Giao quyền cho người dân trong quản lý, bảo vệ rừng

Địa bàn bảo vệ lớn, địa hình hiểm trở, lực lượng kiểm lâm lại mỏng nên việc bảo vệ các cánh rừng là hết sức khó khăn. Vậy đâu là giải pháp bền vững nhằm hạn chế tình trạng mất rừng mà vẫn đảm bảo sinh kế cho người dân? Câu chuyện được ghi nhận tại tỉnh miền núi Hà Giang.

Người dân phải sống được từ rừng thì mới dứt cảnh khai thác gỗ trái phép ở nhiều tỉnh miền núi - Ảnh: VGP/Hà Giang

Mỗi cán bộ kiểm lâm bảo vệ 500 ha rừng

Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Quang có diện tích trên 8.900 ha, trải dài trên địa bàn 4 xã thuộc huyện Vị Xuyên và 1 xã thuộc thành phố Hà Giang. Đây là khu vực rộng lớn, địa bàn núi đá hiểm trở, lại có khoảng 7,5 km vành đai rừng là đường biên giới giáp ranh với Trung Quốc. Tuy nhiên, với điều kiện lập địa đặc trưng là núi đá tai mèo, nơi đây nổi tiếng với những loài cây gỗ có giá trị kinh tế cao như nghiến, đinh… hàng trăm năm tuổi và được người dân gọi là “những mỏ vàng lộ thiên” .

Theo ông Nguyễn Việt Hưng, Giám đốc Ban quản lý (BQL) rừng đặc dụng Phong Quang, Hà Giang thì chính vì giá trị quá lớn của những cây gỗ quý mà nhiều khu rừng tại Phong Quang luôn trong tình trạng bị đe dọa. Cũng theo ông Hưng, hiện tại, ban quản lý rừng Phong Quang chỉ có 17 cán bộ kiểm lâm nhưng phải bảo vệ hơn 8.900 ha rừng đặc dụng. Như vậy, trung bình, mỗi một cán bộ kiểm lâm phải bảo vệ hơn 500 ha rừng.

Theo thống kê sơ bộ, tại vùng lõi của khu bảo tồn Phong Quang có tới 5 thôn với tổng số hơn 500 hộ dân sinh sống. Từ năm 2011, khi chính sách đóng cửa rừng có hiệu lực, cũng là lúc người dân sinh sống lâu đời tại đây không thể "vén" rừng mở rộng diện tích đất canh tác. Trung bình, mỗi khẩu chỉ có vỏn vẹn 0,5 sào đất nông nghiệp.

Năm này qua năm khác, người người sinh sôi, nhà nhà tách khẩu, nhưng diện tích đất canh tác nông nghiệp thì không tăng lên, thậm chí còn cằn cỗi theo thời gian. Điều này đã khiến cho đại đa số người dân tại thôn Hoàng Lỳ Pả cũng như 4 thôn khác nằm trong vùng lõi khu bảo tồn Phong Quang thường xuyên thiếu đói vào những tháng mùa Đông. Và mỗi khi Đông về cũng là thời điểm được gọi là “mùa mất rừng” ở Hà Giang…

Anh Dương Minh Hải, Trưởng thôn Hoàng Lỳ Pả (Minh Tân, Vị Xuyên) cho hay: “Thôn tôi đất canh tác ít, hộ nghèo lên tới 60% chỉ có 40% là đủ ăn. Nói chung là canh tác nông nghiệp ở đây rất khó khăn, nên thi thoảng một số đối tượng vẫn phải vào rừng trộm gỗ”.

Thực tế cho thấy, khi sinh kế của người dân chưa được đảm bảo thì việc mất rừng là rất khó để xử lý dứt điểm. Do đó, để bảo vệ rừng hiệu quả thì theo trưởng thôn Dương Minh Hải, khi nào người dân được giao quản lý bảo vệ rừng trên cơ sở quy trách nhiệm cụ thể, đồng thời, họ phải nhận được trợ cấp, phải sống được từ việc bảo vệ rừng thì rừng mới không bị mất.

Giàu lên nhờ giữ rừng

Bà Phạm Thị Thủy trú tại xã Lũng Chinh, huyện Mèo Vạc tỉnh Hà Giang là một trong những hộ đầu tiên tại huyện Mèo Vạc được khoán bảo vệ rừng. Năm 2006, bà nhận bảo vệ hơn 100 ha rừng phòng hộ, mỗi năm số tiền bảo vệ rừng mà bà nhận được là khoảng 20 triệu đồng. Ngoài ra, bà được địa phương giao cho 13 ha núi đất và tài trợ cây giống để tiến hành trồng rừng sản xuất. Từ năm 2014 đến nay, mỗi năm bà Thủy thu được khoảng 200 triệu đồng từ việc tỉa thưa rừng trồng rồi bán gỗ. Thấy bà Thủy trồng và bảo vệ rừng hiệu quả nên hiện nay, nhiều người dân ở xã Lũng Chinh đã bắt đầu học tập cách làm của bà Thủy. Kết quả là, rất khó để tìm thấy những khoảng đất trống tại xã Lũng Chinh, bởi tất cả đã được khoác lên một màu xanh ngút ngàn.

Tại Hà Giang, hầu hết diện tích đất canh tác là đất dốc trên 15 độ, việc canh tác nông nghiệp thường kém bền vững vì xói mòn, rửa trôi, đất đai nhanh thoái hóa. Do đó, việc khoán bảo vệ rừng, khuyến khích, hỗ trợ người dân trồng rừng sản xuất không chỉ giúp cho người dân từng bước vươn lên thoát nghèo, nâng cao thu nhập mà còn có ý nghĩa lớn về mặt sinh thái và môi trường.

Giai đoạn từ 2010 đến 2017, đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ của ngành lâm nghiệp, khi mà các văn bản pháp lý về lâm nghiệp đã dành sự quan tâm lớn đến các yếu tố kinh tế-xã hội như sinh kế của người dân địa phương trong quản lý rừng bền vững.

Đặc biệt, sự ra đời của Luật Lâm nghiệp 2017 (thay thế cho Luật Bảo vệ phát triển rừng 2004) đã nỗ lực cân bằng các mặt kinh tế, xã hội và môi trường của quản lý rừng bền vững qua các quy định: khuyến khích nâng cao giá trị gia tăng trong chuỗi giá trị lâm nghiệp; gắn bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học rừng với nâng cao giá trị dịch vụ môi trường rừng ứng phó với biến đổi khí hậu, đồng thời góp phần đảm bảo an ninh môi trường, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế- xã hội vùng nông thôn, miền núi… Trước những thay đổi mạnh mẽ đó, năm 2017 tỷ lệ che phủ rừng của cả nước đã đạt con số 41,45%, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt trên 8 tỷ USD, thu từ dịch vụ môi trường rừng trên 1.700 tỷ đồng, góp phần nâng mức tăng trưởng chung của toàn ngành năm 2017 lên 5,27%.

Làm giàu từ nghề rừng, phát triển kinh tế lâm nghiệp, được các chuyên gia đánh giá là sẽ đem lại sinh kế bền vững cho khoảng 25-30 triệu người, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.

Hà Giang

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/doi-song/giao-quyen-cho-nguoi-dan-trong-quan-ly-bao-ve-rung/337172.vgp