Giáo dục toàn diện

Theo thông tin từ Viện Dinh dưỡng quốc gia, người Việt Nam hiện nằm trong top thấp nhất khu vực châu Á.

Cụ thể, trong 30 năm qua, người Việt cao lên nhưng rất chậm, 10 năm chỉ cao thêm được một cm. Chiều cao trung bình của nam thanh niên Việt Nam hiện là 164 cm, thua 8 cm so với Nhật và 10 cm so với Hàn Quốc.

Theo các chuyên gia, ngoài yếu tố khẩu phần ăn thiếu hụt dinh dưỡng, còn một nguyên nhân rất cơ bản là do lười vận động. Việt Nam được xếp vào nhóm lười vận động nhất thế giới với chỉ hơn 15% người tập thể dục nhiều hơn 30 phút mỗi ngày.

GS Dương Nghiệp Chí- nguyên Viện trưởng Viện khoa học thể dục thể thao Việt Nam thì cho rằng đó là hệ quả của việc thiếu vận động, coi nhẹ thể dục thể thao ở độ tuổi thanh thiếu niên.

Theo ông Chí, rèn luyện thể lực không chỉ nâng cao tầm vóc mà còn rèn luyện sức khỏe cho thanh thiếu niên khi bước vào tuổi lao động, đáp ứng yêu cầu công việc.

Những năm qua, ngành giáo dục đã có nhiều cải cách nhằm nâng cao chất lượng giáo dục thể chất (GDTC) nhưng dường như vẫn chưa nhận thức rõ tầm quan trọng của môn học này. Chưa có một thống kê chính thức về điều kiện cơ sở vật chất phục vụ công tác giáo dục thể chất ở các nhà trường song theo đánh giá hiện nay của đa số các trường, hệ thống cơ sở vật chất phục vụ cho môn học GDTC còn nhiều hạn chế nếu không muốn nói là lạc hậu.

Tham khảo một số tiết học thể dục ở các trường mới hiểu vì sao học sinh lại không yêu thích môn học này. Vẫn những bài tập cũ như mấy chục năm về trước, đầu tiên cả lớp khởi động, tập mấy bài tập chân, tay, vai, bụng… rồi chia nhóm chạy thi cự ly ngắn, sau đó chạy quanh trường học vài vòng. Tập xong nghỉ tại chỗ, học sinh lấy điện thoại ra chơi, loanh quanh một lát là hết tiết. Về phía giáo viên, theo nhận xét của hiệu trưởng một trường tiểu học ở Hà Nội, đội ngũ giáo viên trong các trường học còn thiếu và yếu, đặc biệt ở cấp tiểu học.

Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề này, Bộ GDĐT đã đặt mục tiêu năm 2015 là phải chuẩn hóa giáo viên dạy GDTC, không còn giáo viên trình độ trung cấp và sơ cấp; đến năm 2020 đảm bảo 100% các trường phổ thông có giáo viên chuyên trách phụ trách môn GDTC tốt nghiệp chuyên ngành GDTC.

Và mới đây, Sở GDĐT TP Hồ Chí Minh vừa có văn bản định hướng một số nội dung trọng tâm công tác thể thao học đường năm học 2018-2019. Theo đó, Sở chỉ đạo các đơn vị trường học cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho học sinh và phụ huynh nhận thức tầm quan trọng của việc tập luyện thể dục thể thao.

Qua đó, xây dựng kế hoạch, đề xuất các giải pháp cụ thể nhằm hoàn thành mục tiêu mỗi học sinh phải biết chơi ít nhất một môn thể thao. Bên cạnh đó, trường học cần đa dạng hóa hoạt động các câu lạc bộ thể thao trường học, khuyến khích học sinh tham gia các hoạt động thể thao ngoại khóa, đặc biệt duy trì và đẩy mạnh các hoạt động thể dục thể thao dành cho trẻ từ bậc mầm non.

Để thực hiện các mục tiêu đó, Sở GDĐT yêu cầu tất cả trường học rà soát, mua sắm, sửa chữa cơ sở vật chất, trang thiết bị tập luyện thể dục thể thao trong nhà trường. Đồng thời, cử cán bộ, giáo viên tham gia các lớp tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn nhằm đẩy mạnh hoạt động giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trường học.

Tại nhiều diễn đàn giáo dục, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam từng nhấn mạnh: Phát triển giáo dục toàn diện đối với học sinh phổ thông không thể thiếu vai trò của giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong nhà trường. Mỗi học sinh phải biết chơi ít nhất một môn thể thao, đó là xu thế của hầu hết các trường học trên thế giới nhưng đến năm học này mới được ngành giáo dục TP HCM định hướng cho các trường học trong thành phố. Dù rất chậm nhưng có thể thấy, ngành giáo dục TP HCM đã nhận thức rõ tầm quan trọng của môn học này và đang hướng tới nền giáo dục toàn diện.

Thùy Linh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/giao-duc/giao-duc-toan-dien-tintuc418508