Giáo dục trị liệu

Một cuộc cách mạng trong phương pháp trị liệu trẻ tự kỷ được sáng tạo và minh chứng qua thực tế bởi Tiến sĩ Phan Quốc Việt - người sáng lập Trung tâm Tâm Việt: Trị liệu bằng giáo dục.

Chơi mà học – Học mà chơi – Chơi mà trị

Nếu như xã hội coi các em tự kỷ là kẻ bỏ đi, giáo dục thông thường bó tay, bệnh viện coi các em là bệnh nhân, thì ở Tâm Việt, các em được coi là những tài năng tiềm ẩn, những viên kim cương thô cần có phương pháp đúng đắn mài giũa để tỏa sáng, lan tỏa giá trị.

Phương pháp của Tâm Việt không cần dùng thuốc, không cần can thiệp từ ngoài, không cần máy móc y tế đắt tiền, mà chỉ bằng giáo dục đặc thù.

Các em tự kỷ được đưa vào môi trường cùng chơi rất vui vẻ.

Ts Phan Quốc Việt cho biết: “Phương pháp của Tâm Việt chỉ bao gồm việc dạy các em chơi đúng đắn. Chơi mà học - Học mà chơi - Chơi mà trị. Thông qua việc dạy vận động bằng cách chơi, Tâm Việt dạy nhân cách và rèn luyện nhân tài.”

Các em tự kỷ được đưa vào môi trường cùng chơi rất vui vẻ. Đi xe đạp một bánh tiến và lùi, tung hứng bóng, đội chai nước cân bằng trên đầu - cơ chế Thiền - Rung - Lắc giúp các em cân bằng trở lại, dần thuần tính cách, điều chỉnh hành vi, thiết lập ý thức. Có thể thấy rằng phương pháp này “định chuẩn” cho các em về hành vi và tính cách. Hầu hết các em tự kỷ có tiến bộ chỉ sau một tháng trị liệu bằng giáo dục - Phương pháp hoàn toàn mới được sáng tạo bởi TS. Phan Quốc Việt.

Quan trọng nhất trong giáo dục nói chung, là phải dạy nhân cách, rèn tính cách. Dựa trên triết lý độc đáo này, TS Phan Quốc Việt đã thực nghiệm việc giáo dục trẻ tự kỷ qua phương pháp huấn luyện năng lực từ năm 2014 tới nay. Ông cho rằng, việc dạy đạo đức không thể thông qua bài học thuộc lòng trên lớp, mà cần trải nghiệm trong thực tế. Khi các em tự kỷ được đưa vào trung tâm Tâm Việt, các em được thuần tính cách và điều chỉnh hành vi qua việc tập luyện 3 kỹ năng phối hợp (đi xe đạp 1 bánh, đội chai nước, tung hứng bóng) ít nhất 6 tiếng/ngày.

Qua giai đoạn đầu, khi các em đã định chuẩn được, kỹ năng thành thạo, đã tạo lập được thói quen rèn luyện, thành nhu cầu tự thân, các em được dịch chuyển lên giai đoạn hai, rèn luyện nâng cao, để trở thành xuất sắc. “Người Việt chúng ta lâu nay còn kém cỏi, là do ngay từ đầu chúng ta đã nghĩ “không làm được đâu”. Chúng tôi dạy cách nghĩ xuất sắc, làm việc xuất sắc, làm người xuất sắc ngay từ đầu” - TS Việt khẳng định. Các em được đi biểu diễn cho cộng đồng, được tham gia các cuộc thi tài năng, được xã hội tôn vinh, điều đó khích lệ các em thay đổi, có nhu cầu được thể hiện mình, trở thành động lực khiến các em phấn đấu vươn lên hàng ngày, tiến bộ từng ngày. Ngày hôm nay phải xuất sắc hơn ngày hôm qua.

Ở giai đoạn thứ ba, các em hình thành sứ mệnh phục vụ cộng đồng, giúp đỡ người khác. Chính các em tự kỷ trong giai đoạn này dịch chuyển lên thành huấn luyện viên, huấn luyện cho các em tự kỷ mới vào Trung tâm. Do đồng cảnh, nên các em có trực giác tốt trong phương pháp huấn luyện bạn mới, biết linh hoạt các ứng xử để huấn luyện những em mới tốt nhất. Qua quá trình thực nghiệm để các em tự kỷ tự huấn luyện nhau kỹ năng để phát triển năng lực, TS Phan Quốc Việt phát kiến ra phương pháp “peer coaching” (huấn luyện đồng đẳng). Trong một cộng đồng các em tự kỷ, “học thày không tày học bạn”, chính các em tạo nên hệ sinh thái rèn luyện kỹ năng, phát triển năng lực, rèn nhân cách hiệu quả.

Từ “bệnh nhân” thành chủ thể

Với những kết quả đã được chứng minh bằng thực tiễn, khi các em tự kỷ đã trở thành kỷ lục gia, nhà huấn luyện xuất sắc, TS Phan Quốc Việt đã dịch chuyển các em nhỏ tự kỷ từ đối tượng là “bệnh nhân” trở thành chủ thể cần thể hiện. Các thầy cô giáo trong trung tâm dịch chuyển thành người hỗ trợ cho các em thể hiện. Khi các em được cài đặt tâm thế xuất sắc, được huấn luyện với phương pháp phù hợp nhất, được tự do thể hiện, thì năng lực sẽ phát huy tối đa, nhân tài được khai phóng.

Chơi mà học – Học mà chơi – Chơi mà trị

Nguyễn Khôi Nguyên là trường hợp trẻ tự kỷ thành công điển hình nhờ Tâm Việt. Nguyên từng là đứa trẻ phá phách, không có tương lai. Khi phát hiện con bị tự kỷ, gia đình Khôi Nguyên hơn 12 năm rong ruổi mang con đi khắp nơi để chữa trị. Càng đi càng vô vọng. 13 tuổi, Nguyên cao lộc ngộc, không chịu ngồi im, chạy liên tục, một phép toán đơn giản cũng không biết. Không nhận biết được sáng, trưa, chiều, tối… rất để ý đến sinh lý, liên tục giành đồ của bạn… không trường học nào muốn nhận Nguyên vào học.

Còn Nguyễn Đình Khánh Hưng là đứa trẻ không ngừng gào thét. Cậu học trò bé nhỏ, mặt mũi sáng sủa với cặp kính cận trông rất đáng yêu nhưng tay chân lúc nào cũng bứt rứt, hay chọc phá mọi người, thường xuyên gào thét ăn vạ… 7 tuổi cũng là 7 năm Hưng không ăn cơm, không ăn rau mà chỉ uống sữa Milo, thỉnh thoảng ăn bún và một vài thứ bánh khác. Khi bắt ăn cơm, Hưng trở nên dữ tợn, gào thét, cào cấu, đạp cả vào người các cô giáo. Bất lực, mẹ Hưng cuối cùng đưa Hưng đến với trung tâm Tâm Việt.

Ngày 6/5/2017, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã chính thức trao chứng nhận xác lập kỷ lục cho Nguyễn Đình Khánh Hưng, 7 tuổi và Nguyễn Khôi Nguyên, 16 tuổi. Sau khi xác lập kỷ lục gia Việt Nam với màn đi xe đạp 1 bánh, đội 1 chai tung 8 bóng, Khôi Nguyên tiếp tục chinh phục điều không tưởng: đứng trên 5 con lăn, đội 1 chai, tung 8 bóng (một kỹ thuật khó có nghệ sĩ xiếc nào làm được); và đi lùi trên xe đạp 1 bánh tung 5 bóng, bịt mắt tung 3 bóng. Ngày 26/08/2017 Tổ chức Kỷ lục Châu Á đã chính thức trao chứng nhận xác lập kỷ lục Châu Á cho Nguyễn Khôi Nguyên.

Tháng 10/2018 Nguyễn Đình Khánh Hưng và em Triệu Khánh Phương 6 tuổi (học viên nữ tự kỷ của Tâm Việt) đã xuất sắc lọt vào top 5 chương trình “Biệt Tài Tí Hon 2018”.

Ba ví dụ trên là những trường hợp thành công điển hình của phương pháp dịch chuyển trẻ tự kỷ từ bệnh nhân thành chủ thể của giáo dục, dùng giáo dục trị liệu và huấn luyện nhân tài, được TS Phan Quốc Việt sáng tạo nên.

Với quan niệm độc đáo, rằng mỗi sinh linh ra đời đều là một tài năng tiềm ẩn, giống như một viên kim cương thô. Giáo dục phải như một quá trình mài giũa, sao cho viên kim cương tỏa ánh sáng tuyệt vời nhất. Như vậy, học trò không phải là đối tượng nhồi nhét kiến thức, mà nên được coi là viên kim cương cần mài giũa phù hợp. Nếu không mài giũa đúng phương pháp, viên kim cương sẽ vỡ nát.

Tại ngôi nhà Tâm Việt, quá trình giáo dục không theo một chiều, từ thầy truyền tới trò, mà là quá trình tương tác giáo dục, Thầy dạy Trò, nhưng qua đó Trò cũng dạy lại Thầy, chia sẻ kỹ năng để liên tục sáng tạo trong quá trình giáo dục, khiến nhân tài được khai phóng. Các em chính là chủ thể của giáo dục và là người quyết định toàn bộ tiến trình này. Mọi đối tượng xung quanh như người thầy, cố vấn, cha mẹ, chuyên gia giáo dục… đều chỉ là tác nhân hỗ trợ để các em được thể hiện năng lực của mình. Chính các em là “cầu thủ” đá bóng, là người dẫn dắt “cuộc chơi” để làm nên chiến thắng, để kim cương được tỏa sáng.

Như vậy, với phương pháp giáo dục trị liệu, TS Phan Quốc Việt và Trung tâm Tâm Việt đã cùng một mũi tên trúng hai mục đích, trị liệu thành công trẻ tự kỷ, dịch chuyển các em từ những kẻ bị xã hội coi như bỏ đi, là gánh nặng cho gia đình và xã hội, trở thành chủ thể được thể hiện, thành tài năng được tỏa sáng.

Gs Trevor - Nguyên Chủ tịch hội Bệnh thần kinh Thế giới, cùng Đoàn giảng viên Trường Đại học Sydney - Úc nhận định:“Ts Phan Quốc Việt và cộng sự của ông đang tạo nên một hướng đi hoàn toàn mới, rất sáng tạo và đầy triển vọng cho trẻ tự kỷ Việt Nam cũng như trên toàn thế giới. Chìa khóa của phương pháp này chính là môi trường đầy tình yêu thương đã tạo ra những kì tích không tưởng”.

Cựu giám đốc điều hành Canon châu Á, Ts Alok Bharadwaj Creovate chia sẻ: “Tôi không thể tin nổi các cháu cần giáo dục đặc biệt có thể được dịch chuyển (transformed) tuyệt vời như vậy. Những phương pháp đầy sáng tạo của Tâm Việt giúp trẻ phát triển thông qua huấn luyện kỹ năng trong một môi trường tràn đầy yêu thương. Đây là một bài học lớn cho bất cứ tổ chức nào muốn dịch chuyển. Không dễ dàng gì khi huấn luyện các con có nhu cầu đặc biệt. Ta cần sự cảm thông, kiên tâm, lòng trắc ẩn, không chỉ mình cần sự kiên gan mà còn khích lệ được các con dũng cảm kiên tâm thực hiện. Một kết quả rất đáng khích lệ và mang lại ý nghĩa đặc biệt cho xã hội”.

Việt Châu

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/giao-duc-tri-lieu-527091.html