Giáo dục trong Kỷ nguyên mới
Đường lối chỉ đạo thống nhất, xuyên suốt của Đảng đối với ngành Giáo dục là luôn đề cao, ưu tiên các chính sách để phát triển giáo dục...
Kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam là tư tưởng lớn của Tổng Bí thư Tô Lâm, hàm ý tạo sự chuyển động mạnh mẽ, dứt khoát, quyết liệt, tích cực, nỗ lực, nội lực, tự tin để vượt qua thách thức, vượt qua chính mình, thực hiện khát vọng, vươn tới mục tiêu, đạt được những thành tựu vĩ đại. Để đạt được điều đó, giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu, cần có bước đi tiên phong trong giai đoạn phát triển đặc biệt này của dân tộc.
Cán bộ quản lý cần tiên phong đổi mới
Kết luận số 91 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29 (đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo) nhấn mạnh: “Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, người đứng đầu địa phương, đơn vị tiếp tục nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt và thực hiện đầy đủ, sâu sắc quan điểm coi giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu”.
Như vậy, chúng ta có thể thấy rõ đường lối chỉ đạo thống nhất, xuyên suốt của Đảng đối với ngành Giáo dục là luôn đề cao, ưu tiên các chính sách để phát triển giáo dục đi trước một bước.
Một nội dung quan trọng trong “kỷ nguyên mới” là tinh gọn tổ chức bộ máy để hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Do vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cần rà soát, sắp xếp lại một số học viện, trường đại học để có thể quản lý và phát triển tốt hơn.
Ngoài ra, Bộ cũng cần trao quyền tự quyết nhiều hơn cho các trường học. Nếu làm tốt được điều này, việc chỉ đạo, quản lý sẽ không còn những vướng mắc, chồng chéo. Từ đó, tạo động lực cho đội ngũ nhà giáo chủ động đổi mới, sáng tạo nhiều hơn trong quá trình dạy học.
Mặt khác, các vị trí cán bộ quản lý cũng sẽ có cơ hội chủ động, quyết định, thực thi các chức trách nhiệm vụ tốt hơn. Làm được như vậy, chúng ta đã cụ thể được một nội dung quan trọng là “cắt giảm đầu mối trung gian không cần thiết, sắp xếp tổ chức theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền theo hướng “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.
Người đứng đầu, giám đốc sở, đặc biệt là hiệu trưởng các trường học phải thực sự trong “tư thế” sẵn sàng và nhiệt huyết sáng tạo, đổi mới trong cách quản lý, quản trị. Người đứng đầu phải luôn đặt mình như là “người bạn” đồng hành với các thầy cô trong việc giáo dục học trò; là người hướng dẫn, tạo điều kiện cho đội ngũ nhân viên, giáo viên tiếp cận nhanh chóng đến các chính sách ưu tiên, ưu đãi của ngành.
Bên cạnh đó, người đứng đầu cần có tinh thần mạnh mẽ, sáng suốt, quyết đoán để đưa ra các giải pháp, quyết sách kịp thời trong các giai đoạn phát triển khác nhau của đơn vị. Hiệu trưởng cũng phải đưa ra được các kế hoạch, tầm nhìn dài hạn để phát triển nhà trường. Cán bộ quản lý “dám nói, dám làm và sẵn sàng chịu trách nhiệm”, biết hy sinh vì đồng nghiệp sẽ là những phẩm chất quan trọng để các đơn vị giáo dục phát triển trong “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.
Định vị lại bản thân
Thực hiện Chương trình GDPT 2018 vừa là thách thức vừa là cơ hội để thầy cô thay đổi bản thân, bắt kịp với những mô hình dạy học tiên tiến, phương pháp dạy học tích cực, hiện đại. Với khoảng 1,6 triệu giáo viên và hơn 25 triệu người học thì có thể thấy rõ vai trò quyết định trong việc đổi mới giáo dục là nằm ở đâu.
Đội ngũ giáo viên, giảng viên phải là người chủ động tích cực đổi mới trong quá trình giảng dạy. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng từng trao đổi trước thềm năm học 2022 - 2023 rằng: “Giáo viên phải đổi mới thì toàn ngành mới đổi mới và tốt lên được”.
Trước hết, đội ngũ giáo viên phải “định vị lại bản thân”. Bởi lẽ, thầy cô đang dạy học trong bối cảnh thời đại công nghiệp 4.0, chuyển đổi số mạnh mẽ kèm theo sự đổi mới của Chương trình GDPT 2018. Một thay đổi rất lớn của Chương trình mới là ở khâu kiểm tra, đánh giá người học.
Từ mục tiêu đánh giá của Chương trình GDPT 2018, người thầy hiện nay có nhiệm vụ đánh giá học sinh theo xu hướng mới, với mục đích giúp học trò có động lực phát triển bản thân. Quá trình đánh giá không phải để phân loại, xếp hạng, không phải so sánh học sinh này với học sinh kia mà chỉ ra cho các em những điểm mạnh cần phát huy và điểm yếu cần rèn luyện để trưởng thành.
Đánh giá học sinh không phải bằng thứ hạng trong lớp mà đánh giá sự tiến bộ của mỗi em, vì vậy, giáo viên không nên gán cho các em cái nhãn “lười” hay “học kém”. Giáo viên phải là người động viên, khích lệ và tạo điều kiện cho người học khám phá, phát triển bản thân.
Trong hành trình giáo dục đó, thầy cô cũng cần phải học tập không ngừng, sáng tạo trong nhiều hoạt động dạy học để trở thành người thầy hiện đại cùng học sinh tiệm cận được với nền giáo dục tiên tiến và hội nhập quốc tế.
Mặt khác, trong thời đại 4.0, mọi kiến thức đều có thể tra cứu dễ dàng ở nhiều nền tảng công cụ khác nhau nên trò có thể tự học. Bởi thế, người thầy không chỉ giỏi ở kiến thức chuyên sâu, cần hơn thế là giỏi ở việc chỉ cho học sinh tự học, nói nôm na là biết bày cho trò cách học.
Tiếp đến, bản thân đội ngũ cũng phải nâng cao các năng lực nghề nghiệp theo chuẩn nghề nghiệp, phải đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tích hợp, phân hóa, đổi mới kiểm tra, đánh giá, rèn luyện cho học sinh phương pháp và hứng thú học tập, kỹ năng hợp tác, làm việc nhóm và khả năng tư duy độc lập… mới có thể thực hiện tốt yêu cầu phát huy tính chủ động, sáng tạo, sự tiến bộ và phát triển năng lực học sinh. Chương trình mới theo hướng tích hợp sâu ở các lớp dưới và phân hóa ở các lớp trên, đòi hỏi sự chủ động sáng tạo của giáo viên trong quá trình thực hiện chương trình.
Trong thời đại học trò bước ra khỏi môi trường học đường đều phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt về vấn đề việc làm thì việc “thực học” trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Trong môi trường giáo dục này rất cần thầy giáo không những giỏi chuyên môn mà còn phải là người thầy lớn, người thầy vĩ đại.
Người thầy bình thường là người chỉ biết chia sẻ mọi kiến thức mình biết. Điều này là cần thiết nhưng học trò ngày nay cần nhiều hơn thế. Người thầy giỏi là biết chia sẻ cách học vì không đủ thời gian để trao đổi kiến thức trên lớp. Người thầy lớn là người thầy dùng tâm sức của mình chia sẻ với học trò động cơ để học. Đó là giúp học trò tìm thấy đức tin, niềm tin vào chính mình. Và cũng cần có những người thầy vĩ đại để tạo nên học trò có thể làm điều lớn lao để thay đổi cuộc sống. Đó là người thầy khai sáng cho cả một dân tộc.
Người thầy trong bối cảnh hiện nay cần gần gũi, thấu hiểu và chia sẻ với học trò nhiều hơn. Tuy nhiên, thầy cô đổi mới nhưng vẫn phải chú ý gìn giữ và phát huy những phẩm chất truyền thống của một nhà giáo. Dù có hiện đại đến đâu, đổi mới đến đâu thì quan trọng nhất vẫn là tấm lòng và trái tim của người thầy. Vì vậy, dù phương pháp giảng dạy, hình thức truyền tải có hiện đại, có sự hỗ trợ của các phương tiện hiện đại đến thế nào thì người thầy vẫn phải thổi “cái hồn” của bài giảng để học sinh cảm nhận được.
Luật Nhà giáo sớm thành hiện thực
Luật Nhà giáo được Bộ Giáo dục và Đào tạo soạn thảo và được thảo luận tại nghị trường (Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV). Trong bộ luật này có nhiều nội dung đáp ứng mong muốn cải thiện đời sống cũng như để nâng cao chất lượng cho giáo dục của giáo giới.
Rất nhiều giáo viên cũng mong muốn Luật Nhà giáo tiếp tục được nghiên cứu sửa đổi, hoàn thiện để được Quốc hội chính thức phê duyệt. Và sau khi ban hành, luật sẽ sớm được thực hiện, đi vào cuộc sống một cách thiết thực, khắc phục nhiều tồn tại “dai dẳng”.
Thực tiễn hiện nay cho thấy, có lúc, có nơi, nghề giáo chưa được coi trọng nên còn xảy ra nhiều tình huống nhà giáo bị cản trở hoạt động nghề nghiệp. Thêm nữa, thiếu các quy định để bảo vệ nhà giáo trong hoạt động nghề nghiệp, thiếu chính sách để xây dựng môi trường làm việc an toàn để nhà giáo an tâm công tác, cống hiến và hoạt động nghề nghiệp hiệu quả.
Do đó, thời gian qua xảy ra tình trạng nhà giáo bị cản trở hoạt động giảng dạy, giáo dục, bị xúc phạm về danh dự, thậm chí bị xâm hại về thân thể, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới tâm lý cũng như hoạt động chuyên môn của nhà giáo và ảnh hưởng tới tôn nghiêm của nghề nghiệp. Thực trạng trên dẫn đến tình trạng nhiều giáo viên né tránh, ngại xử lý vi phạm của học sinh, hạn chế trao đổi thông tin với gia đình các em...
Một mong muốn của đại bộ phận giáo viên là cải cách tiền lương để đảm bảo đời sống và cải cách về thi đua khen thưởng để tránh “bệnh hình thức” tạo sự mệt mỏi cũng như dư luận xấu của xã hội về ngành.
Trong Kết luận số 91/2024, Bộ Chính trị cũng chỉ rõ “xây dựng cơ chế, chính sách đột phá và đầu tư nguồn lực tương xứng để phát triển các đại học quốc gia, đại học vùng, cơ sở giáo dục đại học xuất sắc theo hiệp định quốc tế, các cơ sở giáo dục đại học trọng điểm, cơ sở giáo dục đại học sư phạm ngang tầm các nước tiên tiến, có đủ năng lực, điều kiện để giữ vai trò nòng cốt trong đào tạo và nghiên cứu khoa học”. Và đây là thời điểm “chuyển mình” thực hiện chỉ thị trên một cách nhanh nhất có thể.
Kỷ nguyên mới là kỷ nguyên phát triển, giàu mạnh dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản, xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu. Để thực hiện thành công của cuộc “cách mạng” lần này, ngoài sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, đồng lòng của cả hệ thống chính trị thì sự đổi mới nội tại của từng ngành, trong đó có giáo dục và đào tạo là vô cùng quan trọng.
Trong giai đoạn phát triển mới này, một lần nữa chúng ta lại thấy được tầm nhìn lớn của chủ tịch Hồ Chí Minh. “Làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân tộc ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”, để đạt được mục tiêu đó, theo Người, giáo dục là một mặt trận quan trọng. Giáo dục góp phần xây dựng con người mới, con người toàn diện có tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, vừa “hồng” vừa “chuyên”, có tài, đức, tri thức, sức khỏe, trình độ văn hóa, khoa học, kỹ thuật...
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giao-duc-trong-ky-nguyen-moi-post714800.html