng cho những người Dân chủ trong bầu cử thành viên lập pháp cấp bang và Hạ viện Mỹ vào năm 2022.

Con đường kiểm soát Thượng viện lại khá hẹp đối với đảng Dân chủ. Không chỉ phía Dân chủ thất bại với mục tiêu này, thế đa số của đảng Cộng hòa còn tiếp tục được củng cố khi thắng thêm 2 ghế ở Thượng viện.

Điều này cho thấy sự hiệu quả từ chiến dịch vận động cử tri của ông Donald Trump. Chiến lược của tổng thống là giữ Thượng viện trong tay đảng Cộng hòa. Ông ấy không những thực hiện điều này thành công, mà đảng Cộng hòa còn nới rộng khoảng cách với đối thủ.

Những buổi vận động cử tri rầm rộ của tổng thống Mỹ trong hơn 10 ngày trước ngày bầu cử đã phát huy hiệu quả khi giữ Thượng viện trong tay đảng Cộng hòa. Tuy nhiên, điều này có lẽ đã phản tác dụng đối với cuộc đua Hạ viện và phe Dân chủ lấy được số ghế nhiều hơn cần thiết để chiếm thế đa số tại đây.

Trong khi Tổng thống Trump khích lệ thành công nhóm cử tri ủng hộ mình đi bỏ phiếu vào ngày 6/11, các sự kiện vận động rầm rộ của ông cũng làm tăng nhiệt huyết trong bộ phận cử tri Dân chủ tham gia bầu cử nhằm thể hiện sự chống đối.

- Cuộc bầu cử cũng được xem như một đợt trưng cầu dân ý về Tổng thống Trump. Vì sao dù ông đạt được những chỉ số kinh tế rất đẹp nhưng các kết quả khảo sát cử tri lại không tốt?

- Cuộc bầu cử năm 2018 đã mang đến một điều mới mẻ cho chính trường Mỹ: sự kết hợp giữa một nền kinh tế mạnh và một tổng thống không được lòng dân. Thường thì hai yếu tố này phải tỷ lệ thuận. Khi kinh tế mạnh, tổng thống được lòng dân. Khi kinh tế yếu, tổng thống mất lòng dân.

Sự kết hợp giữa một nền kinh tế mạnh và một tổng thống không được lòng dân là một hiện tượng bất thường tại nước Mỹ. Điều này phần nào khiến việc dự đoán kết quả bầu cử trở nên khó hơn.

Tổng thống Trump tại một sự kiện vận động bầu cử ở bang Texas. Ảnh: Getty.

Chính tổng thống đã kêu gọi cử tri Mỹ “cứ xem như tên tôi có trên lá phiếu”. Ông đã biến cuộc bầu cử trở thành một đợt trưng cầu dân ý về chính mình, thay vì thực trạng hiện nay của nền kinh tế.

Những luận điệu cực đoan gây chia rẽ của ông trở thành tâm điểm sự chú ý, chứ không phải các chỉ số kinh tế mạnh mẽ của nước Mỹ. Cách thức này giúp đảng Cộng hòa chiếm đa số ở Thượng viện, nhưng tạo kết quả ngược lại ở Hạ viện.

Cục diện chính trường Mỹ sắp tới

- Kết quả bầu cử sẽ tác động thế nào đến cục diện chính trường ở Washington? Liệu chúng ta sẽ chứng kiến quá trình luận tội, những cuộc chất vấn làm suy yếu chính sách của Tổng thống Trump trong 2 năm tới?

- Người Mỹ nên chuẩn bị tâm lý cho viễn cảnh Hạ viện bắt đầu sử dụng sức mạnh giám sát và chất vấn của mình. Dưới sự kiểm soát của đảng Cộng hòa trước đây, Nhà Trắng không chịu sự giám sát đủ mạnh. Những người Dân chủ tại Hạ viện giờ đây có cơ hội tổ chức điều trần và tiến hành điều tra về hàng loạt vấn đề, trong đó bao gồm sự can thiệp của Nga vào bầu cử năm 2016.

Sẽ rất thú vị khi theo dõi đảng Dân chủ muốn đi xa tới mức độ nào. Nhiều người cho rằng việc luận tội tổng thống - quá trình vốn chỉ có thể khởi động từ Hạ viện - sẽ là một quyết định sai lầm và chỉ tăng thêm sự ủng hộ cho Tổng thống Trump trong cuộc bầu cử năm 2020.

Tuy nhiên, một số hạ nghị sĩ đảng Dân chủ cũng phải chịu áp lực từ cử tri đòi xúc tiến quá trình luận tội tổng thống.

Lãnh đạo phe Dân chủ tại Hạ viện Mỹ ăn mừng chiến thắng sau đợt bầu cử giữa kỳ. Ảnh: Reuters.

Cần hiểu rõ rằng, kể cả khi tổng thống bị luận tội bởi Hạ viện, nỗ lực này sẽ bị dập tắt khi nó được chuyển lên Thượng viện. Thế đa số của đảng Cộng hòa tại Thượng viện sau ngày bầu cử đã tạo nên lớp bảo vệ cho tổng thống trên mặt trận này.

- Những người từng theo dõi bầu cử năm 2016 không khỏi lo lắng khi nhìn kết quả khảo sát năm 2018. Với những khảo sát và kết quả hiện nay, bà kỳ vọng kết quả của bầu cử năm 2020 sẽ như thế nào?

- Vẫn còn quá sớm để dự đoán tâm lý cử tri vào năm 2020. Tuy nhiên, những kết quả đa chiều trong ngày bầu cử 6/11, với đảng Dân chủ lẫn Cộng hòa đều giành được các thắng lợi nhất định, sẽ duy trì trong 2 đảng mức độ nhiệt huyết và quan tâm lớn tiến đến kỳ bầu cử năm 2020.

- Xin cảm ơn giáo sư.

Nếu phe Dân chủ thắng, TT Trump sẽ bị ảnh hưởng thế nào? Tổng thống Donald Trump đang dồn toàn lực cho cuộc bầu cử giữa kỳ, điều ông lo sợ là chiến thắng của phe Dân chủ bởi nó quyết định nhiệm kỳ của ông kết thúc suôn sẻ hay chông gai.

Thanh Tuấn

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/giao-su-my-ha-vien-se-chiu-ap-luc-luan-toi-tong-thong-trump-post890672.html