Giao rừng cho doanh nghiệp như... giao trứng cho ác!

Nói như thế cũng không ngoa khi nhìn vào con số thống kê của Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng: Toàn tỉnh có 386 dự án giao rừng, giao đất lâm nghiệp cho doanh nghiệp làm với tổng diện tích hơn 57.000ha, thì có đến 189 dự án với hơn một nửa diện tích bị thu hồi.

Trong đó có 1.157ha ban đầu là rừng, sau khi giao cho doanh nghiệp vài năm đã trở thành “đất trống, đồi núi trọc”.

Năng lực không đủ cũng xin

Năm 2011, Cty TNHH An Nguyễn được tỉnh Lâm Đồng chấp thuận cho thuê đất, thuê rừng với diện tích 162ha để thực hiện dự án đầu tư trồng rừng, quản lý bảo vệ rừng và sản xuất nông lâm kết hợp tại xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm. Sau khi nhận giao rừng và được cấp phép đầu tư, đơn vị này gần như không triển khai dự án, chỉ thực hiện khai thác tận dụng lâm sản trên diện tích được cải tạo trồng rừng. Tại dự án của doanh nghiệp này, những cánh rừng xưa nay được thay bằng vườn cà phê, chè. Theo báo cáo của Sở NN-PTNT Lâm Đồng, ngay cả bảo vệ của đơn vị này được phân công đến bảo vệ, cũng tiếp tay cho lâm tặc phá rừng bằng cách ken vỏ cây, bỏ hóa chất, đào hố trồng cà phê với diện tích 2,61ha khiến trữ lượng lâm sản thiệt hại hơn 118m3. Năm 2017, toàn bộ dự án của An Nguyễn đã bị tỉnh Lâm Đồng thu hồi và buộc bồi thường số tiền 11,9 tỷ đồng sau khi để mất 31,45ha rừng.

Những “khu rừng” dự án mà tỉnh Lâm Đồng giao cho DN ở Đạ Tẻh, Bảo Lâm

Một dự án khác của Cty CP Nam Nam tại xã Lộc Phú, huyện Bảo Lâm, được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp phép với tổng diện tích 120,38ha để quản lý, bảo vệ, trồng rừng, trồng cây công nghiệp kết hợp chăn nuôi gia súc. Suốt thời gian 6 năm sau khi nhận dự án, từ những cánh rừng hàng chục năm tuổi với thảm thực vật phong phú, đơn vị này đã gần như không triển khai dự án và để mất 43,5ha rừng. Đến nay, UBND tỉnh Lâm Đồng đã thu hồi toàn bộ dự án và yêu cầu doanh nghiệp này phải bồi thường hơn 9,9 tỷ đồng.

Nói về tình trạng hàng chục DN nhận dự án xong không làm, hoặc làm không đúng theo giấy phép, để mất rừng, bị xâm lấn trái phép, ông Võ Danh Tuyên, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng cho rằng, do năng lực của các DN hạn chế, nhưng xây dựng dự án quá lớn, vượt quá khả năng đầu tư, cũng có trường hợp xin dự án với mục đích chiếm giữ, chờ cơ hội để sang nhượng. Nhân lực quản lý bảo vệ chưa tốt, dẫn đến một số dự án để mất rừng, phá rừng, lấn chiếm trái phép. Bên cạnh đó, có các doanh nghiệp đầu tư sau khi nhận được giấy phép đầu tư đã quyết định cho thuê lại đất, nên công tác quản lý, bảo vệ rừng trên khu vực đất thuê không tốt, để xảy ra tình trạng chặt phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật.

Ảnh: Phúc Lập

Theo thống kê, trong số 189 dự án bị thu hồi (tổng diện tích thu hồi 28.218ha) trên toàn tỉnh Lâm Đồng, có 157 dự án (diện tích 25.324ha) thu hồi toàn bộ, và 32 dự án (2.803ha) bị thu hồi một phần. Cùng với việc thu hồi dự án, UBND tỉnh Lâm Đồng đã yêu cầu các doanh nghiệp bồi thường thiệt hại tài nguyên rừng số tiền hơn 219 tỷ đồng. Trong đó, nhiều DN bị bồi thường hàng chục tỷ đồng như: DN Hoàng Thịnh để mất 110,9ha rừng, bị buộc bồi thường gần 70 tỷ đồng; Vĩnh Tuyên Lâm làm mất 49,3ha, phải bồi thường gần 23 tỷ đồng; Thuận Thành để mất 12,2ha, phải bồi thường 10,8 tỷ đồng; Võ Hà Lê, để mất hơn 44ha, bị yêu cầu bồi thường gần 21 tỉ đồng; Ngọc Mai Trang, làm mất hơn 21,6ha, phải bồi thường hơn 12,4 tỉ đồng…

Chế tài chưa đủ mạnh

Tuy nhiên, đến nay tỉnh Lâm Đồng mới thu được khoảng 10% tổng số tiền phạt nói trên. Còn đa số các DN bị buộc bồi thường còn lại né tránh, cơ quan chức năng nhiều lần gửi giấy mời, nhưng không ai đến. Theo ông Nguyễn Duy Phong, Trưởng phòng Quản lý ngân sách, Sở Tài chính tỉnh Lâm Đồng, việc thu hồi tiền bồi thường tại các dự án để mất rừng gặp nhiều khó khăn. Có nhiều trường hợp Sở Tài chính gửi văn bản hối thúc việc thực hiện nộp tiền bồi thường theo quyết định của tỉnh nhưng bị bưu điện trả lại do địa chỉ công ty không còn hoặc đã chuyển đi nơi khác. Một nguyên nhân khiến cho việc xử lý các dự án để mất rừng gặp nhiều trở ngại là do hiện vẫn chưa có chế tài xử lý trách nhiệm đối với cá nhân, người đứng đầu doanh nghiệp để mất rừng. Khi xảy ra tình trạng mất rừng chỉ yêu cầu bồi hoàn lại số lượng rừng bị mất nên phần lớn các doanh nghiệp này không thực hiện.

Ảnh: Phúc Lập

Trong khi đó, theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng, hiện có 7 cộng đồng cư dân trong tỉnh được giao quản lý hơn 2.000ha rừng, đất rừng cộng đồng. Cơ chế hưởng lợi từ rừng của cộng đồng đã khuyến khích người dân tham gia bảo vệ rừng và phát triển rừng, nâng cao độ che phủ, tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống của người dân sống bằng nghề rừng. Đồng bào các dân tộc gắn với đất, với rừng, hạn chế tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái phép; góp phần bảo tồn, phát triển hệ sinh thái động thực vật rừng... Ngoài ra, các cộng đồng được giao đất, giao rừng còn trồng thêm được 120ha rừng.

Tuy nhiên, hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng của cộng đồng chưa cao, nguyên nhân là do nhận thức của một số cộng đồng còn hạn chế; tình trạng phá, lấn chiếm đất rừng vẫn còn xảy ra ở một số rừng cộng đồng, mặc dù con số diện tích bị phá không lớn. Để cộng đồng được giao rừng có trách nhiệm hơn trong công tác bảo vệ rừng, thì ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền, cần có chính sách đãi ngộ tốt hơn, nâng cao quyền lợi cộng đồng.

PHÚC LẬP

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/giao-rung-cho-doanh-nghiep-nhu-giao-trung-cho-ac-post225830.html