Giáo dục nghề, nên chọn nghề xã hội cần

Tình trạng 'thừa thầy, thiếu thợ' hiện là mối quan tâm lớn của toàn xã hội, khi số lượng cử nhân ra trường không tìm được việc làm chiếm tỷ lệ lớn. Thậm chí, không ít trường hợp cử nhân muốn tìm được việc làm đành phải theo học một khóa đào tạo nghề. Vì vậy, đã đến lúc các cấp, các ngành, các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, góp phần giúp các em học sinh biết lựa chọn ngành nghề để theo học một cách phù hợp...

Những năm trước đây, do tâm lý sính bằng cấp nên hầu hết học sinh sau khi tốt nghiệp THPT đều chọn thi vào các trường đại học. Chỉ một bộ phận nhỏ học sinh trình độ trung bình hoặc do điều kiện kinh tế gia đình gặp khó khăn mới lựa chọn học nghề. Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ và tăng trưởng kinh tế, cơ hội việc làm cho những người được đào tạo nghề lại rộng mở. Chính vì vậy, không ít bạn trẻ đã thực sự thay đổi quan niệm, cách nghĩ về học nghề. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp cần nhân lực có tay nghề cao đã phải đến tận các trường nghề để tuyển lao động, tạo điều kiện cho sinh viên sớm làm quen với công việc để sau khi ra trường có thể làm việc ngay.

Thí sinh thi tay nghề Quốc gia lần thứ 10 năm 2018. Ảnh: THU HƯƠNG

Thực tế hiện nay, nhu cầu về lao động kỹ thuật một số chuyên ngành, như: Thợ hàn, thợ điện, điện công nghiệp... trong xã hội rất cao, song vẫn không có nhiều người theo học. Ông Trần Đình Dũng, Phó chánh văn phòng Công ty Cổ phần Bánh mứt kẹo Hà Nội, chia sẻ: “Ở công ty chúng tôi cũng như nhiều doanh nghiệp đang rất thiếu lao động tay nghề cao. Chẳng hạn, trong lĩnh vực cơ khí, điện, tìm được người làm được việc thực sự không dễ. Do vậy, các cơ quan chức năng, gia đình cần định hướng cho các em học sinh chọn nghề phù hợp với bản thân; đồng thời đáp ứng nhu cầu của xã hội”.

Để góp phần giải quyết tình trạng "thừa thầy, thiếu thợ", Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã ban hành Quyết định số 928/QĐ-LĐTBXH về giáo dục nghề nghiệp (GDNN) giai đoạn 2018-2020. Mục tiêu là tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức cho người dân, xã hội, doanh nghiệp và cải thiện hình ảnh về GDNN; tạo sự chuyển biến trong công tác phân luồng học sinh vào GDNN; hỗ trợ công tác tuyển sinh-hướng nghiệp, lập nghiệp, khởi nghiệp... Việc ban hành kế hoạch truyền thông cho GDNN tạo cơ hội giúp các đơn vị, các trường dạy nghề chủ động hơn trong hoạt động truyền thông, nội dung tập trung hơn theo thực tế nhu cầu của xã hội. Cùng với đó, ngành đưa ra giải pháp thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia hoạt động GDNN; gắn kết doanh nghiệp với cơ sở GDNN trong hoạt động đào tạo (đào tạo mới cũng như đào tạo lại), tuyển dụng và sử dụng người học GDNN nhằm tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế-xã hội trước yêu cầu của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và trong xu thế của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Theo ông Lê Quân, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, công tác truyền thông về GDNN hướng đến mục tiêu để xã hội, các cơ sở GDNN, gia đình và người học biết quan điểm, định hướng đổi mới của GDNN, các mục tiêu dài hạn, trung hạn và ngắn hạn, lộ trình và từng bước đi của quá trình đổi mới... Chính vì vậy, cần tổ chức rộng rãi bằng nhiều hình thức, phù hợp với từng nội dung và đối tượng, bảo đảm yêu cầu thiết thực, hiệu quả và tiết kiệm; bám sát nội dung, yêu cầu của Luật GDNN và các văn bản hướng dẫn thi hành; quán triệt đầy đủ và cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về tuyên truyền, phổ biến GDNN. Quan trong hơn, gia đình, nhà trường và bản thân mỗi học sinh cần thay đổi quan niệm về học nghề, làm nghề. Chỉ khi có sự đồng thuận của toàn xã hội thì bài toán "thừa thầy, thiếu thợ" mới được giải quyết.

ANH THƯ

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/giao-duc-nghe-nen-chon-nghe-xa-hoi-can-547371