Giáo dục văn hóa giao thông cho thanh niên thành phố Bắc Ninh

NGUYỄN QUỐC MẠNH (Học viện Báo chí và Tuyên truyền)

TÓM TẮT:

Văn hóa giao thông (VHGT) là nền tảng tạo môi trường giao thông an toàn, thân thiện và nhân ái. Xây dựng văn hóa giao thông ở nước ta đã trở thành một định hướng, mục tiêu quan trọng của Đảng và Nhà nước trong việc thực hiện các giải pháp trọng tâm nhằm giảm tai nạn giao thông. An toàn giao thông (ATGT) ngày càng trở thành vấn đề lớn được xã hội quan tâm. Bài báo phân tích về giáo dục VHGT cho thanh niên thành phố Bắc Ninh hiện nay.

Từ khóa: Văn hóa giao thông, thanh niên, giáo dục, thành phố Bắc Ninh.

1. Đặt vấn đề

Khắp các nẻo đường đất nước, chúng ta đều bắt gặp khẩu ngữ “ATGT là hạnh phúc cho mọi nhà” như lời nhắc nhở, cũng là lời cảnh báo với những người tham gia giao thông hãy chấp hành luật giao thông để đem lại an toàn cho chính mình, gia đình mình và cho xã hội.

Bắc Ninh vốn là vùng đất có truyền thống văn hóa lâu đời, là cửa ngõ của thủ đô, đang trong quá trình phát triển mạnh mẽ, thu hút đầu tư lớn. Vì thế, xây dựng VHGT nhằm nâng cao ý thức tự giác của người dân; xây dựng môi trường giao thông văn hóa, thân thiện để hạn chế tối đa tai nạn giao thông là việc làm vô cùng cần thiết. Trong những năm qua, tình hình giao thông ở tỉnh Bắc Ninh đã có nhiều tiến bộ song vẫn tồn tại những hạn chế, tình trạng tai nạn giao thông vẫn còn phức tạp. Số vụ tai nạn giao thông chủ yếu rơi vào bộ phận thanh niên. Vấn đề đặt ra là công tác giáo dục về pháp luật và VHGT trên địa bàn thành phố vẫn chưa thực sự đạt được hiệu quả; nội dung và phương pháp giáo dục còn chưa sâu sắc và thu hút được sự quan tâm của thanh niên. Mặt khác, bản chất của VHGT là xây dựng và giáo dục các chuẩn mực ứng xử, chuẩn mực thái độ của người tham gia giao thông. Đây là vấn đề có tính chất lâu dài, đòi hỏi sự thay đổi trong nhận thức, thái độ và hành vi của con người khi tham gia giao thông, đặc biệt là đối với thế hệ thanh niên.

2. Thành tựu và hạn chế 2.1. Về thành tựu

Qua nghiên cứu công tác giáo dục VHGT cho thanh niên thành phố Bắc Ninh giai đoạn 2015 đến 2018 có thể chỉ rõ những thành tựu và hạn chế như sau:

Trong những năm gần đây, công tác giáo dục VHGT cho thanh niên thành phố Bắc Ninh đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trên nhiều mặt: sự chỉ đạo sát sao, kịp thời của Đảng, Nhà nước, Đảng bộ và chính quyền thành phố Bắc Ninh đối với công tác giáo dục VHGT nói chung, giáo dục VHGT cho thanh niên của thành phố nói riêng; công tác tổ chức thực hiện giáo dục giám sát chỉ đạo, định hướng của Đảng và Nhà nước; nội dung giáo dục thiết thực; phương pháp giáo dục ngày càng đi sâu vào chiều sâu; hình thức giáo dục ngày càng phong phú, đa dạng; lực lượng giáo dục được cũng cố mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng. Những thành tựu đó là động lực để công tác giáo dục ngày càng hoàn thiện và phát triển, tạo được sự tin cậy của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, Đảng bộ và chính quyền thành phố Bắc Ninh.

Thứ nhất, có thể thấy sự sáng suốt, kịp thời của Đảng bộ và chính quyền thành phố Bắc Ninh đối với công tác giáo dục VHGT đã đạt hiệu quả, đem lại nhiều thành tựu thiết thực, gắn liền với đời sống của nhân dân trong thành phố. Căn cứ những văn bản chỉ đạo của Trung ương về đảm bảo trật tự ATGT, cấp ủy, chính quyền thành phố Bắc Ninh đã có những văn bản chỉ đạo khác liên quan đến VHGT như việc cụ thể hóa Chỉ thị số 52- CT/BGDĐT 2007 về tăng cường công tác giáo dục ATGT trong các cơ sở giáo dục; Kế hoạch số 238 - KH/UBATGTQG ngày 15/7/2016 về triển khai Kế hoạch thực hiện tháng ATGT năm 2016 với chủ đề trọng tâm là tháng VHGT; Kế hoạch số 210-KH/TWH ngày 16/7/2017 của Ủy ban Trung ương Hiệp hội thanh niên Việt Nam về triển khai cuộc vận động “Thanh niên với VHGT” năm 2017; ý kiến kết luận của Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia tại Hội nghị Tổng kết ATGT toàn quốc năm 2018 (theo Thông báo số 470/TB-UBATGTQG ngày 30/12/2018 của Ủy ban An tàn giao thông quốc gia); Chỉ thị số 22-CT/TW của Ban Bí thư (khóa IX) “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với công tác đảm bảo trật tự ATGT”; Cấp ủy các cấp đã quan tâm chỉ đạo công tác giáo dục VHGT cho thanh niên.

Công tác xây dựng văn bản lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện của thành phố được triển khai quán triệt; xác định công tác đảm bảo trật tự ATGT là nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên, Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố Bắc Ninh đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 22-CT/TW. Cụ thể là, Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác đảm bảo trật tự ATGT thể hiện trong các báo cáo định kỳ hàng tháng, các thông báo kết luận. Thành ủy đã ban hành Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 10/08/2015 “Về tăng cường lãnh đạo công tác quản lý trật tự, ATGT trên địa bàn thành phố”; Quyết định số 1164/2016/QĐ-UB “Về thành lập Ban chỉ đạo giải phóng hành lang ATGT đường bộ, đường sắt”; Quyết định số 733/2011/QĐ-UB “Về chương trình thực hiện Nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc về Thập niên hành động vì ATGT đường bộ 2011- 2020”...

Thành ủy đã định hướng kịp thời, đúng đắn trong hoạt động giáo dục và xây dựng hệ thống cơ quan giáo dục, đội ngũ cán bộ giáo dục; chỉ đạo các cơ quan giáo dục đẩy mạnh giáo dục VHGT, tăng cường kiểm tra hoạt động giáo dục VHGT cho thanh niên thành phố Bắc Ninh. Đồng thời, căn cứ vào tình hình thực tế về ATGT, VHGT trên địa bàn thành phố Bắc Ninh, Thành ủy, Ban ATGT thành phố và các ban, ngành, các đoàn thể khác của thành phố đều xây dựng những kế hoạch giáo dục, phổ cập pháp luật về ATGT trên địa bàn thành phố qua các năm... Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh thành phố phối hợp với Ban tuyên giáo thành phố phát động các cuộc thi tìm hiểu về VHGT; Ban tuyên giáo Thành ủy phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng, Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật thành phố, Hội nhà báo thành phố mở các cuộc thi sáng tác, triển lãm về VHGT để khích lệ tinh thần tham gia của quần chúng nhân dân trong toàn thành phố, đặc biệt thu hút thế hệ thanh niên hăng hái tham gia hưởng ứng các phong trào.

Ban Tuyên giáo Thành ủy thường xuyên chỉ đạo các cơ quan báo chí, truyền thông giáo dục về trật tự, an toàn giao thông, đưa nội dung các chỉ thị pháp luật về đảm bảo trật tự, ATGT vào tập san thông báo nội bộ làm tài liệu sinh hoạt chi bộ ngành Tư pháp, chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục, tổ chức nhiều hội nghị giáo dục, giới thiệu các văn bản pháp luật về giao thông. Ở cả hai cấp thành phố và cơ sở đã tăng cường giáo dục ATGT trong các chuyên mục pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng về lĩnh vực đảm bảo trật tự, ATGT trên bản tin tư pháp. Các ngành giao thông vận tải, công an, quân đội, giáo dục, văn hóa thông tin, thành đoàn thanh niên, các đơn vị quản lý đường bộ, đường sắt, đường thủy đều xây dựng kế hoạch triển khai giáo dục VHGT trong các năm. Công an thành phố triển khai mô hình đội tự quản trật tự ATGT trên các địa bàn huyện, thị, thành phố kể cả khu vực đường bộ, đường thủy để rút kinh nghiệm nhân rộng mô hình tự quản trật tự ATGT trong toàn thành phố. Phối hợp với báo Bắc Ninh xây dựng cụm pa nô giáo dục ATGT tại cầu Bắc Ninh và đường Trần Hưng Đạo thành phố Bắc Ninh.

Chỉ đạo các lực lượng tham gia cổ động, giáo dục về VHGT lồng ghép với các hoạt động văn hóa, nghệ thuật cơ sở theo Kế hoạch số 36/KH-BTGT ngày 09/4/2016 của ban ATGT thành phố. Tổ chức thi ảnh và triển lãm tranh ảnh về đề tài ATGT để phục vụ cho nhân dân các phường trong thành phố.

2.2. Hạn chế

Trong những năm qua, thành phố Bắc Ninh đã tăng cường đẩy mạnh công tác giáo dục VHGT, pháp luật về ATGT tại các tầng lớp nhân dân, trong đó chú trọng vào lứa tuổi thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên. Tuy nhiên, công tác giáo dục vẫn chưa khắc phục được một số hạn chế cơ bản.

Thứ nhất, trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo.

Công tác chỉ đạo chưa sát sao, chưa kịp thời, nhiều khi còn chậm trễ trong ban hành văn bản, tài liệu chỉ đạo giáo dục. Việc nắm bắt tình hình cơ sở và giải quyết một số bức xúc của nhân dân chưa kịp thời. Do đó, việc lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp về công tác giáo dục chưa đồng bộ, hài hòa và chưa tập trung phát huy vai trò của Ban Tuyên giáo. Ở một số cấp ủy còn thiếu quy chế làm việc cụ thể, định kỳ của Thành ủy với Ban Tuyên giáo và các lực lượng giáo dục, vận động quần chúng. Việc cụ thể hóa trong xây dựng các chương trình, kế hoạch giáo dục VHGT theo tinh thần các nghị quyết chuyên đề: các nội dung giáo dục còn mờ nhạt, chưa rõ, đặc biệt là nội dung về những quy định của pháp luật về giao thông và trật tự ATGT. Một số cấp ủy, chính quyền chưa nhận thức đầy đủ về công tác đảm bảo trật tự, ATGT, chưa tập trung, quyết liệt, còn tình trạng khoán trắng trong ngành Công an.

Thứ hai, tổ chức thực hiện giáo dục có lúc, có nơi chưa đồng bộ, thiếu chặt chẽ làm ảnh hưởng đến hiệu quả giáo dục. Tổ chức hoạt động giáo dục đổi mới còn chậm so với phát triển nhanh chóng về mặt giao thông của thành phố. Giáo dục đến các thành phần thanh niên khác nhau, ở các vùng khác nhau còn chưa phù hợp dẫn đến hiệu quả chưa cao.

Một số cơ quan giáo dục chưa nhận thức được rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác giáo dục VHGT cho nên chưa thực sự vào cuộc; việc triển khai thực hiện các kế hoạch, chương trình về VHGT của thành phố tại các cơ quan đơn vị còn hình thức, chiếu lệ.

Thực tế vẫn còn thiếu các mô hình hoạt động mới có chiều sâu và hiệu quả cao nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, giáo dục, rèn luyện thanh niên trong tình hình mới. Việc giáo dục trong thanh niên dân tộc, thanh niên tôn giáo, giáo dục thanh thiếu niên chậm tiến chưa nhiều và thiếu nội dung, hình thức cho phù hợp. Vẫn còn một bộ phận thanh thiếu niên lệch lạc trong nhận thức nên có những hành vi lối sống thực dụng, xem nhẹ các giá trị đạo đức, giá trị tinh thần, xem thường pháp luật.

Là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội, khoa học kĩ thuật của tỉnh, thành phố Bắc Ninh có nhiều ưu thế để mạnh phát triển kinh tế xã hội theo hướng kinh tế đô thị. Ngoài ra, thành phố cũng thu hút một lượng lớn học sinh, sinh viên đến học tập tại các trường trung học, cao đẳng chuyên nghiệp đóng trên địa bàn. Nhưng chính số lượng học sinh, sinh viên khá đông cộng với số thanh thiếu niên sở tại nên có cơ quan chức năng vẫn gặp khó khăn trong việc xử lý với một bộ phận thanh thiếu niên chưa chấp hành luật ATGT. Trên thực tế, tình trạng học sinh, sinh viên vi phạm luật ATGT khi lưu thông trên đường là khá phổ biến. Từ năm 2015 đến nay, thành phố Bắc Ninh đã tập trung chỉ đạo các xã phường tăng cường giáo dục, phổ biến pháp luật về trật tự ATGT với các thôn, tổ nhân dân, hội viên, đoàn viên các ban, ngành, đoàn thể cũng tích cực vận động tới người thân, con em trong gia đình nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật về ATGT. Mặc dù vậy, ý thức chấp hành các quy định về ATGT của một bộ phận người dân, thanh thiếu niên và học sinh còn hạn chế. Tình trạng thanh niên có hành vi cản trở người thi hành công vụ thậm chí chống người thi hành công vụ đã xảy ra. Trong khi đó, việc giáo dục ở nơi công cộng chưa có hiệu quả. Việc thông báo danh tính các đối tượng, đơn vị công tác hay trường học để kiểm điểm chưa nhiều.

Đoàn thanh niên các xã, phường, đơn vị, doanh nghiệp và trường học chưa phát huy vai trò là lực lượng giáo dục chính giúp đoàn viên thanh niên, học sinh sinh viên nhận thức rõ tầm quan trọng trong việc chấp hành pháp luật về ATGT. Công tác giáo dục vận động học sinh, sinh viên, đoàn viên thanh niên hiện vẫn chỉ tiến hành theo từng đợt. Việc xây dựng cổng trường ATGT duy trì chưa đều nên hiện tượng vi phạm ATGT vẫn tồn tại ở một số điểm trường.

Phương thức hoạt động giáo dục thanh niên vẫn còn nhiều hạn chế, có nhiều biểu hiện hành chính hóa, thiếu sinh động, còn biểu hiện rập khuôn. Công tác giáo dục ở nhiều nơi còn yếu, chưa thực sự quan tâm đúng mức. Không biết nơi chỗ nhạy bén, chưa kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng nhu cầu thông tin VHGT của thanh niên. Việc sử dụng các phương pháp giáo dục còn mờ nhạt, đặc biệt là các phương pháp cần được đầy mạnh như phương pháp đối thoại, phương pháp cổ động, trực quan. Những phương pháp này xuất hiện còn thưa thớt, chưa đến được với đông đảo thanh niên. Thậm chí có những phương pháp nhiều thanh niên chưa biết đến: 22% thanh niên được hỏi chưa được giáo dục bằng phương pháp cổ động, 8% chưa được giáo dục bằng trực quan, ngay cả pa nô áp phích, tờ rơi giáo dục ATGT nhưng lại được in nhạt nhòa, thiếu tính thu hút người xem như hiện nay.

3. Đề xuất giải pháp

Dưới góc độ quản lý, tác giả xin đưa ra một số giải pháp góp phần tăng cường giáo dục VHGT cho thanh niên thành phố Bắc Ninh trong thời gian tới như sau:

Một là, nâng cao nhận thức của thanh niên thành phố Bắc Ninh về VHGT.

Thực tiễn đặt ra đối với công tác giáo dục VHGT cho thanh niên thành phố Bắc Ninh qua khảo sát giai đoạn 2016-2018 cần được đẩy mạnh hơn nữa trên địa bàn toàn thành phố. Ngành Giao thông vận tải thành phố cũng cần giáo dục thường xuyên và liên tục về Luật Giao thông đường bộ và các quy định xử phạt khi vi phạm nhằm xây dựng môi trường VHGT lành mạnh trong cán bộ, đoàn viên, thanh thiếu niên.

Nhận thức rõ vai trò, vị trí và tầm quan trọng của Luật Giao thông đường bộ trong đời sống xã hội, nhất là đối với thanh niên, đoàn viên thanh niên trong toàn thành phố. Tích cực giáo dục đoàn viên thanh niên chấp hành tốt Luật Giao thông đường bộ. Đặc biệt là tập trung đổi mới nội dung và hình thức giáo dục ATGT, nhất là xây dựng các tiêu chí cơ bản về ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông.

Ban thường vụ Thành đoàn thành phố đặt ra nhiệm vụ trọng tâm là tập trung vào những nội dung cơ bản, đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác giáo dục phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự ATGT trong đoàn viên thanh niên và học sinh, sinh viên, thông qua tuyên truyền trên các phương tiện thông tin truyền thông trong các buổi sinh hoạt và hoạt động lớn của Đoàn với chủ đề: thanh niên với VHGT. Nhân rộng và phát huy các mô hình: đoạn đường em chăm, đoạn đường thanh niên tự quản, cổng trường trật tự ATGT. Củng cố và tăng cường hoạt động của các đội thanh niên xung kích trong việc phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra các điều kiện đảm bảo ATGT. Những hoạt động thiết thực trong phong trào thanh niên với VHGT sẽ góp phần nâng cao nhận thức của người dân khi tham gia giao thông.

Hai là, xây dựng đội ngũ cán bộ giáo dục VHGT đủ về số lượng và cao về chất lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển của tình hình mới.

Xuất phát từ thực trạng và nhiệm vụ nâng cao năng lực nghiên cứu, dự báo tình hình, mở rộng phạm vi hoạt động của cán bộ tuyên giáo, thành phố Bắc Ninh cần xác định một số nội dung cơ bản trong chiến lược xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ tuyên giáo của tiền đủ về số lượng, cao về chất lượng:

Một là, xây dựng tiêu chuẩn đối với cán bộ ngành Tuyên giáo: có trình độ lý luận chính trị, nắm vững phương pháp luận của chủ nghĩa Mác-Lênin và khả năng vận dụng vào thực tiễn. Cán bộ làm công tác tuyên giáo là người đi đầu trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; có kiến thức tổng hợp về các lĩnh vực: chính trị, văn hóa, xã hội, giáo dục; đất nước, con người Việt Nam. Gần gũi quần chúng, sát cơ sở; gắn bó, liên hệ mật thiết với nhân dân; đối với những việc có liên quan tới lợi ích của quốc gia, dân tộc, tới cương lĩnh, đường lối và nguyên tắc của Đảng, có thái độ rõ ràng, không chủ quan phiến diện; có lòng nhiệt tình, cống hiến không tính toán, có tinh thần trách nhiệm cao, tận tụy với công việc, không giao động trước khó khăn, thử thách. Có năng lực độc lập nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn, khả năng nắm bắt, hướng dẫn dư luận xã hội, nắm vững, phản ánh được tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Có khả năng viết và nói hấp dẫn để thuyết phục người nghe hiểu, tin và làm theo, đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đi vào đời sống. Có khả năng tham mưu, giúp cấp ủy chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, thực hiện các chương trình học tập lý luận chính trị cho các đối tượng; chủ động, tích cực học tập, rèn luyện để không ngừng nâng cao nhận thức chính trị, chuyên môn nghiệp vụ để có thể nhạy bén, nắm bắt được xu hướng phát triển, nắm bắt tình hình và giải quyết vấn đề kịp thời.

Hai là, kiện toàn, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ ngành Tuyên giáo, tạo chuyển biến căn bản trong công tác đào tạo, bồi dưỡng; thực hiện chính sách trọng dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức của tỉnh, trong đó có cán bộ ngành Tuyên giáo: rà soát, kiện toàn, quy hoạch; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và lý luận chính trị nhằm chuẩn hóa đội ngũ cán bộ tuyên giáo các cấp. Tổ chức hội thi giảng viên giảng dạy lý luận chính trị giỏi cấp thành phố nhằm tạo cơ hội cho đội ngũ này trao đổi, học tập kinh nghiệm, trau dồi kiến thức chuyên môn, kỹ năng sư phạm.

Ba là, hình thành nét đẹp trong VHGT cho thanh niên, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong xã hội. Một trong những hoạt động giáo dục thiết thực hình thành nét đẹp VHGT đó là ngày hội VHGT. Chương trình này được tổ chức hằng năm cần diễn ra nhiều nội dung ở một hoặc nhiều địa điểm để đảm bảo tính khoa học và phù hợp với các điều kiện của từng địa phương, đơn vị ưu tiên tổ chức tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề, trung học phổ thông, các khu công nghiệp.

Căn cứ đặc điểm tình hình và điều kiện của địa phương, đơn vị, ban thường vụ thành phố, Thành đoàn và các Đoàn trực thuộc cần lựa chọn các nội dung, hình thức hoạt động để tổ chức ngày hội như sau: tổ chức tập hợp, biểu dương lực lượng, tuần hành của động giáo dục về ATGT với nhiều hình thức như: xe giáo dục lưu động, xe máy, xe đạp hoặc đi bộ; tổ chức các diễn đàn, tọa đàm, hội thảo với chủ đề: thanh niên với VHGT; thanh niên công nhân với VHGT; hiểm họa rượu, bia và tai nạn giao thông; thanh niên học sinh sinh viên với vấn đề đội mũ bảo hiểm; thanh niên học sinh sinh viên về vấn đề đi xe gắn máy khi chưa đủ tuổi, đề cập tới các nội dung cụ thể, như: thực trạng và hậu quả của tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông; nguyên nhân và giải pháp khắc phục, vai trò của đoàn thanh niên trong việc tham gia kiểm chế và giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông; xây dựng các tiêu chí VHGT, khẩu hiệu hành động, các nội dung về nét đẹp VHGT.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

Phạm Hồng Tung (2007), Nghiên cứu về lối sống: Một số vấn đề về khái niệm và cách tiếp cận, Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội, Khoa học Xã hội và Nhân văn số 23 (2007) tr.271-278.
Phạm Hồng Tung (2008), Văn hóa và lối sống của thanh niên Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế - Một số vấn đề lý thuyết và cách tiếp cận, Kỷ yếu Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ ba ngày 4-7 tháng 12/2008, Đại học Quốc gia Hà Nội. tr.538-547.
Thành đoàn Bắc Ninh (2016), Báo cáo tổng kết công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi thành phố năm 2016, số 263 BC/TĐTN-VP ngày 31/12/2016.
Thành đoàn Bắc Ninh (2017), Báo cáo tổng kết công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi thành phố năm 2017, số 319 BC/TĐTN-VP ngày 31/12/2017.
Thành đoàn Bắc Ninh, Chương trình công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi thành phố năm 2015, 2016, 2017.

THE TRAFFIC CULTURE EDUCATION FOR THE YOUTH

IN BAC NINH CITY

NGUYEN QUOC MANH

Academy of Journalism and Communication

ABSTRACT:

Traffic culture is the foundation for creating a safe, friendly and compassionate transportation environment. Among key solutions to reduce traffic accidents in Vietnan, developing the traffic culture in Vietnam has become an important orientation and goal of the Communist Party of Vietnam and the Government of Vietnam. Traffic safety is becoming a major issue of social concern. This article analyzes the traffic culture education for the youth in Bac Ninh City.

Keywords: Traffic culture, youth, education, Bac Ninh city.

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/giao-duc-van-hoa-giao-thong-cho-thanh-nien-thanh-pho-bac-ninh-68004.htm