Giao lưu nữ tổng biên tập Hội Báo toàn quốc 2018: Hãy trao quyền cho nữ lãnh đạo

Sáng nay (17/3), đã diễn ra buổi giao lưu các nữ Tổng biên tập cơ quan báo chí nhằm tôn vinh những đóng góp của nữ nhà báo vào sự phát triển của nền báo chí nước nhà. Đây là một trong những hoạt động nổi bật trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc 2018.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi phát biểu tại buổi giao lưu

Tại buổi giao lưu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi đánh giá, nghề báo là nghề vinh quang nhưng cũng phải đối đầu với nhiều thử thách, nguy hiểm và cạm bẫy. Vốn được coi là phái yếu, phụ nữ luôn được nhìn nhận gặp nhiều khó khăn để theo đuổi công việc vất vả và áp lực lớn này. Có khi, phụ nữ phải nỗ lực làm việc gấp đôi, gấp ba mới được thừa nhận năng lực soi với nam giới. Bên cạnh đó, các nữ nhà báo không chỉ chịu áp lực trong công việc mà còn có trên vai vô vàn trách nhiệm cũng phải làm tròn thiên chức làm mẹ, làm vợ. Và tính đến nay, cả nước có 86 nữ Tổng biên tập trên tổng số hơn 800 cơ quan báo chí. Như vậy, nữ Tổng biên tập chỉ chiếm khoảng 10%" - một con số vẫn còn khiêm tốn", ông Lợi khẳng định.

Cũng theo ông Hồ Quang Lợi, báo chí có tác động mạnh mẽ đến dư luận với khoảng một nửa dân số Việt Nam là nữ giới. Chính vì vậy, những vấn đề được báo chí phản ánh dưới góc nhìn của các nhà báo nữ có thể được phân tích kỹ càng với sự thấu hiểu của công chúng nữ, có thêm tiếng nói của mọi tầng lớp trong xã hội là nữ. "Điều này sẽ tạo nên một nền báo chí là diễn đàn của nhân dân, vì sự phát triển tiến bộ và dân chủ của xã hội", ông Lợi tiếp tục nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Văn Hiếu - Phó cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) cũng cho rằng, các nữ nhà báo ngày càng khẳng định được vị trí, vai trò và có tiếng nói trong đời sống báo chí hiện nay; đồng thời có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển không ngừng của nền báo chí nước nhà. Trong đó, các nữ Tổng biên tập là những hạt nhân chèo lái con thuyền cơ quan báo chí vững mạnh hơn, góp phần vào sự phát triển của báo chí Cách mạng Việt Nam.

Bà Nguyễn Thục Hạnh - Tổng biên tập Báo Phụ nữ Việt Nam chia sẻ tại buổi giao lưu

Với những giá trị và vai trò quan trọng như vậy, việc nữ nhà báo, nữ phóng viên có thể trở thành các nữ tổng biên tập, thúc đẩy họ tạo nên các giá trị và lan tỏa các giá trị đó vào xã hội chính là điều hoàn toàn cần thiết để phát triển toàn diện nền báo chí. Trao đổi về vấn đề này, nhiều nữ tổng biên tập của các tờ báo trên địa bàn Thủ đô đã bày tỏ góc nhìn đa chiều và sâu sắc.

Bà Chu Thu Hằng - Tổng Biên tập Báo Văn Hóa

Bà Chu Thu Hằng - Tổng Biên tập Báo Văn Hóa đã đưa đến nhiều đánh giá về văn hóa và sức hút của người nữ lãnh đạo hiện đại. Bà Hằng khẳng định, làm báo trong bối cảnh hiện nay, những người lãnh đạo báo chí đặc biệt là nữ tổng biên tập luôn là những người chịu rất nhiều áp lực. "Và để trở thành người dẫn dắt cả một cơ quan báo chí, hãy nghĩ rằng, người lãnh đạo là người gây ảnh hưởng. Đây chính là cách truyền cảm hứng mạnh mẽ nhất. Hãy tạo động lực để cho đội ngữ nhân viên của mình tin tưởng, đi theo và cống hiến hết mình cho công việc. Phóng viên và người lao động trong tờ báo khi được truyền cảm hứng, động lực sẽ luôn tạo nên những sức mạnh để giúp tờ báo vượt qua khó khăn", bà Hằng khẳng định.

Nói về vấn đề bình đẳng giới để mở thêm cơ hội cho nhà báo nữ, phóng viên nữ, nhà báo Nguyễn Thùy Dương - Tổng biên tập Tạp chí Thương Gia khẳng định, hãy trao quyền cho phụ nữ để họ có thêm cơ hội thể hiện tài năng. Họ là những người có đam mê, lòng yêu nghề và sức mạnh không thua kém bất cứ ai nên khi được trao quyền, họ nhất định sẽ tỏa sáng.

Nhà báo Nguyễn Thùy Dương - Tổng biên tập Tạp chí Thương Gia khẳng định, hãy trao quyền cho phụ nữ

'Tôi là một người phụ nữ cũng giống như bao nhiêu người phụ nữ khác, vẫn có những công việc và trách nhiệm cần phải gánh vác nhưng tôi vẫn muốn được làm việc, cống hiến cho cái nghề đã được gọi là "định mệnh" của mình. Việc trở thành một tổng biên tập của một tờ báo tự chủ về tài chính như Tạp chí Thương Gia khiến tôi và đội ngũ của mình gặp nhiều khó khăn nhưng chúng tôi đã vượt qua được những khó khăn đó, vươn lên trở thành một tờ báo kinh tế mẫu mực. Chính vì vậy, tôi muốn khẳng định rằng, khi người nữ nhà báo được trao quyền và cơ hội họ sẽ nhất định thành công", bà Dương khẳng định chắc chắn một lần nữa.

"Việc trở thành một tổng biên tập của một tờ báo tự chủ về tài chính như Tạp chí Thương Gia khiến tôi và đội ngũ của mình gặp nhiều khó khăn nhưng chúng tôi đã vượt qua được những khó khăn đó, vươn lên trở thành một tờ báo chuyên kinh tế mẫu mực"

Ngoài ra, các nhà báo Nguyễn Lan Anh - Tổng biên tập Thời báo Ngân hàng, nhà báo Nguyễn Thục Hạnh - Tổng biên tập báo Phụ nữ Việt Nam, nhà báo Trần Thị Thu Hằng -Tổng biên tập Báo Phụ nữ Thủ đô... cũng chia sẻ nhiều quan điểm về cơ hội, thách thức và cách tăng cường truyền thông để thúc đẩy tiếng nói của phụ nữ tại các cơ quan báo chí.

Ban tổ chức tặng quà tri ân cho thân nhân gia đình các nhà báo - liệt sĩ đã hi sinh

Cũng trong khuôn khổ chương trình, Ban tổ chức đã trao quà tri ân cho thân nhân gia đình 8 nhà báo liệt sĩ đã hi sinh trong các cuộc kháng chiến của dân tộc. Trong đó, có thân nhân gia đình liệt sỹ Dương Thị Xuân Quý, nữ nhà báo - liệt sĩ của Báo Phụ nữ Việt Nam. Theo thống kê, cả nước có 66 nhà báo liệt sĩ đã hi sinh anh dũng trong quá trình tác nghiệp trên chiến trường.

Những hình ảnh khác của Hội báo toàn quốc:

Hải Đăng

Nguồn Thương Gia: http://thuonggiaonline.vn/giao-luu-nu-tong-bien-tap-hoi-bao-toan-quoc-2018-hay-trao-quyen-cho-nu-lanh-dao-13395.htm