Giao lưu, trò chuyện về khoa học với các giáo sư nổi tiếng

Ngày 7-8, tại Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành ICISE (thung lũng Quy Hòa, TP Quy Nhơn, Bình Định), GS đoạt giải Nobel Vật lý năm 1990, Jerome Friendman (MIT, Mỹ) đã cùng GS Đàm Thanh Sơn, Đại học Chicago (Mỹ), đại diện các nhà khoa học lĩnh vực vật lý hạt cơ bản và GS Trần Thanh Vân đã có buổi giao lưu, trò chuyện về khoa học cùng với 30 học sinh ưu tú của Việt Nam.

Các đại biểu, giáo sư, nhà khoa họccùng những học sinh ưu tú Việt Nam

Tại buổi trò chuyện, GS Trần Thanh Vân, Chủ tịch Hội Khoa học gặp gỡ Việt Nam, cho biết rất vui mừng vì Trung tâm ICISE đã có cơ hội mời được các em đoạt giải quốc tế lớn về với buổi giao lưu đặc biệt này. Đây cũng là cơ hội cho các em được gặp những người đã đi qua con đường khoa học đầy chông gai, thú vị. Để chúng ta biết, những người vĩ đại cũng có một điểm xuất phát tương tự như các em bây giờ.

Tại buổi trò chuyện, GS Jerome Friendman nhấn mạnh, có mặt tại buổi trò chuyện hôm nay là những học sinh tiêu biểu của cả thế giới chứ không riêng Việt Nam. GS Friendman chia sẻ, trước đây ông chỉ thích học các môn như tô, vẽ chứ rất ít học các môn toán, hóa. Đến năm lớp 11, ông đọc được tại bảo tàng một cuốn sách dành cho khoa học đại chúng về thuyết tương đối. Ông đã dành nguyên một mùa hè để đọc xong cuốn sách ấy. Càng đọc càng thích thú và tò mò rồi cứ theo sách vừa học, vừa giải. Trong đó, nhiều thứ khiến ông cảm thấy chưa thuyết phục và sự tò mò làm ông bắt tay vào tìm tòi, nghiên cứu vật lý. “Sau đó, tôi tìm một người thầy xuất sắc mà tôi đam mê đã lâu. Từ đó, những buổi giảng của thầy tôi đều tham gia không để sót. Đến lúc tôi làm luận án tiến sĩ thì tôi tìm đến thầy và ngỏ lời muốn làm việc với thầy”, GS Jerome Friendman kể lại.

GS Jerome Friendman nhắc nhở học sinh và giới trẻ đam mê khoa học ở Việt Nam, có thể chúng ta chưa phải là người giỏi nhất, nhưng chúng ta nên tìm đến một người thầy giỏi nhất. Sau đó phải tự lập và phải chấp nhận hy sinh cho niềm đam mê của mình. Phải hỏi, dù câu hỏi đó đúng hay sai. Phải tìm kiếm, tương tác và nghiên cứu với các đồng nghiệp của mình, với những người giỏi nhất. “Lúc tôi quyết tâm chuyển sang nghiên cứu về tán xạ phi đàn hồi sâu của các hạt electron trên các proton và neutron liên kết. Khi ấy, nhiều người bảo đây là ý tưởng điên rồ, thậm chí nhà trường không cho chúng tôi sử dụng máy để đo, nghiên cứu. Nhiều giáo sư lớn tuổi nói rằng, ý tưởng đó của tôi chỉ tốn thời gian, chứ không có kết quả, thậm chí phải mất việc, nhiều đồng nghiệp cũng đã rút ra khỏi nhóm nghiên cứu. Nhưng tôi vẫn quyết tâm làm và đã tìm ra được hạt quark (một thành phần cơ bản của vật chất - PV). Ngay tại thời điểm tôi đang nghiên cứu, nhiều người vẫn không tin là hạt quark là có thật. Và công trình của tôi sau đó được ghi nhận, giúp ích cho ngành vật lý về sau”, GS Jerome Friendman chia sẻ.

Không khí buổi trò chuyện bắt đầu sôi nổi hơn khi nhiều học sinh tiêu biểu của Việt Nam đã mạnh dạn gửi những câu hỏi đến các vị giáo sư. Lần lượt các câu hỏi được 2 GS Jerome Friendman và GS Đàm Thanh Sơn trả lời rất chu đáo. Trong đó, nổi bật là câu hỏi của em Nguyễn Phương Thảo: “Làm sao để tiếp tục theo đuổi đam mê vì có những lúc chúng em gặp vô vàn khó khăn, khiến mình chán nản?”. Về câu hỏi này, GS Friendman đưa ra lời khuyên, không có gì là khó khăn, nếu chúng ta có niềm đam mê, sự tò mò. Luôn đặt mình trong những câu hỏi, sự tò mò sẽ giúp chúng ta giải thích nó. Vì làm khoa học và nghiên cứu khoa học là công việc tuyệt vời nhất.

Ngoài ra, GS Jerome Friendman đặt ra định hướng cho các học sinh Việt Nam, cần phải mở rộng niềm đam mê của mình lên cao hơn nữa, ra thế giới. Tuy vậy, phải luôn với tâm thế trở về quê hương để phụng sự, cống hiến cho đất nước khi đã thành công.

GS Trần Thanh Vân nhắc đến 2 em học sinh nữ là Nguyễn Phương Thảo (huy chương bạc Olympic sinh học quốc tế 2017, huy chương vàng Olympic quốc tế 2018) và Trần Thị Minh Anh (huy chương vàng Olympic quốc tế 2018). Ông hy vọng, đơn vị quản lý nhà nước cần tạo điều kiện hơn nữa cho những sinh viên nữ có cơ hội được ra ngoài học hỏi, giao lưu, được dự các kỳ thi khoa học lớn trên thế giới, góp phần xây dựng nền khoa học Việt Nam phát triển hơn.

NGỌC OAI

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/giao-luu-tro-chuyen-ve-khoa-hoc-voi-cac-giao-su-noi-tieng-537534.html