Giáo dục sớm qua sách, tại sao không?

Những năm gần đây, giáo dục sớm là khái niệm không còn quá xa lạ. Tuy nhiên, việc để hiểu thế nào cho đúng về giáo dục sớm và nên bắt đầu từ đâu vẫn là trăn trở của nhiều bố mẹ Việt...

Cùng với sự phát triển của cuộc sống hiện đại, nhiều phương pháp giáo dục sớm như Montessori, Glenn Doman, Shichida… thường xuyên được bàn luận và nhiều bậc phụ huynh, trường mầm non áp dụng như một phương pháp phổ biến giúp trẻ tối ưu hóa tiềm năng.

Song hành với nhiều phương pháp ấy, sách tương tác cũng luôn được các nhà nghiên cứu khuyến khích thực hiện bởi sự hiệu quả và tính tiết kiệm, có thể áp dụng với trẻ ngay từ những năm tháng đầu đời.

Sách tương tác luôn được các nhà nghiên cứu khuyến khích.

Sách tương tác luôn được các nhà nghiên cứu khuyến khích.

Chăm cây chưa nảy mầm

Mới đây, tại cuộc tọa đàm về giáo dục sớm tại Hà Nội, bà Vũ Hải Bình, Hiệu trưởng trường Mầm non Quốc tế Sakura Montessori cho hay, não bộ của trẻ ở độ tuổi 0 đến 6 tuổi giống như miếng bọt biển, thấm hút tất cả những gì môi trường mang đến. Bởi vậy, đây là lý do nên dạy trẻ những điều tốt đẹp ngay từ tuần thứ bảy của thai kỳ.

Tham khảo phương pháp giáo dục từ người Italy, theo bà Bình, chăm sóc một em bé giống như chăm sóc một cái cây. Từ lúc hạt chưa nảy mầm, chúng ta phải cho chất dinh dưỡng vào để hạt đó phát triển thành một cây khỏe mạnh, trưởng thành. Cũng có thể hiểu, cha mẹ giống như người đem đến chất dinh dưỡng cho những cái hạt đó phát triển thành cây khỏe mạnh.

Bàn luận về vấn đề này, chuyên gia giáo dục sớm Lại Thị Hải Lý, Chủ nhiệm Trung tâm Giáo dục sớm Hotkids Vietnam cũng bày tỏ, “Có một sự thật tất cả hành động của bố mẹ tác động đến con đều là giáo dục sớm. Trẻ thích bắt chước, vì vậy chúng ta phải làm gương cho trẻ. Làm gương cũng là một cách giáo dục sớm”.

Minh họa bằng cốc nước đang uống, bà Lại Thị Hải Lý giải thích những tác động của bố mẹ lên con cũng như tác động vào cốc nước. Nếu biết phương pháp thì có thể đưa vào cái cốc những thứ giá trị, còn ngược lại có thể đưa cả chất bẩn vào cốc nước. Bà cũng đưa ra nguyên tắc năm “không” trong giáo dục sớm: Không tiểu học hóa; Không vui chơi tự do hóa; Không nữ tính hóa; Không quý tộc hóa và Không chăm sóc hóa.

Liên hệ với nguyên tắc giáo dục của người Do Thái, bà Lý cho rằng, việc chăm sóc hóa con cái sẽ khiến cho nhiều đứa trẻ trở thành những thai nhi quá hạn. Do đó, 16 chữ vàng mà bà tự đúc kết là: Học trong cuộc sống, dạy qua trò chơi, người dạy ý thức, trẻ học vô thức.

“Trong sáu năm đầu đời, trẻ em có khả năng tiếp thu kiến thức rất nhanh, đặc biệt là bản năng ghi nhớ tuyệt vời. Giáo dục sớm không chỉ là giáo dục về trí tuệ mà còn giáo dục về hành vi, định hướng phát triển về mặt cảm xúc, tinh thần cho trẻ ngay từ giai đoạn này là điều nên làm”.

Khi sách tương tác là bạn

Sách tương tác (interactive book) là hình thức thực hiện giáo dục sớm được phụ huynh tại nhiều quốc gia trên thế giới yêu thích. Sách tương tác được hiểu chung là thể loại sách giúp trẻ vừa đọc vừa chơi thông qua các chuyển động vật lý được sắp đặt thật trên chính trang sách.

Ngoài đọc bằng mắt, trẻ có thể dùng tay để khám phá những mô phỏng logic và thông minh của các sự vật, hoạt động gần gũi hàng ngày trong sách. Các nội dung cơ bản được trình bày một cách dễ hiểu, đơn giản với liên tưởng hình ảnh là phương thức tiếp cận chính, sách tương tác giống như một người bạn đồng hành vừa học vừa chơi cùng trẻ. Việc đọc và học cùng sách tương tác nên có những phương pháp khoa học.

Chuyên gia Lại Thị Hải Lý cho biết hiện thị trường có những cuốn sách tương tác thực hiện giáo dục sớm hiệu quả như Sài Gòn của em, Khám phá khoa học, Tìm hiểu trái đất, Tìm hiểu đại dương, Tìm hiểu các loài động vật sống trong rừng, Gia đình… Bà cho rằng đây là những cuốn sách gây sự thích thú đối với trẻ nhỏ, vì thông qua những cuốn sách lật mở, hoặc có vận động, trẻ sẽ tự đặt ra những câu hỏi khi được giao tiếp với nhau, hoặc được cô giáo đọc cho nghe.

Tuy nhiên, các bậc phụ huynh cần biết cách gây sự tập trung cho trẻ cũng như tạo ra môi trường phù hợp cho trẻ bằng việc tiếp cận sớm với sách tương tác. “Chúng tôi thường áp dụng những bài học ba bước cho các con sau khi đọc xong các cuốn sách. Đó là thực hiện các câu hỏi mấu chốt gắn liền với nội dung và hình ảnh trong sách để gây sự chú ý cho trẻ”, bà Lý chia sẻ.

Theo bà Vũ Hải Bình, với sách tương tác, trẻ sẽ biết cách sử dụng ngôn ngữ vận dụng những sáng tạo và phát huy trí tưởng tượng. Trẻ học thông qua trò chơi với việc vận động ngón tay khéo léo, vận động cơ thể, kích hoạt bộ não, kích thích giác quan. “Được chạm, sờ, vận động, nghe, nhìn và ngửi.. với sách tương tác, trẻ có khả năng ghi nhớ, khả năng tập trung, kích hoạt đa giác quan, là một trong những mục tiêu mà giáo dục sớm hướng tới”, bà Bình cho biết.

Bà Phạm Thanh Phương - Hiệu trưởng Trường mầm non Thực hành Hoa Thủy Tiên: “Chúng ta cần hiểu từ sớm ở đây không có nghĩa là sớm so với nhận thức của trẻ, mà là sớm so với quan niệm lâu nay trong xã hội. Nhiều công trình khoa học đã chứng minh trong sáu năm đầu đời trẻ có khả năng tiếp thu kiến thức rất nhanh và đặc biệt là bản năng ghi nhớ tuyệt vời. Tuy nhiên, giáo dục sớm cũng không phải là bắt con học hành khổ cực ngay từ bé, mà dạy con một cách tự nhiên như việc nhận thức các sự vật chung quanh cuộc sống.”

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/giao-duc-som-qua-sach-tai-sao-khong-129059.html