Giáo hoàng Francis kêu gọi chống 'chủ nghĩa dân tộc vaccine'

Các quốc gia giàu có không nên tích trữ vaccine phòng ngừa bệnh COVID-19 và chỉ nên hỗ trợ các công ty cam kết bảo vệ môi trường, trợ giúp những người khó khăn nhất và vì 'lợi ích chung'.

Giáo hoàng Francis cử hành thánh lễ Phục sinh qua livestream tại Vương cung thánh đường Thánh Peter ở Vatican ngày 12/4/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Giáo hoàng Francis cử hành thánh lễ Phục sinh qua livestream tại Vương cung thánh đường Thánh Peter ở Vatican ngày 12/4/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Giáo hoàng Francis đã đưa ra lời kêu gọi trên ngày 19/8 khi đề cập tới vấn đề nghiên cứu phát triển vaccine phòng chống COVID-19 cũng như quyền tiếp cận các loại vaccine này khi chúng được cấp phép lưu hành sau này.

Giáo hoàng Francis nhấn mạnh: "Sẽ thật đáng buồn nếu những nước giàu có được ưu tiên vaccine phòng COVID-19. Sẽ thật đáng buồn nếu vaccine trở thành tài sản của quốc gia này hay quốc gia kia, nếu nó không được phổ cập tới tất cả mọi người". Giáo hoàng Francis cũng cho rằng sẽ là một vụ "bê bối" nếu các chính phủ chi tiền cứu trợ liên quan đến đại dịch cho một số ngành nhất định. Theo ông, tiêu chí để các công ty được nhận tiền cứu trợ là họ phải đóng góp cho công tác hỗ trợ những người dễ bị tổn thương và bên lề xã hội, giúp đỡ những người khó khăn nhất vì lợi ích chung và quan tâm đến bảo vệ môi trường.

Trước đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng việc một nước nào đó tích trữ vaccine phòng COVID-19 mà bỏ qua các nước khác sẽ khiến đại dịch trở nên trầm trọng hơn. Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, người cảnh báo về tình trạng "chủ nghĩa dân tộc vaccine", đã kêu gọi các nước tham gia một hiệp ước toàn cầu trước ngày 31/8 tới nhằm chia sẻ các thành tựu phát triển vaccine với các nước đang phát triển.

Hiện trên thế giới có hơn 150 loại vaccine phòng COVID-19 đang được phát triển, trong đó khoảng 20 loại đang được thử nghiệm trên người và một số ít đang được thử nghiệm giai đoạn cuối.

* Từ ngày 17/8, Philippines bắt đầu thử nghiệm lâm sàng 9 tháng đối với thuốc Avigan để nghiên cứu hiệu quả của loại thuốc cúm của Nhật Bản trong điều trị bệnh nhân COVID-19.

Thứ trưởng Y tế Maria Rosario Vergeire cho biết ban đầu thử nghiệm lâm sàng thuốc Avigan sẽ chỉ diễn ra tại 4 bệnh viện ở Manila và sẽ được mở rộng ra trong tương lai. Chỉ những người ở độ tuổi từ 18 đến 74 mới có thể tham gia thử nghiệm và họ phải sẵn sàng sử dụng các biện pháp tránh thai trong suốt thời gian này vì thuốc thử nghiệm có thể gây dị tật thai nhi. Chính phủ Philippines đã chi 18 triệu peso (366.000 USD) cho công tác thử nghiệm lâm sàng thuốc Avigan.

Thuốc Avigan do một công ty con của Tập đoàn Fujifilm Holdings của Nhật Bản sản xuất, được cho là loại thuốc tiềm năng trong điều trị bệnh nhân COVID-19. Tuần trước, Fujifilm Holdings hy vọng sẽ hoàn tất các cuộc thử nghiệm lâm sàng thuốc Avigan tại Nhật Bản trong tháng 9 và sẽ sớm được thông qua.

Trần Quyên (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/giao-hoang-francis-keu-goi-chong-chu-nghia-dan-toc-vaccine-20200819191300887.htm