Giáo dục xứ Thanh: Năm học mới, thách thức mới

Trước khi bước vào năm học mới 2018-2019, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Thanh Hóa và các địa phương đã chuẩn bị cơ sở vật chất hạ tầng, sửa chữa, xây mới trường lớp, mua sắm trang thiết bị, đảm bảo điều kiện tốt nhất cho ngành giáo dục.

Sở GD&ĐT Thanh Hóa xác định năm học 2018 - 2019 là năm bản lề đổi mới giáo dục.

Duy trì chất lượng giáo dục mũi nhọn

Năm học vừa qua, ngành GD&ĐT Thanh Hóa tiếp tục triển khai các hoạt động đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đạt được những kết quả tích cực. Chất lượng giáo dục các cấp học được nâng lên rõ rệt.

Chất lượng giáo dục mũi nhọn tiếp tục duy trì và có bước đột phá cả số lượng và chất lượng. Tại các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế, Thanh Hóa liên tục đứng trong tốp đầu của ngành giáo dục.

Trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và quốc tế, toàn tỉnh có 64 giải học sinh giỏi quốc gia, xếp thứ 4 toàn quốc. Kỳ thi Olympic Quốc tế, khu vực châu Á - Thái Bình Dương, các em học sinh xứ Thanh cũng đem về 3 huy chương vàng, 2 huy chương bạc và 1 huy chương đồng cho quê nhà.

Trong năm học 2017-2018, ngành giáo dục tỉnh Thanh Hóa đã giảm được 22 trường học trên địa bàn, trường tiểu học đã giảm 36 điểm lẻ, trường mầm non cũng giảm được 31 điểm lẻ ở khu vực miền núi. Bên cạnh đó, điều chuyển hơn 3.400 cán bộ, giáo viên, nhân viên từ nơi thừa đến nơi thiếu, bổ sung và thi tuyển một số giáo viên mầm non, tiểu học và nhân viên hành chính đối với những nơi còn thiếu.

Bước vào năm học mới 2018-2019, ngành GD&ĐT Thanh Hóa sẽ phát huy hơn nữa những kết quả đạt được, tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng tốt nhất yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xu thế hội nhập quốc tế của đất nước.

Để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, với phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”, nhiều năm qua, ngành GD&ĐT Thanh Hóa luôn đặt mục tiêu chất lượng giáo dục lên hàng đầu, với vai trò của các thầy giáo, cô giáo giữ vững ngọn lửa đam mê với sự nghiệp giáo dục, không ngừng đổi mới sáng tạo trong dạy học. Bên cạnh đó, học sinh, sinh viên phải phát huy truyền thống hiếu học, nuôi dưỡng hoài bão, có ý chí vươn lên trong học tập để cống hiến cho tỉnh nhà nói riêng và cho đất nước nói chung.

Nhiều thách thức

Bên cạnh thành tích đạt được, ngành GD&ĐT Thanh Hóa cũng còn gặp không ít khó khăn. Hiện tượng chạy lớp, chạy trường vẫn còn diễn biến phức tạp, chất lượng giáo dục đại học, chuyên nghiệp còn thấp, chưa gắn với nhu cầu của xã hội, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên còn hạn chế, lạm thu trong các nhà trường vẫn còn, quy mô trường lớp chưa đáp ứng được yêu cầu, xét tuyển viên chức ở nhiều địa phương còn nhiều bất cập...

Năm học mới 2018 - 2019, Sở GD&ĐT Thanh Hóa đã xây dựng các đề án, dự án để tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, xây dựng trường học đạt chuẩn Quốc gia đảm bảo yêu cầu đổi mới phương pháp dạy và học trong giai đoạn 2015 - 2020 với tổng kinh phí trên 700 tỷ đồng.

Chú trọng phát triển giáo dục, đào tạo ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, quan tâm hơn nữa con em các đối tượng chính sách, bảo đảm cơ hội tiếp cận giáo dục bình đẳng cho mọi người dân. Xây dựng phòng học cho các trường mầm non, tiểu học thuộc địa bàn khó khăn bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ.

Xác định năm học 2018 - 2019 là năm bản lề của việc đổi mới giáo dục, vì vậy, Sở GD&ĐT Thanh Hóa đã xây dựng giải pháp nâng cao chất lượng đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, phương pháp đánh giá, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục, quan tâm tạo điều kiện cho những trường còn nhiều khó khăn. Quan tâm giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên, chú trọng đào tạo giáo dục mũi nhọn.

Bên cạnh đó, việc bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao trình độ chuẩn, trên chuẩn về đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, đổi mới công tác quản lý giáo dục, xây dựng đội ngũ giáo viên đủ số lượng, đảm bảo về chất lượng cũng được xác định là trọng tâm. Khắc phục những yếu kém trong việc quản lý vấn đề lạm thu, dạy thêm, học thêm trong các trường học, nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, phát triển các trường phổ thông công lập tự chủ và tư thục chất lượng cao.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, trong năm học mới 2018-2019, Bộ sẽ ưu tiên thực hiện đảm bảo cơ sở trường lớp học, nâng cao đội ngũ giáo viên, đẩy mạnh tự chủ đại học.

Ngành GD&ĐT đang bám sát vào những nhiệm vụ đặt ra theo như Nghị quyết 29 về Đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục và Nghị quyết 44 của Chính phủ tập trung vào 9 nhóm nhiệm vụ và 5 giải pháp.

Bộ sẽ triển khai nhiệm vụ quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục từ mầm non cho đến đại học; sắp xếp dồn dịch, quy hoạch các điểm trường một cách hợp lý, tránh tình trạng làm cơ học.

Căn cứ vào lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa, chuẩn giáo viên và đội ngũ quản lý, Bộ sẽ có kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo lại đội ngũ giáo viên, quản lý trường học.

Đối với cấp Tiểu học, khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, ở nơi nào không đủ điều kiện giảng dạy 2 buổi/ngày, Bộ cũng đã tham mưu với các bộ ngành trình Chính phủ đề án kiên cố hóa trường lớp, kết hợp với chương trình mục tiêu quốc gia, nông thôn mới, chương trình trái phiếu Chính phủ, giáo dục miền núi để tập trung ưu tiên đầu tư cho những vùng khó khăn...

Xuân Sơn

Nguồn KTNT: http://kinhtenongthon.vn/giao-duc-xu-thanh-nam-hoc-moi-thach-thuc-moi-post22065.html