Giáo dục mầm non huyện Tiên Yên: Đột phá từ một chuyên đề

Sau gần 5 năm thực hiện, chuyên đề 'Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm' đã mang lại những hiệu quả nhất định với ngành GD&ĐT huyện Tiên Yên, tạo môi trường giáo dục mang tính 'mở', giúp trẻ có cơ hội học tập, vui chơi phù hợp với nhu cầu, hứng thú và khả năng.

Tiết học vận động của trẻ 5 tuổi Trường Mầm non Điền Xá.

Tiết học vận động của trẻ 5 tuổi Trường Mầm non Điền Xá.

Nâng chất giáo dục mầm non

Ông Nguyễn Văn Ty, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Tiên Yên, cho biết: Thực hiện chuyên đề "Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm", Phòng chỉ đạo 100% giáo viên chú trọng công tác đánh giá trẻ. Việc đánh giá sự phát triển của trẻ được thực hiện hằng ngày, cuối chủ đề, cuối độ tuổi. Khi đánh giá sự phát triển, giáo viên chú trọng đến các mục tiêu, kết quả gắn với mục tiêu đề ra, có phiếu đánh giá lưu cụ thể qua từng năm học. Nhờ đó, chuyên đề như một "luồng gió" làm thay đổi chất lượng dạy và chăm sóc trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non của huyện.

Qua theo dõi, kiểm tra việc khảo sát đánh giá sự phát triển của trẻ từng học kỳ và cả năm học, hầu hết các trường mầm non trên địa bàn huyện cho rằng, từ khi thực hiện chuyên đề, trẻ đã có nhiều chuyển biến rất rõ nét.

Cụ thể: Trên 90% trẻ đến trường có kỹ năng giao tiếp với người lớn và bạn bè; 100% trẻ được trực tiếp trải nghiệm khám phá tìm tòi, biết quan sát và lắng nghe, biết đặt câu hỏi, biết suy nghĩ, liên tưởng phù hợp khả năng của trẻ làm trẻ thích thú, mạnh dạn khám phá, tham gia thực hành theo ý tưởng của trẻ.

Trẻ ngày càng hứng thú, tích cực tham gia các hoạt động, đặc biệt trẻ 5 tuổi biết các kỹ năng học tập cần thiết, được rèn luyện thường xuyên tạo nền tảng tốt trước khi bước vào lớp 1.

Cô giáo Hoàng Thu Hà, Hiệu trưởng Trường Mầm non Điền Xá, cho hay: Từ khi thực hiện điểm chuyên đề, Trường được cấp thêm nhiều hơn các trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi cho trẻ. Giáo viên tích cực tự làm đồ dùng, đồ chơi, sưu tầm nguyên vật liệu sẵn có tại địa phương, tạo các khu vực chơi có thêm nhiều nguyên vật liệu mở, giúp trẻ thêm cơ hội hoạt động và trải nghiệm.

Các bé của Trường Mầm non Đại Dực tập làm đồ ăn.

Huy động xã hội hóa bằng nhiều hình thức

Tại các Trường Mầm non Đại Thành, Hà Lâu, Đại Dực, công tác xã hội hóa được thực hiện từ nhiều nguồn lực, với nhiều cách làm khác nhau.

Với các trường vùng cao, kinh phí khó huy động, các giáo viên huy động ngày công lao động của phụ huynh để cải tạo môi trường trong và ngoài lớp học, tạo điều kiện học tập vui chơi cho trẻ mầm non; huy động phụ huynh tham gia lao động vệ sinh trường lớp, trồng cây xanh, đóng góp nguyên vật liệu làm đồ dùng, đồ chơi cho trẻ; huy động các nguồn lực đóng góp nâng cao chất lượng bữa ăn cho trẻ.

Thực hiện chuyên đề này, huyện tích cực đầu tư cơ sở vật chất trường lớp đồng bộ, khang trang, nhất là tại các điểm trường chính, giúp các trường có đủ các phòng học, phòng chức năng.

UBND huyện Tiên Yên tặng giấy khen cho các giáo viên mầm non có thành tích xuất sắc trong thực hiện chuyên đề, tháng 6/2020.

Qua gần 5 năm thực hiện chuyên đề, tại các trường mầm non đã được xây mới 75 phòng học, sửa chữa, cải tạo 31 phòng học, 10 sân chơi, tổng kinh phí trên 75 tỷ đồng; tỷ lệ nhóm, lớp có bộ đồ dùng, đồ chơi thiết bị tối thiểu đạt 79%; 100% các điểm trường có sân chơi, thiết bị đồ chơi ngoài trời.

Ông Nguyễn Văn Ty đánh giá: Chuyên đề "Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm" đã giúp cho cán bộ quản lý, giáo viên mầm non chủ động, sáng tạo, linh hoạt trong quản lý, tổ chức chăm sóc, giáo dục trẻ hơn, phù hợp điều kiện cụ thể của nhà trường và đặc thù của địa phương.

Đạt được kết quả này, thời gian qua, Phòng GD&ĐT huyện đã tích cực tổ chức các lớp tập huấn, hội nghị chuyên đề, các hoạt động tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm thực hiện chuyên đề giữa các trường mầm non trong huyện.

Lan Anh

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/202007/giao-duc-mam-non-huyen-tien-yen-dot-pha-tu-mot-chuyen-de-2490662/