Giáo dục vùng tâm lũ gồng mình vượt khó

GD&TĐ - Cơn lũ lịch sử đi qua các tỉnh miền Trung hồi giữa tháng 10, đã để lại hậu quả nghiêm trọng về kinh tế - xã hội cho các địa phương, trong đó có lĩnh vực GD&ĐT.

Quảng Bình là địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất, với 100% cơ sở GD&ĐT của tỉnh bị ảnh hưởng, trong đó có 70% ảnh hưởng nghiêm trọng và nhất là một số HS bị đuối nước do lũ cuốn. Sau gần nửa tháng cơn lũ đi qua, ngành GD tỉnh Quảng Bình đã dần ổn định việc dạy và học, song hành với việc gồng mình để khắc phục hậu quả lũ lụt để lại…

Nghẹn ngào sau lũ…

Sau cơn lũ, nhiều trường học tại Quảng Bình ngổn ngang bởi bùn đất, hàng tá công sức của giáo viên các bậc học đổ sông đổ bể khi công lao xây dựng cơ sở vật chất phục vụ việc dạy và học của học sinh chìm trong nước lũ. Những thiết bị đồ dùng được các thầy cô dày công làm để giảng dạy đều bị hỏng, những trang thiết bị điện tử bỏ đi sau khi ngâm nước lũ nhiều ngày.

Trường Mầm Non Quảng Tân tại thị xã Ba Đồn với những công trình cấp 4 được xây dựng nhiều năm và đang quá tải bởi lượng học sinh lên đến 230 cháu. Nước lũ làm ngập toàn bộ trường và mực nước cao đến 2,5m nên toàn bộ dụng cụ dạy học, tivi, tủ lạnh và những vật dụng khác đều bị ngâm nước.

Cô Đinh Thị Vân - Hiệu trưởng nhà trường - cho biết: Ngay khi nước lũ bắt đầu lên, một số cán bộ, giáo viên ở trường đã lập tức đến di chuyển đồ đạc, một phần đưa đi gửi nhà dân xung quanh còn khô ráo, một phần phải kê dần lên cao theo nước lũ. Tuy vậy, trường nằm ở địa bàn thấp trũng, nước lên nhanh nên mọi thứ nhanh chóng chìm trong làn nước lũ.

“Là ngôi trường đóng trên địa bàn nghèo khó nên khi nước lũ phá hết đồ dùng HS và các trang thiết bị dạy học của giáo viên, ai cũng xót xa, bởi đó là công sức, mồ hôi và nước mắt của mình. Đặc biệt là những phụ huynh có con em học ở đây đã cố gắng hết sức quyên góp tiền để mua sắm đồ dùng học tập cho con em trong suốt thời gian dài. Sau lũ, nỗi lo lớn nhất của chúng tôi vẫn là làm thế nào để đảm bảo đủ cơ sở vật chất và trang thiết bị học tập cho các cháu và ổn định công tác cho các thầy cô” - cô Vân tâm sự.

Tại Trường Tiểu học Châu Hóa (huyện Tuyên Hóa), gia đình thầy giáo Lê Quốc Hoàn Bị gần như trắng tay sau lũ. Do hoàn cảnh gia đình thầy rất khó khăn, trước đây nhà trường tạo điều kiện bố trí một căn nhà công vụ được dựng bằng gỗ. Khi cơn lũ đi qua, căn nhà cũng bị san bằng, cuốn theo mọi đồ đạc sinh hoạt, giáo án, tài liệu, máy tính. Xong buổi dạy, vừa thay vội bộ quần áo để kê đồ đạc trong căn phòng tạm nhà trường vừa bố trí, thầy vừa phân trần: “Vợ chồng đành khuyên nhủ làm lại từ đầu thôi, chạy được người là may rồi. Thương là thương cho học trò đã nghèo giờ lại còn thêm cơn lũ này, chỉ sợ các em bỏ học”.

Không chỉ thiệt hại về vật chất, những tai nạn đau thương mùa lũ đã cướp đi sinh mạng 8 em học sinh ở nhiều vùng quê tại Quảng Bình. Như trường hợp em Phạm Thị Khánh Ngọc học sinh lớp 4 Trường Tiểu học Quảng Trung xã Quảng Trung (thị xã Ba Đồn) là một trong những tai nạn đau lòng trong cơn lũ dữ vừa qua…

Sự chia sẻ từ chính các đồng nghiệp

Đợt lũ kinh hoàng ập đến, hàng trăm ngôi trường chìm trong nước lũ. Hàng ngàn đôi mắt của cán bộ giáo viên, HS tại Quảng Bình rưng rưng nhìn cơn lũ dữ đi qua, trước những hậu quả nghiêm trọng mà có lẽ phải một thời gian nữa mới có thể khắc phục được, từ đời sống gia đình cá nhân mỗi thầy cô, của HS cho tới cơ sở trường lớp phục vụ học tập. Xót xa công sức của mình xây dựng lâu nay, thương những em HS đã vĩnh viễn không thể đến trường được nữa... nhưng rồi những con người ấy, bàn tay ấy vẫn phải tiếp tục đứng lên trên đôi chân mình để xây dựng lại từ đầu…

Ngay sau khi nước rút, các trường đã khẩn trương tổ chức giáo viên sớm khắc phục mọi khó khăn để đến dọn dẹp vệ sinh trường lớp, đảm bảo sớm đưa các cháu trở lại trường. Những nghĩa cử đồng nghiệp đáng quý cũng xuất hiện, điển hình như việc các thầy cô của Trường Tiểu học số 1 và số 2 Đồng Lê (huyện Tuyên Hóa), sau khi dọn dẹp vệ sinh trường của mình, đã cử giáo viên đến các vùng bị ngập lụt nặng hơn, nhằm giúp đỡ đồng nghiệp dọn vệ sinh trường lớp sạch sẽ để sớm đưa HS trở lại trường.

Trường Tiểu học số 1 Sơn Trạch (huyện Bố Trạch) cũng là một trong những cơ sở GD bị thiệt hại nặng sau cơn lũ tràn qua Quảng Bình. Thầy cô giáo viên nhà trường đã nỗ lực hết mình để dọn vệ sinh môi trường giúp HS ổn định học tập trở lại. Đồng thời chính các giáo viên này đã chia sẻ những khó khăn của HS, kêu gọi sự giúp đỡ của đoàn từ thiện về cho các em. Những món quà ý nghĩa từ các nhà hảo tâm trên địa bàn cũng như cả nước không chỉ mang ý nghĩa của sự chia sẻ mà còn là động lực thúc đẩy giáo viên và HS vùng lũ vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ.

Đặc biệt, để chia sẻ những khó khăn với các trường bạn bị thiệt hại nặng nề hơn, các cán bộ, giáo viên, HS Trường Tiểu học Đồng Phú (TP Đồng Hới) đã tổ chức quyên góp tiền, sách vở, bút mực… trong nhà trường và kêu gọi sự hỗ trợ từ các bậc phụ huynh để trao tặng đến tận tay cho các giáo viên, HS vùng bị ngập lụt nặng như các Trường Tiểu học số 1 Sơn Trạch, Tiểu học số 2 Phúc Trạch theo đúng tinh thần lá rách ít đùm lá rách nhiều...

Tuyệt đối không để học sinh bỏ học

Ông Đinh Quý Nhân - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Bình - cho hay: Hiện tại, nhiều trường học và cơ sở GD vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn do hậu quả mưa lũ gây ra, mặc dù đã tổ chức học trở lại nhưng số phòng học, phòng chức năng và phòng nội trú của giáo viên vẫn còn hư hỏng nhiều, chưa thể khắc phục ngay được, nhiều trường phải tổ chức học dồn lớp, ghép lớp do thiếu phòng học.

Bên cạnh đó, nhiều gia đình cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành GD&ĐT đang gặp khó khăn do nhà cửa, tài sản, vật dụng gia đình bị hư hỏng... Đó là những khó khăn rất lớn tác động trực tiếp đối với Ngành trong việc khắc phục hậu quả và ổn định việc dạy và học trong thời gian tới.

Theo ông Đinh Quý Nhân, ngay sau lũ, lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Bình đã tổ chức nhiều đoàn cán bộ về cơ sở thị sát tình hình hậu quả mà lũ lụt đã gây ra, qua đó lãnh đạo Sở GD&ĐT cũng có những chỉ đạo cụ thể cho cơ sở GD trong toàn tỉnh, nhằm sớm đưa HS trở lại trường; đồng thời nắm bắt tâm tư nguyện vọng của phụ huynh HS, các thầy cô giáo, quyết không để HS bỏ học sau mưa lũ, đúng như tinh thần chỉ đạo của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khi dẫn đầu đoàn công tác của Bộ GD&ĐT về thị sát tình hình và thăm hỏi cán bộ, giáo viên và HS ngành GD tỉnh Quảng Bình ngay sau trận lũ vừa qua.

“Trước mắt, các trường, trung tâm và cơ sở GD trên toàn tỉnh phải phát huy nội lực của nhà trường, kết hợp sự hỗ trợ của chính quyền các cấp, đoàn thể, phụ huynh HS để khắc phục những gì có thể khắc phục được, nhằm ổn định việc dạy và học, đồng thời có biện pháp tích cực để hỗ trợ, tạo điều kiện cho số học sinh có nguy cơ bỏ học sau lũ tiếp tục đến trường” - ông Đinh Quý Nhân nêu rõ.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/giao-duc-vung-tam-lu-gong-minh-vuot-kho-2479134-b.html