Giáo dục phải chăm chút từ những vấn đề nhỏ nhất

Trao đổi với PV Báo CAND, ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh đã đưa ra nhiều ý kiến thẳng thắn xung quanh vấn đề trên.

Bộ sách Cánh diều trước đó vào thời điểm tháng 5/2020, cũng đã đạt được 100% số phiếu tín nhiệm của nhiều trường trên địa bàn thành phố chọn làm bộ SGK dùng cho các lớp 1 ở TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành phía Nam. Song bộ sách cũng để lại nhiều điều tiếng bởi có nhiều “sạn” trong nội dung, được cho là khó có thể vào đầu học sinh ở lứa tuổi này.

Theo quan điểm của ông Ngai, phản ứng của xã hội về bộ SGK Tiếng Việt 1 những ngày qua là đương nhiên, vì đã phạm phải một vấn đề rất quan trọng: Khi biên soạn, các tác giả đã không có một triết lý giáo dục đúng và tường minh dẫn dắt nên thể hiện việc không hình dung được SGK của mình sẽ được sử dụng để đào tạo con người nào. Vì thế, các bức xúc phản ánh trên cho thấy về ngữ liệu, nội dung, hình ảnh minh họa... cho thấy sự thiếu nhất quán, thiếu sự trải nghiệm của tuổi thơ. Trong sách có nhiều từ địa phương, xa lạ của ngữ liệu thậm chí là người lớn khi đọc cũng có ngay cảm giác “hụt hẫng” chứ đừng nói là học sinh tiểu học được ví như tờ giấy trắng.

Ông Ngai chia sẻ, với đối tượng HS tiểu học, trong phương pháp giáo dục, ta có thể ví như đang xây một cái móng nhà. Nền móng nhà giữ một vai trò vô cùng quan trọng trong kết cấu một ngôi nhà. Móng có chắc thì nhà mới vững. Trẻ khối Tiểu học được giáo dục những điều cơ bản nhất của con người. Tùy theo nhà cao tầng, thấp tầng, một cái nhà đẹp phải có một nền móng vững, phù hợp. Vậy bậc Tiểu học còn được gọi là bậc học nền tảng. Vì vậy việc giáo dục phải chăm chút từ những vấn đề nhỏ nhất.

Đành rằng, nội dung biên soạn trong SGK tiểu học cần đáp ứng yêu cầu phù hợp của thời đại khoa học 4.0, có những chuyển đổi theo kịp tiên tiến của thế giới. “Đổi mới là cần. Song mới phải có cái gì hay hơn, tốt hơn cái cũ. Chứ không phải là một bộ SGK trong đó trẻ phải “ôm đồm” quá nhiều thứ. Hay đưa vào nhiều từ địa phương vụn vặt, không phù hợp với lứa tuổi. Có những câu chuyện ngụ ngôn người lớn đọc suy ngẫm mới hiểu vì nghĩa bóng nhiều quá, trẻ mới lớp 1 không thể tư duy nổi. Điều này chắc chắn sẽ gây vất vả cho cô giáo khi giảng bài.

Chia sẻ thêm, ông Ngai cho rằng, hội đồng những người tham gia trong công tác biên soạn bộ SGK mới có đầu tư, có trách nhiệm, tuy nhiên trong quá trình làm có những hạn chế chưa đạt như mong muốn khiến dư luận bất bình. Song đáng ra, trước thực trạng phản ứng của dư luận thì những người có trách nhiệm cần ngồi lại ngay để bàn bạc, tiếp thu và thông tin khách quan, cụ thể từng bộ sách có những ưu, nhược điểm ra sao!

Bên cạnh ưu điểm thì cần khắc phục, bổ sung những điểm gì. Sửa để có cái tốt hơn nhưng để làm được việc này thì cũng công phu. Vì phải mất nhiều thời gian, công sức bộ SGK mới ra đời được. Nên việc chỉnh sửa nội dung ông Ngai khẳng định là “khó khả thi”. Chưa kể vấn đề lại khá “nhạy cảm” vì đụng chạm vấn đề danh dự, uy tín người tham gia biên soạn, thẩm định, liên quan kinh phí trong đề án…

Huyền Nga

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/giao-duc/giao-duc-phai-cham-chut-tu-nhung-van-de-nho-nhat-615461/