Giao quản lý về chất thải rắn cho Bộ Tài nguyên và Môi trường

Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) vừa tổ chức hội thảo khoa học 'mô hình quản lý và công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH)'. Qua đó, các chuyên gia đã đưa ra nhiều giải pháp xử lý CTRSH với nhiều phương pháp như đốt rác phát điện; xử lý thành phân vi sinh, công nghệ xử lý bằng phương pháp đốt thông thường; xử lý bằng phương pháp chôn lấp; công nghệ xử lý để sản xuất biogas và phân bón hữu cơ…

Ưu tiên cho các dự án áp dụng công nghệ điện rác tiên tiến. Ảnh minh họa

Ưu tiên cho các dự án áp dụng công nghệ điện rác tiên tiến. Ảnh minh họa

Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân cho biết, lượng CTRSH phát sinh hiện nay tại các khu đô thị vào khoảng 38.000 tấn/ngày và tại khu vực nông thôn vào khoảng 32.000 tấn/ngày. Trong đó, tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải tại khu vực đô thị đạt khoảng 85%; tại khu vực nông thôn còn thấp, trung bình đạt khoảng 40-55%.

Mặt khác, công tác vận chuyển hiện còn gặp nhiều khó khăn, các bãi chôn lấp chất thải thường ở xa khu dân cư làm tăng chi phí vận chuyển. Trong khi đó, mức phí vệ sinh môi trường thu từ các hộ gia đình hiện nay mới chỉ chi trả được một phần cho hoạt động thu gom chất thải, không đủ để chi trả cũng như duy trì cho hoạt động vận chuyển.

Phương pháp xử lý CTRSH hiện nay chủ yếu là chôn lấp, trong đó chỉ có khoảng 30% các bãi chôn lấp hợp vệ sinh. Ngoài ra, trên cả nước hiện có khoảng 30 cơ sở xử lý chất thải thành phân mùn hữu cơ (compost) và gần 300 lò đốt CTRSH (chủ yếu là lò đốt rác cỡ nhỏ, quy mô cấp xã). Việc đầu tư và xây dựng các khu xử lý chất thải, các bãi chôn lấp hợp vệ sinh mới chỉ thực hiện ở một số tỉnh có nguồn thu ngân sách lớn.

Trước thực trạng trên, Chính phủ đã giao Bộ TN&MT là cơ quan đầu mối, thống nhất quản lý Nhà nước về CTR; giao Chủ tịch UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện về vấn đề rác thải và xử lý rác thải trên địa bàn.

Tại hội thảo, đại diện các đại biểu đều thống nhất với chủ trương của Chính phủ về việc giao đầu mối thống nhất quản lý về CTR cho ngành TN&MT.

Đồng thời, cũng đề nghị Bộ TN&MT sớm ban hành các thông tư hướng dẫn một cách đồng bộ; bổ sung, hoàn thiện các nội dung hướng dẫn thực hiện Luật Bảo vệ môi trường và các nghị định về lĩnh vực môi trường.

Đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất việc quy hoạch quản lý CTR cần phải được triển khai đồng bộ, cần có quy hoạch các điểm tập trung, trạm trung chuyển CTR cho đô thị.

UBND các tỉnh, thành phố trên cả nước cần khuyến khích sử dụng công nghệ xử lý CTR theo xu hướng tái chế, tái sử dụng và tận dụng năng lượng từ CTR nhằm giảm thiểu tối đa lượng đốt, xả thải. Cần ưu tiên các nhà máy xử lý CTR tập trung, công nghệ hiện đại và công suất đủ lớn, đặc biệt các nhà máy áp dụng công nghệ điện rác tiên tiến.

Đặc biệt, cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động thông qua chương trình giáo dục ở trường học và các phương tiện thông tin đại chúng, để người dân phân loại rác ngay tại nguồn.

Một số mô hình xử lý CTRSH

Công nghệ chuyển hóa CTR thành điện do Công ty TNHH Thủy lực - Máy nghiên cứu đầu tư. Công nghệ này sử dụng khí tổng hợp syngas để chạy động cơ đốt trong phát điện. Công nghệ đã thí điểm tại Nhà máy Cơ khí chế tạo thiết bị môi trường, Đồng Văn, tỉnh Hà Nam, với công suất 20 tấn/ngày, tại bãi rác Gò Cát, TP Hồ Chí Minh với công suất 50 tấn/ngày.

Nhà máy phân loại xử lý rác thải, sản xuất biogas và phân bón khoáng hữu cơ tại huyện Bố Trạch, Quảng Bình do Công ty TNHH Phát triển dự án Việt Nam làm chủ đầu tư. Đây là công nghệ tích hợp 3 công nghệ thông thường nhằm thu hồi được vật liệu có thể tái chế, tạo khí phát điện và sản xuất phân hữu cơ, xử lý được chất thải sinh hoạt, công suất 245 tấn/ngày và chất thải nông nghiệp, công suất 76 tấn/ngày. Công ty đã lắp đặt 1 máy phát điện từ khí biogas công suất 1,5 MW cho dây chuyền xử lý CTRSH và 1 máy phát công suất 1MW từ dây chuyền xử lý CTR nông nghiệp.

Dự án nhà máy đốt rác thải sinh hoạt phát điện tại ấp Trường Thọ, xã Trường Xuân, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ, do Công ty China Everbright Limited đầu tư, khởi công từ tháng 6/2017. Đây là dự án sử dụng kỹ thuật đốt rác phát điện để xử lý rác thải sinh hoạt. Với công suất xử lý 400 tấn/ngày; công suất phát điện khoảng 8MW, dự kiến nối lưới khoảng 5,5-6MW.

Thái Hải

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/xa-hoi/moi-truong/giao-quan-ly-ve-chat-thai-ran-cho-bo-tai-nguyen-va-moi-truong_t114c1143n148479