Giáo dục lòng yêu nước

Các thế hệ học sinh khi học ở các cấp học phổ thông, tùy theo độ tuổi và nhận thức, cần được giáo dục một cách nghiêm túc và đầy đủ về tình yêu Tổ quốc, về chủ quyền quốc gia, về quần đảo Hoàng Sa của VN...

Trong hội thảo khoa học tổ chức ở Đà Nẵng “Nghiên cứu và truyền thông, giáo dục về quần đảo Hoàng Sa, TP.Đà Nẵng trong giai đoạn hiện nay”, có một kiến nghị rất quan trọng gửi lên Bộ GD-ĐT, là cần sớm ban hành một chương trình về giáo dục biển đảo cấp quốc gia.

Lâu nay, chúng ta nói rất nhiều về biển đảo VN, về Hoàng Sa bị mất vào tay Trung Quốc, về Trường Sa đang ngày đêm bảo vệ chủ quyền Tổ quốc, nhưng lại chưa có một chương trình chính thức trong giáo dục phổ thông về chủ đề này. Đó là một thiếu sót lớn.

Tôi còn nhớ, cách đây đã nhiều năm, tôi có viết bài trên Báo Thanh Niên, kiến nghị cần đưa chủ đề Hoàng Sa, Trường Sa vào sách giáo khoa phổ thông. Bây giờ thì nghe nói sách giáo khoa cải cách có đưa trong môn học tích hợp lịch sử - địa lý chủ đề biển đảo, nhưng vẫn còn khá chung chung.

Kiến thức về chủ quyền quốc gia, dù chỉ là một hòn đảo nhỏ, bao giờ cũng phải cụ thể, rõ ràng, đúng luật pháp quốc tế, không bao giờ là “chung chung” cả.

Các thế hệ học sinh khi học ở các cấp học phổ thông, tùy theo độ tuổi và nhận thức, cần được giáo dục một cách nghiêm túc và đầy đủ về tình yêu Tổ quốc, về chủ quyền quốc gia, về quần đảo Hoàng Sa của VN vì sao mất vào tay Trung Quốc, và cái mất ấy chỉ là nhất thời, mãi mãi Hoàng Sa vẫn là “máu của máu VN, thịt của thịt VN” như câu nói nổi tiếng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về Nam bộ những ngày kháng chiến chống Pháp.

Những điều này phải trở thành kiến thức phổ thông, được dạy và học trong trường phổ thông, chứ không chỉ là kiến thức truyền thông.

Hoàn toàn không khó khăn gì khi biên soạn một chương trình như thế, vì tư liệu lịch sử là quá đầy đủ, những nhân vật lịch sử cũng không hề thiếu, những tấm gương hy sinh bảo vệ chủ quyền biển đảo VN càng nhiều hơn, suốt chiều dài lịch sử. Vấn đề là chúng ta có muốn làm hay không mà thôi.

Dĩ nhiên nói như thế, ai cũng sẽ trả lời là muốn làm, phải làm, nhưng chuyện sách giáo khoa là chuyện của Bộ GD-ĐT, nếu Bộ không làm thì ai làm?

Bao năm nay, đảo Lý Sơn đã thành nơi thu hút khách du lịch trong cả nước. Không hẳn vì đảo ấy đẹp, hay du lịch ở đảo này được hưởng thụ những gì, mà những người VN, nhất là những người trẻ, háo hức về Lý Sơn chính vì lòng yêu nước. Đến Lý Sơn, họ như thấy Hoàng Sa. Những học sinh VN, từ nhỏ, đã sẵn sàng và mong muốn được học những bài học về chủ quyền biển đảo ở Hoàng Sa, Trường Sa, khát khao hiểu biết về những vùng biển đảo của Tổ quốc mình. Đó là kiến thức, và hơn cả kiến thức, đó là lòng yêu nước.

Ngày tôi còn nhỏ đã được học trong sách giáo khoa một bài viết của văn hào Nga Ilya Ehrenburg mà nhà văn Thép Mới đã dịch dưới tựa đề Lòng yêu nước. Bài viết ấy chúng tôi đã học thuộc lòng, và còn nhớ tới bây giờ.

Cần có những bài viết xúc động như thế về Hoàng Sa, về Trường Sa, về biển đảo VN được đưa vào sách giáo khoa cho học sinh ngay từ nhỏ đã được học. Học về lòng yêu nước thì không bao giờ là sớm hay muộn.

Thanh Thảo

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/toi-viet/chao-buoi-sang/giao-duc-long-yeu-nuoc-1043210.html