Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh - Trường công, tư đều vào cuộc

Trong thực tế cuộc sống, có rất nhiều vấn đề có thể ảnh hưởng đến sự an toàn, tâm lý của trẻ. Bởi vậy, trong những năm qua, các trường học trên địa bàn tỉnh đã tập trung nhiều giải pháp để giáo dục kỹ năng sống cho học sinh trường mình. Báo Quảng Ninh điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh

Nhân viên Công ty CP Giáo dục sáng tạo Hạ Long hướng dẫn học sinh lớp 2A6, Trường Tiểu học Quang Trung (TP Hạ Long) cách xử lý khi bị chảy máu cam.

Nhân viên Công ty CP Giáo dục sáng tạo Hạ Long hướng dẫn học sinh lớp 2A6, Trường Tiểu học Quang Trung (TP Hạ Long) cách xử lý khi bị chảy máu cam.

Chúng tôi có mặt tại Trường Tiểu học Quang Trung, TP Hạ Long, đúng thời điểm một số lớp học của Trường đang dạy kỹ năng sống cho học sinh. Tại lớp 2A6, nhân viên của Công ty CP Giáo dục sáng tạo Hạ Long đang hướng dẫn các em học sinh cách xử lý khi bị chảy máu cam. Với những hình chiếu sinh động và hướng dẫn trực tiếp từng học sinh trong giờ học đã giúp các em biết cách cầm máu an toàn, cũng như biết cách giúp đỡ, thông báo cho thầy, cô, y tế trường khi thấy tình trạng chảy máu cam của bạn mình.

Cô giáo chủ nhiệm lớp 2A6 Nguyễn Thị Hằng cho biết: “Tình trạng học sinh chảy máu cam ở lớp học hiện nay rất nhiều. Tuy nhiên, không phải giáo viên nào cũng biết xử lý đúng cách. Bởi vậy, khi các con học kỹ năng sống, cô giáo chủ nhiệm cũng cùng ngồi nghe để kịp thời cập nhật kiến thức, từ đó khi có vấn đề gây mất an toàn xảy ra cho học sinh còn biết cách giúp đỡ các em”. Còn học sinh Trần Quang Cường, lớp 2A6 thì hồ hởi: “Khi bị chảy máu cam, mẹ con toàn bảo ngửa mặt lên; nhưng hôm nay học, cô bảo phải cúi xuống, lấy tay đè 2 cánh mũi, thở bằng miệng. Còn nếu ngửa mặt lên rất nguy hiểm vì máu có thể chảy vào đường thở hay chảy xuống họng. Con sẽ về hướng dẫn lại cho mẹ”.

Nhân viên Công ty CP Giáo dục sáng tạo Hạ Long hướng dẫn học sinh lớp 3A6, Trường Tiểu học Quang Trung (TP Hạ Long) cách làm việc theo nhóm để trình bày các biện pháp đảm bảo an toàn cho bản thân khi xảy ra mưa bão, sấm sét.

Tại lớp 3A6, các em đang được rèn kỹ năng làm việc theo nhóm và học cách phòng tránh khi có mưa giông, sấm sét. Theo các bạn học sinh lớp này, buổi học kỹ năng sống rất thú vị, dễ học nên các em rất thích.

Được biết, từ năm học 2017-2018 đến nay, Trường Tiểu học Quang Trung đã phối hợp cùng các trung tâm đưa kỹ năng sống vào giảng dạy cho học sinh trên cơ sở tự nguyện đăng ký của các phụ huynh. Nội dung tập trung vào dạy kỹ năng thuyết trình, kỹ năng làm việc đồng đội, kỹ năng cơ bản để xử lý những tình huống nguy hiểm dễ xảy ra trong cuộc sống như: Đuối nước, xử lý vết thương nhẹ, phản ứng khi bị bắt cóc, khi có động đất, mưa giông, phòng tránh bị điện giật... Theo Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quang Trung Vũ Thị Hoàng Yến, ngoài đưa kỹ năng sống vào giảng dạy trong tiết học cho học sinh, Trường còn lồng ghép kỹ năng sống vào rất nhiều hoạt động để học sinh có những kiến thức xử lý cơ bản nhất.

Giảng viên Trung tâm Phòng chống tai nạn thương tích trẻ em hướng dẫn học sinh Trường TH-THCS-THPT Văn Lang (TP Hạ Long) kỹ năng thoát hiểm khi bị bắt cóc. (Ảnh nhà trường cung cấp)

Không chỉ Trường Tiểu học Quang Trung mà hiện nay, việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh đã được rất nhiều trường quan tâm bằng cách phối hợp với các đơn vị, cơ quan chức năng như: Cảnh sát PCCC, Trung tâm Giáo dục kỹ năng sống, Trung tâm Phòng chống tai nạn thương tích trẻ em... để giảng dạy cho học sinh. Ngay như Công ty CP Giáo dục sáng tạo Hạ Long hiện đang thực hiện liên kết giảng dạy ở 8 trường trên địa bàn TP Hạ Long. Bản thân các thầy cô cũng chủ động tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm từ thực tiễn để truyền đạt kỹ năng cho các em học sinh lồng ghép trong các tiết học.

Sở GD&ĐT chỉ đạo các trường thực hiện Đề án tăng cường kỹ năng sống; thực hiện tốt phong trào xây dựng trường học an toàn, trong đó có tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho học sinh về việc tuân thủ các quy định phòng tránh tai nạn giao thông, đuối nước. Từ năm 2016 đến nay, tỉnh đã đào tạo, nâng cao trình độ về phòng chống tai nạn thương tích cho 11.806 lượt người, trong đó có cán bộ phụ trách các trường học, cán bộ của các phòng giáo dục, các trường mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn. TX Đông Triều đã hỗ trợ kinh phí và kêu gọi nguồn vận động từ các tổ chức, cá nhân để lắp đặt, xây dựng 22 bể bơi mini tại 22 trường học của thị xã nhằm nâng cao hiệu quả giáo dục kỹ năng bơi, phòng đuối nước cho học sinh.

Công an TP Cẩm Phả tuyên truyền Luật giao thông cho học sinh Trường THCS Chu Văn An (phường Cẩm Bình, TP Cẩm Phả). Ảnh Nguyễn Duy.

Phòng GD&ĐT các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn chỉ đạo hiệu trưởng các trường giao trách nhiệm cho giáo viên hàng ngày dành 3-5 phút các tiết học cuối trước khi tan trường để nhắc nhở, hướng dẫn học sinh các kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích, tai nạn đuối nước, an toàn giao thông... Trên cơ sở đó, nhiều trường đã tổ chức lồng ghép kỹ năng sống vào các buổi sinh hoạt cuối tuần, buổi chào cờ hay các dịp tổ chức ngày thành lập Đội, thành lập Đoàn, ngày Nhà giáo Việt Nam... Từ lớp 3 đến lớp 12 ở các trường, mỗi lớp thành lập 1 đội tuyên truyền an toàn giao thông với định kỳ mỗi tháng tổ chức 1 buổi tuyên truyền trong giờ sinh hoạt... Đến nay, toàn tỉnh có 212 trường tham gia Đề án tăng cường kỹ năng sống, 601 trường đạt học an toàn cho học sinh.

Tuy nhiên, việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh ở các xã vùng sâu, vùng xa còn hạn chế. Trong số hơn 388.000 học sinh các cấp năm học 2019-2020 đến nay, toàn tỉnh mới có khoảng 144.000 học sinh được tham gia Đề án tăng cường kỹ năng sống. Bởi vậy, việc giáo dục kỹ năng sống cho trẻ cần tiếp tục được quan tâm, đẩy mạnh hơn, nhất là ở các xã trên địa bàn tỉnh.

Thu Nguyệt

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/202006/giao-duc-ky-nang-song-cho-hoc-sinh-truong-cong-tu-deu-vao-cuoc-2488181/