Giáo dục lịch sử trên quê hương Bác: Không còn cảnh 'cô đọc - trò chép'

Có một tiết học mà học sinh không phải bó buộc với cách dạy học truyền thống 'cô đọc - trò chép'. Các em học thực địa: học tại di tích lịch sử, học bằng cách tự tìm hiểu ngôn ngữ, văn hóa hay những câu chuyện dân gian của địa phương mình...

 Cô và trò Trường THCS Lê Lợi (TP Vinh, Nghệ An) hứng khởi với các tiết học lịch sử địa phương.

Cô và trò Trường THCS Lê Lợi (TP Vinh, Nghệ An) hứng khởi với các tiết học lịch sử địa phương.

Đó là tiết học khác biệt của chương trình địa phương các môn Văn, Địa và Lịch sử mà các trường THCS và THPT trong tỉnh Nghệ An đang giảng dạy.

Hiểu hơn về nhân vật lịch sử quê nhà

Bài lịch sử cuối học kỳ 2 của lớp 10A1, trường THPT Phan Đăng Lưu (huyện Yên Thành, Nghệ An) là về truyền thống lịch sử của huyện Yên Thành. Điều đặc biệt, không gian học tập của các em không phải ở lớp học mà là tại tượng đài nhà cách mạng Phan Đăng Lưu, là bảo tàng của huyện. Được tận mắt chứng kiến những hiện vật, được các thầy cô giáo kể về cao trào 1930 - 1931 của huyện, những người con dũng cảm của quê hương khiến các em rất hào hứng và tự hào.

Em Phan Đức Hùng, học sinh lớp 10A1, chia sẻ: "Khi học lịch sử địa phương, em có thể tìm hiểu rõ hơn về quê hương Yên Thành, nơi em đang sinh sống. Đồng thời, qua tiết học lịch sử địa phương hôm nay, em đã hiểu thêm về ông Phan Đăng Lưu - nhà cách mạng mà ngôi trường em đang theo học vinh dự được mang tên".

Buổi học ngoại khóa của các em Trường THCS Lê Lợi (TP Vinh, Nghệ An)

Xã Vĩnh Thành (huyện Yên Thành) cách đây 60 năm là xã đầu tiên của tỉnh Nghệ An xây dựng mô hình Hợp tác xã nông nghiệp bậc cao. Sau đó, mảnh đất này vinh dự được đón Bác Hồ về thăm. Vĩnh Thành nay đã thay da đổi thịt và còn trở thành một "địa chỉ đỏ" để giáo dục truyền thống yêu nước, giáo dục tinh thần cách mạng cho thế hệ trẻ.

Em Nguyễn Thùy Linh (học sinh lớp 8A, Trường THCS Vĩnh Thành) bày tỏ: "Em cảm thấy rất tự hào khi được lớn lên, học tập tại nơi Bác Hồ từng về thăm vào năm 1961. Qua các bài giảng của thầy cô, các chương trình ngoại khóa và tìm hểu Khu lưu niệm Bác Hồ về thăm về Vĩnh Thành, em càng hiểu hơn về lịch sử cách mạng và công lao của thế hệ cha ông đi trước. Em và các bạn sẽ cố gắng học tập tốt, phát huy truyền thống và góp phần xây dựng quê hương đổi mới".

Cô Nguyễn Thị Hồng Thủy - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Vĩnh Thành (Yên Thành, Nghệ An): Khu lưu niệm có quy mô nhỏ, số lượng hiện vật không đồ sộ, phong phú như các bảo tàng nhưng mỗi bức ảnh, mỗi kỷ vật được lưu giữ tại đây là một câu chuyện sống động gắn liền với con người, thời kỳ lịch sử cách mạng, sự đổi thay, phát triển của quê hương Vĩnh Thành.

Chú trọng phát triển chương trình giáo dục địa phương

Tại tiết học chương trình địa phương môn Ngữ văn của lớp 7A, trường THCS Hưng Bình (TP Vinh, Nghệ An), các em đã được cô giáo ra bài tập tìm hiểu về truyện dân gian xứ Nghệ. Thật bất ngờ, các em không chỉ sưu tầm được nhiều mà còn chia sẻ cho các bạn phương pháp đọc hiểu cái hay, ý nghĩa của từng câu chuyện dân gian.

Em Bùi Tiến Quyết, học sinh lớp 7A, cho biết: "Những câu chuyện dân gian của Nghệ An rất hay. Qua đó em càng được nâng cao hiểu biết về những người anh hùng lịch sử".

Bạn học cùng lớp với Quyết là em Lê Huyền Trang chia sẻ: "Chương trình địa phương hôm nay của chúng em được học về chuyện dân gian xứ Nghệ. Chúng em có thể sưu tầm những câu chuyện, những mẩu chuyện hay, từ đó hiểu nhiều hơn về nơi chúng em được sinh ra và lớn lên, lại càng thêm yêu quê hương nơi mình đang sinh sống và học tập".

Học sinh Trường THCS Lê Lợi, TP Vinh, hào hứng với các hoạt động trải nghiệm ngoài giờ như trò chơi dân gian.

Chương trình giáo dục địa phương của các trường THCS và THPT ở Nghệ An đã giảng dạy hơn 10 năm nay, ở các môn xã hội là Ngữ văn, Địa lý và Lịch sử. Tuy nhiên, do chương trình học của 2 bậc học này quá tải nên thời lượng dành cho tiết học địa phương chưa nhiều. Đó là chưa nói đến tài liệu giảng dạy còn hạn chế. Vì vậy, tiết học có thu hút học sinh hay không phụ thuộc rất nhiều vào giáo viên.

"Thực ra, từ trước tới nay dạy chương trình địa phương cũng có những khó khăn đối với các giáo viên. Thứ nhất là hiện nay chưa có một tài liệu chính thống nào. Giáo án giảng dạy đều do giáo viên trong tổ tự tìm tòi, tự xây dựng theo đúng thời lượng mà cấp trên yêu cầu. Nếu muốn đảm bảo được một tiết học chương trình địa phương hứng thú đòi hỏi sự đầu tư, nỗ lực và cái tâm của giáo viên. Các thầy cô phải khơi được cho học trò niềm đam mê. Ngoài ra, các hoạt động của chương trình địa phương không chỉ bó hẹp trong không gian lớp học, mà còn có thể mở rộng ra ở bên ngoài lớp học như các khu di tích lịch sử, các điểm đến văn hóa tâm linh…", cô giáo Nguyễn An Giang, giáo viên Ngữ văn, trường THCS Hưng Bình, cho biết.

Cô giáo Nguyễn Thị Hà, giáo viên trường THCS Lê Lợi, chia sẻ: "Những thế mạnh của mảnh đất địa linh nhân kiệt với nhiều di tích lịch sử sẽ là minh chứng, tư liệu sát với lịch sử nhất để truyền thụ cho học sinh, qua đó bồi đắp thêm tình yêu, niềm tự hào về quê hương, từ đó các em thấy phải có trách nhiệm hơn trong phấn đấu học tập, lao động để gìn giữ và phát huy hơn nữa truyền thống của quê hương".

Cô giáo Nguyễn Lệ Lan, giáo viên bộ môn Lịch sử, trường THPT Phan Đăng Lưu (huyện Yên Thành, Nghệ An): "Để dạy học tiết lịch sử địa phương thực sự hiệu quả, tôi luôn trăn trở và mong muốn rằng thời lượng giáo dục địa phương trong phân phối chương trình có thể tăng lên, để chúng tôi có thời gian khai thác các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn vào dạy học".

Đ.Nguyên

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/giao-duc-truyen-thong-tren-que-huong-bac-20210519132423562.htm