Giáo dục lịch sử cho học sinh qua những giờ học ngoại khóa tại Bảo tàng tỉnh

Nhằm giáo dục lịch sử địa phương, để thế hệ trẻ có cái nhìn đúng và trân trọng, phát huy những giá trị lịch sử của cha ông, những năm qua, bên cạnh dạy và học môn lịch sử ở nhà trường, Bảo tàng tỉnh đã phối hợp với ngành giáo dục và đào tạo, đẩy mạnh việc tìm hiểu các kiến thức lịch sử thông qua kênh bảo tàng. Phương pháp này đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực, giúp học sinh và đoàn viên, thanh niên có cái nhìn toàn diện và sinh động thông qua những bằng chứng cụ thể được lưu giữ tại bảo tàng.

Học sinh Trường THCS Đông Tiến B (Triệu Sơn) tham quan trưng bày bảo vật quốc gia tại Phòng trống đồng ở Bảo tàng tỉnh.

Bảo tàng tỉnh hiện đang lưu giữ, bảo quản gần 30.000 hiện vật, với gần 3.000 tài liệu, hiện vật, hình ảnh bố cục hiện vật gốc và các loại tranh, ảnh, tài liệu khoa học... Đến với bảo tàng, các em học sinh sẽ được tham quan hệ thống trưng bày theo tiến trình lịch sử, bắt đầu từ thời tiền sử - sơ sử cho đến ngày nay. Các em sẽ được tận mắt nhìn thấy những công cụ đá từ thuở sơ khai của loài người, sự xuất hiện của đồ gốm và những tiến bộ vượt bậc của xã hội loài người - kim loại ra đời. Thời kỳ văn hóa Đông Sơn rực rỡ, với sự đa dạng, phong phú các loại hình hiện vật, đặc biệt là trống đồng Đông Sơn. Trong các giai đoạn phát triển tiếp theo của lịch sử, Thanh Hóa là quê hương của “tam vương nhị chúa”, là vùng đất phên dậu của các triều đại phong kiến. Trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Thanh Hóa có lúc vừa là chiến trường, vừa là hậu phương vững mạnh chi viện sức người, sức của cho các chiến trường. Với hệ thống trưng bày trên, các nhà trường có thể tổ chức cho học sinh đến tham quan, học tập tại bảo tàng về các chủ đề lớn của lịch sử dân tộc và lịch sử Thanh Hóa, như “Văn hóa Đông Sơn ở Thanh Hóa”, “Khởi nghĩa Bà Triệu năm 248”, “Khởi nghĩa Lam Sơn ở Thanh Hóa”, “Thanh Hóa trong phong trào Cần Vương cuối thế kỷ XIX đầu XX”, “Quá trình vận động Cách mạng Tháng Tám 1945 ở Thanh Hóa”, “Thanh Hóa trong cuộc kháng chiến chống Pháp 1946 - 1954”, “Thanh Hóa trong cuộc kháng chiến chống Mỹ 1954 - 1975”, “Nền văn hóa các dân tộc thiểu số ở Thanh Hóa”...

Với nhiều em học sinh lần đầu tiên được nhìn thấy những chiếc trống đồng, thạp đồng, xe đạp thồ, chiếc bồ nan..., được biết đến đặc trưng trong đời sống vật chất, đời sống tinh thần của dân tộc Mường và dân tộc Thái ở Thanh Hóa quả là những trải nghiệm thú vị. Em Hạ Thị Mai Huyền, dân tộc Thái, học sinh lớp 12A2, Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh cho biết: “Đến tham quan bảo tàng, em cảm thấy rất tự hào về truyền thống lịch sử văn hóa của dân tộc, đặc biệt là những nét văn hóa của đồng bào dân tộc Thái qua những hiện vật trưng bày...”. Còn sinh viên Nguyễn Tài Nhân, Trường Đại học Văn hóa, Thể Thao và Du lịch chia sẻ: Mục đích của chúng em đến bảo tàng mong muốn được xem và nghe lại truyền thống lịch sử của cha ông. Thông qua những hiện vật trưng bày tại bảo tàng mang lại cho chúng em những bài học bổ ích để được trưởng thành hơn, hiểu hơn về lịch sử của dân tộc.

Đồng hành cùng với các em trong buổi tham quan tại bảo tàng là những cán bộ thuyết minh. Mỗi cô thuyết minh sẽ đóng vai các cô giáo hướng dẫn. Tùy vào độ tuổi của học sinh, các cán bộ thuyết minh sẽ có cách truyền đạt, những câu chuyện kể phù hợp. Mỗi hiện vật, mỗi hình ảnh và những thông tin chứa đựng trong đó sẽ là những giáo cụ trực quan làm bớt đi sự “khô khan” của những bài giảng lịch sử. Các em học sinh sẽ thấy thú vị hơn khi được trực tiếp nhìn thấy những hiện vật, được cán bộ thuyết minh cung cấp những thông tin quan trọng về lịch sử, giá trị của chúng. Các em cũng có thể tương tác bằng cách đặt ra những câu hỏi cho cán bộ hướng dẫn, chính điều đó đã gây được cảm xúc, sự hứng thú cho các em.

Nhằm nâng cao chất lượng hoạt động tuyên truyền, từng bước đổi mới phương pháp, hình thức phục vụ công chúng (trong đó chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa cho học sinh, sinh viên), từ quý 3-2018, Bảo tàng tỉnh tổ chức nhiều chương trình dành riêng cho học sinh và nhà trường, tạo sự kết nối giữa hoạt động trưng bày, tuyên truyền của bảo tàng với chương trình giảng dạy, học tập của các nhà trường. Đây sẽ là các chương trình phối hợp hiệu quả, trong đó học sinh, giáo viên, các cơ sở giáo dục... có thể khai thác bảo tàng như một công cụ sống động phục vụ cho việc dạy và học tập. Bảo tàng sẽ kết hợp với nhà trường, cơ sở giáo dục tạo điều kiện để những hoạt động của bảo tàng đến với các em như một phần của chương trình giáo dục, cung cấp cho các em những kiến thức mở rộng, bổ trợ cho các môn học ở nhà trường. Ý nghĩa nhiều mặt của việc sử dụng các tư liệu, hiện vật tại Bảo tàng tỉnh trong dạy học lịch sử ở trường phổ thông đã được khẳng định. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, lợi thế này chưa được phát huy. Qua số liệu khảo sát cho thấy, hiện nay mới khoảng 30% các trường tiểu học, THCS, THPT đưa học sinh đến tham quan, học tập tại bảo tàng (nhiều nhất vẫn là các trường tiểu học, THCS trên địa bàn TP Thanh Hóa); một số trường tổ chức dạy học bài lịch sử dân tộc, địa phương tại bảo tàng, nhưng con số còn rất hạn chế... với các hình thức học tập chủ yếu là các trường đưa từng đoàn học sinh đến bảo tàng nghe thuyết minh, giới thiệu khái quát về nội dung trưng bày...

Có thể nói, việc tổ chức dạy học lịch sử tại bảo tàng có ý nghĩa nhiều mặt, làm phong phú hình thức dạy lịch sử hiện nay ở trường phổ thông, góp phần nâng cao chất lượng môn học. Để giúp học sinh học tốt hơn môn lịch sử các nhà trường cần tổ chức nhiều hơn những giờ học ngoại khóa tại bảo tàng. Đến đây các em sẽ có một môi trường học tập mới, được lĩnh hội các kiến thức về giá trị lịch sử, văn hóa của cha ông một cách hiệu quả nhất. Đồng thời, qua các hoạt động tại bảo tàng góp phần giáo dục truyền thống, lòng tự hào dân tộc, bản lĩnh, ý thức vươn lên trong cuộc sống cho thế hệ trẻ hôm nay.

Bài và ảnh: Trần Hằng

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/giao-duc/giao-duc-lich-su-cho-hoc-sinh-qua-nhung-gio-hoc-ngoai-khoa-tai-bao-tang-tinh/101935.htm