Giao lưu trực tuyến 'Pháp luật lao động- Quyền lợi và nghĩa vụ'

Hiểu biết về pháp luật lao động không chỉ giúp người lao động có thể tự bảo vệ quyền lợi của chính mình mà còn thực hiện đúng trách nhiệm, nghĩa vụ khi tham gia quan hệ lao động. Điều này có nghĩa, việc tuyên truyền, phổ biến, nâng cao kiến thức pháp luật cho người lao động là rất cần thiết đối với cả người lao động và doanh nghiệp. Nhằm nâng cao hiểu biết pháp luật cho người lao động, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, Bắt đầu từ 8 giờ sáng nay (25/8/2017), tại hội trường Sở Giao thông vận tải Hà Nội, báo Lao động Thủ đô phối hợp với CĐ ngành Giao thông vận tải Hà Nội tổ chức buổi giao lưu trực tuyến 'Pháp luật lao động- Quyền lợi và nghĩa vụ'. Buổi giao lưu được truyền trực tuyến trên báo Lao động Thủ đô điện tử laodongthudo.vn.

Các đại biểu và công nhân lao động tham dự buổi giao lưu.

Các đại biểu và công nhân lao động tham dự buổi giao lưu.

Đến dự buổi giao lưu có các đồng chí Lê Ngọc Minh- Phó chủ tịch Công đoàn ngành Giao thông vận tải Việt Nam; Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thu - Phó Giám đốc học viện Tư Pháp; bà Lê Thị Bích Ngọc - Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô; bà Tạ Thị Mỹ Thanh - Chủ tịch CĐ ngành Giao thông vận tải Hà Nội; bà Trần Thị Thu Hà - Phó trưởng phòng chế độ, Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội; Ông Nguyễn Đức Cường- Phó trưởng phòng quản lý thu, Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội và bà Trần Thị Hồng Vân - Phó trưởng phòng Giám định Bảo hiểm y tế 2 - Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội; Cùng các đồng chí chủ tịch các công đoàn quận, huyện, ngành trực thuộc LĐLĐ TP Hà Nội.

Đặc biệt, với mục đích và ý nghĩa thiết thực, buổi giao lưu thu hút trên 200 CNLĐ trong các doanh nghiệp ngành Giao thông vận tải Hà Nội tham dự.

Tiết mục văn nghệ tại buổi giao lưu

Cùng chung tâm huyết mang những kiến thức pháp luật hữu ích nhất đến cho người lao động, những vị khách mời là các luật sư, chuyên gia Bảo hiểm xã hội giàu kinh nghiệm đã có mặt tại buổi giao lưu để trả lời những câu hỏi, giải đáp những thắc mắc của người lao động gồm TS Nguyễn Xuân Thu - Phó Giám đốc học viện Tư Pháp; bà Trần Thị Thu Hà - Phó trưởng phòng chế độ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội và bà Tạ Thị Mỹ Thanh - Chủ tịch CĐ ngành Giao thông vận tải Hà Nội

Bà Lê Thị Bích Ngọc, Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô phát biểu khai mạc buổi giao lưu.

Phát biểu khai mạc buổi giao lưu, bà Lê Thị Bích Ngọc, Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô nhận định, mặc dù việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật tới CNVCLĐ đã được các cấp, các ngành, đặc biệt là tổ chức công đoàn thực hiện thường xuyên, với nhiều hình thức đa dạng và phong phú, song việc hiểu hết và đúng các quy định về pháp luật, như Luật Lao động, Luật BHXH, Luật Công đoàn… đối với CNLĐ vẫn còn hạn chế.

Các chuyên gia tham gia buổi giao lưu trực tuyến

Vì vậy việc tuyên truyền nâng cao kiến thức hiểu biết pháp luật cho người lao động để sống và làm việc tuân thủ pháp luật là điều rất cần thiết nhằm giúp người lao động giải quyết hài hòa các mối quan hệ xã hội theo pháp luật; hạn chế tình trạng xung đột trong mối quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động. Có hiểu biết pháp luật thì người lao động mới có ý thức chấp hành và có thể bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của mình cũng như thực hiện tốt các nghĩa vụ của mình.

“Với mục đích và ý nghĩa đó, hôm nay báo Lao động Thủ đô phối hợp với CĐ ngành GTVT Hà Nội tổ chức buổi giao lưu trực tuyến và trực tiếp với hơn 200 CNVCLĐ của ngành GTVT, với chủ đề: “Pháp luật lao động – Quyền lợi và nghĩa vụ”. Đây cũng là hoạt động thiết thực của báo Lao động Thủ đô và CĐ ngành GTVT Hà Nội để thực hiện chủ đề của năm 2017 “Năm vì lợi ích đoàn viên”, chào mừng 72 năm cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9; tiến tới Đại hội Công đoàn các cấp”- Tổng biên tập Lê Thị Bích Ngọc nhấn mạnh.

Bà Tạ Thị Mỹ Thanh, Chủ tịch CĐ ngành Giao thông vận tải Hà Nội phát biểu tại buổi giao lưu

Phát biểu tại buổi giao lưu, bà Tạ Thị Mỹ Thanh, Chủ tịch CĐ ngành Giao thông vận tải Hà Nội cho biết: thời gian qua, CĐ ngành Giao thông vận tải Hà Nội đã bám sát nhiệm vụ chính trị của tổ chức công đoàn Thành phố, có nhiều đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động theo hướng thiết thực, hiệu quả, triển khai thực hiện nhiều hoạt động với các nhiệm vụ cụ thể. Trong đó, CĐ ngành đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền vận động, phố biến giáo dục và tư vấn pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật cho người lao động để người lao động có thể chủ động tự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình khi giao kết và thực hiện hợp đồng lao động.

“Hôm nay, CĐ ngành Giao thông vận tải Hà Nội phối hợp với báo Lao động Thủ dô tổ chức buổi giao lưu trực tuyến về pháp luật lao động cho CNVCLĐ ngành Giao thông vận tải nhằm hỗ trợ pháp lý, tập huấn nâng cao kiến thức pháp luật, quyền và nghĩa vụ cho người lao động. Tại diễn đàn này, các chuyên gia sẽ tư vấn, giải đáp những vấn đề liên quan thiết thân đến quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động”- bà Tạ Thị Mỹ Thanh cho biết.

Bắt đầu phần đặt câu hỏi với các chuyên gia, anh Nguyễn Huy Nam – Thanh tra giao thông vận tải huyện Mê Linh hỏi: Xin chuyên gia cho biết, đoàn viên CĐ có trách nhiệm gì khi tham gia tổ chức công đoàn?

TS Nguyễn Xuân Thu cho biết: Theo Luật Công đoàn 2012 và điều lệ Công đoàn Việt Nam có quy định rõ quyền và nghĩa vụ cụ thể với đoàn viên CĐ. Trong đó có hai quyền quan trọng nhất là: Tham gia các hoạt động do CĐ tổ chức (CĐCS nơi mình làm việc), hoặc tham gia hoạt động CĐ cấp trên; Phải học tập nâng cao trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ, đồng thời hỗ trợ đồng nghiệp cùng tham gia hoàn thành nhiệm vụ, công việc. Còn nghĩa vụ lớn nhất của đoàn viên CĐ là phải hoàn thành nghĩa vụ, bổn phận của người đoàn viên theo Điều lệ Công đoàn Việt Nam quy định.

* CNLĐ Nguyễn Phượng Trí - Công ty CP Quản lý và xây dựng đường bộ 1 Hà Tây hỏi: Thưa chuyên gia, tôi năm nay 35 tuổi, đã tham gia bảo hiểm được 13 năm, nay tôi nghỉ việc ở cơ quan cũ nên muốn rút tiền bảo hiểm và sau đóng lại ở cơ quan mới được không? Như vậy tôi có bị mất quyền lợi gì không?

Bà Trần Thu Hà: Câu hỏi của bạn liên quan thanh toán chế độ bảo hiểm xã hội 1 lần. Đối với trường hợp người lao động không tiếp tục tham gia đóng bảo hiểm xã hội một lần tại cơ quan mình thì sau 12 tháng bạn có thể đến cơ quan bảo hiểm xã hội để thanh toán. Trường hợp bạn không thanh toán chế độ BHXH một lần, bảo lưu thời gian công tác của đơn vị trước. Khi bạn đi ở một công ty mới bạn vẫn cung cấp sổ BHXH để đơn vị mới tiếp tục ghi thời gian tham gia BHXH vào sổ BHXH mà bạn cung cấp.

Anh Đỗ Hồng Lĩnh đặt câu hỏi.

*Chị Phạm Thanh Hòa – TT quản lý điều hành giao thông đô thị hỏi: BCH Công đoàn cơ sở có được quyền mở tài khoản của BCH công đoàn tại ngân hàng không?

Bà Tạ Thị Mỹ Thanh: Theo QĐ 269/QĐ-TLĐ ngày 7/3/2014 của Tổng LĐLĐ Việt Nam về việc ban hành quy chế quản lý tài chính công đoàn thì các Công đoàn cơ sở được quyền mở tài khoản của BCH Công đoàn tại ngân hàng để quản lý.

Chị Đinh Thị Tình - Cty Quản lý đường bộ 1 Hà Tây hỏi: Thưa chuyên gia, có chế độ nào giải quyết cho lao động nữ nghỉ hưu trước tuổi 55 không? Nếu có, hồ sơ nghỉ hưu làm như thế nào?

Bà Trần Thị Thu Hà: Tại điểm b Điều 54 của Luật BHXH: Lao động nam có từ đủ 55 tuổi đến đủ 60 tuổi, thì người lao động nữ có từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi và có đủ 15 năm làm nghề nặng nhọc độc hại nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc độc hại nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành hoặc có đủ 15 năm là việc nơi có phụ cấp 0.7 trở lên;

Tại Điều 55 Luật Bảo hiểm xã hội quy định về điều kiện hưởng lương hưu khi bị suy giảm khả năng lao động

- Người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d, g, h và i khoản 1 Điều 2 của Luật này khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên được hưởng lương hưu với mức thấp hơn so với người đủ điều kiện hưởng lương hưu quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 54 của Luật này nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

+ Từ ngày 01 tháng 01 năm 2016, nam đủ 51 tuổi, nữ đủ 46 tuổi và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì đủ điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động. Sau đó mỗi năm tăng thêm một tuổi cho đến năm 2020 trở đi, nam đủ 55 tuổi và nữ đủ 50 tuổi thì mới đủ điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên;

+ Nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi và bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;

+ Bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên và có đủ 15 năm trở lên làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành.

* Thủ tục hồ sơ: Sổ BHXH, QĐ nghỉ việc của đơn vị, Biên bản giám định y khoa.

Chị Đinh Thị Tình - Cty Quản lý đường bộ 1 Hà Tây đặt câu hỏi

*Bạn Đỗ Hồng Lĩnh - Thanh tra Giao thông vận tải quận Nam Từ Liêm: Thưa chuyên gia, tôi có 2 con đang theo học phổ thông cơ sở, phải tham gia BHYT học sinh. Cho tôi hỏi, tôi phải đóng cho con tôi bao nhiêu tiền và đóng 1 lần hay theo kỳ học?

Bà Trần Thị Thu Hà - Phó trưởng phòng chế độ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội trả lời: Theo Công văn số 1820/BHXH-QLT ngày 25/7/2017 của BHXH TP Hà Nội hướng dẫn: “Đối với HSSV đã thực hiện thu BHYT theo năm tài chính thì tiếp tục thực hiện thu vào cuối năm 2017. Cơ sở giáo dục thu tiền đóng phần thuộc trách nhiệm đóng của HSSV 6 tháng hoặc 1 năm một lần nộp vào quỹ BHYT. Chỉ thực hiện thu phí BHYT một lần nếu HSSV có nguyện vọng và tự nguyện đóng. Thời hạn ghi trên thẻ tương ứng với số tiền nộp vào quỹ BHYT”. Mức đóng = Mức lương cơ sở tại thời điểm đóng x 4.5% x số tháng tham gia x 70%

*Bà Nguyễn Thị Lan Công ty cổ phần Công trình giao thông 2 Hà Nội hỏi: Năm nay tôi 54 tuổi, đang đóng bảo hiểm liên tục tại công ty được 16 năm 8 tháng. Xin hỏi có chính sách gì để người lao động được đóng BHXH tự nguuyện một lần để đủ 20 năm công tác để được hưởng chế độ về hưu không?

Bà Trần Thị Thu Hà - Phó trưởng phòng chế độ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội trả lời: Năm nay chị 54 tuổi, như vậy sang năm chị đủ 55 tuổi để nghỉ hưu. Nếu đến thời điểm chị đủ 55 tuổi mà thời gian công tác chưa đủ 20 năm thì chị có thể tham gia BHXH tự nguyện một lần cho những năm còn thiếu.

*Lâm Thị Hiểu – Cty CP quản lý và Xây dựng đường bộ 1 Hà Tây hỏi: Đối với lao động nữ đang trong thời gian mang thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi nhưng hết hợp đồng lao động đã hết thời hạn. Vậy xin hỏi doanh nghiệp có quyền chấm dứt HĐLĐ với NLĐ không?

TS Nguyễn Xuân Thu: Theo Bộ luật LĐ hiện hành, doanh nghiệp có quyền ký hoặc không ký tiếp với người lao động trong trường hợp HĐLĐ hết thời hạn, tùy theo điều kiện thực tế của doanh nghiệp. Tuy nhiên, người lao động cần xem xét kỹ các quy chế thỏa ước lao động tập thể, hoặc quy định riêng của đơn vị trong trường hợp này.

Anh Trần Quốc Dân – Thanh tra Sở GTVT Hà Nội: Tôi tham gia cơ quan nhà nước từ 9/1975, công tác liên tục đến nay. Đến năm 2019 tôi về hưu, xin chuyên gia cho biết khi về hưu tôi có được hưởng mức lương 75% của hệ số 4,98 không?

Bà Trần Thị Thu Hà trả lời: Tại Điều 56 quy định mức lương hưu hằng tháng:

Từ ngày 01 tháng 01 năm 2018, mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 54 của Luật này được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 62 của Luật này và tương ứng với số năm đóng bảo hiểm xã hội như sau:

1. Lao động nam nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm, năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm;

2. Lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi là 15 năm. Sau đó cứ thêm mỗi năm, người lao động được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.

3. Mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 55 của Luật này được tính như quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, sau đó cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định thì giảm 2%. Trường hợp tuổi nghỉ hưu có thời gian lẻ đến đủ 06 tháng thì mức giảm là 1%, từ trên 06 tháng thì không giảm tỷ lệ phần trăm do nghỉ hưu trước tuổi.

Anh đã công tác từ năm 1975 đến nay là đã trên 30 năm công tác, do đó theo luật BHXH thì anh vẫn đủ điều kiện để được hưởng mức tỷ lệ 75%. Đối với đơn vị của anh, lương do nhà nước quy định sẽ được tính bình quân lương của 5 năm cuối.

Chị Lâm Thị Hiểu – Cty CP quản lý và Xây dựng đường bộ I Hà Tây đặt câu hỏi

* Bạn đọc Trần Thị Lan ở Thái Nguyên hỏi: Thưa chuyên gia, tôi muốn biết về thẩm quyền giải quyết đơn thư khiếu nại của tổ chức công đoàn?

Ông Nguyễn Đức Cường- Phó trưởng phòng quản lý thu, Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội trả lời các cầu hỏi tại buổi giao lưu.

Bà Tạ Thị Mỹ Thanh, Chủ tịch CĐ ngành Giao thông vận tải Hà Nội: Theo quyết định số 254/QĐ-TLĐ ngày 05/3/2014 của Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, quy định về việc công đoàn giải quyết, tham gia giải quyết khiếu nại tố cáo:

Nội dung khiếu nại thuộc thẩm quyền của công đoàn bao gồm 5 nội dung: Khiếu nại liên quan đến chấp hành Điều lệ công đoàn Việt Nam, liên quan ban hành tổ chức, thực thi các chức năng nhiệm vụ của công đoàn; quyết định hành chính, hành vi hành chính, kỷ luật cán bộ, đoàn viên công đoàn; các quy định liên tịch, liên ngành, liên doanh, liên kết có công đoàn tham gia.

Về thẩm quyền giải quyết quy định như sau: Khiếu nại liên quan đến điều lệ, nghị quyết, chỉ thị… thuộc quyền quản lý trực tiếp của công đoàn cấp nào thì công đoàn cấp đó giải quyết khiếu nại lần đầu; thủ trưởng các đơn vị hành chính sự nghiệp và doanh nghiệp của công đoàn có trách nhiệm giải quyết về những khiếu nại và quyết định hành chính, hành vi của mình và công chức, viên chức, lao động do mình quản lý trực tiếp. Khiếu nại đã được giải quyết lần đầu nhưng còn khiếu nại thì công đoàn cấp trên trực tiếp có trách nhiệm giải quyết khiếu nại lần hai.

Anh Lâm Ngọc Bảo đặt câu hỏi

* Bạn Trần Gia Xuân - Công ty cổ phần công trình giao thông 2 Hà Nội hỏi: Chế độ nghỉ phép hàng năm của người lao động được quy định trong Bộ Luật lao động sửa đổi 2012 đối với công việc bình thường được nghỉ phép 12 ngày/năm, công việc nặng nhọc độc hại được nghỉ 14 ngày/năm. Xin hỏi, tôi là công nhân trực tiếp làm đường có được nghỉ 14 ngày không?

TS Nguyễn Xuân Thu: Đúng như anh nói, pháp luật quy định nếu công việc bình thường thì người lao động đươc nghỉ 12 ngày/năm chưa tính ngày nghỉ tăng theo thâm niên, còn đối với công việc nặng nhọc độc hại thì được nghỉ 14 ngày thậm chí là 16 ngày/năm đối với công việc đặc biệt nặng nhọc độc hại.

Trường hợp của anh cần tra công việc theo danh mục quy định xem có phải thuộc công việc nặng nhọc, độc hại hay không thì mới có câu trả lời chính xác. Sau khi tra văn bản mới nhất thong tư 15 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, ban hành danh mục nghề nặng nhọc độc hại, nghề đường bộ của anh không nằm trong danh mục nặng nhọc độc hại này, nên anh không được hưởng nghỉ phép 14 ngày.

* Bạn đọc Tạ Thị Thu Phương hỏi: Nếu tôi đang trong thời gian nghỉ thai sản mà muốn đi làm sớm thì có được không?

Bà Trần Thị Thu Hà: Nếu bạn muốn đi làm sớm cần đủ điều kiện sau: Thời gian nghỉ thai sản phải đủ 4 tháng và không cần có xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền về việc đi làm sớm không ảnh hưởng sức khỏe và phải báo trước, có sự đồng ý của người sử dụng lao động.

Anh Nguyễn Hữu Nam – Công ty Công trình Giao thông 2 Hà Nội:Tôi sinh tháng 12/1964, công tác được 31 năm, nếu tôi về hưu năm 2017 thì cách tính lương của tôi thế nào?

Bà Trần Thị Thu Hà: Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, anh đủ điều kiện để nghỉ hưu trước tuổi (từ đủ 51 tuổi đối với nam. Còn từ năm 2017 thì phải là 52 tuổi đối với nam). Tuy nhiên, trường hợp này anh phải thực hiện giám định y khoa để xem mức suy giảm sức khỏe.

Nếu anh 52 tuổi, suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên, thì sẽ đủ điều kiện về hưu trước tuổi. Như vậy anh về hưu trước 7 tuổi so với quy định (nam 60 tuổi mới nghỉ hưu), thì tương ứng mỗi năm công tác bị trừ 2%, như vậy anh sẽ bị trừ 14%. Do vậy, đến khi nghỉ hưu anh chỉ được hưởng 61% mức lương.

Cũng trả lời thêm, anh hiện đang bị TNLĐ và hưởng chế độ TNLĐ ở mức 35% thì không liên quan đến tỉ lệ tính lương hưu của anh.

*Anh Ngô Phú Tài – Công ty CP Quản lý và Xây dựng đường bộ I Hà Tây hỏi: Người đang hưởng chế độ hưu trí, sau đó họ ký HĐLĐ làm việc tiếp thì có thuộc đối tượng đóng BHXH bắt buộc không?

Ông Nguyễn Đức Cường - Phó trưởng phòng quản lý thu, Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội trả lời: Theo đại diện BHXH Hà Nội, trường hợp này không thuộc đối tượng đóng BHXH bắt buộc.

* Ông Nguyễn Văn Chuân, Công ty cổ phần quản lý và xây dựng đường bộ I Hà Tây hỏi: Tôi năm nay 55 tuổi, tôi là thợ làm đường, công việc đang làm của tôi có thuộc công việc nặng nhọc, độc hạ hay không? Tôi đã đóng bảo hiểm xã hội được 18 năm. Cho hỏi nếu đóng đủ 20 năm thì tôi có được nghỉ hưu sớm không?

Bà Trần Thị Thu Hà: Vì công việc thợ làm đường không nằm trong danh mục các công việc nặng nhọc, độc hại nên theo quy định anh phải làm việc đến năm 60 tuổi – đủ số tuổi để nghỉ hưu. Nếu trong trường hợp công việc cụ thể liên quan đến nặng nhọc độc hại, công ty anh có thể làm văn bản kiến nghị lên Bộ Lao động để bổ sung chức danh công việc nặng nhọc độc hại vào ngành nghề mà anh đang công tác.

Anh tham gia BHXH đến năm 2017 là được 18 năm, nếu đủ 20 năm công tác anh có thể đi giám định y khoa đạt tỉ lệ suy giảm khả năng lao động 61% anh có thể về hưu trước tuổi. Tuy nhiên về hưu trước tuổi, tỉ lệ về mức suy giảm khả năng lao động mỗi năm bị trừ 2%.

Chị Nguyễn Thanh Huyền (Thanh Hóa) hỏi: Nếu công đoàn hoạt động nhiều, sử dụng hết phần trích lại của công đoàn phí, kinh phí công đoàn và các khoản thu khác khiến các khản chi phụ cấp kiêm nhiệm của cán bộ công đoàn cấp cơ sở không còn, không chi các khoản này. Xin chuyên gia cho biết như vậy có sai không?

Bà Trần Thị Hồng Vân - Phó trưởng phòng Giám định Bảo hiểm Y tế 2- BH xã hội TP Hà Nội trả lời câu hỏi tại buổi giao lưu.

Bà Tại Thị Mỹ Thanh: Công đoàn cơ sở được sử dụng 66% (từ năm 2016, mỗi năm tăng 1% để đạt mức 75 %). Số thu kinh phí công đoàn, 60% số thu đoàn phí công đoàn, 100% số thu khác của đơn vị.

Phân bổ nguồn thu kinh phí, đoàn phí công đoàn, công đoàn cơ sở được sử dụng cho các khoản, mục i: Chi lương, phụ cấp cán bộ công đoàn chuyên trách và phụ cấp cán bộ công đoàn không quá 30%. Nếu chi không hết thì đươc chuyển sang chi cho các hoạt động khác. Trong trường hợp thiếu, công đoàn cơ sở phải xem xét giảm đối tượng, mức chi phụ cấp cán bộ công đoàn cho phù hợp với nguồn tài chính được phân bổ. Trường hợp BCH CĐ cơ sở không chi các khoản phụ cấp này cho cán bộ CĐ cơ sở là không đúng quy định của Tổng LĐLĐ VN.

Anh Nguyễn Xuân Hòa - Công ty CP Công trình GT Hà Nội hỏi: Trong thời gian lao động nghỉ việc không lương tôi có được đóng BHXH không? Nếu nghỉ việc, tôi có phải trả lại thẻ BHYT hay không?

Ông Nguyễn Đức Cường - Phó trưởng phòng quản lý thu, Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội : Theo Khoản 3 điều 85 Luật BHXH hiện hành quy định người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng bảo hiểm xã hội tháng đó. Trường hợp người lao động nghỉ việc không phải thu hồi thẻ BHYT.

* Chị Trần thị Hương hỏi: Tôi đã công tác 15 năm và đã nghỉ đủ 6 tháng thai sản sau khi sinh con thì tôi có được nghỉ phép năm nữa không? Và nếu được thì tôi được nghỉ bao nhiêu ngày phép. Nếu tôi xin nghỉ theo hình thức cộng dồn các buổi chiều có được không? Nếu không nghỉ hết phép, tôi có được thanh toán tiền không?

TS. Nguyễn Xuân Thu: Chị đang nuôi con nhỏ và đã nghỉ xong thời gian 6 tháng thai sản, Theo quy định tại điều 111 Bộ luật lao động 2012, sau khi hết thời gian nghỉ thai sản, chị vẫn được tính thời gian nghỉ phép năm như bình thường. Nếu ngành nghề của chị không thuộc ngành nghề độc hại, chị sẽ được hưởng phép năm là 12 ngày cộng với 3 ngày theo thâm niên công tác (5 năm được 1 ngày), như vậy chị sẽ được nghỉ 15 ngày phép. Trường hợp chị muốn xin nghỉ theo hình thức cộng dồn các buổi chiều. Việc này, do luật không có quy định cứng nên việc này chị có thể trao đổi với đơn vị để 2 bên thỏa thuận.

Trường hợp chị không nghỉ hết phép, nếu bản thân chị không muốn nghỉ thì chị sẽ không được thanh toán. Còn nếu chị muốn nghỉ nhưng do yêu cầu công tác không được nghỉ thì chị sẽ được trả tiền cho ngày nghỉ phép, theo quy định hiện nay là 100% lương.

* Chị Nguyễn Thanh Huyền (Thanh Hóa): Nếu công đoàn hoạt động nhiều, sử dụng hết phần trích lại của công đoàn phí, kinh phí công đoàn và các khoản thu khác khiến các khản chi phụ cấp kiêm nhiệm của cán bộ công đoàn cấp cơ sở không còn, không chi các khoản này. Xin chuyên gia cho biết như vậy có sai không?

Bà Tại Thị Mỹ Thanh: Công đoàn cơ sở được sử dụng 66% (từ năm 2016, mỗi năm tăng 1% để đạt mức 75 %). Số thu kinh phí công đoàn, 60% số thu đoàn phí công đoàn, 100% số thu khác của đơn vị.

Phân bổ nguồn thu kinh phí, đoàn phí công đoàn, công đoàn cơ sở được sử dụng cho các khoản, mục i: Chi lương, phụ cấp cán bộ công đoàn chuyên trách và phụ cấp cán bộ công đoàn không quá 30%. Nếu chi không hết thì đươc chuyển sang chi cho các hoạt động khác. Trong trường hợp thiếu, công đoàn cơ sở phải xem xét giảm đối tượng, mức chi phụ cấp cán bộ công đoàn cho phù hợp với nguồn tài chính được phân bổ. Trường hợp BCH CĐ cơ sở không chi các khoản phụ cấp này cho cán bộ CĐ cơ sở là không đúng quy định của Tổng LĐLĐ VN.

* Bạn Mai Anh - Hoàng Mai, Hà Nội hỏi: Tôi đang mang thai tuần thứ 37 nhưng chưa nhận được thẻ bảo hiểm y tế của cơ quan nơi tôi đang công tác, vì đầu năm 2012 công ty tôi chuyển địa điểm nên phía bảo hiểm chưa phát hành thẻ cho chúng tôi. Công ty tôi nói cứ yên tâm sinh nở và giữ lại toàn bộ giấy tờ chi phí thanh toán để sau này bên bảo hiểm sẽ thanh toán cho. Tôi không biết điều đó có đúng không và cần giấy tờ liên quan gì để được hưởng bảo hiểm theo luật bảo hiểm?

Bà Trần Hồng Vân - Phó trưởng phòng Giám định Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội: Muốn được hưởng chế độ bảo hiểm y tế thì trước hết bạn phải tham gia bảo hiểm y tế. Trong tình huống bạn đã tham gia Bảo hiểm y tế nhưng vì lý do gì đó chưa nhận được thẻ Bảo hiểm y tế thì bạn có thể đến trực tiếp đến cơ quan bảo hiểm xã hội gần nhất để thanh toán các chi phí khám chữa bệnh chưa được hưởng tại bệnh viện. Giấy tờ mang theo gồm: Thẻ BHYT, Giấy ra viện, chứng từ liên quan, hóa đơn tài chính. Cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ xem xét cụ thể hồ sơ để trả lời cho bạn.

Bạn Tạ Lan Hương - Quang Trung, Hà Đông hỏi: Người lao động tham gia đóng BHYT liên tục và được cấp thẻ BHYT hàng năm (trong thẻ ghi 1 năm), tuy nhiên sau nhiều năm người lao động (đã tham gia 13 năm BHYT liên tục) mới đi khám bệnh 1 lần thì sẽ được BHYT thanh toán như thế nào?

Bà Trần Thị Hồng Vân, đại diện BHYT Hà Nội trả lời: Người tham gia BHYT được hưởng quyền lợi khám chữa bệnh theo hạn sử dụng được ghi trên thẻ BHYT.

* Chị Tạ Thị Thu hỏi: Tôi làm việc ở doanh nghiệp A được 10 năm, nhưng đơn vị nợ tiền không chốt được sổ BHXH. Tôi chuyển sang doanh nghiệp B, được doanh nghiệp đóng đầy đủ BHXH nhưng sau 2 năm thì doanh nghiệp B thôi không hoạt động nữa. Vậy doanh nghiệp B và NLĐ phải làm thế nào để chốt sổ BHXH?

Ông Nguyễn Đức Cường, đại diện BHXH Hà Nội: Căn cứ khoản 3 Điều 47 Bộ luật lao động 2012 thì khi chấm dứt hợp đồng lao động, người sử dụng lao động có nghĩa vụ như sau: “Người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội và những giấy tờ khác mà người sử dụng lao động đã giữ lại của người lao động.” Như vậy, khi nghỉ việc thì công ty A phải có trách nhiệm chốt và trả sổ bảo hiểm xã hội cho bạn.

Bên cạnh đó vì pháp luật có quy định một người lao động không thể có 2 quyển sổ (quy định tại điểm 5.1, Khoản 5, Điều 46 Quyết định 959/QĐ-BHXH) nên người lao động chỉ có thể tồn tại 1 số sổ bảo hiểm: “Một người có từ 2 sổ BHXH trở lên ghi thời gian đóng BHXH không trùng nhau thì cơ quan BHXH thu hồi tất cả các sổ BHXH, hoàn chỉnh lại cơ sở dữ liệu, in thời gian đóng, hưởng BHXH, BHTN của các sổ BHXH vào sổ mới. Số sổ BHXH cấp lại là số của sổ BHXH có thời gian tham gia BHXH sớm nhất. Do đó bạn đến công ty A để đề nghị chốt sổ sau đó mang sổ đến công ty B để tiếp tục chốt sổ ở công ty B.

Đồng chí Ngô Minh Hoàn, cán bộ công đoàn nghành GTVT tham gia tiết mục văn nghệ tại buổi giao lưu.

Anh Nguyễn Danh Tưởng – Công ty CP Tư vấn Giao thông hỏi: Người lao động đã đóng BHXH được 14 năm, nay mắc tai biến mạch máo não, điều trị ngoại trú 4 tháng. Hàng tháng được bệnh viện cấp giấy ra vào viện và chỉ được hưởng 10 ngày BHYT. Vậy tôi xin hỏi, với căn bệnh trên, thời gian ốm kéo dài, thì NLĐ có được nghỉ bao nhiêu ngày? Và có được hưởng BHYT cả tháng thay vì 10 ngày không?

Bà Trần Thị Thu Hà: Theo Thông tư 14/2013/TT-BYT quy định về hướng dẫn khám sức khỏe thì thời gian điều trị do bác sĩ ở cơ sở điều trị chỉ định. Trong trường hợp của anh nói, đã công tác 14 năm sẽ được nghỉ tối đa 30 ngày.

Để xác định người này có được hưởng chế độ ốm đau dài ngày hay không thì phải căn cứ vào người đó có bị bệnh nằm trong danh mục dài ngày do Bộ Y tế quy định không? Bệnh dài ngày được quy địng nghỉ 180 ngày. Cơ quan anh sẽ chuyển giấy tờ sang cơ quan BHXH để giải quyết.

*Chị Nguyễn Thị Hiền – GV một trường tiểu học hỏi: Tôi là giáo viên trường tiểu học, vừa làm trong BCH Công đoàn, vừa làm tổ phó chuyên môn thì chế độ của tôi được hưởng như thế nào?

Bà Tạ Thị Mỹ Thanh: Theo quy định, chị sẽ được hưởng trợ cấp theo cả 2 lĩnh vực công tác. BCH có phụ cấp riêng của công đoàn, tổ phó chuyên môn sẽ được hưởng trợ cấp riêng, do chị đang kiêm nhiệm.

*Anh Hoàng Tuấn Dũng (Đống Đa, Hà Nội) hỏi: Người lao động làm việc tại doanh nghiệp và đã được đóng BHXH đầy đủ. Sau đó người lao động có thông báo trước với doanh nghiệp là sẽ nghỉ việc sau một tháng nữa nhưng doanh nghiệp không đồng ý cho nghỉ việc và không chốt sổ bảo hiểm cho người lao động vậy người lao động có thể tự chốt sổ BHXH được không? Nếu có thì cần những thủ tục gì?

Ông Nguyễn Đức Cường- Phó trưởng phòng quản lý thu, Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội: Trường hợp NLĐ chấm dứt HĐLĐ đơn vị sử dụng lao động có trách nhiệm nộp sổ BHXH của NLĐ đến cơ quan BHXH để thực hiện xác nhận sổ BHXH cho NLĐ.

Anh Đặng Văn Kha – Công ty CP QLXD đường bộ I hỏi: Bạn tôi sinh năm 1966, 51 tuổi, đã công tác 29 năm làm công việc lái máy lu, sức khỏe yếu, muốn đi giám định y khoa để nghỉ hưu trước tuổi có được hay không?

Bà Trần Thị Thu Hà: Căn cứ Thông tư 14/2016/TT-BYT thì bạn không đủ điều kiện để giám định y khoa. Nếu ra Hội đồng giám định y khoa thì phải bị suy giảm 81% khả năng lao động trở lên mới đủ điều kiện để nghỉ hưu trước tuổi. Trong khi đó, theo tôi, với điều kiện công việc của bạn anh đang làm thì phải đủ 55 tuổi để về hưu theo quy định.

Bạn đọc ở Thanh Xuân – Hà Nội hỏi: Tôi sinh ngày 24/3/1959, đã đóng BHXH đến nay là 35 năm 7 tháng, tại cơ quan hành chính sự nghiệp (viên chức). Nay do cơ quan không bố trí được công việc tôi nghỉ việc từ tháng 9 năm 2017. Xin chuyên gia cho biết,trong trường hợp này cơ quan có thực hiện đúng luật hay không?.Nếu nghỉ việc tôi sẽ được chi trả các chế độ gì, thời hạn chi trả?.

TS: Nguyễn Xuân Thu: Với lý do bạn đưa ra thì không rơi vào trường hợp cụ thể nào cả. NLĐ không vi phạm lỗi trong quá trình làm việc, không thuộc trường hợp NLĐ đơn phương chấm dứt lao động…thì cơ quan không có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ (trừ trường hợp thỏa thuận). Nếu cơ quan đó vẫn cố tình buộc NLĐ nghỉ việc, thì bạn có thể làm đơn khởi kiện ra tòa án dân sự nơi cơ quan đó đặt trụ sở làm việc

Anh Trần Anh – Công ty Công trình giao thông II Hà Nội hỏi:Tại công ty tôi có trường hợp sinh con thứ 3, xin cho tôi hỏi vấn đề này có ảnh hưởng đến việc bình xét thi đua của năm đó không? Trường hợp này có được xét duyệt nâng lương trong kỳ đó không?

TS Nguyễn Xuân Thu: Với trường hợp của bạn chúng ta cần phải xem lại quy chế thi đua khen thưởng của đơn vị xem có quy định nào cụ thể về vấn đề này hay không để áp dụng. Theo quy định của nhà nước, hiện không có quy định chung cho tất cả các vấn đề được.

Ông Lê Ngọc Minh, Phó Chủ tịch Công đoàn Giao thông vận tải Việt Nam:

Sau hơn 3 tiếng làm việc, buổi giao lưu ngày hôm nay rất bổ ích và thiết thức với người lao động. Hiện nay người lao động vẫn còn nhiều vấn đề vướng mắc trong quan hệ lao động, những câu hỏi, thắc mắc của người lao động đều được các chuyên gia trả lời thỏa đáng.

Qua đó, người lao động hiểu thêm được quyền lợi và nghĩa vụ của họ để áp dụng vào thực tế. Buổi giao lưu cũng rất ý nghĩa vì năm nay là năm thực hiện chỉ đạo của Tổng LĐLĐ Việt Nam " Năm vì lợi ích đoàn viên", tất cả hướng về quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Cũng qua buổi giao lưu này, từ những vướng mắc, những câu hỏi của người lao động về bất cập liên quan đến chế độ bảo hiểm, Luật Lao động… cũng sẽ được các cơ quan chức năng quan tâm và có hướng để xem xét, giải quyết trong thời gian tới.

Nhóm PV

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/dang-giao-luu-truc-tuyen-phap-luat-lao-dong-quyen-loi-va-nghia-vu-58768.html