Giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản: Kết hợp hay tách môn riêng?
Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, đại biểu đề xuất đưa giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản thành một môn học độc lập trong bối cảnh nội dung giáo dục này hiện còn chung chung và mờ nhạt, thậm chí bị né tránh.
Sự xuất hiện ngày càng nhiều trường hợp trẻ vị thành niên mang thai, sinh con liên tục gióng lên tiếng chuông cảnh báo, và đã đến lúc cần thay đổi toàn diện cách dạy - học về giáo dục giới tính trong các nhà trường.
Tình bạn, tình yêu, giới tính là một trong những chủ đề được Lương Thành An, học sinh lớp 9 ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội trò chuyện sôi nổi cùng các bạn sau giờ lên lớp. Dù nhà trường đã đưa giáo dục giới tính vào các tiết học ngoại khóa, nhưng chừng đó là chưa đủ để giải đáp băn khoăn và sự tò mò của học sinh.
"Đa phần các bạn học sinh khá là ngại khi nói về vấn đề này, nhất là giao tiếp với người lớn tuổi hơn, còn các bạn cùng lứa thì sẽ đỡ ngại hơn. Em thấy với sự phát triển của mạng xã hội bây giờ thì học sinh được tiếp xúc sớm, khá là đơn giản với giáo dục giới tính, hay những cái “quá độ tuổi” của mình. Cho nên em thấy đa phần các bạn đều tự tìm tòi, còn hỗ trợ của nhà trường, giáo viên chỉ đóng góp một phần nhỏ thôi", em An chia sẻ.
Tại phiên thảo luận của Quốc hội, đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung, tỉnh Hải Dương, đã đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét đưa giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản thành một môn học độc lập, nội dung được thiết kế phù hợp theo sự phát triển của từng lứa tuổi.
Đại biểu cho rằng, việc giáo dục giới tính hiện nay mới dừng lại ở lý thuyết, giáo viên còn lúng túng, học sinh chưa áp dụng được để bảo vệ bản thân. Trong khi đó, những hệ lụy đáng tiếc của quan hệ tình dục tuổi vị thành niên đã được cảnh báo từ lâu, không chỉ là vấn đề sức khỏe mà còn làm mất đi nhiều cơ hội của các em trong tương lai.
Đa số ý kiến ủng hộ đề xuất này, nhất là các bậc phụ huynh vốn đã lo lắng về các nội dung đồi trụy tràn lan trên mạng xã hội hiện nay:
"Là phụ huynh thì ai cũng lo, thực sự việc kiểm soát rất là khó. Ban phụ huynh cũng đề xuất với nhà trường là cần có các tiết giảng dạy về giới tính. Cũng phải rất khéo léo, tế nhị, nếu không khéo thì thành ra “vẽ đường cho huơu chạy”. Thế nhưng cho nó chạy đúng còn hơn nó chạy sai".
"Mình hoàn toàn đồng ý với đề xuất này. Thời mình thì chưa có bộ môn này trong nhà trường. Để các em không ngại thì trước hết các thầy cô phải không ngại đã".
Trong bối cảnh tỷ lệ nạo, phá thai ở Việt Nam cao nhất Đông Nam Á và đứng thứ 5 trên thế giới, trong đó 70% ở tuổi vị thành niên, PGS. TS. Trần Thành Nam, Trường đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, cần sớm đưa giáo dục giới tính thành một môn học độc lập để nội dung được tập hợp, thiết kế giảng dạy một cách toàn diện, hệ thống và chuyên sâu hơn:
"Tôi thấy rằng các nội dung giáo dục này hiện nay không hệ thống, khá mờ nhạt, đặc biệt là kiến thức về xu hướng tính dục, cộng đồng LGBT,... chưa đầy đủ. Phương pháp giảng dạy thiếu sáng tạo, không trực quan. Bản thân người dạy cũng thiếu kiến thức và chưa được huấn luyện về kỹ năng.
Hệ thống tài liệu tham khảo chuẩn mực, đã được kiểm duyệt còn ít. Nhiệm vụ, vai trò, trách nhiệm phối hợp và tham gia của các bên liên quan, ví dụ như gia đình, cha mẹ, cộng đồng cũng chưa rõ và mờ nhạt", PGS. TS. Trần Thành Nam cho biết.
Đồng tình với quan điểm này, TS. BS. Hoàng Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Sáng kiến sức khỏe và dân số (CCIHP) cho biết, đưa giáo dục giới tính thành một môn riêng biệt trong trường học đã được các chuyên gia đề xuất từ hơn chục năm nay, và nếu triển khai thì cần chú trọng nhất công tác nhân sự: "Giáo dục giới tính phải được coi là một môn khoa học nghiêm túc. Mọi người thường nhìn một cách hạn chế về quan hệ tình dục an toàn thôi, nhưng thực ra giáo dục giới tính là giáo dục về con người, làm thế nào để có được những mối quan hệ lành mạnh, an toàn, và nó phải bắt đầu từ rất sớm. Như Hà Lan, trẻ em được giáo dục giới tính ngay từ khi 4 tuổi, thì Hà Lan là quốc gia có tỷ lệ mang thai ngoài ý muốn thấp nhất Châu Âu và trên thế giới".
Về con người cần sự chuẩn bị rất nhiều. Trường học phải có giáo viên được đào tạo riêng biệt, ngành giáo dục rất thiếu những giáo viên như vậy. Năm ngoái, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có chương trình đào tạo ở các trường sư phạm để làm nhóm giáo viên "nòng cốt", và bây giờ nhóm đấy phải tiếp tục đào tạo cho những nhóm giáo viên khác.
Dưới một góc nhìn khác, BS chuyên khoa II Trần Văn Hùng, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Sản, Đại học Y Hà Nội cho rằng, việc dạy giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản không nhất thiết phải tách thành môn học riêng. Điều quan trọng là phải thay đổi toàn diện cả về nội dung, phương pháp dạy và học hiện nay: "Phải giáo dục ở độ tuổi nào, tức là đối tượng giáo dục. Có những nội dung rất cụ thể: độ tuổi nào có thể quan hệ tình dục được, có thể mang thai được? Khi quan hệ tình dục sẽ có “được, mất” như thế nào? Hậu quả của việc mang thai ngoài ý muốn, viêm nhiễm đường sinh dục, tâm lý, tình cảm của từng cá nhân…
Từ những bài học đơn giản để hiểu biết dần dần, tức là phải có lộ trình. Tài liệu thì đòi hỏi sự tham gia ý kiến của nhiều người. Tôi đã biết một số nước làm rất công khai, giáo trình, sách của họ in rất rõ ràng, chứ không né tránh".
Trẻ em được chăm sóc ngày một tốt hơn, sự phát triển về thể chất, tâm sinh lý của trẻ cũng diễn ra sớm hơn. Tỷ lệ trẻ dậy thì sớm gia tăng, tỷ lệ trẻ dưới 14 tuổi quan hệ tình dục tăng gấp đôi trong giai đoạn 2013-2019, trong đó chưa đến 50% trẻ sử dụng các biện pháp an toàn - là con số đáng giật mình, đòi hỏi sự vào cuộc ngay lập tức của cả gia đình và toàn xã hội.
Dưới góc nhìn của VOV Giao thông, dù tách thành môn học riêng hay dạy tích hợp, “Cần sớm thay đổi toàn diện nội dung, phương pháp dạy và học giáo dục giới tính”.
Không chỉ giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản mà hầu hết kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp là những kiến thức thiếu hụt với học sinh các cấp ở trường công lập hiện nay, nơi vẫn đặt nặng kiến thức văn hóa trong chương trình giảng dạy.
Với chương trình giáo dục phổ thông cũ, ở cấp tiểu học, sách lớp 5 có đề cập về sự hình thành em bé nhưng khá ít ỏi. Ở cấp THCS, môn Sinh học lớp 8 có phần giới thiệu rất cơ bản về cơ thể người. Đến cấp THPT, nội dung giáo dục giới tính chỉ được lồng ghép, tích hợp trong một số môn như: Sinh học, Giáo dục công dân và chương trình ngoại khóa.
Không ít thầy cô giáo vẫn có tâm lý ngại ngùng khi nói về bộ phận sinh dục hay quan hệ tình dục, chỉ giải thích vòng vo, khiến học sinh vừa khó hiểu, vừa tò mò. Tương tự, nhiều bậc phụ huynh chưa coi trọng việc trang bị kiến thức về sức khỏe sinh sản, an toàn tình dục cho con cái. Chỉ đến khi có sự việc xảy ra như trẻ yêu sớm, bỏ bê học hành, mang thai ngoài ý muốn hay mắc bệnh… thì người lớn mới tá hỏa tìm cách giải quyết.
Nguyên nhân dễ lý giải bởi tâm lý người phương Đông và những định kiến xã hội khiến hầu hết người lớn ngại nhìn thẳng vào những vấn đề liên quan tình dục. Vì thế, trẻ nhỏ thường tự tìm lời giải cho những băn khoăn của mình từ bạn bè, đặc biệt là từ mạng Internet - một “biển” thông tin và dễ dàng tìm kiếm.
Vì vậy, giáo dục giới tính một cách chính thống sẽ là “người dẫn đường” để trẻ không lạc lối giữa vô vàn thông tin cũng như “cạm bẫy” ở cả thế giới ảo lẫn thế giới thực.
Đầu tiên, ngành giáo dục cần nghiên cứu kỹ lưỡng, tiếp thu góp ý rộng rãi để quyết định đưa giáo dục giới tính thành môn học độc lập hay dạy tích hợp với các nội dung khác, từ đó có cơ sở để xây dựng chương trình một cách có hệ thống. Trong đó, cần nhìn nhận giáo dục giới tính không phải là giáo dục tình dục, “vẽ đường cho hươu chạy”, mà là một môn khoa học có đầy đủ kiến thức về cơ thể học, tâm lý học, kỹ năng tự bảo vệ…
Nội dung học tập cần được xác định cụ thể, phù hợp với từng cấp học. Như cấp mầm non, tiểu học là những kiến thức cơ bản về giới tính, và quan trọng nhất là dạy trẻ biết cách bảo vệ bản thân, tránh bị xâm hại. Với cấp THCS, THPT là những kiến thức nâng cao dần, từ các mối quan hệ bạn bè, tình yêu, đến xu hướng tính dục, thông tin về cộng đồng LGBT để trẻ thực sự thấu hiểu bản thân, tránh bị lôi cuốn bởi các trào lưu xung quanh; tình dục và những hậu quả có thể xảy ra, các biện pháp tránh thai và phòng bệnh, các quy định của pháp luật và cách tự vệ trước bạo lực,…
Không chỉ nội dung, phương pháp học tập cũng cần thay đổi theo hướng cụ thể và thiết thực hơn. Những hình ảnh, video, mô hình minh họa phù hợp sẽ giúp học sinh tiếp nhận kiến thức hiệu quả, thay vì mơ hồ với con chữ trong sách vở hay "lời nói gió bay" mà thầy cô dạy.
Tùy từng nội dung, lứa tuổi, nhà trường có thể bố trí để nam, nữ học riêng, tránh việc ngại ngùng dẫn đến đề cập kiến thức một cách chung chung, học như “cưỡi ngựa xem hoa”. Ngoài giáo trình chuẩn và khoa học, người đứng lớp cũng phải là chuyên gia có kinh nghiệm, được đào tạo bài bản, có thể dễ dàng giải đáp mọi thắc mắc của học sinh, không né tránh.
Xa hơn, việc giáo dục giới tính và sức khỏe sinh sản không nên xem chỉ là một phần nội dung dạy kiến thức, kỹ năng, mà nó cần được đặt trong mục tiêu chiến lược dân số, hướng đến nâng cao chất lượng dân số; đồng thời là một bộ phận không thể thiếu của việc phòng ngừa các vấn đề xã hội thay vì chạy theo giải quyết hậu quả.
Để đáp ứng những yêu cầu này, ngành giáo dục và các bộ, ngành liên quan sẽ cần sự đầu tư rất lớn cả về vật chất, nhân sự và thời gian. Do đó, trước mắt, để kịp thời giáo dục giới tính cho học sinh, nhà trường và phụ huynh có thể phối hợp dựa vào điều kiện thực tế, huy động nguồn lực để mời chuyên gia, xây dựng những tiết học mang đến kiến thức cơ bản nhất.
Không chỉ từ phía nhà trường, gia đình cũng phải tham gia vào công tác giáo dục giới tính mới mong mang lại hiệu quả cao nhất. Sự gần gũi, lắng nghe và chia sẻ thường xuyên của mẹ với con gái, cha với con trai sẽ giúp các em có những nhìn nhận và hành vi đúng đắn.
Cuối cùng, gia đình và nhà trường cũng phải phối hợp chặt chẽ trong việc định hướng, quản lý để con em biết cách tiếp cận với Internet một cách tích cực. Nghiêm túc nhìn nhận vấn đề, vượt qua rào cản tâm lý và những quan niệm cứng nhắc là cách để người lớn dẫn dắt con trẻ tìm đúng kiến thức về giới tính, để các em yên tâm phát triển lành mạnh và toàn diện nhất./.