Giáo sư Hà Văn Tấn – một đời nặng lòng với lịch sử

Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân (GS.NGND) Hà Văn Tấn không chỉ là một kho tri thức đồ sộ mà còn là tấm gương lớn về tinh thần tự học. Đó là ấn tượng của nhiều nhà khoa học, thế hệ học trò về một trong 'tứ trụ' của nền sử học đương đại Việt Nam.

Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân (GS.NGND) Hà Văn Tấn không chỉ là một kho tri thức đồ sộ mà còn là tấm gương lớn về tinh thần tự học. Đó là ấn tượng của nhiều nhà khoa học, thế hệ học trò về một trong "tứ trụ" của nền sử học đương đại Việt Nam.

"Sự sinh thành Việt Nam" - một trong những cuốn sách để đời của GS.NGND Hà Văn Tấn.

"Sự sinh thành Việt Nam" - một trong những cuốn sách để đời của GS.NGND Hà Văn Tấn.

Ông qua đời vào tối 27-11 tại Hà Nội, hưởng thọ 82 tuổi. Sự ra đi của GS Hà Văn Tấn không chỉ khiến giới nghiên cứu, các đồng nghiệp, học trò buồn thương mà còn để lại một "khoảng trống" lớn trong việc nghiên cứu cổ sử của dân tộc.

"Tứ trụ" của nền sử học đương đại Việt Nam

Ông là một trong "Tứ trụ" của nền sử học Việt Nam hiện đại cùng với các GS Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng. Ông là Chủ nhiệm môn Phương pháp luận sử học (khoa Lịch sử, Đại học Tổng hợp, nay là Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội); Viện trưởng Khảo cổ học (1988-2008).

Ông sinh ngày 16-8-1937 tại xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh (cùng làng với Đại thi hào Nguyễn Du). Năm 1957, ở tuổi 20, ông đã tốt nghiệp đại học và ở lại trường làm cán bộ bộ môn Lịch sử cổ đại Việt Nam, Trường Đại học Sư phạm. Năm 1988, ông bắt đầu công tác ở Viện Khảo cổ học, sau đó làm Viện trưởng Viện Khảo cổ học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam. Trong cuộc đời gần 50 năm nghiên cứu gắn với giảng dạy, ông hướng dẫn 25 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, công bố 298 bài báo, tham luận, nghiên cứu khoa học trên tạp chí trong và ngoài nước, là tác giả và đồng tác giả của hàng chục cuốn sách.

Phó GS-TS Lâm Mỹ Dung (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết sinh thời, GS Hà Văn Tấn luôn đau đáu với việc đào tạo chuyên môn cho thế hệ kế cận, hướng dẫn đội ngũ cán bộ trẻ xây dựng, hoàn thiện chương trình đào tạo...

Những dấu ấn đậm nét

GS Hà Văn Tấn để lại dấu ấn đậm nét trên nhiều lĩnh vực: khảo cổ học, lịch sử Việt Nam cổ trung đại, lý luận sử học, Phật học, lịch sử tư tưởng, văn hóa học, nhân chủng học...

"Dư địa chí" của Nguyễn Trãi là công trình đầu tiên mà ông giới thiệu, hiệu đính và chú thích. Đại diện Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, vào thời điểm thực hiện công trình trên, GS Hà Văn Tấn mới 23 tuổi. Trong khi đó, "Dư địa chí" là một tác phẩm rất khó. Đánh giá về bản hiệu đính của học trò Hà Văn Tấn, GS Đào Duy Anh cho rằng, đó là công trình được thực hiện công phu, nghiêm túc, cho thấy thái độ nghiêm túc, sự say mê và năng lực của người thực hiện. Nối tiếp thành công đó, ông còn là tác giả và đồng tác giả của hàng chục cuốn sách, công trình nghiên cứu giá trị như "Lịch sử chế độ cộng sản nguyên thủy ở Việt Nam", "Sơ yếu khảo cổ học nguyên thủy Việt Nam", "Triết học lịch sử hiện đại", ... Ông được phong hàm GS năm 1980, được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân và trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Ba, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhì, Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học - công nghệ (2000) và nhiều huy chương khác.

GS Hà Văn Tấn lâm bệnh rồi ra đi khi nhiều dự định, công trình, kế hoạch nghiên cứu (như giáo trình về phương pháp luận sử học, sử liệu học, lý thuyết khảo cổ học, các trường phái khảo cổ học hay khảo cổ học Đông Nam Á...) còn dang dở. Điều đó đặt ra trách nhiệm cho những cộng sự, thế hệ kế cận, học trò của ông trong việc tiếp nối hành trình của một nhà khoa học lớn.

T.H

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/137_216745_giao-su-ha-van-tan-mot-doi-nang-long-voi-lich-su.aspx