Giáo dục hướng nghiệp, sự thật ở trường trung học

Nhiệm vụ của giáo dục hướng nghiệp trong trường trung học cơ sở phải thay đổi được suy nghĩ của học sinh, để phân luồng được học sinh ngay sau trung học cơ sở.

LTS: Từ thực tế vấn đề phân luồng học sinh sau khi học xong trung học cơ sở vào học nghề hiệu quả vẫn còn thấp, tác giả Sơn Quang Huyến đã có bài viết chia sẻ.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Cứ đến mùa thi, học sinh lại phải chịu áp lực lớn, khi số lượng tham dự rất đông mà số tuyển chọn thì ít.

Lúc này người ta mới nghĩ đến công tác giáo dục hướng nghiệp trong trường phổ thông, đánh giá về nhiệm vụ này đơn giản nhất là thất bại, không đáp ứng được kỳ vọng của xã hội.

Cần đẩy mạnh công tác giáo dục hướng nghiệp ở trường học (Ảnh minh họa: Văn Miên).

Cần đẩy mạnh công tác giáo dục hướng nghiệp ở trường học (Ảnh minh họa: Văn Miên).

Thực trạng phân luồng sau trung học cơ sở rất ít, theo thực tế người viết nhìn thấy thì khoảng 3-5%, còn trên một số phương tiện truyền thông thì dưới 10%.

Phần lớn học sinh, phụ huynh vẫn có suy nghĩ học hết trung học cơ sở, tiếp tục học trung học phổ thông rồi học đại học.

Nhiệm vụ của giáo dục hướng nghiệp trong trường trung học cơ sở là phải làm thay đổi được suy nghĩ này của học sinh, để phân luồng được học sinh ngay sau trung học cơ sở.

Giáo dục hướng nghiệp trong trường trung học cơ sở được quy định bao nhiêu tiết dạy?

Một số địa phương quy định 1 tiết/tháng, 9 tiết/năm học cho học sinh khối 9; hoặc không hề có văn bản nào quy định tiết dạy hướng nghiệp nào.

Giáo trình giảng dạy cho giáo dục hướng nghiệp gần như không có, mạnh ai nấy làm, thiếu sự đầu tư xây dựng của ngành giáo dục.

Giáo dục hướng nghiệp thường do giáo viên kiêm nhiệm, được đào tạo bằng một, hai buổi tập huấn thế nhưng khi về trường phần lớn công tác này đều do ban giám hiệu triển khai thực hiện. Đây là nhiêm vụ để ban giám hiệu có cơ sở thụ hưởng phụ cấp đứng lớp.

Khi dạy hướng nghiệp, thường ban giám hiệu tập trung toàn bộ học sinh khối 9 vào hội trường, cho học sinh coi một số đoạn phim về các nghề nghiệp có trong xã hội.

Học sinh không được tương tác với người dạy, không có cơ hội trao đổi, phát hiện năng lực, sở thích của bản thân mình để được hướng nghiệp.

Với thời lượng quá ít, thiếu chuyên nghiệp cho một nhiệm vụ quan trọng như thế, kết quả khó mà đạt được như ý.

Vì thế không bất ngờ về tỷ lệ % phân luồng sau trung học cơ sở, kỳ thi tuyển sinh trung học phổ thông còn áp lực hơn cả thi đại học.

Trường trung học phổ thông chật chội, ngược lại trường dạy nghề thưa thớt, không tuyển sinh được, xã hội lại thừa thầy, thiếu thợ, số cử nhân thất nghiệp ngày càng tăng cao.

Để đạt được kết quả phân luồng sau trung học cơ sở như đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025” tôi đề nghị:

Có giáo trình giáo dục hướng nghiệp cụ thể cho mỗi cấp học, lớp học.

Thực hiện giáo dục hướng nghiệp ngay từ lớp 6.

Lựa chọn giáo viên có tâm, có tầm, có uy tín để thực hiện nhiệm vụ.

Bắt buộc giáo viên kiêm nhiệm giáo dục hướng nghiệp phải được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ.

Các tiết dạy hướng nghiệp phải được quy định cụ thể trong thời khóa biểu. Tuyệt đối không được tập trung kiểu tuyên truyền đối phó.

Quy định tích hợp giáo dục hướng nghiệp vào môn học, tiết dạy cụ thể. Nội dung hướng nghiệp phải được thể hiện trong hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ hướng nghiệp, không quy định chung chung.

Tỷ lệ phân luồng của các trường cần được thống kê, công khai. Có hình thức khen thưởng với các đơn vị thực hiện tốt và ngược lại.

Tài liệu tham khảo:

//www.moet.gov.vn/giaoducquocdan/giao-duc-trung-hoc/Pages/Default.aspx?ItemID=5463

//giaoducthoidai.vn/ket-noi/huong-dan-ve-noi-dung-giang-day-cua-hieu-truong-pho-hieu-truong-3171625.html

//hcm.edu.vn/huong-nghiep-day-nghe-pt/van-ban-chi-dao-ve-giao-duc-huong-nghiep-c41395-53472.aspx

Sơn Quang Huyến

Nguồn Giáo Dục VN: http://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/giao-duc-huong-nghiep-su-that-o-truong-trung-hoc-post187551.gd