Giáo dục thể chất: Không có khái niệm môn chính, môn phụ

Theo PGS.TS Đặng Văn Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Thể dục thể thao (TDTT) Bắc Ninh, giáo dục thể chất (GDTC) là môn học rất quan trọng, là một trong 4 lĩnh vực cốt yếu: Đức – Trí - Thể - Mỹ.

Sinh viên Trường ĐH Thể dục thể thao Bắc Ninh trong giờ học

Sinh viên Trường ĐH Thể dục thể thao Bắc Ninh trong giờ học

Môn học bắt buộc

Trong Chương trình giáo dục phổ thông mới, GDTC là môn học bắt buộc từ lớp 1 đến lớp 12. Nhưng thực tế, nhiều học sinh muốn trở thành giáo viên GDTC trong các trường phổ thông. Tuy nhiên, định kiến “môn phụ” đang là rào cản với nhiều em thực hiện ước mơ của mình. Có em còn băn khoăn, GDTC là “môn phụ” nên ít có cơ hội phát triển nghề nghiệp; thậm chí rất khó để được đề bạt vào các vị trí quản lý như hiệu trưởng, hiệu phó...

Không đồng tình với suy nghĩ trên, PGS.TS Đặng Văn Dũng cho rằng, làm quản lý hay không phụ thuộc vào sự nỗ lực phấn đấu của bản thân trong quá trình hoạt động nghề nghiệp.

Theo Chương trình Giáo dục phổ thông mới, môn GDTC là môn học bắt buộc, được thực hiện từ lớp 1 đến lớp 12, nên không có khái niệm môn học phụ hay môn học chính. Thực tế đã có nhiều giáo viên thể dục tốt nghiệp ngành GDTC của Trường ĐH TDTT Bắc Ninh trở thành cán bộ quản lý ở các cơ sở đào tạo.

PGS.TS Đặng Văn Dũng trong buổi giao lưu trực tuyến do báo GD&TĐ tổ chức.

PGS.TS Đặng Văn Dũng viện dẫn, minh chứng cụ thể hiện nay có thầy Dương Hồng Sơn là Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Gia Tự (thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh); thầy Vương Văn Thịnh (Lớp Vật – Judo- khóa Đại học 33) là Hiệu trường THPT Mộc Hạ (Mộc Châu, Sơn La); thầy Vũ Ngọc Thường (Bóng ném khóa ĐH 35) là Bí thư đảng ủy, phó hiệu trưởng Trường THPT Ngô Gia Tự (Cam Ranh, Khánh Hòa)… Vì vậy, các em hoàn toàn có đủ cơ sở phấn đấu để đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo ở các trường phổ thông.

Nâng cao vị thế của môn GDTC

Trăn trở, làm thế nào để nâng cao vị thế của môn GDTC, PGS.TS Đặng Văn Dũng nhấn mạnh, trước hết cần nâng cao nhận thức xã hội về vai trò, vị trí của môn học GDTC trong hệ thống giáo dục quốc dân và toàn xã hội. Cần xóa bỏ tâm lý “môn phụ”, bởi thực tế, lâu nay bộ môn GDTC trong nhà trường thường chưa được chú trọng, vẫn còn mang tâm lý “môn phụ”.

“Trước đây, nhiều người coi môn GDTC là môn học thể dục. Trong giờ chủ yếu dạy học sinh các động tác thể dục vận động… Tuy nhiên, thực tế, đây là môn học rất quan trọng, là một trong 4 lĩnh vực cốt yếu: Đức – Trí - Thể - Mỹ. Vì vậy, trong Chương trình giáo dục phổ thông mới, GDTC là môn học bắt buộc từ lớp 1 đến lớp 12” - PGS.TS Đặng Văn Dũng nhấn mạnh.

Cần thay đổi nhận thức về mục đích, vai trò, tác dụng của GDTC, thể thao trường học; trước hết là ngay trong ngành Giáo dục; từ đó tạo sự lan tỏa trong toàn xã hội, nhìn nhận GDTC, thể thao trường học đóng vai trò quan trọng, là hoạt động vận động không thể thiếu trong đời sống hàng ngày của mỗi học sinh và các thầy cô giáo.

“Làm tốt công tác GDTC cho học sinh sẽ tạo nền móng vững chắc cho sự phát triển bền vững, lâu dài đối với sức khỏe, thể chất và trí tuệ con người” - PGS.TS Đặng Văn Dũng trao đổi.

Giờ học bóng rổ của sinh viên Trường ĐH TDTT Bắc Ninh.

Cũng theo PGS.TS Đặng Văn Dũng, để thực hiện tốt chương trình giáo dục phổ thông mới đối môn GDTC; ngoài việc đảm bảo nội dung chương trình, số lượng, chất lượng đội ngũ giáo viên, còn phải quan tâm đến đầu tư cơ sở vật chất như: sân bãi, trang thiết bị, dụng cụ tập luyện, thi đấu trong các nhà trường.

Giáo viên GDTC thuộc mã ngành đào tạo giáo viên (mã số 7140206 theo Thông tư 24/2017/TT-BGDĐT ngày 10/10/2017 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT). Sinh viên tốt nghiệp Trường ĐH TDTT Bắc Ninh được xác định “có bằng tốt nghiệp đại học sư phạm” theo Thông tư liên tịch của Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ (số 20, 21, 22, 23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ban hành năm 2015).

Cần nâng cao vị thế môn Giáo dục thể chất. Ảnh minh họa

Ngoài ra, thuộc mã ngành đào tạo giáo viên còn có ngành huấn luyện thể thao. Để phục vụ phát triển TDTT Việt Nam, Nhà trường còn đào tạo ngành Quản lý TDTT, Y sinh học TDTT.

“Như vậy, sinh viên tốt nghiệp ngành GDTC đủ điều kiện để làm giáo viên trong tất các các cơ sở đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân” - PGS.TS Đặng Văn Dũng chia sẻ.

"Để nâng cao năng lực sư phạm, hàng năm nhà trường có tổ chức lớp bồi dưỡng để cấp chứng chỉ sư phạm theo quy định Bộ GD&ĐT. Song sinh viên cũng có thể tự liên hệ học ở các trường sư phạm khác để được cấp chứng chỉ này" - PGS.TS Đặng Văn Dũng.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/giao-duc-the-chat-khong-co-khai-niem-mon-chinh-mon-phu-CghoiDAGR.html