Giáo dục với những vấn đề lớn từ cấp Mầm non đến Đại học

Các vấn đề về trách nhiệm giải trình của các cơ sở GD đại học theo tinh thần Nghị định 99; Thi giáo viên dạy giỏi; Lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo cho gần 300.000 giáo viên mầm non, tiểu học, THCS toàn quốc,… được dư luận đặc biệt quan tâm tuần qua.

Nhấn mạnh trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục đại học trong bối cảnh các trường được giao quyền tự chủ. (Ảnh minh họa)

Nhấn mạnh trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục đại học trong bối cảnh các trường được giao quyền tự chủ. (Ảnh minh họa)

Nhấn mạnh trách nhiệm giải trình của các cơ sở GD đại học

Mới đây, Bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai Nghị định 99 (hướng dẫn thực hiện luật bổ sung, sủa đổi một số điều Luật Giáo dục đại học, còn gọi là luật 34).

Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, Luật Giáo dục đại học bổ sung, sửa đổi thúc đẩy việc thực hiện quyền tự chủ của các trường, đồng thời yêu cầu nghĩa vụ giải trình, trong đó công khai là một phương thức.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục đại học trong bối cảnh các trường được giao quyền tự chủ.

Bộ GD&ĐT quyết tâm thực hiện trong năm nay là phải kê khai. Chúng tôi đang giao Cục Quản lý chất lượng giáo dục phối hợp với các trường làm. Trường nào mà không công khai là "chui", mà như vậy là không được. Trong quá trình thực hiện, đề nghị các trường tích cực phối hợp để chúng ta có bộ cơ sở dữ liệu thống nhất, liên thông trong toàn ngành, toàn hệ thống.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ

Theo Bộ trưởng, 1 trong 4 đầu việc Bộ phải làm trong thời gian tới là hướng dẫn các cơ sở giáo dục đại học xây dựng bộ cơ sở dữ liệu chuẩn về giáo dục đại học. Trên cơ sở chuẩn dữ liệu thì chuẩn kết nối, từ điều kiện đảm bảo chất lượng, đầu ra, tất các chỉ số của cơ sở giáo dục đại học đều phải được công khai. Từ đó, xã hội và các bên liên quan giám sát.

Điều này sẽ giúp khắc phục căn bản tình trạng bằng giả. Bởi khi cơ sở dữ liệu có trong cơ sở giáo dục đại học thì không thể có một cái tên không nằm trong danh sách sinh viên của trường mà lại có bằng. Lúc đó, người sử dụng, hoặc người cần thẩm định hồ sơ chỉ cần vào cơ sở dữ liệu để tra cứu thì sẽ ra ngay được người đó có tên hay không.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh yêu cầu các trường tăng cường điều kiện đảm bảo chất lượng, kiểm định chất lượng đơn vị và kiểm định ngành.

"Luật 34 cho phép chúng ta tự chủ, mặt khác yêu cầu chúng ta phải giải trình - giải trình thông qua kiểm định... Cho nên, phải tiến tới nâng cao cái kiểm định đích thực, để xem từng ngành, từng trường đang ở đâu so với chuẩn tối thiểu và minh bạch nó. Làm được như vậy thì xã hội sẽ cùng giám sát", Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng nhấn mạnh: “Bản thân cán bộ, giảng viên nhà trường qua đó cũng nhìn thấy mình đang ở đâu để hạn chế việc có những góc khuất. Chính các góc khuất đó tạo ra tiêu cực”.

Thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ sửa thông tư về kiểm định viên. Thực hiện theo luật Giáo dục đại học, thì trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục phải độc lập. Phải tăng cường trách nhiệm, trong đó có cả trách nhiệm giải trình của các trung tâm này.

Nguyên tắc của hội thi giáo viên dạy giỏi phải dựa trên sự tự nguyện của giáo viên. (Ảnh minh họa)

Vấn đề thi giáo viên dạy giỏi

Theo thông tư do Bộ GD&ĐT vừa ban hành, sẽ tiếp tục tổ chức thi giáo viên dạy giỏi nhưng dựa trên sự tự nguyện của giáo viên, không ép buộc.

Thông tư nêu rõ nguyên tắc của hội thi giáo viên dạy giỏi phải dựa trên sự tự nguyện của giáo viên; không ép buộc, không tạo áp lực cho giáo viên tham gia hội thi; đảm bảo tính trung thực, dân chủ, công khai, minh bạch, công bằng, khách quan và đảm bảo thực chất.

Cụ thể, giáo viên phải thực hành dạy 1 tiết theo kế hoạch giảng dạy tại thời điểm diễn ra hội thi.

Tiết dạy này được tổ chức lần đầu tại lớp học với nguyên trạng số lượng trẻ/học sinh của lớp đó.

Giáo viên không được dạy trước (dạy thử) tiết dạy tham gia hội thi trong năm học tổ chức hội thi và chỉ được thông báo, chuẩn bị cho tiết dạy không quá 2 ngày trước thời điểm thi.

Ngoài ra, giáo viên trình bày một biện pháp góp phần nâng cao chất lượng công tác giảng dạy của cá nhân tại cơ sở giáo dục, nơi đang làm việc (với giáo viên mầm non là công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ).

Thời lượng trình bày biện pháp không quá 30 phút, bao gồm cả thời gian ban giám khảo trao đổi.

Biện pháp được lãnh đạo cơ sở giáo dục xác nhận áp dụng hiệu quả và lần đầu được dùng để đăng ký thi giáo viên dạy giỏi cơ sở giáo dục phổ thông và chưa được dùng để xét duyệt thành tích khen thưởng cá nhân trước đó.

Kết quả hội thi là minh chứng để tham gia đánh giá và thực hiện chế độ chính sách đối với giáo viên theo quy định hiện hành.

Sẽ áp dụng nâng chuẩn được đào tạo với gần 300.000 giáo viên toàn quốc

Bộ GD&ĐT vừa công bố dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo dự kiến sẽ áp dụng với gần 300.000 giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở toàn quốc.

Theo dự thảo, giáo viên phải thực hiện nâng trình độ chuẩn gồm: giáo viên mầm non chưa có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên; giáo viên tiểu học, THCS có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên, hoặc bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm trở lên.

Gần 300.000 giáo viên mầm non, tiểu học, THCS toàn quốc sẽ thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo theo lộ trình 10 năm. (Ảnh minh họa)

Độ tuổi giáo viên phải thực hiện nâng trình độ chuẩn: Tính từ 1/7/2020, giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học, giáo viên THCS trừ thời gian đào tạo theo quy định, phải còn đủ 5 năm công tác tính đến tuổi được nghỉ hưu phải thực hiện nâng trình độ chuẩn.

Dự thảo nghị định cũng đưa ra nguyên tắc thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn của giáo viên.

Theo đó, thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn của giáo viên phải bảo đảm phù hợp với thực tiễn và điều kiện thực hiện của giáo viên, cơ sở giáo dục, địa phương và không để xảy ra tình trạng thiếu giáo viên giảng dạy.

Giáo viên được cử đi đào tạo nâng trình độ chuẩn sẽ được cơ quan quản lý, sử dụng tạo điều kiện về thời gian và được hỗ trợ, cấp kinh phí đào tạo theo quy định; được tính thời gian đào tạo vào thời gian công tác liên tục; được hưởng 100% lương và các chế độ, phụ cấp theo quy định của pháp luật; được biểu dương, khen thưởng khi có thành tích xuất sắc trong học tập.

Dự thảo nghị định quy định về thời gian đào tạo nâng trình độ chuẩn giáo viên. Theo đó, đào tạo trình độ cao đẳng sư phạm được thực hiện từ 1,5 năm đến 2 năm học đối với giáo viên có bằng tốt nghiệp trung cấp cùng ngành đào tạo.

Đào tạo trình độ đại học sư phạm được thực hiện từ 2,5 năm đến 4 năm học đối với giáo viên có bằng tốt nghiệp trung cấp cùng ngành đào tạo; từ 1,5 năm đến 2 năm học đối với giáo viên có bằng tốt nghiệp cao đẳng cùng ngành đào tạo.

Đối với giáo viên đào tạo theo hình thức học tập tích lũy tín chỉ thì thời gian đào tạo để đạt trình độ chuẩn theo quy định tối đa không quá 4 năm học, kể từ ngày trúng tuyển.

Theo lộ trình, việc đào tạo bắt đầu thực hiện từ năm 2020 đến năm 2030 thì trung bình mỗi năm cả nước sẽ tuyển sinh để đào tạo 25.705 người (mầm non 8.960 người, tiểu học 11.684 người, THCS 5.105 người). Trung bình mỗi tỉnh/thành phố 1 năm sẽ có khoảng 408 giáo viên được cử đi đào tạo (mầm non 142 người, tiểu học 185 người, THCS 81 người).

Theo cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục, tính đến tháng 12/2019, toàn quốc có hơn 1 triệu giáo viên mầm non, phổ thông (công lập 912.996, ngoài công lập 108.851).

Trong đó, có 354.955 giáo viên mầm non (công lập 256.543, ngoài công lập 85.403); tiểu học có 380.987 giáo viên (công lập 374.289, ngoài công lập 6.698); THCS có 285.905 giáo viên (công lập 282.164, ngoài công lập 3741).

Đối với các cơ sở giáo dục công lập, tỷ lệ giáo viên mầm non có trình độ đào tạo từ cao đẳng sư phạm trở lên là 73%, trung cấp 26,6%; giáo viên tiểu học có trình độ đào tạo từ đại học trở lên là 64,26%, cao đẳng là 28,5%, trung cấp là 7,24%; giáo viên THCS có trình độ đào tạo từ đại học trở lên là 78,45%, cao đẳng là 21,55%.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/giao-duc-voi-nhung-van-de-lon-tu-cap-mam-non-den-dai-hoc-4058845-t.html