Giao phối cận huyết khiến xương của người cổ đại có nhiều dị tật

Phân tích hài cốt của 66 người, một số hài cốt trong số đó với niên đại trên 200.000 năm và các đặc điểm bất thường của số hài cốt đó, nhà nghiên cứu Eric Trinkaus đã đưa ra một giả thuyết mới. Theo đó, các dị tật xương này là do có quá nhiều trường hợp giao phối cận huyết, dẫn đến các khuyết tật di truyền.

Xương đùi với đường cong dị thường được tìm thấy tại nhiều điểm cư trú của người cổ đại trong các hang động ở Trung Quốc, Nga và Séc - Ảnh : Eric Trinkaus

Xương đùi với đường cong dị thường được tìm thấy tại nhiều điểm cư trú của người cổ đại trong các hang động ở Trung Quốc, Nga và Séc - Ảnh : Eric Trinkaus

Theo tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences, các nhà nghiên cứu đã giải thích được hiện tượng dị tật xương bẩm sinh xảy ra nhiều ở người cổ đại. Theo đó, sở dĩ hay xảy ra các dị tật này là do có quá nhiều trường hợp giao phối cận huyết.

Nhiều hài cốt của những người ở thế Pleistocene, kéo dài từ 2,5 triệu năm đến 9.700 năm trước, cho thấy những đặc điểm dị thường trong sự phát triển của bộ xương. Ví dụ, xương đùi với đường cong dị thường được tìm thấy ở nhiều điểm cư trú trong hang động từ Trung Quốc đến Cộng hòa Séc; hộp sọ của trẻ sơ sinh từ hang Cafzeh, Israel, bị sung phồng bất thường; và xương vai phải của một người đàn ông từ Liguria (Ý) bị cong bất thường, trong khi xương vai trái bình thường. Nhiều biến dạng như vậy, cả những biến dạng vô hại lẫn nguy hiểm, trước đây được coi là những điều kỳ lạ riêng biệt. Nhưng khi được xem xét một cách có hệ thống, chúng lại khá phổ biến trong quá khứ.

Trong công trình nghiên cứu mới, các nhà khoa học đưa ra lời giải thích cho hiện tượng này. Nhà nghiên cứu Eric Trinkaus ở Đại học Washington, St. Louis, Mỹ, đã phân tích hài cốt của 66 người. Một số hài cốt trong số đó với niên đại trên 200.000 năm, và các đặc điểm bất thường của số hài cốt đó. Hóa ra, 2/3 số đặc điểm dị thường đó ngày nay rất ít gặp, chỉ được tìm thấy ở chưa đầy 1% dân số và một số đặc điểm khác đã không hoàn toàn thấy trong quần thể cư dân hiện đại. Phân tích toán học cho thấy xác suất ngẫu nhiên trong trường hợp này là rất thấp, do đó, chắc chắn phải có những yếu tố văn hóa hoặc môi trường ảnh hưởng đến cấu tạo bộ xương của những người này.

Trước đó, các nhà khoa học đã đưa ra một số giả thuyết. Theo một giả thuyết, những người có đặc điểm tương tự là các pháp sư trong cộng đồng. Vì vậy, họ được chôn cất với nghi lễ. Còn theo một nghiên cứu khác, các dị tật xương có liên quan đến sự thiếu hụt dinh dưỡng ở các bà mẹ khi mang thai. Tuy nhiên, Eric Trinkaus lưu ý rằng các bệnh như vậy, chẳng hạn như còi xương, ảnh hưởng đến cấu tạo toàn bộ bộ xương, trong khi nhiều bộ hài cốt chỉ biến dạng một phần. Ngoài ra, nhiều bộ hài cốt không hề có dấu vết của hoạt động nghi lễ.

Vì vậy, Eric Trinkaus đã đưa ra một giả thuyết mới. Theo đó, các dị tật này là do có quá nhiều trường hợp giao phối cận huyết, dẫn đến các khuyết tật di truyền. Điều này được xác nhận bởi một số dị thường được phát hiện tương ứng với nơi cư trú của các nhóm người nhỏ lẻ và bị cô lập, như đã được ghi nhận trong khảo cổ học hiện đại.

Vũ Trung Hương

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/khoa-hoc-cong-nghe-c-68/giao-phoi-can-huyet-khien-xuong-cua-nguoi-co-dai-co-nhieu-di-tat-100431.html