Giao hưởng Việt Nam thiếu địa điểm biểu diễn chất lượng

Từ ngày 24 đến 28/11, tại Hà Nội và Ninh Bình, Festival quốc tế âm nhạc mới Á - Âu Việt Nam năm 2018 với chủ đề 'Nhịp cầu âm thanh Á - Âu' do Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức sẽ quy tụ hơn 200 nhạc sĩ, nghệ sĩ của hơn 30 quốc gia tham gia. Với vai trò là Trưởng BTC, Giám đốc nghệ thuật Festival, PGS.TS Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã có cuộc trao đổi với phóng viên báo Đại Đoàn Kết về cuộc hội ngộ âm nhạc đặc biệt này.

PV: Thưa ông! Festival quốc tế âm nhạc mới Á - Âu Việt Nam năm 2018 sẽ có những điểm mới gì?

PGS.TS Đỗ Hồng Quân: Với Festival quốc tế âm nhạc mới Á - Âu, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã đặt nền móng đây sẽ là Liên hoan âm nhạc mang tính truyền thống 2 năm một lần. Đến nay, công tác chuẩn bị về mặt tổ chức đã hoàn tất. Chúng tôi đã huy động các Dàn nhạc trong nước một cách tối đa, từ Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam đến Dàn nhạc Giao hưởng Mặt Trời, và các nhạc công của Dàn nhạc Giao hưởng Nhà hát nhạc vũ kịch TP. Hồ Chí Minh, Dàn nhạc giao hưởng Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, các nghệ sĩ độc tấu nhạc cụ nổi tiếng quốc tế từ Croatia, Liên Bang Nga, Liva, Uzberkistan, Nhật Bản… Về thành phần các nhạc sĩ Việt Nam có tác phẩm tham dự Festival có thể kể: nhạc sĩ Doãn Nho, La Thăng, và thế hệ các nhạc sĩ tiếp theo như Phó Đức Phương, Trọng Đài, Đức Trịnh, Ngô Quốc Tính… Bên cạnh đó phải kể đến các nhạc sĩ nghệ sĩ của các nước láng giềng như Campuchia, Lào, với các tác phẩm thính phòng cho các nhạc cụ dân tộc…

Dàn nhạc của nước Cộng hòa Tatarstan sẽ mang đến liên hoan một chương trình hòa nhạc thính phòng với sự tham gia của 27 nhạc công dưới sự chỉ huy của nữ nhạc trưởng Anna Gulishambarova. Ngoài ra, Festival còn có sự tham gia của các nhà soạn nhạc nổi tiếng quốc tế đến từ Australia, Thụy Sĩ, Philippines, Đức, Trung Quốc, Liên bang Nga, Nhật Bản, Hà Lan… Nhân dịp Festival cũng có một số hoạt động giới thiệu nhạc cụ dân tộc, nghi lễ âm nhạc cổ truyền Việt Nam và giao lưu dã ngoại tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội, quần thể danh thắng Tràng An-Ninh Bình.

Nhiều quốc gia tham gia, tuy nhiên chương trình chỉ gói gọn trong 5 buổi hòa nhạc. Phải chăng là quá ít so với quy mô và số lượng các nghệ sĩ tham gia?

- Để có được 5 chương trình hòa nhạc chính thức của Festival, Ban tổ chức đã lựa chọn từ gần 200 tác phẩm của các nhà soạn nhạc từ nhiều quốc gia gửi đến. Tiêu chí của Festival là các tác phẩm sáng tác trong những năm gần đây, có tính mới lạ, tính dân tộc, từ thể loại giao hưởng, thính phòng, độc tấu, các tác phẩm giao hưởng cho dàn nhạc phương Tây kết hợp với nhạc cụ dân tộc châu Á… từ đó xây dựng được 2 chương trình hòa nhạc giao hưởng khai mạc và bế mạc; các chương trình hòa nhạc thính phòng cũng rất độc đáo khi có những tác phẩm được Dàn nhạc Thính phòng quốc tế biểu diễn kết hợp với đàn bầu của Việt Nam… sẽ mang đến cho khán giả nhiều tiết mục phong phú và hấp dẫn.

Âm nhạc hàn lâm Việt Nam đã làm được gì và cần phấn đấu ra sao, thưa ông?

- Festival lần này cũng là dịp để chúng ta “kiểm đếm” đến lực lượng sáng tác, biểu diễn trong lĩnh vực âm nhạc Chuyên nghiệp - Đỉnh cao - Bác học. Thấy được sự “ngang hàng” của nền âm nhạc mới Việt Nam với các nước Á - Âu. Bên cạnh đó cũng cho chúng ta những cảnh báo về sự thiếu hụt lực lượng kế cận, thiếu nghệ sĩ, dàn nhạc trình độ cao, thiếu tác phẩm mới, để tiếp tục tham gia vào các Liên hoan Á - Âu theo hướng “dài hơi”. Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã đi theo con đường kiên định, nỗ lực nhiều năm để có được nhịp cầu nối với quốc tế trong lĩnh vực khí nhạc, đưa nền khí nhạc Việt Nam đến gần với âm nhạc thế giới.

PGS.TS Đỗ Hồng Quân.

Mới đây việc đề xuất xây dựng các nhà hát giao hưởng, vũ kịch đang nhận được nhiều ý trái chiều. Dưới góc nhìn của một nhạc sĩ, ông nghĩ sao về vấn đề này?

- Tôi thấy việc xây nhà hát là cần thiết. Thực ra đó là mong mỏi từ rất lâu của giới nhạc sĩ, giới âm nhạc Việt Nam. Ý nghĩa của nó không chỉ bây giờ mà còn có thể nhìn thấy tầm xa hơn nữa trong tương lai. Việc xây dựng nhà hát như vậy có thể coi là một mốc son trong lịch sử âm nhạc của nước nhà. Tuy nhiên, tôi cũng đồng cảm với dư luận xã hội khi cho rằng những khái niệm về nhạc kịch, vũ kịch, giao hưởng tuy không xa lạ nhưng còn tương đối mới mẻ. Có lẽ vì thế khi nói tới việc xây dựng nhà hát chuyên cho loại hình hoạt động này vẫn vấp phải nhiều ý kiến trái chiều.

Hiện nay, tại Hà Nội và TP HCM hiện có 2 nhà hát lớn, nhưng những công trình này được xây cách nay đã hơn một trăm năm. Tuy nhiên để nói rằng hiện nay nó còn đáp ứng được các tiêu chí của các loại hình này chưa thì phải khẳng định là chưa. Đây là hai nơi thường dùng biểu diễn nghệ thuật hàn lâm nhưng cơ sở vật chất đều thiếu thốn, chưa đáp ứng được nhu cầu biểu diễn, thưởng thức giao hưởng, nhạc kịch, vũ kịch.

Thực tế, nhiều dàn nhạc giao hưởng danh tiếng thế giới được mời về biểu diễn phục vụ cho khán giả Việt Nam nhưng họ ngần ngại từ chối vì không có không gian biểu diễn phù hợp. Cũng nhiều dàn nhạc danh tiếng thế giới tới biểu diễn nhưng chất lượng nghệ thuật được chuyển tải đến với người nghe trong nước cũng chưa được hoàn hảo cũng bởi nguyên nhân này.

Xin cảm ơn ông!

Minh Quân (thực hiện)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/am-nhac/giao-huong-viet-nam-thieu-dia-diem-bieu-dien-chat-luong-tintuc422203