Giáo dục Việt Nam thời hậu COVID-19: Đâu là giải pháp bền vững?

Từ góc nhìn của một người từng có nhiều năm công tác trong ngành giáo dục, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Dư đề xuất thêm một số giải pháp cho giáo dục thời hậu COVID-19.

Thời gian gần đây báo chí nước nhà xuất hiện khá nhiều bài viết tranh luận về nội dung một vài cuốn sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 mới đưa vào sử dụng.

Việc này chứng tỏ một điều rất đáng mừng là: Viết sách, làm giáo dục không còn là hoạt động riêng của các nhà khoa học giáo dục ở Việt Nam, mà là mối quan tâm của cả cộng đồng, cả xã hội.

Tuy nhiên, một vấn đề không kém phần quan trọng, có thể ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả học tập ở hầu hết các bậc học, đó là khả năng tái bùng phát dịch COVID–19 hay sự bùng phát của những loại dịch bệnh tương tự dẫn tới các đợt nghỉ học dài ngày lại không được đề cập nhiều.

Nếu không nhìn nhận, đánh giá một cách sâu sắc những ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19 đối với giáo dục thế giới nói chung, giáo dục Việt Nam nói riêng, xác định rõ những hạn chế, thiếu sót trong quá trình ứng phó với dịch bệnh thời gian qua, từ đó chủ động đề ra các giải pháp mang tính chiến lược, hệ thống giáo dục của nước nhà sẽ khó có thể có những phản ứng linh hoạt, hiệu quả khi dịch bệnh tái bùng phát.

Ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đến giáo dục toàn cầu

Theo Báo cáo tóm tắt đề xuất chính sách giáo dục tháng 8 năm 2020 của Liên hiệp quốc, tính tới thời điểm giữa tháng 4 năm 2020, có đến 94% người học tại 200 quốc gia bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.

Đại dịch không chỉ khiến nhiều học sinh, sinh viên không thể đến trường mà còn gây ra nhiều hệ lụy khác, như: Một số học sinh bị cuốn vào thị trường lao động, không đi học lại; một số, đặc biệt là trẻ em nữ bị lạm dụng, xâm hại, chịu bạo lực gia đình; thu nhập nhiều gia đình bị ảnh hưởng do cha mẹ phải nghỉ việc trông con tại gia đình...

Việc nghỉ học dài ngày đồng thời cũng góp phần làm gia tăng khoảng cách trong bất bình đẳng về cơ hội học tập, phát triển giữa các nhóm học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khác nhau.

Đâu là giải pháp bền vững cho giáo dục Việt Nam hậu Covid-19? (Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Đâu là giải pháp bền vững cho giáo dục Việt Nam hậu Covid-19? (Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Một số giải pháp các cấp chính quyền, ngành giáo dục ở Việt Nam đã triển khai

Ở Việt Nam, chính quyền các cấp, ngành giáo dục đã có sự chủ động, sáng tạo trong đối phó với dịch bệnh, như: Khoanh vùng; cho học sinh, sinh viên ở những nơi có khả năng lây nhiễm cao nghỉ học; tổ chức dạy học qua truyền hình, dạy học trực tuyến; điều chỉnh, cắt giảm nội dung dạy học, nội dung kiểm tra, nội dung thi...

Tuy nhiên, thực tế cho thấy còn một số hạn chế đáng quan tâm trong quá trình triển khai các giải pháp nêu trên.

Một số hạn chế cơ bản

Thứ nhất, việc cho học sinh nghỉ học dài ngày mà không kèm theo các nhiệm vụ học tập, thiếu sự kiểm soát của cha mẹ, giáo viên có thể gây ra những hậu quả không mong muốn như: Học sinh chơi game quá nhiều, truy cập vào những trang thông tin độc hại; nghiêm trọng hơn, một số cháu còn bị điện giật, đuối nước, tai nạn giao thông dẫn đến tử vong.

Thứ hai, dạy học qua truyền hình là một biện pháp tốt song do giáo viên chưa được làm quen, chuẩn bị tốt các kĩ năng cần thiết cho hoạt động này, một số giáo viên thiếu tự tin khi xuất hiện trước ống kính, lệ thuộc vào giáo án, ít tương tác qua cử chỉ, ánh mắt với người học, làm cho bài giảng thiếu hấp dẫn. Bên cạnh đó, giải pháp này chỉ được thực hiện ở một số địa phương mà chính quyền, ngành giáo dục có quyết tâm cao.

Thứ ba, do số lượng học sinh trên lớp quá đông, cùng với kĩ năng sử dụng các phần mềm dạy học trực tuyến của giáo viên và học sinh còn hạn chế dẫn đến sự gián đoạn khá thường xuyên trong quá trình dạy học. Nhiều học sinh không biết bật micro, camera ghi hình khi cô giáo hỏi; một số em phải bỏ dở tiết học do không thể đăng nhập lại; có em vô ý chia sẻ những hình ảnh, lời nói không phù hợp.

Thứ tư, điều kiện về công nghệ, thiết bị dạy và học ở một số nơi chưa đáp ứng được yêu cầu dạy học trực tuyến: Mạng dữ liệu di động yếu; một số gia đình không có máy tính, điện thoại thông minh để con em học tập; giáo viên sử dụng ứng dụng dạy học trực tuyến miễn phí nên thời gian đăng nhập một lần không lâu, gây gián đoạn hoạt động dạy học.

Có thể nói, những giải pháp ngành giáo dục triển khai nhằm duy trì các hoạt động giáo dục trong thời gian qua là khá tích cực, kịp thời song những giải pháp này chủ yếu mang tính đối phó, chưa quan tâm riêng đến những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, sống ở những nơi có hạ tầng công nghệ thông tin chưa phát triển.

Hiện tại, dịch bệnh COVID-19 vẫn đang phát triển mạnh ở nhiều quốc gia trên thế giới và nguy cơ tái bùng phát ở nước ta dẫn tới khả năng học sinh, sinh viên phải nghỉ học dài ngày vẫn đang hiện hữu.

Để hệ thống giáo dục nước nhà có khả năng thích ứng với nguy cơ này tốt hơn, từ góc nhìn của một người từng có nhiều năm công tác trong ngành giáo dục, cá nhân tôi đề xuất thêm một số giải pháp có tính chất lâu dài sau:

Đâu là giải pháp bền vững?

Thứ nhất, cần phải bổ sung ngay nội dung các phương pháp, kĩ năng dạy học trực tuyến, phòng chống dịch bệnh vào chương trình đào tạo của các trường sư phạm, khoa sư phạm, xác định rõ dạy học trực tuyến là xu thế tất yếu song hành với hình thức dạy học trên lớp hiện nay, là hình thức dạy học cơ bản khi có dịch bệnh.

Sở dĩ, nhiều giáo viên còn lúng túng trong hoạt động này là do trong quá trình đào tạo chưa được trang bị kiến thức, kĩ năng liên quan.

Khi kiểm tra bằng hình thức trực tuyến thì bài thi của học trò sẽ lưu trữ ở đâu?

Thứ hai, cần tổ chức tập huấn kĩ năng sử dụng các phần mềm dạy học trực tuyến, kĩ năng dạy học trên truyền hình, kĩ năng phòng chống dịch bệnh, kĩ năng điều chỉnh nội dung, phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá cho giáo viên các cấp học.

Trong thời gian vừa qua, hầu hết giáo viên chưa được chuẩn bị để thực hiện các hoạt động này; nhiều giáo viên tuổi cao, thiếu những kĩ năng công nghệ thông tin cơ bản, không đủ khả năng thực hiện các hoạt động dạy học trực tuyến.

Bên cạnh đó, cần bồi dưỡng cho cán bộ quản lý cấp trường các kĩ năng quản lý rủi ro, quản lý sự thay đổi, kĩ năng phân tích đánh giá các nguy cơ về sức khỏe của người học, chuẩn bị tốt cho việc quản lý các nhà trường trong bối cảnh xã hội tiềm ẩn nhiều rủi ro, thiên tai, dịch bệnh như hiện nay.

Thứ ba, mặc dù nguồn thu ngân sách các cấp có thể sụt giảm song cần đẩy mạnh đầu tư cho giáo dục thông qua việc xây dựng thêm trường lớp tại những nơi mật độ học sinh trên lớp quá cao; phối hợp (giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo với một tập đoàn viễn thông uy tín) xây dựng phần mềm, ứng dụng dạy học trực tuyến cung cấp miễn phí cho giáo viên; mua sắm trang thiết bị y tế thiết yếu phục vụ việc phòng chống dịch.

Bên cạnh đó, để “không ai bị bỏ lại phía sau”, các cơ quan quản lý giáo dục cần kiểm soát chất lượng, xây dựng các kho học liệu mở gồm bài giảng được ghi hình, các bài kiểm tra, bài tập, hướng dẫn tự học tại nhà … để những học sinh không có điều kiện tham gia học tập trực tuyến có thể duy trì việc học tập trong thời gian không thể đến trường.

Giải pháp này không chỉ phát huy tác dụng khi có dịch bệnh mà có tác dụng thường xuyên, lâu dài với cả giáo viên và những học sinh khác.

Thứ tư, cần sớm xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ tài chính phù hợp cho giáo viên các trường ngoài công lập khi họ phải nghỉ dạy dài ngày do dịch bệnh, bởi những giáo viên này thường không được trả lương khi không đến trường làm việc.

Nếu mức hỗ trợ thấp như vừa qua, nhiều người có thể sẽ chuyển làm công việc khác, một số trường ngoài công lập có thể dừng hoạt động và như vậy các trường công lập ở các đô thị vốn đã quá tải lại phải tiếp nhận thêm học sinh.

Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng dạy học, sự phát triển bền vững của giáo dục ở không ít địa phương.

Giải pháp cuối cùng nhưng cũng không kém phần quan trọng là: Đẩy mạnh bồi dưỡng cho học sinh, sinh viên phương pháp, kĩ năng tự học bởi trong xã hội thông tin như hiện nay, khi mà sách giáo khoa không còn mang tính “pháp lệnh”, khả năng tự tìm kiếm, xử lý thông tin biến nó thành tri thức của mình là yêu cầu tất yếu, là kĩ năng cần thiết cho mỗi con người trong quá trình học tập suốt đời.

Trong quá trình bồi dưỡng, cần đặc biệt chú ý đến việc phát triển các kỹ năng thúc đẩy tư duy phản biện của người học như kĩ năng phân tích, xem xét vấn đề từ nhiều khía cạnh, nhiều nguồn tài liệu khác nhau, kĩ năng đánh giá độ tin cậy của tài liệu.

Nếu không, người học có thể sẽ bị mất phương hướng, bị ảnh hưởng tiêu cực bởi các trang thông tin có nội dung thiếu tin cậy, cực đoan và độc hại.

Lời kết

Dịch bệnh có thể tiếp tục xảy ra và ảnh hưởng đến hầu hết các mặt của đời sống xã hội nhưng nhất định chúng ta không thể để hệ thống giáo dục bị ngừng trệ, bỏ quên một số đối tượng người học.

Lý do đơn giản là: Khi giáo dục bị khủng hoảng, mọi giá trị tốt đẹp của một dân tộc đều có thể bị đe dọa.

Hi vọng rằng, cùng với sự thay đổi về thang bảng lương cho giáo viên, sự hỗ trợ kinh phí học tập cho sinh viên sư phạm đề xuất gần đây, những giải pháp đảm bảo chất lượng giáo dục thời hậu COVID-19 nêu trên sẽ sớm được xem xét, triển khai rộng rãi ở Việt Nam.

Tài liệu tham khảo:

1. Cảnh báo nguy cơ tai nạn thương tích trẻ em khi nghỉ học tránh dịch Covid-19:

http://www.baohoabinh.com.vn/274/140798/Canh-bao-nguy-co-tai-nan-thuong-tich-tre-em-khi-nghi-hoc-tranh-dich-Covid-19.htm

2. Tăng cường các biện pháp an toàn cho trẻ em trong thời gian nghỉ học phòng dịch Covid-19:

https://baodansinh.vn/tang-cuong-cac-bien-phap-an-toan-cho-tre-em-trong-thoi-gian-nghi-hoc-phong-dich-covid-19-20200411165652911.htm

3. United Nations (2020). Policy Brief: Education during COVID-19 and beyond.

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Dư (Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Thái Bình)

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/giao-duc-viet-nam-thoi-hau-covid-19-dau-la-giai-phap-ben-vung-post213539.gd