'Giao mùa' - Lắng sâu miền ký ức

'Giao mùa' là tên của triển lãm mỹ thuật vừa được khai mạc tại Nhà triển lãm 29 Hàng Bài, Hà Nội. Đây thực sự là hoạt động văn hóa có ý nghĩa, nhằm quảng bá nét đẹp truyền thống của đất nước nói chung và Thủ đô văn hiến nói riêng.

Giữa tiết trời nóng nực, những sắc màu tươi tắn của không gian phòng trưng bày phần nào xua tan cái nắng, nóng của mùa hè rực lửa. Triển lãm lần này quy tụ 65 tác phẩm của 10 tác giả đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội, tất cả đều có chung niềm đam mê hội họa, khát khao được vẽ.

 Sông Hồng. Tranh của Nguyễn Trọng Hà.

Sông Hồng. Tranh của Nguyễn Trọng Hà.

Mỗi nghệ sĩ một phong cách, một cách thể hiện khác nhau, tạo ra sự phong phú và đa dạng loại hình thể hiện. Có họa sĩ chiêm nghiệm cuộc sống qua lối tả thực, người thì dùng bút pháp trừu tượng, người khác vẽ theo mạch nguồn cảm hứng. Nhưng dù phương pháp nào cũng đều toát lên được vẻ lung linh huyền ảo của cuộc sống, chắt lọc sự tinh tế của đường nét, hình khối, tạo ra bố cục đẹp trong mỗi bức tranh.

Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, họa sĩ Phú Lâm dành trọn tình yêu cá nhân để vẽ về những góc phố thân thương, từng mái nhà xô nghiêng, bức tường rêu phong bên ngõ nhỏ mà tuổi thơ anh thường hay chơi trốn tìm. Còn với họa sĩ Bùi Trung Hà, anh tìm về cảm xúc thanh bình bên những đóa hoa khoe sắc trong mỗi sớm bình minh. Nghệ sĩ Duy Hà sử dụng phương pháp tối giản để tập trung thị giác và cảm giác qua sự chuyển động hình khối, người xem cảm nhận con đường mình vừa đi qua là những cánh đồng lúa vàng ngút mắt.

Bạch liên. Tranh của Phú Lâm

Dù được sinh ra ở Hà Nội, nhưng họa sĩ Trọng Hà rất có duyên với các vùng quê yên ả, để rồi những miền quê hương yêu dấu ở khắp mọi miền Tổ quốc luôn hiện diện trong tranh của anh cùng vẻ thanh bình và thơ mộng. Với Kiều Hải thì ký ức là phần đẹp nhất trong tâm hồn người nghệ sĩ, chẳng thế mà những mảng màu trên tranh của họa sĩ luôn ẩn chứa nét đẹp rêu phong cổ kính, huyền bí như thành cổ Sơn Tây, mảnh đất nơi anh sinh ra và lớn lên.

Làng quê. Tranh của Nguyễn Trọng Hà

Sự phong phú về chất liệu góp một phần không nhỏ trong sự thành công của triển lãm. Những chất liệu quen thuộc như sơn mài, sơn dầu, lụa… đến kỹ thuật tạo nên sự đa dạng cách thể hiện. Nếu họa sĩ Trần Văn Trường chỉn chu từng đường nét trong mỗi tác phẩm thì nghệ sĩ Văn Hải lại thể hiện sự phóng khoáng trong tạo hình. Nếu Nguyễn Đức sáng mạnh về cách điệu hình và bố cục màu thì họa sĩ Quốc Thắng lại thể hiện sự dịu dàng rất duyên của người phụ nữ Việt Nam.

Hoa đào. Tranh của Trần Văn Trường

Đến với cuộc triển lãm lần này, ngoài chuyên môn nghệ thuật họ còn có tinh thần đồng đội bởi trong số họ, nhiều họa sĩ trưởng thành từ người lính như Bùi Trung Hà, Nguyễn Đức Sáng, Nguyễn Trọng Hà, Kiều Hải, Phùng Minh… Chính những ngày trong môi trường quân ngũ, họ được tôi luyện ý chí và nghị lực bền bỉ để sẵn sàng dấn thân vào con đường nghệ thuật vốn vinh quang nhưng cũng vô cùng gian nan vất vả.

Mỗi tác phẩm là một câu chuyện, một mảnh ghép trong cuộc sống. Xem tranh, ta đi từ cảm xúc này đến cảm xúc khác, bởi giá trị nghệ thuật đã chạm tới sự rung cảm với độc giả yêu hội họa. Có thể nói Triển lãm "Giao mùa" lần này là món quà vô giá dành tặng những ai yêu quý hội họa Thủ đô.

HÀ CHUYÊN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/giao-mua-lang-sau-mien-ky-uc-627161