Giáo sư Hàn Quốc và tình yêu Việt Nam

Gắn bó với Việt Nam chủ yếu qua những trang sách, báo, nhưng tình yêu của Giáo sư, nhà báo Lee Yong Hy dành cho Việt Nam đã được minh chứng theo thời gian cùng rất nhiều trang viết.

Giáo sư Lee Yong Hy sinh năm 1929, tốt nghiệp Trường đại học Quốc gia Hải dương Hàn Quốc và có 7 năm phục vụ trong quân ngũ. Từ năm 1957-1971, ông là nhà báo làm việc tại Thông tấn xã Hapdong và Nhật báo Chosun. Sau đó, ông là Phó Giáo sư Khoa Châu Á học, Trường đại học California tại Berkeley (Mỹ) và Giáo sư Đại học Hanyang cho đến khi nghỉ hưu vào năm 1995. Tuy nhiên, Giáo sư Lee Yong Hy lại có nhiều đóng góp trong lĩnh vực ngoại giao nhân dân, góp phần xây dựng và thúc đẩy tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt - Hàn

Giáo sư Lee Yong Hy. (Nguồn: Đại học Nguyễn Trãi)

Mới đây, Trường đại học Nguyễn Trãi (Hà Nội) và Hội Hữu nghị Việt Nam - Hàn Quốc phối hợp tổ chức buổi giao lưu về “Cuộc đời Giáo sư Lee Yong Hy và Việt Nam”, kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước. Sự xuất hiện của phu nhân và con gái ông tại đây đã giúp người Việt Nam hiểu biết thêm về một người sinh trưởng tại Hàn Quốc...

Trăn trở về cuộc chiến ở Việt Nam

Từng phụ trách mảng ngoại giao của Ban chính trị thuộc Nhật báo Chosun, nhà báo Lee Yong Hy được giao công tác về Ban quốc tế vào năm 1965. Trong suốt thời gian ấy, ông luôn trăn trở khi nghĩ đến số phận con người và cuộc chiến gian khổ mà người dân Việt Nam đang trải qua.

Được biết, thời điểm ấy trang quốc tế của Nhật báo Chosun là trang báo duy nhất ở Hàn Quốc phê phán việc cử quân đội Hàn Quốc đi tham chiến và phản đối cuộc chiến tại Việt Nam. Tại đây, nhà báo Lee Yong Hy luôn tìm cách để giới thiệu một cách thận trọng, khéo léo những phát ngôn phản chiến đến từ các nhà trí thức trên thế giới.

Vào khoảng giữa năm 1966 - 1967, Hàn Quốc có chủ trương đưa phóng viên của cơ quan ngôn luận đến Sài Gòn nhằm tạo ra dư luận trong nước rằng "Người Việt Nam hoan nghênh binh lính Hàn Quốc đến tham chiến". Do đó, nhà báo Lee Yong Hy cũng được đề nghị sang Việt Nam khoảng một tháng với tư cách là đặc phái viên tại Sài Gòn, nhưng ông đã từ chối đến Việt Nam thực hiện nhiệm vụ này.

Theo bà Yun Young Ja – phu nhân nhà báo Lee Yong Hy, trước hành động ấy, ông đã bị sa thải việc. Sau này, dù chuyển sang công việc giảng dạy tại các trường đại học, ông vẫn tiếp tục có những bài viết về cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Những bài viết này đã góp phần thay đổi nhận thức của người dân Hàn Quốc về cuộc chiến tranh phi nghĩa tại Việt Nam dù khiến ông bị bắt vào năm 1977 và bị phạt hai năm tù giam. Ông cũng là nhân tố tích cực trong việc xây dựng và hoạt động phong trào phản chiến tại Việt Nam lúc đó.

Phu nhân và con gái Giáo sư Lee Yong Hy (ở giữa) tại buổi giao lưu ở Việt Nam. (Nguồn: Đại học Nguyễn Trãi)

Nhắn gửi thông điệp về chính nghĩa

Đấu tranh không nản chí và cuối cùng Giáo sư Lee Yong Hy cũng đến ngày được hưởng trọn niềm vui khi Việt Nam hoàn toàn giải phóng năm 1975. Sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, vào năm 1985, ông đã quyết định tổng hợp các bài viết của mình để in thành cuốn sách mang tên "Cuộc chiến tranh Việt Nam".

Vào năm 1993, lần đầu tiên Lee Yong Hy đặt chân đến Việt Nam và gặp gỡ những con người mà trước đây ông chỉ biết yêu mến và ngưỡng mộ qua sách vở. Giờ đây, phu nhân và con gái đã thay mặt ông sang thăm và tặng Việt Nam cuốn sách tâm huyết của mình. Không chỉ đến Việt Nam giao lưu, họ còn trân trọng ký tặng những cuốn sách đặc biệt này cho các sinh viên và bạn đọc tại Việt Nam.

Với ông Phạm Tiến Vân – nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Hàn Quốc, cuộc giao lưu đặc biệt này thể hiện lòng biết ơn và bày tỏ lòng tri ân sâu sắc sự đóng góp công sức của Giáo sư Lee Yong Hy cho Việt Nam. Tại đây, ông nhắn nhủ với các sinh viên không ngừng học tập, trau dồi sự hiểu biết và vun đắp cho tình hữu nghị giữa hai nước.

Đến thăm Việt Nam, bà Yun Young Ja cũng chia sẻ niềm vui khi chứng kiến một đất nước Việt Nam trong hòa bình và ngày càng đi lên, đồng thời cảm kích trước sự đón tiếp nồng hậu của người dân Việt Nam. “Đất nước các bạn thật tươi đẹp với những con người đang ngày đêm vì sự phát triển của đất nước. Tôi mong thế hệ trẻ Việt Nam hãy sống chân thật và đấu tranh bảo vệ chính nghĩa”, bà nói.

QUỲNH ANH

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/giao-su-han-quoc-va-tinh-yeu-viet-nam-62920.html