Giao lưu trực tuyến: Từ năm 2021, nhà nước không can thiệp vào chính sách tiền lương

Sáng nay (18/6), tại Hội trường Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên in báo nhân dân Hà Nội (15 Hàng Tre, Hoàn Kiếm, Hà Nội) báo Lao động Thủ đô phối hợp với Liên đoàn Lao động quận Hoàn Kiếm tổ chức buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề 'Phổ biến pháp luật lao động, giải đáp những vướng mắc về chính sách tiền lương và các chế độ theo lương'.

Các đại biểu đến dự chương trình Giao lưu

Các đại biểu đến dự chương trình Giao lưu

Buổi giao lưu là hoạt động thiết thực, thực hiện chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật của Thành phố Hà Nội. Đặc biệt, với chủ đề “Phổ biến pháp luật lao động, giải đáp những vướng mắc về chính sách tiền lương và các chế độ theo lương” sẽ góp phần nâng cao nhận thức, kiến thức pháp luật lao động, kiến thức về chính sách tiền lương cho các cơ quan, doanh nghiệp và công nhân viên chức lao động...

8h30

Dự buổi giao lưu trực tuyến có các đại biểu: ông Lê Đình Hùng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội; bà Lê Thị Bích Ngọc - Ủy viên Thường vụ Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội, Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô; các ông, bà Võ Hoàng Long - Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc quận Hoàn Kiếm; Hoàng Hữu Tiến - Phó Trưởng ban Dân vận quận Hoàn Kiếm; Lê Hoàng Thủy Vân - Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Hoàn Kiếm; Nguyễn Tạo Hữu – Phó Bí thư Đảng ủy Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên In báo Nhân dân Hà Nội.

Đặc biệt, buổi giao lưu còn có sự tham dự của gần 300 cán bộ, công nhân, viên chức lao động trực thuộc Liên đoàn Lao động quận Hoàn Kiếm.

Tham gia giao lưu, trả lời câu hỏi trực tiếp của công nhân lao động (CNLĐ) cũng như bạn đọc trực tuyến qua Internet là các chuyên gia: Hồ Thị Kim Ngân – Phó trưởng Ban Quan hệ lao động Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam; Tạ Văn Dưỡng – Trưởng Ban Chính sách Pháp luật Liên đoàn lao động thành phố Hà Nội; Tiến sĩ Vũ Thu Hiền – Giảng viên Học viện Tư pháp.

Bà Lê Thị Bích Ngọc - Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô phát biểu khai mạc buổi giao lưu,

8h35

Phát biểu tại buổi Giao lưu trực tuyến, bà Lê Thị Bích Ngọc – Tổng biên tâp Báo Lao động Thủ đô chia sẻ: Người lao động là lực lượng quan trọng trong xã hội vì họ tạo ra hầu hết các giá trị vật chất và tinh thần, quyết định sự phát triển xã hội. Vì vậy, những quy định điều chỉnh các quan hệ trong lĩnh vực lao động cũng là bộ phận quan trọng trong hệ thống pháp luật của bất kỳ quốc gia nào.

Bộ luật Lao động sửa đổi được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 20/11/2019 có hiệu lực từ ngày 1/1/2021, có 17 chương, 220 điều với nhiều sửa đổi, bổ sung quan trọng. Rất nhiều điểm mới của Bộ luật cần hiểu thấu đáo để áp dụng, đặc biệt là các quy định về tiền lương. Do có nhiều điểm mới của pháp luật lao động nên quá trình thực hiện chắc sẽ có những lúng túng.

Với mong muốn giúp người lao động, người sử dụng lao động có thêm kiến thức về những điểm mới của pháp luật Lao động, nhất là chính sách tiền lương và các chế độ theo lương. Hôm nay báo Lao động Thủ đô mời đến đây các chuyên gia là những người có uy tín, nhiều kinh nghiệm, kiến thức và đang tham gia giải quyết trực tiếp hoặc tư vấn các vấn đề liên quan đến pháp luật lao động, tiền lương và các chế độ theo lương. Các chuyên gia sẽ truyền đạt, hướng dẫn và giải đáp các khúc mắc của người lao động quan tâm về lĩnh vực này.

Bà Lê Hoàng Thủy Vân - Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Hoàn Kiếm phát biểu tại buổi giao lưu.

8h40

Cũng phát biểu tại buổi giao lưu, Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Hoàn Kiếm Lê Hoàng Thủy Vân chia sẻ: Thực hiện chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho cán bộ, đoàn viên, công nhân viên chức lao động trong nhiều năm qua Liên đoàn lao động quận Hoàn Kiếm đã có nhiều đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động theo hướng thiết thực hiệu quả. Đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền, vận động giáo dục và tư vấn pháp luật cho người lao động về các chế độ chính sách pháp luật liên quan như: Bộ Luật lao động, Luật Công đoàn, Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Luật an toàn vệ sinh lao động, Luật phòng cháy chữa cháy; luật phòng chống ma túy, tác hại của thuốc lá… các chế độ chính sách liên quan đến chính sách tiền lương, cải cách chính sách bảo hiểm xã hội ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, việc làm, tâm tư tình cảm của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Đây là năm thứ 3 liên tiếp Liên đoàn lao động quận phối hợp với báo Lao động Thủ đô tổ chức tuyên truyền đến đông đảo cán bộ, đoàn viên, công nhân viên chức lao động, đó là việc làm hết sức cần thiết có ý nghĩa nhằm đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, của các cấp công đoàn quận góp phần thực hiện, thắng lợi nghị quyết Đại hội Công đoàn các cấp, nghị quyết Đại hội XVI Công đoàn Thành phố Hà Nội và nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam, tiếp tục thực hiện chủ đề “Năm nâng cao chất lượng hoạt động của công đoàn cơ sở” và hưởng ứng “Ngày Quốc tế phòng, chống ma túy”.

Hy vọng qua buổi giao lưu trực tuyến hôm nay cán bộ, đoàn viên, người lao động sẽ được các chuyên gia giàu kinh nghiệm trao đổi, hướng dẫn và giải đáp các những vướng mắc về chính sách tiền lương và các chế độ theo lương, những điều kiện được hưởng hỗ trợ của Nhà nước cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 hiện đang được đông đảo cán bộ, đoàn viên, người lao động tại các công đoàn cơ sở rất quan tâm.

Phát biểu chỉ đạo, ông Lê Đình Hùng – Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố

8h50

Đến dự và phát biểu tại buổi giao lưu, Phó Chủ tịch LĐLĐ Thành phố Lê Đình Hùng ghi nhận và nhiệt liệt biểu dương những cố gắng, nỗ lực của báo Lao động Thủ đô trong việc thường xuyên phối hợp với các Công đoàn cấp trên cơ sở để tổ chức các buổi giao lưu trực tuyến nhằm trang bị, nâng cao kiến thức pháp luật cho đoàn viên, công nhân viên chức lao động. “Hoạt động này đã trở thành hoạt động thường xuyên của báo Lao động Thủ đô và đạt hiệu quả rất thiết thực”- Phó Chủ tịch Lê Đình Hùng nhận xét. Phó Chủ tịch Lê Đình Hùng cũng đánh giá cao sự phối hợp tích cực, trách nhiệm của Liên đoàn Lao động quận Hoàn Kiếm trong việc tổ chức hoạt động tuyên truyền pháp luật cho người lao động.

Đánh giá cao ý nghĩa thiết thực của buổi giao lưu trực tuyến “Giải đáp những vướng mắc về chính sách tiền lương và các chế độ theo lương”, Phó Chủ tịch Lê Đình Hùng cho rằng, từ ngày 1/1/2021, Bộ Luật Lao động 2019 sẽ có hiệu lực thi hành với nhiều sửa đổi, bổ sung liên quan đến quyền lợi của người lao động, vì vậy, chắc chắn đoàn viên, người lao động sẽ có rất nhiều tâm tư, thắc mắc khi đến tham gia buổi giao lưu này.

Lãnh đạo Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội, quận Hoàn Kiếm, báo Lao động Thủ đô tặng hoa các chuyên gia.

Phó Chủ tịch Lê Đình Hùng đề nghị các đoàn viên, công nhân viên chức lao động thẳng thắn, mạnh dạn nêu nhiều câu hỏi là những vấn đề còn băn khoăn, vướng mắc với các chuyên gia để hiểu rõ, hiểu kỹ và thực thi tốt chính sách pháp luật.

Với các chuyên gia, Phó Chủ tịch Lê Đình Hùng mong muốn các chuyên gia sẽ vận dụng tốt các kiến thức lý thuyết và kinh nghiệm thực tiễn để trang bị thông tin đầy đủ, thiết thực nhất đối với người lao động.

Đặc biệt, Phó Chủ tịch Lê Đình Hùng đề nghị báo Lao động Thủ đô tiếp tục phối hợp với các LĐLĐ quận, huyện, thị xã, công đoàn ngành tổ chức thêm nhiều các buổi giao lưu trực tuyến, tạo kênh thông tin thiết thực, hữu ích cho người lao động cập nhật kiến thức pháp luật, để tự bảo vệ mình trong quan hệ lao động, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng lao động 4.0 đang tới với không ít thách thức.

9h: Các chuyên gia bắt đầu trả lời các câu hỏi của bạn đọc và NLĐ

Ông Bùi Nguyên Căn, Công ty Cổ phần Đồng Xuân hỏi: Hiện tại, Công ty chúng tôi có 2 lực lượng trực đêm là bảo vệ chợ đêm và bảo vệ tuyến phố ban đêm, có được chi trả lương theo chế độ. Tôi xin hỏi sau này về hưu chúng tôi có được hưởng chế độ tiền lương không? Và độ tuổi nghỉ hưu có được nghỉ sớm không hay tính như bình thường?

Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng cho biết, theo quy định của Bộ luật Lao động thì tiền lương hiện tại của người lao động ban đêm được tính bằng lương ban ngày cộng thêm 30%. Trên cơ sở đó người lao động tham gia đóng quỹ bảo hiểm xã hội thì khi nghỉ hưu sẽ được chi trả trên cơ sở đó. Công việc này không thuộc danh mục những công việc nặng nhọc, nguy hiểm nên người lao động không được nghỉ hưu sớm, độ tuổi nghỉ hưu vẫn tính như bình thường.

Ông Bùi Quốc Doanh, Chủ tịch Công đoàn Tập đoàn T&T hỏi: Trong thời gian dịch Covid-19, chúng tôi chấp hành nghiêm dãn cách xã hội và phòng chống dịch, không có ai mắc bệnh, cách ly thực hiện nghiêm, người lao động không mất việc làm. Vừa qua Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành quyết định 643 chi trả trợ cấp cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch. Chúng tôi đã nghiên cứu nhưng hiểu chưa được sâu, xin các chuyên gia tư vấn thêm để chúng tôi hiểu rõ hơn về quyết định này?

Chuyên gia Hồ Thị Kim Ngân: Quyết định 643 đây là gói hỗ trợ của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam trên cơ sở nguồn chi từ tiền tích lũy từ LĐLĐ cấp tỉnh, cấp trên cơ sở. Chi cho 2 đối tượng: đối tượng bị thiếu hoặc mất việc làm dẫn đến thu nhập giảm, thấp hơn tiền lương cơ sở.

Đối tượng thứ 2 nếu người lao động rơi vào trường hợp đặc biệt khó khăn như nữ mang thai, lao động nuôi con nhỏ, người lao động là người khuyết tật, hoặc người lao động là lao động chính nhưng có gia đình người thân đang mắc bệnh hiểm nghèo phải điều trị tại bệnh viện hoặc tại nhà. Ngoài ra, những trường hợp đặc biệt khó khăn khác do LĐLĐ cấp tỉnh và LĐLĐ cấp trên cơ sở, đơn vị có nguồn dự phòng được Tổng Liên đoàn Lao động giao sử dụng năm 2020 cũng được chi từ nguồn đó. Số tiền không nhiều nhưng thể hiện sự chia sẻ của cán bộ công đoàn với người lao động.

Ông Nguyễn Thành Trung- Chủ tịch công đoàn một Công ty cổ phần kinh doanh về lĩnh vực khách sạn trên địa bàn quận Hoàn Kiếm hỏi:Do ảnh hưởng dịch Covid- 19, Công ty chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn, lượng khách nhất là khách nước ngoài rất hạn chế. Mặc dù đã tìm nhiều giải pháp khắc phục nhưng chúng tôi vẫn bắt buộc phải cho thực hiện nghỉ luân phiên đối với người lao động thậm chí phải đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với một số trường hợp. Tôi xin hỏi việc Công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động như vậy có đúng pháp luật không? Thủ tục thực hiện đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động như thế nào để đúng pháp luật và vai trò công đoàn cơ sở phải làm việc gì khi doanh nghiệp thực hiện đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động?

TS Vũ Thu Hiền trả lời: Việc doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid- 19 là một trong những căn cứ để doanh nghiệp có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động. Nhưng để việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động đúng pháp luật thì doanh nghiệp phải chững minh được rằng doanh nghiệp đã tìm mọi giải pháp khắc phục khó khăn nhưng không thể được, việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động là bắt buộc.

Cùng đó, doanh nghiệp phải thực hiện báo trước cho người lao động, số ngày báo trước tùy thuộc vào thời gian ký kết hợp đồng lao động dao động từ 3 đến 45 ngày. Ngoài ra, doanh nghiệp không được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động đang trong trong thời gian ốm đau, nghỉ thai sản, nghỉ phép năm và nếu người lao động là cán bộ công đoàn thì doanh nghiệp phải trao đổi với Ban chấp hành công đoàn cơ sở

Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng bổ sung: Khi doanh nghiệp thực hiện đơn phương chấm dứt hợp đồng với người lao động thì công đoàn cơ sở có 3 nhiệm vụ chính đó là trực tiếp tham gia phương án sử dụng lao động của doanh nghiệp như cắt giảm sai, dừng việc ai, giữ lại ai. Sau khi khi tham gia xây dựng phương này rồi thì công đoàn tiếp tục có trách nhiệm giám sát việc chế độ chính sách đối với những người lao động này và phải tuyên truyền cho người lao động hiểu, thông cảm chia sẻ khó khăn với người lao động

Ông Bùi Quốc Doanh (Chủ tịch Công đoàn Tập đoàn T&T) đặt câu hỏi

Anh Trần Minh Tuấn (Chủ tịch CĐ cơ quan Cung thiếu nhi Hà Nội) hỏi :Trong thời gian qua do ảnh hưởng của dịch Covid -19, cơ quan tôi phả nghỉ theo chủ trương chung là giãn cách xã hội phòng lưa sự lây lan của dịch bệnh. Cơ quan tôi đã áp dụng cho nhân viên nghỉ không lương và hoặc nghỉ luân phiên. Đối với trường hợp như cơ quan tôi thì tổ chức Công đoàn có thể đề nghị giảm học phí cho con NLĐ nghỉ không lương hoặc bị chấm dứt hợp đồng lao động không? Trong quá trình nghỉ không lương như vậy có thể hoãn, giãn Công đoàn phí hay không?

Chuyên gia Hồ Thị Kim Ngân: Đối với trường hợp NLĐ muốn đề nghị miễn giảm học phí, Công đoàn cơ sở có thể làm kiến nghị lên Tổng liên đoàn lao động để Tổng liên đoàn kiến nghị lên Chính phủ, Bộ giáo dục, cơ quan chức năng để có thể xem xét các trường hợp này.

Đối với vấn đề phí công đoàn, từ tháng 3 Tổng liên đoàn đã có công văn số 245 hướng dẫn các cấp công đoàn cơ sở, doanh nghiệp lùi việc thu phí công đoàn sang tháng 6 do ảnh hưởng của dịch Covid. Nếu ảnh hưởng dịch bệnh kéo dài có thể kéo dài đến tháng 12/2020.

Anh Bùi Nguyên Căn (Công ty Cổ phần Đồng Xuân) đặt câu hỏi

Đ/c Chủ tịch Công đoàn Trường Mầm non Tháng Tám hỏi: Tại trường chúng tôi, có một số giáo viên nghỉ thai sản trùng với khoảng thời gian nghỉ dịch do Covid-19. Tôi xin hỏi có những giáo viên đó có được nghỉ bù thêm không?

Chuyên gia Hồ Thị Kim Ngân trả lời: Theo quy định lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 6 tháng, không có bất kì quy định nào về việc nghỉ bù nếu thời gian nghỉ thai sản trùng với lịch nghỉ khác. Thời gian nghỉ thai sản đã tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hàng tuần. Có thể thấy, việc nghỉ dịch do Covid-19 là tình huống xảy ra bất ngờ, được áp dụng đối với những người lao động hiện đang trực tiếp làm việc tại công ty, còn giáo viên hiện đang nghỉ chế độ thai sản, không trực tiếp làm việc tại trường. Do đó, nếu thời gian nghỉ thai sản của họ trùng với thời gian nghỉ dịch thì sẽ không được nghỉ bù.

Chị Nguyễn Thị Thanh Hảo, Công ty TNHH MTV Điện ảnh Hà Nội hỏi: 1, Công ty kinh doanh trong lĩnh vực điện ảnh, chiếu phim, vừa qua dịch Covid-19, Công ty cũng phải cho nghỉ không lương, một số cán bộ nhân viên thì được trả lương thấp hơn lương tối thiểu vùng. Như vậy Công ty có vi phạm không?

2, Công ty đứng ra đóng Bảo hiểm xã hội trong thời gian cán bộ nhân viên nghỉ không lương thì có bị vi phạm chế độ tài chính không?

Ông Nguyễn Thành Chung (Công ty Cổ phần 216) đặt câu hỏi

Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng: 1, Theo quy định tiền lương của Bộ Luật Lao động, doanh nghiệp có quyền quyết định hình thức thỏa thuận với người lao động trả lương theo ngày, theo tháng, khoán sản phẩm…tuy nhiên có một nguyên tắc đó là mức lương trả cho người lao động không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định. Vùng 1 quận Hoàn Kiếm là 4 triệu 420 nghìn đồng, nếu người lao động đó đã qua đào tạo sẽ được cộng thêm 5%, như vậy người lao động được hưởng ít nhất là 4 triệu 6 trăm mấy chục ngàn. Nếu doanh nghiệp trả thấp hơn thì thực hiện chưa đúng theo quy định của Bộ luật lao động. Tuy nhiên trong tình hình dịch bệnh, doanh nghiệp khó khăn, người lao động và chủ sử dụng lao động có thể thỏa thuận với nhau, khó khăn có thể nhận 1 triệu hoặc không nhận lương thì được.

2, Nguyên tắc đóng Bảo hiểm xã hội chỉ đóng khi xuất hiện tiền lương, tham gia làm việc từ 14 ngày trở lên thì tháng đó được đóng Bảo hiểm xã hội, dưới 14 ngày là không đóng. Do đó nếu tháng đó không làm không có tiền lương thì không thể trích nộp tiền đóng Bảo hiểm xã hội được.

Anh Trần Minh Tuấn (Chủ tịch Công đoàn cơ quan Cung Thiếu nhi Hà Nội) đặt câu hỏi

Một bạn đọc gửi câu hỏi qua hệ thống trực tuyến hỏi: Trong khi đang làm việc ở Công ty thì tôi được báo ở nhà có việc đột xuất phải về giải quyết. Trên đường về, tôi không may bị tai nạn giao thông, xin hỏi các chuyên gia, trong trường hợp này, tôi có được hưởng chế độ gì không?

Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng trả lời: Đối với câu hỏi này sẽ có hai trường hợp xảy ra, nếu người lao động tự về giải quyết việc gia đình thì không được hưởng chế độ gì cả, nếu người lao động trước khi về có báo cáo và được người có trách nhiệm đồng ý cho về thì người lao động sẽ được hưởng trợ cấp cấp tai nạn lao động vì theo quy định của pháp luật thì tai nạn xảy ra trên đường đi làm hoặc đi làm về được coi là tai nạn lao động.

Chị Nguyễn Thị Thanh Hảo (Công ty TNHH MTV Điện ảnh Hà Nội) đặt câu hỏi

Vũ Xuân Trường, Chủ tịch Công đoàn Cty Cổ phần Sách Hà Nội hỏi: Khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra Công ty báo vẫn phải nộp Bảo hiểm xã hội và tiền lương (trường hợp của tôi là cửa hàng thuê khoán), sau đó Công ty lại thông báo chuẩn bị đóng cửa hàng, không trả lương cho người lao động. Xin hỏi Công ty làm thế có đúng không?

Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng: Trường hợp này phụ thuộc rất nhiều vào cam kết hợp đồng lao động mà hai bên đã ký. Nhưng theo nguyên tắc chung trong Bộ luật Lao động có 3 hình thức trả lương: theo thời gian, theo sản phẩm, theo khoán nhưng nguyên tắc mức lương không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng, trường hợp này không có doanh thu, trong cơ chế chỉ khoán theo cơ chế quản lý của doanh nghiệp, nếu Công ty khó khăn thì thực hiện các giải pháp hoãn hợp đồng lao động hoặc chấm dứt chứ không thể không có doanh thu là không trả lương cho người lao động.

Bà Nguyễn Thị Linh Hà (Trường Mầm non tháng Tám) đặt câu hỏi

Bà Trần Thị Thanh Giang, Phó Trưởng phòng việc làm, Trung tâm Dịch vụ việc làm và Hỗ trợ thanh niên Hà Nội hỏi: Sau dịch Covid-19 chương trình hoạt động của chúng tôi lại bị ảnh hưởng do đã quá hè, bởi hầu như nguồn chủ yếu vào mùa hè, do vậy chúng tôi bị thiệt hại nặng nề. Như vậy chúng tôi có được hỗ trợ không và nhận hỗ trợ từ đâu ?

Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng - Trưởng Ban Chính sách Pháp luật Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội: Theo nghị quyết 42, gói hỗ trợ sẽ áp dụng với những đơn vị bị ảnh hưởng trong 3 tháng là tháng 3-5. Ảnh hưởng từ tháng 6 trở đi sẽ không được hỗ trợ.

Một bạn đọc gửi câu hỏi qua hệ thống trực tuyến hỏi: Người lao động bị bệnh tim mạch phải khám định kỳ hàng tháng theo giấy hẹn của bác sỹ tại bệnh viện (có hồ sơ theo dõi bệnh án). Vậy buổi (ngày) đi hám đó doanh nghiệp trả lương hay Bảo hiểm xã hội thanh toán và thủ tục thanh toán gồm những giấy tờ gì để người lao động được hưởng lương ốm?

Bà Lê Hoàng Thủy Vân - Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Hoàn Kiếm tặng quà cho công nhân viên chức lao động tham gia phần giao lưu.

Chuyên gia Hồ Thị Kim Ngân trả lời: Theo quy định của pháp luật thì sau tối đa 1 năm làm việc, người lao động có quyền nghỉ ốm hưởng nguyên lương. Nhưng về nguyên tắc bảo hiểm xã hội chỉ chi trả khi người lao động ốm đau có chỉ định của bác sỹ, buộc phải nghỉ để đi khám. Vì thế, trong trường hợp bạn bị bệnh tim mạch mà bác sỹ chỉ định phải nghỉ việc để đi khám trong ngày hôm đó thì bạn sẽ được bảo hiểm xã hội thanh toán. Nếu như bạn thấy ốm đau mà đi khám nhưng không có bệnh hoặc bệnh không đến mức phải nghỉ việc thì Bảo hiểm xã hội không phải thanh toán chế độ cho người lao động, trưởng hợp này, người lao động phải báo cáo với doanh nghiệp, nếu doanh nghiệp đồng ý thì sẽ trả lương cho bạn.

Chị Trần Thị Thanh Giang (Phó Trưởng phòng việc làm, Trung tâm Dịch vụ việc làm và Hỗ trợ thanh niên Hà Nội) đặt câu hỏi

Chị Nguyễn Hương Giang- Phó Hiệu trưởng, Chủ tịch Công đoàn trường mầm non 20/10 hỏi: Bình thường giáo viên làm việc 10 tháng, có 2 tháng nghỉ hè, nhưng nghỉ thai sản lại trùng 2 tháng hè này thì gv có đc nghỉ bù không?

Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng trả lời: Theo quy định của pháp luật, nếu thời gian nghỉ thai sản của giáo viên trùng với nghỉ hè thì không được nghỉ bù tiếp vì nghỉ hè là nghỉ hàng năm chị vẫn được hưởng lương, và bảo hiểm xã hội vẫn thanh toán thai sản đủ 6 tháng cho chị.

Chị Nguyễn Thị Hiền - Đại diện một Công ty có vốn đầu tư nước ngoài hỏi, Công ty tôi có vốn đầu tư nước ngoài. Trong trường hợp Công ty thay đổi chủ đầu tư và chủ đầu tư mới muốn đóng cửa trụ sở tại Hà Nội và chuyển vào Nam. Người lao động tại Công ty không theo đi theo doanh nghiệp được. Vậy chủ đầu tư mới có chế độ gì cho người lao động không?

Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô Lê Thị Bích Ngọc tặng quà cho công nhân lao động trả lời đúng câu hỏi giao lưu.

Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng trả lời: Theo điều 44 của Bộ luật Lao động, khi chuyển sở hữu khiến thay đổi cơ cấu ảnh hưởng đến việc làm của nhiều người lao động, thì người sử dụng lao động phải có trách nhiệm xây dựng và thực hiện phương án sử dụng lao động theo quy định tại Điều 46 của Bộ luật Lao động, sử dụng bao nhiêu lao động, đào tạo lại bao nhiêu lao động, cho bao nhiêu lao động nghỉ việc và phải có ý kiến của Công đoàn cơ sở và gửi phương án đó lên Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội. Trong 30 ngày, nếu Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội không có ý kiến gì thì sẽ sử dụng phương án đó.

Trong trường hợp người sử dụng lao động không thể giải quyết được việc làm mới mà phải cho người lao động thôi việc thì phải trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động theo quy định tại Điều 49 của Bộ luật Lao động, ngoài ra còn được trả trợ cấp thôi việc theo quy định của Bộ Luật Lao động.

Nguyễn Thị Huế, một doanh nghiệp sản xuất hỏi: Theo Công văn số 119 của Bộ Lao động Thương binh và xã hội ngày 28/3/2019 có triển khai hỗ trợ huấn luyện an toàn vệ sinh lao động và duy trì quản lý tai nạn lao động nghề nghiệp. Doanh nghiệp phải làm gì để được hỗ trợ huấn luyện an toàn lao động?

Chị Nguyễn Thị Hiền (Làm việc tại một công ty có vốn đầu tư nước ngoài) đặt câu hỏi

Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng: Theo Luật an toàn vệ sinh lao động và Nghị định 37 về chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, mỗi tháng phải trích nộp không quá 1% tiền lương gọi là bảo hiểm tai nạn lao động nghề nghiệp trong đó ngoài việc chi trả trợ cấp cho người lao động khi bị tai nạn thì chi hỗ trợ cho doanh nghiệp trong huấn luyện an toàn lao động, chi hỗ trợ các phương tiện phục vụ cho người lao động khi không may bị tai nạn. Riêng huấn luyện an toàn lao động theo quy định của Luật là có hỗ trợ, doanh nghiệp làm thủ tục theo biểu mẫu của Nghị định 37 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về hướng dẫn Luật an toàn, chế độ bảo hiểm tai nạn nghề nghiệp, nộp hồ sơ lên phòng an toàn lao động và việc làm của Sở Lao động Thương binh xã hội.

Chị Phạm Thị Hằng, Tập đoàn T&T hỏi: Theo luật lao động mới thời gian làm thêm ngoài giờ như thế nào ?

Câu hỏi tiếp theo 1 người sinh năm 1955, đến năm 1998 nhận BHXH 1 lần. Đến năm 2018 người này quay lại làm việc ở vị trí cao hơn. Như vậy người này có phải đóng BHXH không?

Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng : Theo bộ Luật lao động năm 2019, thời gian làm thêm sẽ không quá 40 giờ/tuần. Đối với việc NLĐ nam đã hưởng chế đô 1 lần sẽ không cần thiết phải tham gia BHXH. Về nguyên tắc khi công ty ký hợp đồng sẽ phải liên quan đến các chế độ khác.

Anh Vũ Xuân Trường, Chủ tịch Công đoàn Cty CP Sách HN: tôi đã đóng bh đc 35 năm 6 tháng đến thsngs 12 thì tôi tròn 55 tuổi. Tôi muốn nghỉ để ăn lương thất nghiệp từ năm 2021. Vậy tôi xin hỏi tg thừa năm đóng bhxh thì có đc chi trả không?

Tạ Văn Dưỡng : Điều kiện hưởng hưu trí là 60 tuổi, theo Luật mới mới mỗi năm sẽ tăng 3 tháng. Như thời gian anh đóng BHXH đã thừa điều kiện và khi anh nghỉ hưu sẽ được hưởng tối đa là 75%. Với thời gian anh đóng thừa cơ quan BHXH sẽ trả anh mỗi năm đóng thừa là 50% tháng lương.

Nhóm phóng viên

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/giao-luu-truc-tuyen-tu-nam-2021-nha-nuoc-khong-can-thiep-vao-chinh-sach-tien-luong-109485.html