Giáo dục vùng dân tộc thiểu số chuyển mình

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm phát triển giáo dục ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực người dân tộc thiểu số. Chính vì vậy, giáo dục dân tộc thiểu số có những bước phát triển đáng kể.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình và Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT biểu dương, tặng Bằng khen của UBDT cho các học sinh tiêu biểu, xuất sắc năm 2018.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình và Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT biểu dương, tặng Bằng khen của UBDT cho các học sinh tiêu biểu, xuất sắc năm 2018.

1- Phát triển giáo dục và đào tạo là một trong những chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước ta nhằm phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, góp phần nâng cao dân trí, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, xóa đói, giảm nghèo đa chiều bền vững ở vùng dân tộc thiểu số. Do đó, bên cạnh các chính sách phát triển kinh tế, thì giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, miền núi luôn được ưu tiên chú trọng. Theo thống kê của Ủy ban Dân tộc, đến nay, mạng lưới, quy mô trường lớp từ mầm non đến trung học phổ thông ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi nước ta được củng cố và phát triển, đáp ứng nhu cầu học tập cho con em đồng bào các dân tộc trong độ tuổi đến trường. Các thôn, bản vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới đã có lớp mầm non; hầu hết các xã có trường tiểu học ở khu vực trung tâm và trường trung học cơ sở; các huyện đều có trường trung học phổ thông. Từ các chương trình, dự án của nhà nước kết hợp với sự đầu tư của các địa phương, đến nay, các địa phương có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống đã xóa bỏ được phần lớn phòng học 3 ca, phòng học tạm; tạo điều kiện cho hàng triệu học sinh được ngồi học trong các phòng học kiên cố và giải quyết chỗ ở cho hàng vạn giáo viên (đặc biệt các tỉnh miền núi phía Bắc, các huyện miền núi ở các tỉnh miền Trung, các tỉnh Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long). Cơ sở vật chất, thiết bị trường học phục vụ hoạt động dạy và học của các cơ sở giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi được quan tâm đầu tư, góp phần ổn định và phát triển quy mô giáo dục, tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục phấn đấu đạt chuẩn quốc gia và hoàn thiện dần mạng lưới cơ sở giáo dục ở các địa phương, từng bước nâng cao quy mô mạng lưới và chất lượng giáo dục trong các trường chuyên biệt.

Hiện cả nước có 5 trường dự bị đại học, 314 trường phổ thông dân tộc nội trú, 975 trường phổ thông dân tộc bán trú; 14 trường cao đẳng, trung cấp dạy nghề cho con em đồng bào dân tộc thiểu số; hầu hết các xã có trường mầm non, 100% xã có trường tiểu học, trung học cơ sở, trung tâm cụm xã có trường trung học phổ thông. Nhờ vậy, tỷ lệ huy động học sinh ra lớp ngày càng cao, chất lượng từng bước được nâng lên, góp phần nâng cao tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số, đáp ứng ngày càng tốt hơn nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.

Chất lượng giáo dục của các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú, dự bị đại học dân tộc dần được nâng lên qua các năm học, đã và đang thực hiện tốt nhiệm vụ tạo nguồn đào tạo nhân lực có chất lượng cho các địa phương. Trên 50% học sinh của các trường này thi đỗ thẳng vào các trường đại học, cao đẳng; 5% học cử tuyển, 13% vào dự bị đại học, 20% học trung cấp chuyên nghiệp, học nghề, số ít còn lại tham gia công tác và lao động sản xuất ở địa phương.

2- Bên cạnh việc nâng cao chất lượng dạy học, các cơ sở giáo dục vùng dân tộc thiểu số miền núi còn góp phần vào việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc. Nhiều địa phương đã vận dụng sáng tạo giáo dục văn hóa dân tộc và tri thức địa phương cho học sinh trong các trường học, như sưu tầm, biên soạn tài liệu giáo dục văn hóa dân tộc và tri thức địa phương đưa vào giảng dạy trong trường học. Hiện nay, cả nước chính thức triển khai dạy và học 6 thứ tiếng dân tộc thiểu số là tiếng Mông, Chăm, Khmer, Gia-rai, Ba-na, Ê-đê. Hoạt động này góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, khơi dậy niềm tự hào dân tộc của mỗi học sinh và tạo hứng thú đến trường đối với học sinh.

Theo đánh giá của Ủy ban Dân tộc, năm học 2017 - 2018, cùng với chất lượng giáo dục toàn diện được cải thiện, công tác giáo dục mũi nhọn, chăm lo phát triển nguồn nhân lực dân tộc thiểu số chất lượng cao đã được chú trọng và tăng cường. Nhiều tỉnh có nhiều học sinh là người dân tộc thiểu số đạt giải trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia và cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia. Đặc biệt ngày càng có nhiều học sinh thuộc các dân tộc thiểu số rất ít người đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông và học lên những cấp học cao hơn. Ở hầu hết các tỉnh, tỷ lệ học sinh là người dân tộc thiểu số đạt giải trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia, học sinh là người dân tộc thiểu số dưới 1.000 người tốt nghiệp trung học phổ thông; học sinh trúng tuyển vào các trường chuyên nghiệp đạt điểm cao đều tăng so với những năm học trước. Qua đó, có thể thấy, chất lượng giáo dục vùng dân tộc thiểu số và miền núi ngày càng được nâng lên.

Nhằm động viên, kích lệ tinh thần học tập của học sinh dân tộc thiểu số, trong 6 năm qua, Ủy ban Dân tộc đã tổ chức các lễ tuyên dương học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số xuất sắc, tiêu biểu. Năm 2018, Ủy ban Dân tộc đã tuyên dương 166 em; trong đó có 17 em đạt giải trong cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia năm 2018; 94 em là học sinh đạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia; 2 học sinh trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng với số điểm từ 27 điểm trở lên; 11 học sinh dân tộc thiểu số rất ít người tốt nghiệp trung học phổ thông và trúng tuyển vào đại học; 42 sinh viên dân tộc thiểu số tốt nghiệp các trường học viện, đại học, cao đẳng loại xuất sắc./.

Thanh Thủy

Nguồn Tạp chí cộng sản: http://www.tapchicongsan.org.vn/home/van-hoa-xa-hoi/2019/54443/giao-duc-vung-dan-toc-thieu-so-chuyen-minh.aspx