Giáo dục giới tính và kỹ năng phòng vệ cho trẻ

Gần đây, những thông tin về tình hình tội phạm xâm hại trẻ em (XHTE), xâm hại tình dục trẻ em (XHTDTE) đăng tải trên các phương tiện truyền thông gây nhiều bức xúc, lo lắng trong dư luận xã hội. Tội phạm XHTE, XHTDTE không chỉ xảy ra ở khu vực dân cư đông đúc mà còn lan tới vùng sâu, vùng xa, có chiều hướng gia tăng và để lại nhiều hậu quả đau lòng trong đời sống của nhiều gia đình.

Theo thống kê của Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) trung bình mỗi năm trên cả nước có khoảng 1.600 - 1.800 vụ XHTE,

XHTDTE được phát hiện; trong đó, trẻ em nữ ở độ tuổi 12-15 bị xâm hại chiếm tỷ lệ cao nhất, gần 58%. Nguy hại hơn, số trẻ em dưới 6 tuổi bị bạo hành, bị xâm hại gia tăng ở mức đáng báo động, lên tới 13,2%. Trên địa bàn tỉnh BR-VT, số vụ XHTE, XHTDTE cũng có chiều hướng gia tăng. Số liệu báo cáo của Sở LĐTB&XH cung cấp cho Đoàn ĐBQH tỉnh tại buổi giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh”, ngày 12/9 mới đây, cho thấy, từ năm 2015 đến tháng 6/2019, trên địa bàn tỉnh xảy ra 296/321 trẻ em bị xâm hại; trong đó có 158 vụ/162 trẻ em bị XHTD. Riêng 6 tháng đầu năm 2019, đã xảy ra 27 vụ XHTDTE, tăng 11 vụ so với cùng kỳ năm 2018.

Nguyên nhân gia tăng tội phạm XHTDTE chủ yếu là do các bậc cha mẹ, gia đình, người chăm sóc trẻ thiếu hiểu biết về biến đổi tâm sinh lý của trẻ; thiếu sự quan tâm và chia sẻ về vấn đề giới tính với con cái. Từ đó, dẫn tới tình trạng trẻ em, nhất là trẻ em gái không có kiến thức về đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi, thiếu ý thức về nguy cơ bị xâm hại và thiếu kỹ năng phòng tránh xâm hại tình dục. Bên cạnh đó, do tốc độ đô thị hóa nhanh, do khó khăn trong việc kiểm soát tệ nạn phim đen, phim bạo lực và sự lạm dụng thiết bị nghe nhìn điện tử của các phần tử xấu; do sự đổ vỡ và sự xuống cấp giá trị đạo đức của nhiều gia đình... dẫn tới tình trạng số trẻ em bị bỏ rơi, bị sao nhãng và bị xâm hại ngày càng tăng. Thực tế cho thấy, XHTE nói chung và XHTDTE nói riêng thường xảy ra ở các khu vực có nhiều phòng trọ cho thuê và có đông người lao động nghèo cư trú; tình trạng trẻ em bị xâm hại gia tăng còn lan tới khu vực nông thôn và các địa bàn hẻo lánh.

Hậu quả do các tội phạm XHTE, XHTDTE gây ra hết sức nặng nề. Không chỉ bị xâm hại về thể xác, tính mạng bị đe dọa, mà tinh thần của các em cũng bị ảnh hưởng. Gần 60% trẻ em sau khi bị XHTD đều trở nên không bình thường, luôn mặc cảm, lo sợ, nghi ngờ, xa lánh mọi người. Số vụ trẻ em bị xâm hại khi được phát hiện, hoặc khi có đơn, thư tố cáo của gia đình chuyển tới các cơ quan chức năng, thì thường là chậm, nên việc thu thập chứng cứ gặp nhiều khó khăn, đối tượng phạm tội tìm cách chối tội hoặc bỏ trốn.

Thực trạng tội phạm XHTE, XHTDTE đã và đang diễn biến hết sức phức tạp, gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng và ảnh hưởng tới đời sống của nhiều gia đình. Chính vì vậy, công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm XHTDTE là một yêu cầu bức thiết hiện nay. Các cơ quan chức năng, các ban, ngành, đoàn thể cần chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về giới, về tính dục, về kỹ năng phòng vệ cho trẻ em dưới 16 tuổi. Tăng cường các hình thức tư vấn, tham vấn và vận động trực tiếp đối với gia đình và cộng đồng dân cư về nhận thức và kỹ năng bảo vệ trẻ em khỏi bị xâm hại. Lồng ghép các nội dung truyền thông phòng chống XHTDTE vào các buổi sinh hoạt của các tổ dân phố, thôn ấp; vào các buổi ngoại khóa, chuyên đề của các cấp học và các tổ chức, đoàn thể. Chủ động xác minh, nắm tình hình hoạt động của tội phạm XHTE, XHTDTE, có kế hoạch phòng ngừa, ngăn chặn và quản lý chặt chẽ số lượng thanh thiếu niên chậm tiến, có tiền án, tiền sự, các băng nhóm trên địa bàn là các đối tượng có nguy cơ phạm tội XHTD. Bên cạnh đó, cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của cha mẹ, gia đình và người thân trong việc phòng chống bạo lực gia đình, XHTDTE. Các bậc cha mẹ cần thường xuyên quan tâm tới việc sinh hoạt, học tập và chia sẻ với con cái về vấn đề giới tính để sớm nhận thấy những thay đổi tâm sinh lý của trẻ. Đồng thời, nâng cao hiệu quả công tác điều tra, phá án; vận động nhân dân tố giác kịp thời các hành vi XHTDTE; xử lý nghiêm minh và không để lọt tội phạm XHTE.

HOÀNG LÊ

Nguồn Bà Rịa - Vũng Tàu: http://www.baobariavungtau.com.vn/thoi-su-binh-luan/201909/giao-duc-gioi-tinh-va-ky-nang-phong-ve-cho-tre-872842/