Giáo dục văn hóa truyền thống qua hội xuân

Giữa tuần qua, nhiều trường học trên địa bàn TPHCM đã tổ chức hội xuân với nhiều hoạt động ý nghĩa, như thi gói bánh chưng, bánh tét, bài trí mâm cỗ ngày tết, viết thư pháp, biểu diễn văn nghệ, trò chơi dân gian…

Học sinh Trường THPT Nguyễn Du tái hiện sự tích bánh chưng, bánh giầy trong buổi nói chuyện chuyên đề “Tết 2020”

Học sinh Trường THPT Nguyễn Du tái hiện sự tích bánh chưng, bánh giầy trong buổi nói chuyện chuyên đề “Tết 2020”

Tại Trường THPT Trưng Vương, học sinh các khối lớp đã hào hứng tham gia cuộc thi thiết kế gian hàng ẩm thực. Theo đó, các em sẽ tự bài trí gian hàng, xây dựng thực đơn và tổ chức nhiều hình thức mời chào khách độc đáo.

Đặc biệt, trong gian hàng ẩm thực của tất cả các lớp đều dành một góc trang trọng để bài trí một cặp bánh chưng, bánh tét - 2 món bánh truyền thống không thể thiếu đối với người Việt Nam trong dịp Tết Nguyên đán. Trước đó, học sinh toàn trường đã tham gia cuộc thi gói bánh chưng, bánh tét. Bánh được nấu chín và trưng bày tại gian hàng ẩm thực của từng lớp để ban giám khảo tiến hành chấm điểm.

Một hình thức tổ chức khác, tại Trường THPT Bùi Thị Xuân, sân trường ngập tràn không khí tết cổ truyền với các hội thi gói bánh chưng, viết thư pháp, trang trí mâm cỗ ngày tết. Một thành viên trong ban giám hiệu cho biết, với việc tổ chức đêm hội “Xuân yêu thương”, nhà trường đã gây quỹ khuyến học, trao tặng hơn 70 suất học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, mỗi suất trị giá 2 triệu đồng. Thông qua các hoạt động vui chơi, trải nghiệm, học sinh còn được giáo dục về tình cảm yêu thương, sự cảm thông và biết chia sẻ với những hoàn cảnh thiếu may mắn.

Trước đó, tại Trường THPT Nguyễn Du, gần 2.000 học sinh đã tham gia chuyên đề văn hóa với chủ đề “Tết 2020”. Hoạt động nhằm nỗ lực đưa giáo dục văn hóa vào trường học thông qua nhiều hoạt động ý nghĩa như chia sẻ với học sinh về nguồn gốc và ý nghĩa ngày Tết Nguyên đán, văn hóa ngày tết, ứng xử trong gia đình vào những ngày tết, phong tục ngày tết khác nhau giữa 2 miền Nam - Bắc…

Chia sẻ với học sinh tại buổi nói chuyện, diễn giả Hồ Nhựt Quang, Câu lạc bộ Nghiên cứu và vinh danh văn hóa Nam bộ, cho biết việc giúp học sinh hiểu và giữ gìn phong tục ngày tết chính là cách bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, qua đó giúp các em hiểu hơn về trách nhiệm của bản thân với ông bà, cha mẹ, đất nước.

Đặc biệt, việc tái hiện văn hóa thông qua các trích đoạn cải lương, qua đó giải thích một số phong tục lâu đời của người Việt như sự tích bánh chưng, bánh giầy, tục ăn cơm bằng đũa, phong tục chưng hoa vạn thọ ngày tết, văn hóa mừng tuổi đầu năm… đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều học sinh.

Theo ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, ngoài việc trang bị cho học sinh kiến thức về văn hóa, lịch sử của dân tộc, hội xuân còn giúp học sinh bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước. Ngoài ra, thông qua hoạt động, các thầy cô sẽ hiểu học sinh của mình đang cần gì, thiếu gì để từ đó tổ chức lồng ghép, bổ sung giáo dục văn hóa, lịch sử cho học sinh vào chủ đề giảng dạy ở các môn học.

MINH QUÂN

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/giao-duc-van-hoa-truyen-thong-qua-hoi-xuan-641001.html