Giáo dục thiện nguyện

Giáo dục giá trị nhân ái là một sứ mệnh của nhà trường. Có những nhà trường đã chọn cho mình 'khẩu hiệu': Ngôi trường của lòng nhân ái.

Hình ảnh ca sĩ Thủy Tiên tặng quà cho bà con miền Trung đã lan tỏa những điều tốt đẹp ra cộng đồng. (Ảnh: FBCN)

Hình ảnh ca sĩ Thủy Tiên tặng quà cho bà con miền Trung đã lan tỏa những điều tốt đẹp ra cộng đồng. (Ảnh: FBCN)

Mới đây, khi cùng Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội xét giải thưởng "Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo", tôi rất cảm động, khi nhiều cán bộ quản lý đã coi "thiện nguyện" là một hoạt động giáo dục của nhà trường. Họ làm rất bài bản, có chiến lược và xây dựng nguồn lực.

Trong phần chia sẻ, tôi tranh thủ những phút giây ngắn ngủi để cung cấp những thông tin, những kinh nghiệm để tổ chức giáo dục thiện nguyện, hướng tới giá trị nhân ái cho học sinh, cho cộng đồng nhà trường.

Khi đó, tôi khá ngạc nhiên, bởi ít người biết đến những vấn đề cốt lõi khi tham gia hoạt động xã hội, giáo dục, đó là tuân thủ các quy định pháp luật.

Khi chúng ta gây dựng quỹ từ thiện, đối với nhà trường, nguồn lực khá dễ dàng. Bởi lẽ, hầu như các phụ huynh, các đối tác, cán bộ nhân viên của nhà trường đều ủng hộ điều tốt đẹp này.

Nhưng làm thế nào, để một nhà trường đại diện, sử dụng đúng mục đích, minh bạch... lại không hề dễ. Đặc biệt, nếu là một hoạt động thường xuyên, thì đối tác triển khai, đối tượng thụ hưởng cũng cần được lên kế hoạch, một kế hoạch giúp đỡ, để họ được hưởng không chỉ để thoát khỏi những khó khăn trước mắt, mà còn cả những giải pháp lâu dài.

Vì thế, hoạt động thiện nguyện không thể không chuyên nghiệp. Phải chuyên nghiệp để hiểu đúng về đối tượng, về bối cảnh sống. Vì thế, việc có thông tin thôi chưa đủ, mà cần phải phối hợp với chính quyền, với tổ chức xã hội liên quan.

Thứ đến, để lòng nhân ái lớn thành cây xanh, tạo thành quả ngọt thì cần quan tâm cả 3 đối tượng: người được thụ hưởng vật chất, người được thụ hưởng trưởng thành từ giáo dục (học sinh, gia đình ...) và người đóng góp (phụ huynh,...).

Tạo ra hoạt động kết nối cả 3 đối tượng mới là kế sách giáo dục lâu dài. Đâu chỉ tiền/vật chất cho đi, mà là cách cho, cách dùng nữa. Lời giải cho bài toán đó không chỉ từ lòng nhân ái, mà còn từ sự chuẩn bị kỹ lưỡng, hiểu biết và lên phương án hành động của đội ngũ lãnh đạo, thực thi của nhà trường.

Thiên tai, địch họa như đợt lũ lịch sử đang diễn ra ở miền Trung hiện nay là lúc để mỗi nhà trường, mỗi người trưởng thành coi trọng giáo dục lòng nhân ái, nhìn ra và tìm cách thực thi mong muốn của mình.

Tôi rất vui, khi thấy và cũng giúp kết nối để một số nhà trường không chỉ khởi tạo phong trào mà còn trực tiếp giúp đỡ đồng bào lúc nguy nan. Đồng thời, kết nghĩa, tạo cơ hội cùng nhau phát triển giữa các nhà trường, từ đó tạo ra cơ hội giáo dục cho cả hai phía.

"Cho đi" cũng là một phương thức giáo dục. Chúng ta cùng mừng cho nhau khi nhiều phụ huynh đã hướng về quê hương ruột thịt, đã kết nối đồng bào để tạo ra một hoạt động giáo dục, rất thực tiễn, rất nhân văn.

Chúng ta cùng mừng cho nhau, khi nhận ra, không chỉ "lòng tốt" trong một khoảnh khắc, mà là giá trị tích lũy mới tạo ra niềm tin vào cộng đồng, vào xã hội.

Và các bạn nhỏ của chúng ta cũng giàu lòng nhân ái, cũng thấm từ lòng truyền thống tương thân, tương ái của cha ông. Nhưng các bạn ấy đang học hỏi người lớn cách thể hiện và cách vun trồng để nhân ái nảy chồi, để chúng ta không chỉ thoát nghèo, thoát khó, mà còn thoát cả những gì xấu xí cứ chực xảy ra.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/giao-duc-thien-nguyen-127119.html