Giáo dục truyền thống dễ hiểu, dễ tiếp thu

'Các đồng chí có biết trung đoàn ta được thành lập khi nào không?'; 'Truyền thống của trung đoàn là gì?'; 'Ai là trung đoàn trưởng đầu tiên?'... Đó là những câu hỏi được cán bộ đơn vị gợi ý để chiến sĩ mới tìm hiểu tại phòng truyền thống Trung đoàn 31 (Sư đoàn 309, Quân đoàn 4).

Người trực tiếp hướng dẫn bộ đội tham quan, giới thiệu nội dung là Trung úy Lê Văn Nhật Đức, Chính trị viên Đại đội 5 (Tiểu đoàn 8). Với phương pháp tác động trực quan kết hợp kích thích tư duy người học, anh đã tạo nên sự hấp dẫn, tập trung tư tưởng ngay từ đầu buổi học tập ngoại khóa. Sau khi nghe giới thiệu và được tham quan những hình ảnh, hiện vật, tư liệu lưu trữ trong phòng truyền thống trung đoàn, binh nhì Đào Hồng An, chiến sĩ Trung đội 1, Đại đội 5 (Tiểu đoàn 8), tâm sự: “Tham quan các tư liệu lịch sử, tôi thực sự xúc động, tự hào về những chiến công oanh liệt của thế hệ cha ông; cảm phục trước khí phách và tinh thần dũng cảm, hy sinh vì Tổ quốc mà lớp lớp cán bộ, chiến sĩ trung đoàn đã cống hiến. Tôi tự nhủ sẽ nỗ lực học tập, rèn luyện thật tốt, xứng đáng với truyền thống vẻ vang của Trung đoàn 31 anh hùng”.

Chiến sĩ Tiểu đoàn 8 (Trung đoàn 31) tham quan phòng truyền thống trung đoàn.

Chiến sĩ Tiểu đoàn 8 (Trung đoàn 31) tham quan phòng truyền thống trung đoàn.

Những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Trung đoàn 31 luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp giáo dục truyền thống cho bộ đội; chú trọng kết hợp giáo dục cơ bản thông qua chuẩn bị bài giảng chính trị về truyền thống đơn vị, địa phương, quân đội gắn với giáo dục thường xuyên; kết hợp giữa lý luận với thực tiễn thông qua các hoạt động trực quan, sinh động như: Tham quan nhà truyền thống, bảo tàng, di tích lịch sử; tuyên truyền trên đài truyền thanh nội bộ, pa nô, áp phích, băng rôn, khẩu hiệu trong đơn vị... Đặc biệt, thời gian gần đây, trung đoàn đẩy mạnh giáo dục truyền thống cho bộ đội thông qua hình thức kể chuyện chiến đấu, giới thiệu chiến lệ, trận đánh nổi bật của quân đội và đơn vị, giao lưu với nhân chứng lịch sử... Qua đó giúp bộ đội dễ hiểu, dễ tiếp thu nội dung học tập, khơi dậy niềm tự hào, lòng yêu nước và tình cảm biết ơn sâu sắc công lao to lớn của các thế hệ cha anh.

Thượng tá Nguyễn Tuấn Tài, Chính ủy trung đoàn chia sẻ: “Đơn vị luôn chủ động bồi dưỡng nâng cao trình độ, phương pháp giáo dục cho đội ngũ cán bộ, vận dụng nhiều hình thức giáo dục truyền thống phù hợp với đặc điểm của đơn vị và đối tượng chiến sĩ. Chúng tôi xác định, mỗi cán bộ giáo dục chính trị là một tuyên truyền viên. Do vậy, đội ngũ cán bộ thường xuyên nghiên cứu, tích lũy kiến thức, kỹ năng truyền đạt để kịp thời định hướng tư tưởng, hành động của bộ đội nhằm xây dựng bản lĩnh, bồi đắp tinh thần yêu nước, niềm tự hào, tự tôn dân tộc cho chiến sĩ, góp phần tô thắm truyền thống đơn vị hai lần Anh hùng LLVT nhân dân".

Bài và ảnh: PHAN RẢNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/tiep-lua-truyen-thong/giao-duc-truyen-thong-de-hieu-de-tiep-thu-656841