Giáo dục nghề nghiệp cần đáp ứng yêu cầu của thời đại

Giáo dục nghề nghiệp là một lĩnh vực quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước. Hiện nay, giáo dục nghề nghiệp đã được chú trọng cả về quy mô lẫn chất lượng. Tuy nhiên vẫn chưa xứng tầm và đáp ứng đủ nhu cầu của tình hình mới. Về vấn đề này, Phóng viên Báo Quân đội nhân dân điện tử đã có cuộc trao đổi với ông Triệu Thế Hùng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.

Phóng viên (PV): Thưa ông, được biết, vừa qua, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đã tổ chức giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục nghề nghiệp. Xin ông đánh giá đôi nét về thực trạng giáo dục nghề nghiệp (GDNN) ở nước ta hiện nay?

Ông Triệu Thế Hùng: Trên cơ sở kết quả giám sát của Ủy ban về việc thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục nghề nghiệp, cho thấy trong những năm qua, hoạt động GDNN thời gian qua có bước phát triển mạnh mẽ. Hệ thống GDNN được kiện toàn, thống nhất các trình độ đào tạo theo 3 cấp (sơ cấp, trung cấp và cao đẳng). Mạng lưới cơ sở GDNN phát triển rộng khắp, đa dạng về hình thức sở hữu, mô hình hoạt động. Nguồn lực đầu tư cho GDNN được đa dạng hóa, nhờ đó, cơ sở vật chất của các trường, ngành, nghề trọng điểm được chú trọng đầu tư đồng bộ, hiện đại. Điều kiện bảo đảm chất lượng GDNN từng bước được cải thiện. Chất lượng, hiệu quả GDNN từng bước được nâng ca, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

 Ông Triệu Thế Hùng. Ảnh: HỒNG ÁNH

Ông Triệu Thế Hùng. Ảnh: HỒNG ÁNH

Tuy vậy, nhìn chung chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao còn chưa theo kịp bước tiến trong phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Quy mô GDNN còn nhỏ; cơ cấu trình độ đào tạo còn bất hợp lý, thiếu tính định hướng và chưa gắn bó hữu cơ với nhu cầu nhân lực của từng ngành, từng địa phương. Nguồn lực đầu tư cho GDNN còn hạn chế; công tác xã hội hóa GDNN còn nhiều khó khăn. Hoạt động hướng nghiệp và phân luồng còn yếu kém. Cơ chế, chính sách quản lý hệ thống GDNN còn bất cập, thiếu sự phối hợp giữa các bên liên quan khiến cho công tác quản lý còn chồng chéo, không có tính liên thông trong toàn hệ thống. Bộ máy quản lý GDNN còn thiếu về số lượng, chưa chuyên sâu về năng lực chuyên môn và kinh nghiệm quản lý.

PV: Được biết, hiện cả nước có khoảng gần 2.000 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Tuy nhiên không ít trong số cơ sở này hoạt động chưa hiệu quả. Theo ông, nguyên nhân chính từ đâu?

Ông Triệu Thế Hùng: Tính đến ngày 31-12-2018, cả nước có 1.938 cơ sở GDNN, trong đó có 398 trường cao đẳng, 509 trường trung cấp và 1.031 trung tâm GDNN thuộc các loại hình sở hữu công lập, tư thục và cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài. Bên cạnh những cơ sở có nhiều đổi mới, sáng tạo trong đào tạo đáng ghi nhận, thì vẫn còn tồn tại nhiều cơ sở GDNN còn yếu kém. Việc hợp tác, gắn kết giữa đào tạo với doanh nghiệp còn lỏng lẻo, thiếu hiệu quả. Một trong những nguyên nhân của tình trạng nhiều cơ sở GD NN mà nhiều CSGD NN hoạt động chưa hiệu quả là do công tác quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở GDNN còn rất chậm, tồn tại nhiều bất cập. Cơ quan QLNN có thẩm quyền chưa ban hành được quy hoạch tổng thể mạng lưới cơ sở GDNN trong cả nước dẫn tới sự manh mún, chồng chéo, thiếu thống nhất trong quy hoạch phát triển cơ sở GDNN của các bộ, ngành, địa phương. Việc rà soát, sắp xếp mạng lưới cơ sở GDNN thuộc phạm vi quản lý của nhiều địa phương, bộ, ngành trong thời gian qua mới chỉ là sự sáp nhập, lắp ghép cơ học thiếu sự nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng về hiệu quả, chưa có sự gắn kết chặt chẽ với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, của từng địa phương, bộ, ngành cũng như nhu cầu của xã hội.

PV: Một trong những vấn đề được nhắc đến là nguồn đầu vào của các cơ sở GDNN. Vậy, công tác hướng nghiệp cho thanh niên ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường cần được thực hiện như thế nào để tạo nguồn hiệu quả cho GDNN?

Ông Triệu Thế Hùng: Hoạt động hướng nghiệp, phân luồng cho học sinh phổ thông gắn với việc phát triển về quy mô học sinh GDNN còn nhiều bất cập, vướng mắc. Mặc dù có nhiều chính sách khuyến khích như thực hiện miễn, giảm học phí trong quá trình học cũng như ưu tiên tuyển dụng, sử dụng, tôn vinh người học nghề sau tốt nghiệp,... song việc phân luồng học sinh chưa đạt kết quả như mong muốn. Hiện chỉ có khoảng 8-10% học sinh tốt nghiệp THCS theo học các trình độ đào tạo nghề tại các cơ sở GDNN. Tỷ lệ này còn rất thấp so với mục tiêu đề ra, phấn đấu đến năm 2020 ít nhất 30% và năm 2025 ít nhất 45% học sinh tốt nghiệp THCS vào học các trình độ sơ cấp, trung cấp. Vì thế, trước hết cần có sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo của ngành giáo dục, của chính quyền địa phương; cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các ban, ngành liên quan trong công tác tuyên truyền, tư vấn cho học sinh phổ thông về GDNN; hoạt động hướng nghiệp cho học sinh phổ thông cần phong phú về nội dung và hình thức để người học tiếp cận các thông tin dễ dàng hơn; tuyên truyền, xóa bỏ tâm lý xã hội, nhận thức của phụ huynh và học sinh về vấn đề “nặng” bằng cấp...

Thực hành môn Chăm sóc sắc đẹp tại Trường Cao Đẳng Kỹ Nghệ II (Thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: HỒNG ÁNH

PV:Chúng ta đang nhắc nhiều đến cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ tư với những yêu cầu mới về nguồn lao động. Vậy điều này sẽ tác động thế nào đối với thị trường lao động và công tác GDNN ở Việt Nam thưa ông?

Ông Triệu Thế Hùng: Cách mạng công nghiệp lần thứ tư được hình thành trên nền tảng có sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ, trí tuệ nhân tạo; là sự tích hợp của nhiều loại hình công nghệ và những thành tựu mới của nhiều lĩnh vực nghiên cứu. Điều này đưa tới nền kinh tế tri thức - thông minh, trong đó nền công nghiệp với máy móc, dây chuyền sản xuất, thiết bị thông minh, hệ thống quản trị hiện đại.

Tuy nhiên, cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng tạo ra những thách thức lớn đối với nhiều quốc gia, nhiều đối tượng xã hội, trên nhiều lĩnh vực với những tác động mạnh mẽ, sâu sắc, làm thay đổi căn bản từ phương thức sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, đến chính trị và an ninh thế giới, tổ chức và sinh hoạt xã hội của con người trong từng gia đình, từng quốc gia, tới toàn cầu. Bởi vậy, điều này sẽ tác động không nhỏ, đòi hỏi sự thay đổi về thị trường lao động, thay đổi về trình độ lao động đáp ứng yêu cầu mới. Cũng từ đó, GDNN cũng sẽ phải thay đổi tư duy, giáo trình và cách thức đào tạo để đáp ứng yêu cầu mới ngày càng khắt khe hơn của thị trường lao động.

PV:Thưa ông, vậy để đổi mới, nâng cao chất lượng GDNN đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, thời gian tới, chúng ta cần phải làm gì?

Ông Triệu Thế Hùng: Trước hết, cần hoàn thiện thể chế và đổi mới cơ chế quản lý thì một yêu cầu cấp thiết là đổi mới về nhận thức trong quản lý nhà nước theo định hướng nhà nước kiến tạo phục vụ người dân, kiên quyết dẹp bỏ hoàn toàn cách quản lý theo kiểu “xin – cho”, với việc cấp thiết là thực hiện quản lý theo chính phủ điện tử, tạo thuận lợi cho các cơ sở GDNN, học sinh, phụ huynh .. theo hướng công khai, minh bạch.

Để nâng cao chất lượng đào tạo, thì việc liên tục đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp theo hướng hiện đại hóa, cập nhất kỹ năng nghề gắn với thị trường lao động là vấn đề rất cần thiết. Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục có vai trò quan trọng trong việc hoạch định và tổ chức triên khai thực hiện các chính sách trong đổi mới giáo dục. Vì thế, xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý có năng lực và có động lực, bên cạnh việc phải được cải thiện, nâng cao đời sống là ưu tiên hàng đầu và là bài học kinh nghiệm trong chính sách của các nước có hệ thống giáo dục thành công.

Cùng với đó, cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả và đồng bộ giữa các ngành, các cấp và cả hệ thống chính trị trong việc đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo giáo dục nghề nghiệp nói riêng, đào tạo nhân lực chất lượng cao nói chung (bao gồm cả giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học).

Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ chương trình, nội dung, phương pháp đào tạo nhân lực có tay nghề cao; chủ động xây dựng các chương trình, giáo trình chuyên ngành phù hợp với năng lực của người học. Từng bước phát triển, hoàn thiện hệ thống giáo dục theo hướng mở, linh hoạt và học tập suốt đời.

Gắn kết công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao với thị trường lao động và việc làm bền vững. Quy định rõ quyền lợi, trách nhiệm và có cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nghiệp và các thành phần kinh tế chủ động và tích cực tham gia vào hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Hình thành cơ chế cung cấp thông tin về nhu cầu lao động qua đào tạo, nhu cầu nhân lực chất lượng cao của doanh nghiệp cho cơ quan quản lý nhà nước về GDNN và cơ sở đào tạo.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

ANH VŨ (thực hiện)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/giao-duc-nghe-nghiep-can-dap-ung-yeu-cau-cua-thoi-dai-591520