'Giáo dục là dạy làm người, không phải mua bán'

25 năm nay, lớp học tình thương của bà giáo Đỗ Thị Thoa (SN 1943, phường Lê Lợi, TX Sơn Tây, Hà Nội) vẫn đều đều vang lên tiếng ê a, ngọng ngiụ của lũ trẻ.

Đối tượng học sinh ở đây đủ mọi lứa tuổi, cá biệt có những trường hợp trên 30 tuổi. ‘Mấy chục tuổi rồi vẫn ngây ngô như đứa trẻ mẫu giáo’, bà bắt đầu câu chuyện của mình bằng thái độ cảm thông.

Phần lớn, các em mắc các chứng khuyết tật như thiểu năng trí tuệ, nhiễm chất độc màu da cam, câm điếc. Chính vì vậy, bà tự nghiên cứu các giáo trình riêng, phù hợp với thể trạng từng em.

Mùa hè, học sinh nghỉ nhưng thi thoảng bà vẫn xuống lớp quét dọn, ngắm lại những bức ảnh cũ của lớp, chụp từ khi bà mới bắt đầu chuyến đò ‘đặc biệt’ của đời mình.

‘Năm 1962, tôi tốt nghiệp trường Trung cấp Sư phạm liên tỉnh, nay là Cao đẳng Sư phạm Hà Tây. Trải qua gần 30 năm công tác giảng dạy rồi lên vị trí hiệu trưởng ở trường THCS Viên Sơn và THCS Ngô Quyền (đều ở TX Sơn Tây), tôi chính thức về hưu năm 1993’, bà Thoa chia sẻ.

Nghỉ ngơi 2 năm, bà bắt đầu hành trình gieo con chữ cho những mảnh đời bất hạnh.

Bà Thoa kể, ‘Sơn Tây là một bức tranh tươi đẹp, cảnh vật thanh bình nhưng lẩn khuất đâu đó vẫn có những số phận kém may mắn, gần như bị tách biệt với xã hội, nói gì đến học chữ.

Xuất phát từ suy nghĩ đó, tôi muốn mở một lớp tình thương. Người thân sợ tôi vất vả, phản đối dữ lắm nhưng sau ai nấy đều chung tay ủng hộ. Đây có thể coi là chuyến đò thứ 2 của tôi'.

Lọc cọc chiếc xe đạp cũ kỹ, bà Thoa đến 4 điểm là xã Viên Sơn, phường Lê Lợi, Quang Trung và Ngô Quyền tập hợp danh sách các trẻ em khuyết tật và đến tận nhà thuyết phục phụ huynh.

Các gia đình nghe có người muốn dạy con em mình học chữ, tỏ ra mừng rỡ, hưởng ứng nhưng vẫn canh cánh trong lòng nỗi lo lắng, liệu đứa trẻ có học được không?

Sau thời gian ngắn, bà giáo kiên trì tác động, cuối cùng ngày khai giảng lớp, có 15 em đến nhập học. Trải qua nhiều lần di chuyển địa điểm, lớp học tình thương chính thức ‘đóng đô’ tại nhà của bà Thoa.

Căn phòng lụp xụp, rộng chưa đầy 10m2, là nơi chắp cánh ước mơ cho những đứa trẻ đáng thương. Ngày nắng cũng như ngày mưa, cô và trò miệt mài đánh vật với từng con chữ.

Năm 2003, nhờ sự giúp đỡ của người họ hàng, bà Thoa xây lại gian phòng học rộng rãi, khang trang hơn.

Một buổi học của bà từ 9 giờ sáng và kết thúc vào 12 giờ trưa.

Thời gian đầu khi mới mở lớp, bà thường dạy 5 buổi/1 tuần nhưng tuổi tác ngày càng cao, sức khỏe bà có hạn, hiện lớp học chỉ còn duy trì được 2 buổi/ 1 tuần. Bà tự trích lương hưu của mình, mua đồ dùng học tập, đồ ăn, nước uống và đồng phục cho các em.

Nhà giáo 76 tuổi chia sẻ, với học sinh bình thường, chỉ 1 năm là các em thành thạo mặt chữ, biết tính toán sơ đẳng nhưng các em khuyết tật phải mất hàng năm trời, thậm chí 9 - 10 năm.

Bà chia học sinh trong lớp ra làm các nhóm, nhóm trẻ câm điếc, trẻ thiểu năng, trẻ khuyết tật hình thể để dạy. Với học sinh câm điếc, bà dùng khẩu hình, cơ mồm truyền tải thông tin.

‘Tôi kết hợp dạy viết và đọc. Chữ A, tôi há to miệng, chữ Ê thì cong lưỡi lên, đồng thời cầm tay học sinh vừa viết chữ vừa đọc. Có em hàng năm mới ra được hết hơi, khi bật ra được hơi, các em bắt đầu phát âm bằng miệng’, bà giáo già kể.

Các học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhưng thể chất khỏe mạnh, bà Thoa tuyệt đối không nhận mà chỉ dạy trẻ em khuyết tật.

‘Nghèo đói chỉ là tạm thời, người lành lặn vẫn có thể khắc phục được. Còn với đối tượng khuyết tật, nếu không cho họ một nền tảng, tiền bạc giúp đỡ chỉ là vô nghĩa’, bà bộc bạch.

Đến nay, những lứa học sinh đầu tiên bà dạy đã tốt nghiệp. 50% các em có công ăn việc làm ổn định như là thợ may, thợ xây…

Một trong số học sinh để lại nhiều kỷ niệm với bà Thoa là Hoàng Mạnh Tuấn. Hoàn cảnh Tuấn vô cùng đáng thương, mẹ mất sớm, bố chạy xe ba gác.

Ngày mới đi học, Tuấn hơn 10 tuổi, sức khỏe yếu ớt, suy dinh dưỡng nặng, đầu lúc nào cũng gục xuống bàn, khuôn mặt nhợt nhạt, tay chân tê bì, ít cảm giác.

Bà Thoa bỏ tiền túi đưa cậu học trò đi khám bệnh. Hàng ngày, bà tự tay sắc từng thang thuốc bắc cho Tuấn uống. Chỉ một tháng, Tuấn tăng 2 kg, ăn ngủ được, bệnh cũng dần dần được đẩy lui.

Hiện Tuấn đã là người đàn ông trưởng thành, làm nghề thợ sắt, có vợ và 2 con. Mỗi khi có dịp, anh đều sắp xếp đến thăm bà Thoa, tỏ lòng tri ân sâu sắc.

Nhà giáo sinh năm 1943 chia sẻ, quá trình dạy học, nhiều lần, bà phải tái mặt vì sự ngô nghê của các học trò nhỏ.

Giọng bồi hồi, bà nhớ lại, cách đây nhiều năm, khi phòng học chưa được xây mới. Một em mắc bệnh thiểu năng trí tuệ đã châm lửa đốt gian bếp bên cạnh lớp học của bà. May mắn, bà phát hiện kịp nên đám cháy không bị lan ra.

Dù lòng đầy hoảng hốt, lo âu nhưng sau đó bà Thoa gọi học trò ra vỗ về, nhắc nhở. Không nói ra nhưng ánh mắt em nhìn bà đầy sự hối lỗi.

Bà Thoa cho biết thêm, vào các dịp lễ, các phụ huynh quan tâm, gửi bà phong bì. Tuy nhiên, bà đều kiên quyết trả lại. ‘Tôi không nhận phong bì, đây là việc tôi tự nguyện giáo dục các em. Giáo dục là dạy làm người, không phải mua bán’.

Bao kỷ niệm vui buồn trải dài suốt 25 năm, đôi mắt bà Thoa bắt đầu mờ, căn bệnh tràn dịch khớp gối hành hạ, sưng tấy khiến bà đau nhức hàng đêm, đi lại run run nhưng vẫn luôn cố gắng đứng lớp.

‘Tôi sẽ tiếp tục đến khi nào còn có thể. Quỹ thời gian của tôi không còn nhiều nên đi cùng các em được đến bao giờ, tôi sẽ cố hết sức’, bà Thoa tâm sự.

Diệu Bình

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/doi-song/gia-dinh/lop-hoc-ky-la-khong-nhan-hoc-sinh-co-hoan-canh-kho-khan-551993.html