Giao giáo viên, nhà trường chọn SGK: Bài toán đã có lời giải?

'Một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa' không chỉ phá sự độc quyền mà còn tạo sự đa dạng sách giáo khoa giúp giáo viên và nhà trường có thể chọn sách để dạy học. Tuy nhiên, vẫn còn đó những băn khoăn.

Như thường lệ cứ vào đầu năm học mới, câu chuyện sách giáo khoa, sách giáo khoa dùng một lần rồi bỏ gây lãng phí gây nóng dư luận, tạo ra những tranh luận trái chiều.

Tại Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải tiết lộ con số "sốc" khi mỗi năm phụ huynh chi đến 1.000 tỷ đồng để mua sách giáo khoa, trong đó nhiều cuốn sách chỉ dùng một lần rồi bán đồng nát.

Con số thống kê cho thấy, riêng năm học 2018-2019, Nhà xuất bản Giáo dục đưa ra 100 triệu bản sách giáo khoa và sang năm hoàn toàn không còn sử dụng được.

Tất nhiên “sự lãng phí” trên không ai khác chính các phụ huynh phải gánh chịu. Bởi có nghèo, cùng cực, túng quẫn đến đâu thì đầu năm học, các bậc phụ huynh phải chấp nhận mua sách giáo khoa mới cho con bất kể giá sách bao nhiêu.

Ảnh minh họa. Nguồn: Zing.

Cũng trong một thống kê khác, để phục vụ năm học mới 2018 - 2019, NXB Giáo dục Việt Nam đã phát hành 108,8 triệu bản sách giáo khoa, đạt 105% kế hoạch, vượt 3% so với cùng kỳ năm 2017. Cùng với sách giáo khoa, tất cả sách tham khảo, bổ trợ, phụ huynh phải mua đều của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành.

Thế nhưng theo ông Hoàng Lê Bách - Tổng Giám đốc NXB Giáo dục Việt Nam cho biết, 3 năm trở lại đây, mỗi năm NXB lỗ hơn 40 tỷ đồng tiền in sách giáo khoa.

Trước những vấn đề nóng liên quan đến sách giáo khoa, mới đây Bộ GD&ĐT đã phải làm một cuộc kiểm tra việc thực hiện in và phát hành sách giáo khoa năm học 2018-2019 tại Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam xem có hay không sự độc quyền phát hành sách.

Trong khi dư luận nóng vấn đề sách giáo khoa thì câu nói của ông Đỗ Minh Hoàng – Chánh Văn phòng Sở Giáo dục Đào tạo TP HCM trên báo Pháp luật TP HCM thực sự đáng để ngẫm nghĩ: “Tôi nghĩ đến một lúc nào đó không cần thiết phải có sách hoặc sẽ thay thế bằng sách giáo khoa điện tử. Lúc đó giáo viên có thể giao cho học sinh các chuyên đề cụ thể, sách giáo khoa sẽ trở thành một kênh để tham khảo. Ngoài ra, với thời đại công nghệ 4.0 thì khi đó phải thoát tư tưởng phụ thuộc vào sách”.

Từ đó, nhiều phụ huynh kỳ vọng năm học 2019 -2020 Bộ GD&ĐT có thể sẽ thực hiện chương trình sách giáo khoa mới ở lớp 1 trên cả nước từ năm học 2019 - 2020. Đây là khung chương trình chuẩn để xây dựng sách giáo khoa.

Theo chủ trương, Bộ GD&ĐT sẽ áp dụng phương thức "Một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa", nghĩa là từ khung chương trình này có thể có nhiều bộ sách để chống phụ thuộc và độc quyền được kỳ vọng sẽ giảm tải cho học sinh, đồng thời nâng cao chất lượng sách giáo khoa.

Hiện nay, TP HCM cũng đang trong quá trình soạn bộ sách giáo khoa riêng cho các bậc học. Bộ sách này không chỉ phục vụ học sinh ở TP HCM, không bắt buộc học sinh trên địa bàn TP HCM phải sử dụng. Đáng chú ý, quyền sử dụng sách giáo khoa này tùy thuộc vào giáo viên, họ sẽ là những người lựa chọn bộ sách nào phù hợp của mình.

Trên thực tế, chủ trương một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa đã được các nước triển khai từ lâu, trở thành thông lệ quốc tế nhằm tạo ra sự đa dạng trong lựa chọn, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Ví như nước Nga, một chương trình hiện nay có đến 8 bộ sách giáo khoa. Trong khi đó tại Mỹ, cả nước không dùng chung một bộ sách giáo khoa. Mỗi bang có những đầu sách xuất bản riêng, phù hợp với học sinh ở bang đó, giáo viên cũng không nhất thiết phải sử dụng sách giáo khoa giống nhau mà được quyền chọn tài liệu dạy học thích hợp, miễn chúng đã thông qua kiểm duyệt. Tại Anh và Pháp cũng đã áp dụng một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa từ lâu.

Điểm chung lớn nhất tại những nước trên là Bộ GD&ĐT không độc quyền về biên soạn và xuất bản sách giáo khoa. Thay vào đó, Bộ chỉ đóng vai trò kiểm duyệt hoặc cấp phép thẩm định.

Rõ ràng, có nhiều bộ sách giáo khoa rõ ràng tính đa dạng về mặt kiến thức sẽ cao hơn nhưng vẫn đảm bảo tính thống nhất về chương trình và trình độ thì đó là cái ưu điểm lớn.

Việc để giáo viên và nhà trường sẽ là những người lựa chọn bộ sách sẽ thiết thực bởi sẽ tạo nguồn sách đa dạng để giáo viên, những người am hiểu chuyên môn, lựa chọn những cuốn sách giáo khoa có nội dung khoa học, dễ dạy, dễ học, tạo điều kiện cho nhà trường. Giáo viên được sáng tạo và được tạo động lực để tìm tòi những cách làm phù hợp với đối tượng học sinh của mình. Học sinh có thêm nhiều sách để lựa chọn tham khảo. Đồng thời, làm tăng tính cạnh tranh trong việc biên soạn, in ấn và phát hành sẽ phá độc quyền.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn, nếu biên soạn, có nhiều bộ sách giáo khoa mà không biết khai thác, sử dụng hiệu quả sẽ tạo ra lãng phí. Trong khi đó, khi thực hiện một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa, các trường học sẽ phải chủ động trong việc đề xuất lựa chọn loại sách của nhà xuất bản nào để giảng dạy. Tuy nhiên đây là việc không dễ dàng.

Do vậy, yêu cầu đặt ra, việc biên soạn sách giáo khoa cần phải có đội ngũ nắm được tâm lý học sinh và không cần quá nhiều bộ sách giáo khoa mà nên tập trung chất lượng.

Đồng thời, như ông Huỳnh Công Minh - người tâm huyết với việc xây dựng bộ sách giáo khoa riêng cho TP HCM nói trên báo chí: “Quan trọng vẫn là có một khung chương trình chuẩn. Cụ thể, phải xây dựng chương trình tổng thể chuẩn, cho phép lưu hành nhiều bộ sách giáo khoa để chống độc quyền và Nhà nước phải có bộ phận quản lý cũng như duyệt quy trình làm một bộ sách giáo khoa chuẩn”.

Thiên Nga

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/goc-nhin-kien-thuc/giao-giao-vien-nha-truong-chon-sgk-bai-toan-da-co-loi-giai-1120860.html