Giao lưu trực tuyến: Tăng cường giáo dục phòng chống thiên tai cho học sinh

'Tăng cường giáo dục phòng chống thiên tai cho học sinh' là chủ đề giao lưu trực tuyến trên Báo Giáo dục và Thời đại điện tử diễn ra từ 9h00 ngày 27/10/2020.

Tham gia chương trình có các khách mời:

- TS Lê Thanh Hà – Phó Trưởng bộ môn Tâm lý giáo dục, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2

- PGS.TS Nguyễn Hồng Phương – Viện Vật lý địa cầu

- Cô Hà Thị Duyên, giáo viên trường THPT Vạn Xuân, Hoài Đức, Hà Nội

- Cô Nguyễn Thị Lý, Hiệu trưởng Trường mầm non Cẩm Vịnh, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh.

Phòng chống thiên tai là một nội dung được giảng dạy lồng ghép, tích hợp tại một số môn học, hoạt động giáo dục trong nhà trường. Đây cũng là vấn đề được Bộ GD&ĐT quan tâm chỉ đạo nhiều năm trở lại đây.

Năm 2018, Bộ GD&ĐT, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ký, ban hành Chương trình phối hợp công tác về phòng chống và giảm nhẹ thiên tai trong ngành GD-ĐT giai đoạn 2018-2023 với thông điệp: chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai; chuẩn bị sẵn sàng và bảo đảm an toàn trong trường học là trách nhiệm của của ngành Giáo dục và của toàn xã hội.

Mới đây nhất, ngày22/10/2020, Bộ GD&ĐT đã công bố Quyết định số 3162/QĐ-BGDĐ ban hành Kế hoạch phòng, chống thiên tai Bộ GD&ĐT giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu đưa ra là tăng cường quản lý nhà nước về phòng, chống thiên tai, nâng cao năng lực, tính chủ động của toàn ngành Giáo dục trong phòng, chống thiên tai.

Đồng thời, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, trang bị kiến thức, kĩ năng cho cán bộ quản lý, đội ngũ nhà giáo, người học (bao gồm trẻ em mầm non, sinh viên, học sinh từ tiểu học đến đại học) và người lao động.

Xây dựng tiêu chuẩn, qui chuẩn đảm bảo an toàn trước thiên tai đối với trường, lớp học; huy động và sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực.

Tăng cường hợp tác quốc tế để phòng, chống thiên tai trong ngành Giáo dục nhằm hạn chế sự thiệt hại về người và tài sản, giảm thiểu sự gián đoạn các hoạt động dạy - học, góp phần phát triển giáo dục, kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh, quốc phòng; bảo đảm thực hiện chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển giáo dục gắn kết với công tác phòng, chống thiên tai.

Làm thế nào để tiếp tục triển khai hiệu quả nhất giáo dục phòng chống thiên tai cho học sinh, sinh viên? Câu trả lời sẽ được các khách mời chia sẻ trong giao lưu trực tuyến. Ngay từ bây giờ, bạn đọc có thể gửi câu hỏi theo form dưới đây, hoặc gửi qua email: [email protected]; hoặc tương tác qua facebook của Báo: www.fb.com/giaoducthoidai.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/trao-doi/giao-luu-truc-tuyen-tang-cuong-giao-duc-phong-chong-thien-tai-cho-hoc-sinh-2s19iLtGg.html