Giao lưu trực tuyến: 'Lao động nữ - chính sách và cuộc sống'

Nhằm nâng cao hiểu biết pháp luật cho người lao động, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, bắt đầu từ 8h30 sáng nay (18/9/2018), tại Công ty Cổ phần Công nghiệp Hậu Cần phía Bắc, báo Lao động Thủ đô phối hợp với LĐLĐ huyện Sóc Sơn tổ chức buổi giao lưu trực tuyến 'Lao động nữ - chính sách và cuộc sống'. Buổi giao lưu được truyền trực tuyến trên báo Lao động Thủ đô điện tử laodongthudo.vn.

Đây là một trong những hoạt động thiết thực của báo Lao động Thủ đô và LĐLĐ huyện Sóc Sơn tiếp tục thực hiện mục tiêu của tổ chức công đoàn và đặc biệt là chào mừng Đại hội XII Công đoàn Việt Nam.

Tới dự buổi giao lưu trực tuyến “Lao động nữ - chính sách và cuộc sống” có các đồng chí: Lê Đình Hùng – Phó Chủ tịch LĐLĐ Thành phố Hà Nội; Bùi Thị Thanh Giang - Trưởng ban Nữ công LĐLĐ Thành phố Hà Nội; Trần Thị Thu Nhung – Phó Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Sóc Sơn; Bùi Thị Hoàn - Phó Giám đốc BHXH huyện Sóc Sơn; Lê Thị Bích Ngọc - Tổng biên tập báo Lao động Thủ đô; Trần Thị Thanh Huế - Chủ tịch LĐLĐ huyện Sóc Sơn...

Đồng chí Lê Đình Hùng – Phó Chủ tịch LĐLĐ Thành phố Hà Nội phát biểu tại buổi giao lưu.

Buổi giao lưu trực tuyến còn có sự hiện diện của lãnh đạo các sở, ban, ngành thành phố; LĐLĐ các quận, huyện, ngành, các ban của LĐLĐ thành phố; các đồng chí lãnh đạo phòng, ban, ngành đoàn thể huyện Sóc Sơn; các đồng chí là lãnh đạo doanh nghiệp cùng hơn 120 đại biểu là cán bộ công nhân viên Công ty Cổ phần Công nghiệp Hậu cần phía Bắc.

Tại buổi giao lưu, trả lời những thắc mắc trực tiếp của công nhân lao động cũng như bạn đọc trực tuyến qua internet có ông Tạ Văn Dưỡng - Trưởng Ban Chính sách pháp luật LĐLĐ TP Hà Nội; bà Dương Thị Minh Châu - Trưởng Phòng Chính sách chế độ BHXH TP Hà Nội và bác sĩ chuyên khoa I Trần Thị Minh Tâm - Trưởng Khoa chăm sóc sức khỏe sinh sản Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn.

Bà Lê Thị Bích Ngọc - Tổng biên tập báo Lao động Thủ đô phát biểu tại buổi giao lưu.

Hiện nay, việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động tới CNVCLĐ đã được các cấp, các ngành, đặc biệt là tổ chức Công đoàn thực hiện thực hiện thường xuyên với nhiều hình thức đa dạng và phong phú, song việc hiểu đúng các quy định về pháp luật lao động, như Luật Lao động, luật BHXH, Luật công đoàn… đối với CNLĐ vẫn còn hạn chế. Việc tuyên truyên nâng cao kiến thức hiểu biết pháp luật cho người lao động là điều rất cần thiết, đòi hỏi mỗi tổ chức công đoàn của các đơn vị còn phải nỗ lực rất nhiều.

Phát biểu khai mạc buổi giao lưu, bà Lê Thị Bích Ngọc, Tổng biên tập báo Lao động Thủ đô khẳng định: Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến các chính sách đối với người lao động, đặc biệt là lao động nữ. Ngoài nhiệm vụ lao động sản xuất, lao động nữ còn có thiên chức sinh đẻ và nuôi con, bởi vậy, lao động nữ gặp nhiều khó khăn hơn lao động nam về tìm kiếm việc làm, ổn định việc làm lâu dài và đảm bảo thu nhập.

Lãnh đạo LĐLĐ TP Hà Nội, huyện Sóc Sơn và báo Lao động Thủ đô tặng hoa các chuyên gia

Hơn nữa, cũng do thiên chức làm mẹ nên lao động nữ cần thiết được bảo vệ khi tham gia quan hệ lao động, tránh những ảnh hưởng có hại từ điều kiện lao động đến chức năng sinh đẻ và nuôi con của họ, ảnh hưởng đến quá trình tái sản xuất mở rộng lực lượng lao động. Vì thế pháp luật lao động quốc tế, cũng như pháp luật quốc gia đều có quy định riêng để bảo vệ lao động nữ. Việc tuyên truyền, phổ biến các chính sách của Đảng và Nhà nước đối với lao động nữ là hết sức cần thiết.

"Với mục đích và ý nghĩa đó, hôm nay báo Lao động Thủ đô phối hợp với LĐLĐ huyện Sóc Sơn và công ty Cổ phần Công nghiệp Hậu Cần phía Bắc tổ chức buổi giao lưu trực tuyến với gần 150 lao động nữ của công ty với chủ đề: “Lao động nữ - chính sách và cuộc sống". Đây cũng là một trong những hoạt động của báo Lao động Thủ đô và LĐLĐ huyện Sóc Sơn nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội Công đoàn Thành phố lần thứ XVI với tinh thần “Vì lợi ích đoàn viên” tiến tới Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII", bà Lê Thị Bích Ngọc cho biết.

Rất đông công nhân đến tham dự buổi giao lưu.

Đến dự và phát biểu tại buổi giao lưu, Phó Chủ tịch LĐLĐ Thành phố Lê Đình Hùng ghi nhận và nhiệt liệt biểu dương những cố gắng, nỗ lực của báo Lao động Thủ đô trong việc thường xuyên tổ chức các buổi giao lưu trực tuyến nhằm trang bị, nâng cao kiến thức pháp luật cho CNLĐ. “Hoạt động này đã trở thành hoạt động thường xuyên của báo Lao động Thủ đô và đạt hiệu quả rất thiết thực”- Phó Chủ tịch Lê Đình Hùng nhận xét.

Đánh giá cao ý nghĩa thiết thực của buổi giao lưu trực tuyến “Lao động nữ - chính sách và cuộc sống”, Phó Chủ tịch Lê Đình Hùng cho rằng, với hai nội dung cung cấp kiến thức pháp luật lao động, các chế độ chính sách đối với người lao động nói chung và kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản nói riêng, buổi giao lưu hôm nay sẽ không chỉ giúp CNLĐ, nhất là lao động nữ của Công ty hiểu rõ hơn về quyền lợi, nghĩa vụ của mình trong quan hệ lao động mà còn được trang bị các kiến thức về sức khỏe sinh sản, kiến thức về giới, gia đình từ đó tự chăm lo sức khỏe của mình và làm tốt chức năng người vợ người mẹ trong gia đình.

Các chuyên gia tham gia trả lời câu hỏi tại buổi giao lưu.

“Mặc dù Công ty đã thực hiện rất tốt các chế độ chính sách đối với lao động, đăc biệt là lao động nữ, tuy nhiên cũng sẽ không tránh khỏi còn những vấn đề còn sơ suất. Vì vậy, trang bị kiến thức pháp luật để bảo vệ chính mình khi có những tình huống không may xảy ra là điều hết sức cần thiết” - Phó Chủ tịch Lê Đình Hùng nhấn mạnh. Phó Chủ tịch đề nghị, các CNLĐ thẳng thắn, mạnh dạn nêu nhiều câu hỏi là những vấn đề còn băn khoăn, vướng mắc với các chuyên gia để thông qua đây, tổ chức công đoàn, lãnh đạo doanh nghiệp nắm bắt được đầy đủ, khách quan tâm tư nguyện vọng của người lao động, thực hiện tốt hơn chế độ chính sách đối với người lao động.

Công nhân lao động tìm hiểu chế độ, chính sách qua báo Lao động Thủ đô.

Với các chuyên gia, Phó Chủ tịch Lê Đình Hùng mong muốn các chuyên gia sẽ vận dụng tốt các kiến thức lý thuyết và kinh nghiệm thực tiễn để trang bị thông tin đầy đủ, thiết thực nhất đối với người lao động.

Đặc biệt, Phó Chủ tịch Lê Đình Hùng đề nghị báo Lao động Thủ đô tiếp tục phối hợp với các LĐLĐ quận, huyện, thị xã, công đoàn ngành tổ chức thêm nhiều các buổi giao lưu trực tuyến, tạo kênh thông tin thiết thực, hữu ích cho người lao động cập nhật kiến thức pháp luật, để tự bảo vệ mình trong quan hệ lao động, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng lao động 4.0 đang tới với không ít thách thức.

Sau phần phát biểu của lãnh đạo LĐLĐ TP, các chuyên gia trả lời thấu đáo các câu hỏi CNLĐ đưa ra.

Một nữ CN đặt câu hỏi: Tôi được biết, theo quy định của Luật Lao động, trong quá trình làm việc, người sử dụng lao động có trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động? Điều này có đúng không?

Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng

Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng: Theo Điều 60 Bộ luật Lao động năm 2012, người sử dụng lao động có trách nhiệm: Xây dựng kế hoạch hằng năm và dành kinh phí cho việc đào tạo và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động đang làm việc cho mình; đào tạo người lao động trước khi chuyển làm nghề khác cho mình. Người sử dụng lao động phải báo cáo kết quả đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh trong báo cáo hằng năm về lao động.

Công nhân Nguyễn Thị Thơm hỏi: Những quy định nào bị cấm khi xử lý kỷ luật đối với người lao động?

Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng: Khi người lao động (NLĐ) vi phạm các quy định trong nội quy lao động thì người sử dụng lao động (NSDLĐ) có thể kỷ luật lao động đối với NLĐ. Tuy nhiên, việc kỷ luật lao động cũng có một số điểm mà cả NLĐ và NSDLĐ cần phải chú ý, trong đó có quy định cấm không được thực hiện khi xử lý kỷ luật lao động.

1. Nghiêm cấm xâm phạm thân thể, nhân phẩm của người lao động.

2. Dùng hình thức phạt tiền, cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động.

3. Xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động có hành vi vi phạm không được quy định trong nội quy lao động.”

Công nhân Vũ Văn Nam: Xin chuyên gia cho biết những đối tượng nào sẽ được áp dụng chế độ thai sản?

Chuyên gia Dương Thị Minh Châu

Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Căn cứ Luật BHXH 58/2014 và Quyết định 636/QĐ-BHXH và Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH hướng dẫn về chế độ thai sản áp dụng từ 1/1/2016, NLĐ được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các đối tượng sau đây: Lao động nữ mang thai; lao động nữ sinh con; lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ; người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi; lao động nữ đặt vòng tránh thai, người lao động thực hiện biện pháp triệt sản; lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con.

Về điều kiện được hưởng chế độ thai sản: NLĐ đóng BHXH bắt buộc từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận con nuôi với đối tượng: Lao động nữ sinh con; lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ; người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi; đóng BHXH bắt buộc từ đủ 3 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước sinh với đối tượng lao động nữ phải nghỉ việc dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám chữa bệnh có thẩm quyền

Lao động nữ đủ 1 trong 2 điều kiện trên mà chấm dứt Hợp đồng lao động hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con hoặc nhận con nuôi dưới 6 tháng tuổi vẫn được hưởng chế độ thai sản theo quy định.

Công nhân Cà Thị Hồng đặt câu hỏi.

Công nhân Nguyễn Thị Huyền: Xin chuyên gia cho biết, lao động nữ khi mang thai được nghỉ đi khám thai mấy lần, những lần nghỉ đó có được hưởng nguyên lương không?

Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Theo quy định của Điều 32 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về thời gian hưởng chế độ khi khám thai: Trong thời gian mang thai, lao động nữ được nghỉ việc để đi khám thai 5 lần, mỗi lần 1 ngày; trường hợp ở xa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc người mang thai có bệnh lý hoặc thai không bình thường thì được nghỉ 2 ngày cho mỗi lần khám thai.

Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại Điều này tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.

Chị Nguyễn Thị Bảy đặt câu hỏi tại buổi giao lưu

Công nhân Hoàng Thanh Hải hỏi: Khi một doanh nghiệp cho NLĐ đi học thì khi nghỉ việc NLĐ có phải đền bù số tiền mà doanh nghiệp đã chi trả cho NLĐ hay không?

Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng: Luật lao động đã quy định rất rõ về vấn đề này, cụ thể, khi doanh nghiệp cho NLĐ đi học và chi phí cho NLĐ trong quá trình học tập…tuy nhiên, sau khi học xong, hoặc NLĐ chỉ về làm việc tại doanh nghiệp một thời gian rồi nghỉ việc, thì NLĐ phải hoàn trả lại toàn bộ chi phí mà doanh đã bỏ ra đào tạo.

Công nhân Phạm Thị Thanh Vân: Tôi mới sinh con và đang nuôi con nhỏ, xin hỏi chuyên gia, sau khi sinh người mẹ có phải kiêng khem gì khi ăn uống không?

Bác sĩ chuyên khoa I Trần Thị Minh Tâm

Bác sĩ chuyên khoa I Trần Thị Minh Tâm: Sau khi sinh, người mẹ cần một chế độ dinh dưỡng tốt hơn để bù đắp sức khỏe cho mình và đủ sức khỏe nuôi con. Chính vì vậy, bạn không nên kiêng khem gì cả mà bạn cần ăn đầy đủ theo nhu cầu với các loại thức ăn cần phong phú dưỡng chất, đủ chất đạm, chất béo, vitamin và muối khoáng và đặc biệt chú ý đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Bạn chỉ cần kiếng các món ăn cay chua hoặc hoặc thức ăn không rõ nguồn gốc mà thôi.

Công nhân Phạm Xuân Hùng hỏi: Tôi được biết theo quy định mới, lao động làm ký hợp đồng làm việc từ 1-3 tháng, chủ sử dụng lao động phải có trách nhiệm đóng BHXH cho người lao động. Điều đó có đúng không?

Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Theo Luật BHXH năm 2014, người làm việc theo Hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng sẽ được tham gia BHXH bắt buộc kể từ ngày 1/1/2018. Cụ thể, theo khoản 1 Điều 124 Luật BHXH năm 2014, đối tượng quy định tại điểm b khoản 1 Điều 2 của Luật này là người làm việc theo Hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng sẽ được tham gia BHXH bắt buộc kể từ ngày 1/1/2018.

Một bạn đọc gửi câu hỏi qua thư điện tử: Xin hỏi các bác sỹ và chuyên gia, dấu hiệu như thế nào cho biết bị ung thư vú?

Bác sĩ chuyên khoa I Trần Thị Minh Tâm: Ung thư vú và ung thư cổ tử cung là những căn bệnh đặc biệt nguy hiểm, tuy nhiên hoàn toàn có thể phòng tránh và chữa trị được nếu được phát hiện kịp thời. Để nhận biết các dấu hiệu ung thư vú, trước hết, mỗi người cần phải biết lắng nghe cơ thể mình xem có dấu hiệu gì khác thường hay không, phải biết cách tự khám vú. Nhiều năm gần đây, Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn đã thường xuyên tổ chức các đợt tới địa phương hướng dẫn chị em khám vú.

Đặc biệt, các bạn cần phải phải đi khám phụ khoa định kỳ. Thông qua khám phụ khoa định kỳ kết hợp khám vú, bác sỹ sẽ phát hiện ra những dấu hiệu khác thường nếu có, từ đó sẽ hướng dẫn các bạn thực hiện các bước tiếp theo: như siêu âm, Xquang, xét nghiệm tế bào… nếu có nghi ngờ, các bác sỹ sẽ hướng dẫn làm tiếp các xét nghiệm cần thiết rồi mới có thể chẩn đoán chính xác là người đó có bị ung thư vú hay không.

Đồng chí Lê Đình Hùng – Phó Chủ tịch LĐLĐ Thành phố Hà Nội tặng quà cho công nhân tại buổi giao lưu.

Công nhân Lê Thị Lan hỏi: Phụ nữ mang thai cần bao nhiêu canxi mỗi ngày?

Bác sĩ chuyên khoa I Trần Thị Minh Tâm: Trong suốt quá trình mang thai bà bầu cần đảm bảo bổ sung canxi đầy đủ. Mẹ bầu cần bổ canxi theo giai đoạn như sau: Nhu cầu bổ sung Canxi trong 3 tháng đầu khi mang thai là 800mg/ngày. Lượng Canxi cần cho 3 tháng giữa thai kỳ là 1000mg/ngày. 3 tháng cuối thai kỳ mẹ bầu cần bổ sung 1500mg/ngày.

Tuy nhiên, trong quá trình bổ sung canxi, thai phụ nên xét nghiệm lượng canxi đã có trong cơ thể, sau đó thì bổ sung thêm canxi hằng ngày. Nhưng lượng canxi phải uống theo hướng dẫn của bác sĩ.

Công nhân Hoàng Thị Nguyên đặt câu hỏi tại buổi giao lưu.

Công nhân Cao Văn Minh: Xin chuyên gia cho biết, quá trình thương lượng tập thể tại doanh nghiệp cần tập trung vào những nội dung gì?

Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng: Nội dung thương lượng tập thể tại doanh nghiệp tập trung những nội dung sau: Tiền lương, tiền thưởng, trợ cấp và nâng lương; Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, làm thêm giờ, nghỉ giữa ca; Bảo đảm việc làm đối với người lao động; Bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động; thực hiện nội quy lao động; Những nội dung mà hai bên quan tâm.

Anh Phạm xuân Hùng đặt câu hỏi tại buổi giao lưu.

Công nhân Trần Văn Hòa hỏi: Xin chuyên gia cho biết, trường hợp nào người lao động sẽ được xem xét hưởng chế độ ốm đau?

Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng: Theo Điều 25 Luật BHXH năm 2014, điều kiện được hưởng chế độ ốm đau, gồm: Bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế. Trường hợp ốm đau, tai nạn phải nghỉ việc do tự hủy hoại sức khỏe, do say rượu hoặc sử dụng chất ma túy, tiền chất ma túy theo danh mục do Chính phủ quy định thì không được hưởng chế độ ốm đau. Người lao động phải nghỉ việc để chăm sóc con dưới 7 tuổi bị ốm đau và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền.

Chị Chu Thị Tô đặt câu hỏi tại buổi giao lưu.

Công nhân Trần Thị Vân: Tôi nghe nói, khi vợ sinh con, nếu chồng tham gia BHXH, cũng sẽ được bố trí cho nghỉ để chăm vợ có đúng không?

Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Theo quy định của Luật, lao động nam đang đóng BHXH khi vợ sinh con được nghỉ 5 ngày làm việc hưởng chế độ. Trường hợp khi vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi, chồng sẽ được nghỉ 7 ngày làm việc. Trường hợp vợ sinh đôi thì người chồng được nghỉ 10 ngày làm việc, nếu sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 3 ngày làm việc.Trường hợp vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật thì được nghỉ 14 ngày làm việc. Lưu ý: Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại khoản này được tính trong khoảng thời gian 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con.

Công nhân Vũ Thị Thủy hỏi: Trong trường hợp nào thì NLĐ phải đóng BHXH 100%, khi nghỉ từ 14 ngày làm việc trở lên có được đóng BHXH hay không?

Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Khi NLĐ tham gia lao động thì NLĐ phải tham gia BHXH, mức đóng BHXH được tính dựa trên các khoản thu nhập gốc. Ngoài ra, theo Quy định của Luật Lao động, khi NLĐ tham gia lao động và có lương, thì doanh nghiệp phải đóng 21,5% và NLĐ phải đóng 10,5%...còn đối với các trường hợp nếu doanh nghiệp bắt NLĐ đóng BHX 100% là phạm luật Lao động.

NLĐ không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng bảo hiểm xã hội tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng bảo hiểm xã hội, trừ trường hợp nghỉ việc hưởng chế độ thai sản. Như vậy, nếu bạn không làm việc và không hưởng lương 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng bảo hiểm xã hội.

Công nhân Ngô Thị Hạnh đặt câu hỏi.

Công nhân Ngô Thị Hạnh: Trong trường hợp nào thì NLĐ được quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ?

Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng: Điều 37 Bộ Luật lao động có quy định về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động như sau:

*Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn trong những trường hợp sau đây:

- Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động;

- Không được trả lương đầy đủ hoặc trả lương không đúng thời hạn đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động;

- Bị ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động; - Bản thân hoặc gia đình có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động;

Đồng chí Lê Thị Bích Ngọc - Tổng biên tập báo Lao động Thủ đô tặng quà cho công nhân tại buổi giao lưu.

- Được bầu làm nhiệm vụ chuyên trách ở cơ quan dân cử hoặc được bổ nhiệm giữ chức vụ trong bộ máy nhà nước;

- Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền;

- Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 90 ngày liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn và một phần tư thời hạn hợp đồng đối với người làm việc theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa được hồi phục.

Bà Trần Thị Thanh Huế - Chủ tịch LĐLĐ huyện Sóc Sơn tặng quà cho công nhân tại buổi giao luu.

- Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại khoản 1 Điều này, người lao động phải báo cho người sử dụng lao động biết trước: a) Ít nhất 3 ngày làm việc đối với các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và g khoản 1 Điều này;

- Ít nhất 30 ngày nếu là hợp đồng lao động xác định thời hạn; ít nhất 03 ngày làm việc nếu là hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng đối với các trường hợp quy định tại điểm d và điểm đ khoản 1 Điều này;

- Đối với trường hợp quy định tại điểm e khoản 1 Điều này thời hạn báo trước cho người sử dụng lao động được thực hiện theo thời hạn quy định tại Điều 156 của Bộ luật này.

* Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, nhưng phải báo cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 45 ngày, trừ trường hợp quy định tại Điều 156 của Bộ luật này. Nếu như bạn chấm dứt hợp đồng lao động đúng với quyền được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động như Điều 37 trên thì được gọi là chấm dứt hợp đồng lao động đúng luật. Còn nếu như chấm dứt hợp đồng lao động không đúng quy định như trên thì là đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật.

Công nhân Nguyễn Thị Mai đặt câu hỏi.

Công nhân Nguyễn Thị Bảy: Chế độ nghỉ hưu của lao động nữ hiện nay được quy định như thế nào?

Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Người lao động được lưởng lương hưu khi nam đủ 60 và nữ đủ 55 tuổi. Theo đó, từ ngày 1/1/2018, NLĐ muốn hưởng lương hưu tối đa phải đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) thêm 5 năm nữa. Theo đó, lao động nữ phải đủ 30 năm, lao động nam là 35 năm mới được hưởng lương hưu tối đa 75%.

Cụ thể đối với lao động nữ, từ 1/1/2018, lao động nữ nghỉ hưu khi đóng đủ 15 năm BHXH hưởng lương hưu bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Từ năm thứ 16 trở đi, mức hưởng BHXH tăng thêm 2%. Đóng đủ 30 năm được hưởng lương hưu tối đa 75% thay vì 25 năm như hiện nay.

Công nhân Nguyễn Thị Hoa: Thưa chuyên gia, tôi muốn đi làm trước thời hạn nghỉ chế độ thai sản có được không? Và phải làm như thế nào để được đi làm?

Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Tại Điều 40 Luật BHXH quy định, lao động nữ có thể đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con khi có đủ các điều kiện sau đây: Sau khi đã nghỉ hưởng chế độ ít nhất được 4 tháng và phải báo trước và được người sử dụng lao động đồng ý.

Bạn đọc Lê Thị Thanh hỏi: Cách vệ sinh cơ quan sinh dục như thế nào để ngăn ngừa bệnh viêm nhiễm phụ khoa?

Chuyên gia Trần Thị Minh Tâm: Hàng ngày, mỗi buổi tối trước khi đi ngủ các chị, em cần rửa bộ phận sinh dục ngoài và hậu môn bằng xà phòng, nước sạch; sau đó thấm khô bằng khăn sạch và thay quần lót. Những ngày có kinh nguyệt thì cần rửa, lau khô và thay băng vệ sinh tối thiểu 3 lần/ngày (sáng, trưa, tối). Tuyệt đối không sử dụng các chất khử mùi và các loại nước rửa vệ sinh, nếu không có chỉ định của thầy thuốc.

Công nhân Nguyễn Thị Mai? Tôi xin hỏi trong trường hợp tai nạn như thế nào được coi là tai nạn lao động và được bồi thường như thế nào?

Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng: Tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong các trường hợp: thứ nhất, trong quá trình lao động, thứ hai là xảy ra trong quá trình gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động, kể cả trong thời gian nghỉ giải lao, ăn giữa ca, ăn bồi dưỡng hiện vật, vệ sinh kinh nguyệt, tấm rửa, cho con bú, đi vệ sinh, chuẩn bị và kết thúc công việc tại nơi làm việc. Thứ ba, tai nạn được coi là tai nạn lao động là tai nạn xảy ra tại địa điểm và thời gian hợp lý khi người lao động đi từ nơi ở đến nơi làm việc, từ nơi làm việc về nơi ở.

Khi bị tai nan lao động, NLĐ sẽ được hưởng quyền lợi sau: được công ty cùng với cơ quan BHXH chi trả các khoản điều trị do tai nạn lao động; trong thời gian điều trị đó công ty vẫn phải trả lương đầy đủ theo tháng cho NLĐ; NLĐ cũng sẽ được cơ quan bảo hiểm trợ cấp hàng tháng với mức hỗ trợ cụ tính theo mức suy giảm sức lao động và mức lương hàng tháng của bạn trước đó.

Sau phần hỏi đáp với các chuyên gia về kiến thức pháp luật, chế độ chính sách và chăm sóc sức khỏe sinh sản, Bác sĩ chuyên khoa I Trần Thị Minh Tâm - Trưởng Khoa chăm sóc sức khỏe sinh sản Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn đã dành 30 phút cung cấp tới CNLĐ các kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản như: các bệnh viêm nhiễm đường sinh sản; bệnh lây truyền qua đường tình dục; dấu hiệu nhận biết và phương pháp phòng tránh, cách xử trí khi có nghi ngờ mắc những căn bệnh nói trên.

Trong đó, BS Nguyễn Thị Minh Tâm nhấn mạnh để phát hiện sớm các căn bệnh phụ nữ, nhất là bệnh ung thư vú, ung thư cổ tử cung, ngoài việc lắng nghe cơ thể mình và trang bị kiến thức, kỹ năng tự khám vú, chị em cần đi khám sức khỏe phụ khoa định kỳ và tuân thủ sự chỉ định của bác sỹ.

Nhóm PV

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/giao-luu-truc-tuyen-lao-dong-nu-chinh-sach-va-cuoc-song-80166.html