Giáo sư 40 năm làm việc tại bệnh viện công chỉ ra 'cái khó' môi trường công lập

Nhiều bác sĩ bệnh viện công lập đã bỏ công việc nhà nước mà 'nhiều người mơ ước' ra ngoài tư nhân để làm qua đó mới thấy được nhiều bất cập trong môi trường bệnh viện công lập.

Giáo sư Nguyễn Gia Bình cho biết trong công lập nhiều thủ tục lằng nhằng.

Không thể dành hết cho chuyên môn

Có lẽ đây là tâm lý chung của nhiều bác sĩ, Giáo sư Nguyễn Gia Bình – Nguyên trưởng Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội tâm sự không riêng gì chỉ trong miền nam mà ngay cả ngoài Bắc các bác sĩ cũng muốn dịch chuyển. Đây là điều bình thường bởi ai cũng mong muốn được làm công việc theo nguyện vọng của họ. Nơi có điều kiện để làm việc, môi trường làm việc phù hợp họ sẽ đi, không có gì là chảy máu chất xám ở đây cả - GS Bình nói

Gần 40 năm làm ở môi trường công lập, giáo sư Bình tự nhận mình là “bác sĩ Hai lúa” chỉ chuyên tâm vào chuyên môn mà nhiều lúc ông còn cảm thấy khó khăn.

Môi trường làm việc ở bệnh viện công luôn áp lực do bệnh nhân luôn quá tải. Mặc dù Bộ Y tế đề ra chỉ tiêu khám 35 người bệnh/ngày nhưng ở đâu, lúc nào cũng quá giới hạn, có bác sĩ phải khám cả trăm bệnh nhân mỗi ngày, ở các khoa Hồi sức hay phòng mổ hay các phòng chăm sóc bệnh nhân nặng nhân viên thường xuyên phải làm thêm giờ đặc biệt khi có thảm họa hay bệnh dịch xảy ra. Công việc bận quá thì dẫn đến chất lượng không được tốt, dễ sai sót. Bác sĩ làm đúng không ai biết nhưng chỉ sơ xảy 1 chút là trở thành tâm điểm nhất là thời buổi mạng xã hội như hiện nay thì người ta lại càng e dè và cảm thấy mệt mỏi hơn.

Áp lực thứ hai đó là thủ tục hành chính, quá nhiều giấy tờ, sổ sách, từ chuyên môn đến hội họp… nhiều loại giấy tờ, sổ sách, báo cáo không cần thiết nhưng vẫn được duy trì từ lâu làm mất thời gian và công sức của nhân viên y tế vốn đã rất thiếu do cơ chế biên chế hành chính không còn phù hợp với tình hình hiện tại

Ngoài ra bác sĩ còn phải quan tâm đến tình hình chi trả của người bệnh đặc biệt những người không có bảo hiểm y tế cho bệnh nhân, lo bảo hiểm y tế rồi đủ thứ trên đời cái gì cũng lôi bác sĩ ra rất dễ bị xuất toán và đền bù,mặc dù phải dựa vào phác đồ nhưng phác đồ thường được ban hành chậm, mặt khác một phác đồ không bao giờ phù hợp cho tất cả các bệnh nhân.

Chưa kể đến gần đây các vụ bạo hành nhân viên y tế có chiều hướng gia tăng, đặc biệt các đối tượng côn đồ, nghiện ma túy rất manh động.

Bệnh viện tư, bác sĩ không phải làm những điều đó vấn đề họ sẽ được dành nhiều thời gian, công sức cho người bệnh. Hiện nay, nhiều bệnh viện tư còn cho học tập trao đổi kinh nghiệm, nâng cao tay nghề kể cả đi ra nước ngoài, khi có vấn đề gì mới có hiệu quả họ đề xuất và thường được lãnh đạo ủng hộ và thực hiện ngay nên hệ thống y tế tư nhân dần dần họ sẽ nhanh nhạy hơn, áp dụng sớm hơn các kỹ thuật, công nghệ mới.

Còn trong BV công, một số nơi còn đẻ ra nhiều lệ bất thành văn trong nội bộ, mặc dù không cụ thể bằng văn bản nhưng vẫn làm phải tuân thủ, nếu không tuân thủ sẽ khó làm được việc khiến người làm ức chế.

Theo giáo sư Bình cái được của môi trường bệnh viện công đó là thương hiệu, nguồn bệnh nhân đông bác sĩ có thể học từ bệnh nhân, học từ chính các hội thảo tốt cho chuyên môn. Nhưng chưa tốt là thu nhập của bác sĩ còn thấp do giá viện phí vẫn chưa được tính đúng, tính đủ và tình trạng cào bằng vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Còn với bệnh viện tư họ thích bác sĩ và điều dưỡng có kinh nghiệm để làm được việc, ít sai sót, hạn chế những thắc mắc khiếu kiện và họ trả lương theo năng lực của từng người với thu nhập cao hơn bệnh viện công và giá viện phí của họ cao hơn vì theo kinh tế thị trường

“Môi trường làm việc trong bệnh viện tư nhân đã chuyên nghiệp hóa họ đáp ứng đủ theo yêu cầu của bác sĩ ( vật tư , xét nghiệm, dụng cụ, máy móc ..) đặc biệt là bác sĩ giỏi. Còn bệnh viện công họ phải chờ, qua đấu thầu và rất nhiều thủ tục khác đã làm chậm hoặc không đáp ứng được. Những năm gần đây hệ thống các bệnh viện tư nhân đã phát triển mạnh mẽ. Chính vì thế sẽ cạnh tranh giữa nhà nước và tư nhân điều đó khiến công lập phải xem lại mình để thay đổi, giữ chân người tài” – GS Bình nhấn mạnh.

Cần thay đổi

GS Bình cho biết đến giờ thì rất nhiều giám đốc bệnh viện tư nhân quen biết ông vẫn cứ gạ “có ai làm được không giới thiệu giúp”. Những bệnh viện họ trả bác sĩ hàng trăm triệu đồng/tháng, điều dưỡng cũng 30 – 40 triệu đồng . Đây cũng là mức hấp dẫn mà nhiều người họ dao động muốn đi tới một nơi có môi trường làm việc tốt hơn.

Nói về chế độ đãi ngộ của các cơ sở y tế công lập, Giáo sư Bình cho biết vì giá viện phí chưa tính đúng tính đủ nên đãi ngộ dành cho bác sĩ chưa tốt. Bác sĩ được lương theo bậc lương nhà nước qui định và tăng theo thâm niên và bằng cấp, mặc dù đã có cơ chế tự chủ một phần nhưng vẫn chưa đáp ứng mức tối thiểu để trang trải cho sinh hoạt hàng ngày . Với thâm niên khoảng 15 năm thì thu nhập khoảng trên dưới 10 triệu / tháng. Để trang trải cuộc sống nhiều bác sĩ phải ra ngoài làm thêm, mặc dù có thêm thu nhập nhưng và đôi khi cũng nảy sinh ra những vấn đề khác

Qua những thay đổi trên, GS Bình cho rằng đã đến lúc các cơ sở y tế công lập phải thay đổi. Trước hết, bệnh viện cần thay đổi những chính sách nào không còn phù hợp phát huy quyền tự chủ của các giám đốc bệnh viện, nếu không thay đổi thì họ sẽ không giữ chân được bác sĩ giỏi.

Theo GS Bình, nhiều bác sĩ từ tỉnh lên Hà Nội học và rèn luyện tay nghề và sau khi học xong họ về làm được vài năm họ lại ra ngoài làm. Khi tôi hỏi họ vì sao bỏ việc thì các bạn tâm sự đủ thứ bất cập ở cơ sở đó, làm việc trong môi trường luôn bị ức chế thì thật khó. Vì thế không phải chỉ riêng chế độ đãi ngộ tốt mà môi trường làm việc tốt cũng luôn là điều mà người lao động cần không riêng gì bác sĩ.

Phương Thúy

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/giao-su-40-nam-lam-viec-tai-benh-vien-cong-chi-ra-cai-kho-moi-truong-cong-lap-post293378.info