Giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ: Thủ tục nhanh gọn, nhận quà mang về

Cẩn thận gói gém 3 con dao tự chế bỏ vào bao nilong, ông Nguyễn Xuân Quế (59 tuổi) mang đến trụ sở CAP Nam Dương (Q. Hải Châu, TP Đà Nẵng) giao nộp. Đây là số dao tự chế của một nhóm thanh thiếu niên bỏ lại trong các hốc ở chợ Nam Dương mà ông nhặt được.

Cẩn thận gói gém 3 con dao tự chế bỏ vào bao nilong, ông Nguyễn Xuân Quế (59 tuổi) mang đến trụ sở CAP Nam Dương (Q. Hải Châu, TP Đà Nẵng) giao nộp. Đây là số dao tự chế của một nhóm thanh thiếu niên bỏ lại trong các hốc ở chợ Nam Dương mà ông nhặt được.

Người dân tự nguyện đến giao nộp vũ khí cho CAP Nam Dương.

Người dân tự nguyện đến giao nộp vũ khí cho CAP Nam Dương.

Trước đó vài ngày, Cảnh sát khu vực (CSKV) đến khu phố để tuyên truyền và thông báo từ ngày 22-9, CAP sẽ bố trí lực lượng để tiếp nhận vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ (VK, VLN, CCHT). Trong vòng 20 phút sau khi giăng băng-rôn tại điểm thu gom VK,VLN,CCHT tại địa chỉ 193 Hoàng Diệu, 3 người dân đã tự nguyện đến giao nộp 6 cây dao tự chế, mã tấu. Trong ngày 22-9, hàng chục cây dao, gậy khác cũng được người dân tự nguyện mang đến giao nộp. Đây là kết quả của sự kiên trì, linh hoạt trong quá trình tuyên truyền, vận động người dân trên địa bàn của lực lượng CAP. Với phương châm "Đi từng nhà, rà từng người", CAP Nam Dương đã phối hợp bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ dân phố đến từng nhà, khu dân cư để tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về quản lý VK, VLN, CCHT. Một số cây dao tự chế được người dân đến giao nộp có cán dài đến hơn 1 mét, trên đầu gắn dao phóng lợn sắc bén. Anh Hồ Đức Trọng, tranh thủ trước khi đi làm cũng đã ghé qua để giao nộp 2 cây mã tấu. Chỉ trong vòng 2 phút, CAP đã hoàn tất giấy biên bản tiếp nhận. Anh cho biết, chính bố mẹ anh đã khuyên nhủ anh giao nộp các vũ khí này để tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật. Tương tự, anh Trần Trương Quý (1996) cũng đến nộp 1 cây dao tự chế dài hơn 2 mét. Cây dao này do hàng xóm nhặt được trước nhà nên nhờ anh Quý đưa đến CAP.

Đại úy Mai Thanh Sơn- Trưởng CAP Nam Dương chia sẻ, thực hiện theo kế hoạch của Giám đốc CATP Đà Nẵng, đơn vị đã chỉ đạo CSKV đến từng khu dân cư, tổ dân phố để tuyên truyền miệng và kết hợp in, phát tài liệu, tờ rơi liên quan. Bên cạnh đó, CAP cũng tuyên truyền bằng hình thức loa di động gắn trên xe máy. "Nhờ đó, nhiều người dân biết được thông tin, các quy định và có ý thức tự nguyện giao nộp các vũ khí, vật liệu nổ. CAP cũng xác định công tác nâng cao nhận thức, giúp người dân hiểu thấu đáo về chủ trương thu hồi VK, VLN, CCHT và tự nguyện giao nộp là nhiệm vụ lâu dài, thường xuyên và liên tục", Đại úy Sơn nói.

Trưởng CAP Nam Dương cũng cho biết thêm, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn chưa có vụ việc sử dụng hung khí đánh nhau gây mất ANTT. Qua công tác nghiệp vụ và quá trình tuần tra, CAP cũng đã phát hiện 2 trường hợp thanh niên tàng trữ dao, vũ khí tự chế trong nhà và đã thu hồi, xử lý theo quy định. Việc làm này đã được nhân dân đồng tình, ủng hộ cao.

Có thể nói, công tác vận động người dân để thu hồi VK, VLN, CCHT có vai trò quan trọng trong đấu tranh, phòng ngừa tội phạm. Đây là biện pháp để phòng ngừa, ngăn chặn những vụ việc sử dụng hung khí để đánh nhau ngay từ "mầm mống" ban đầu, tránh để lại những hậu quả đáng tiếc.

Anh Hồ Đức Trọng vui vẻ nhận quà từ CAP Nam Dương sau khi giao nộp 2 cây mã tấu.

Nói về những khó khăn trong quá trình tuyên truyền, vận động người dân, Thiếu tá Thái Duy Vinh- Phó trưởng CAP Nam Dương bộc bạch, đa số người dân còn mang nặng tâm lý e ngại giao nộp VK, VLN, CCHT, nhất là các đối tượng "giang hồ", có tiền án, tiền sự. Để giải quyết vấn đề này, CAP đã lên danh sách các đối tượng nghi vấn có thể tàng trữ VK, VLN, CCHT. Đi từng nhà, không có nghĩa là gõ cửa hết 100% số nhà trên địa bàn. CAP đã sàng lọc, xác định những khu vực phức tạp, hộ có con em trong diện quản lý hoặc gia đình lao động… trước khi đến tận nơi để tuyên truyền hoặc thông qua các tổ chức đoàn thể, tranh thủ sự ủng hộ của người có uy tín ở khu dân cư để vận động.

Khi tiếp nhận các VK, VLN, CCHT từ phía người dân, cán bộ CAP luôn có thái độ niềm nở, tôn trọng và chu đáo. CAP Nam Dương cũng chuẩn bị sẵn nhiều phần quà nhỏ để gửi tặng lại mỗi người dân khi đến giao nộp, dù nhiều hay ít. Món quà tuy giá trị không lớn, nhưng ai cũng vui vẻ và cảm thấy việc làm của mình có ích, được chính quyền ghi nhận xứng đáng.

Trước đó, để phát động phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc, CAP Nam Dương đã phát 1.000 móc khóa có in số điện thoại của trực ban CAP. Nhờ đó, nhiều vụ việc liên quan đến trộm cắp, vi phạm pháp luật được người dân cung cấp thông tin kịp thời. Trong thời gian tới, bên cạnh việc chủ động rà soát, lập danh sách các đối tượng có tiền án, tiền sự, có biểu hiện nghi vấn hoạt động phạm tội về VK, VLN, CCHT… CAP Nam Dương sẽ tiếp tục áp dụng các biện pháp như: Tuyên truyền thông qua các cuộc họp tổ dân phố, thông qua các phương tiện đại chúng. Đối với các trường hợp cố tình không giao nộp, lực lượng chức năng sẽ kiên quyết thu hồi, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

MAI VINH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/105_231962_.aspx