Giáo dục giới tính cho học sinh, sinh viên nên hay không nên?

Giới trẻ hiện nay rất nhạy cảm về vấn đề giới tính và 'chuyện ấy'. Chúng có thể quan hệ vô tư với người bạn khác giới mà không cần hoặc không biết phải chuẩn bị những gì về tâm lý, sức khỏe sinh sản, về phòng tránh thai. Vậy có nên giáo dục giới tính cho chúng hay không? Hay để 'tự chúng điều chỉnh qui luật tự nhiên'?

Trước khi cho trẻ bước vào ngưỡng cửa cuộc đời, người lớn chúng ta nên trang bị cho tuổi thiếu niên những kiến thức cơ bản về giới tính. Vì thực tế cho thấy, những “lần đầu tiên” của trẻ mới lớn xảy ra thường không có sự chuẩn bị trước. Nhiều bé gái đã vô tư “cho” bạn trai mà không ý thức được “cho” như vậy liệu có ảnh hưởng gì đến sức khỏe sinh sản và tâm lý. Đó là chưa nói đến phẩm chất đạo đức, rồi tâm lý mặc cảm tự ti khi lấy chồng… Còn nhiều bé trai, không biết như thế nào là tuổi dậy thì, và chúng ngạc nhiên, tò mò khi có sự thay đổi về tâm lý, thể chất. Nhiều em hoảng sợ tưởng mình mắc bệnh khi lần đầu tiên xuất tinh.

Tuổi mới lớn bao giờ cũng gắn liền với sự tò mò thiếu hiểu biết. Chính sự tò mò háo hức ấy, sẽ làm cho hành vi thay đổi lệch lạc nếu không có sự giáo dục giới tính cho chúng. Tốt hơn hết, người lớn sớm trò chuyện với chúng về giới tính sinh sản. Điều đó không có tác hại gì, mà giúp chúng biết sớm về cách phòng tránh, tránh được sự cố sốc về tâm lý khi gặp rủi ro.

Xét ở góc độ nào, giáo dục giơi tính tuổi vị thành niên là một điều cần thiết. Bởi đó không chỉ có ý nghĩa là sự chuẩn bị trước về tâm, sinh lý, mà còn là “bước đệm” vững chắc cho các em bước vào đời. Không có sự tự nhiên nào hoàn hảo, nếu không có giáo dưỡng của con người. Giáo dục giới tính cho các em, là một phần bồi dưỡng, xây dựng nhân cách người lớn cho chúng”. Bởi giai đoạn tuổi thiếu niên là giai đoạn trẻ bắt đầu nhận biết sự khác biệt trẻ con và người lớn. Chúng không chỉ tò mò tìm hiểu thế giới xung quanh, mà còn thắc mắc sự khác biệt từ cơ thể, sự xúc cảm khi tiếp xúc với người khác giới. Đây là lúc bố mẹ nên trò chuyện với trẻ để kịp thời uốn nắn, tư tưởng tình cảm theo chiều hướng tích cực.

Lúc nào nên nói cho con hiểu?

Khi trẻ thắc mắc là tốt nhất. Hãy lợi dụng một cuốn phim hay một chương trình truyền hình, hay một cuốn sách nào đó và tìm cách tiếp cận trẻ. Cơ hội không bao giờ thiếu nếu chúng ta biết tìm kiếm. Nên nhớ rằng, tuổi mới lớn, tâm lý của chúng không bao giờ chờ đợi đến khi có sự ổn định về tâm lý và nhân cánh. Thực tế cho thấy, nhiều trẻ em muốn nhanh chóng thỏa mãn tính tò mò của chúng, nhưng chúng lại chẳng biết gì để bảo đảm an toàn cho sự thỏa mãn, nhất là trong quan hệ tình dục. Bởi vậy, nên ngăn ngừa thời điểm có thể tính toán trước này.

Nói vấn đề tế nhị này như thế nào?

Càng đơn giản càng tốt. Cha mẹ nên dạy con về cách phòng ngừa, cảnh báo nguy cơ các bệnh mắc phải như HIV, AIDS, mang thai, các bệnh lây qua đường tình dục… Nên bắt đầu kể về một mối quan hệ tốt đẹp, ổn định, sau đó mới lên tiếng về các biện pháp phòng ngừa. Có thể kể một câu chuyện, một ví dụ, hay chính kinh nghiệm cuộc đời mình cho con biết. Đó là cách để con mình có thể “soi” vào đó mà học tập và tìm “hướng đi” cho bản thân.

Ai nói việc ấy trước, cha hay mẹ?

Tốt nhất là cha nói chuyện với con trai, mẹ tâm tình với con gái. Người mẹ nên nói chuyện kinh nghiệm của đời mình cho con gái nghe. Phải dạy con từng ly, từng tý, cẩn thận, song phải biết dựa vào tâm lý của trẻ để nói- tức là biết tôn trọng con. Tuyệt đối không được áp đặt, bắt con phải tuân thủ theo ý của mẹ.

“Việc ấy”, đối người cha nói với con trai sẽ khó hơn. Vì thông thường, mẹ tâm tình với con gái, chứ ít thấy người cha tâm sự với con trai về chuyện này. Ví dụ như: Con không được quan hệ tình dục trước hôn nhân, ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe và bệnh tật. Vì họ cho rằng, con trai bao giờ cũng hiểu hơn con gái, và không sợ “lỗ” nếu “việc ấy” sảy ra. Thực tế, nam thiếu niên hiện nay khi nói về “chuyện ấy” chúng thông minh và hiểu biết hơn so với bạn gái. Vì thế, nếu người bố không có phương pháp tốt thì không những giáo dục không có hiệu quả, mà lại làm cho con dễ tự ái. Chúng sẽ sẵn sàng nói: “chuyện ấy con biết rồi”. Tốt nhât, người bố nên đặt câu hỏi, hoặc kích thích cho trẻ nói, sau đó bố “làm giáo viên” giảng giải phân tích cho con. Ở đây rất cần đến sự thông cảm, tinh tế giữa cha và con.

Làm thế nào nếu cả cha lẫn mẹ đều khó nói vấn đề này?

Lúc đó nên nhờ đến cô, dì, chú, bác, hay bác sĩ gia đình. Vì những người ngoài cuộc bao giờ cũng nói mạnh bạo hơn, không ngượng ngùng. Họ như một thầy , cô giáo đầy kinh nghiệm, kể cả khi đặt câu hỏi cho trẻ cũng khách quan hơn, và thực tế thì trẻ cũng chịu nghe hơn nếu người đó là bác sĩ. Chúng quan niệm “bố mẹ nói không thiêng”. ..

Tóm lại. Vấn đề giáo dục giơi tính cho thiếu niên không phải là vấn đề mới, song là vấn đề khó nói. Có quá nhiều thiếu niên gái nghĩ rằng, chúng không mang thai khi quan hệ tình dục lần đầu. Còn nam thiếu niên thì quan niệm, với bệnh AIDS thì chúng đã có bao cao su rồi. Song chúng lại không hiểu là cả khi uống thuốc ngừa thai vẫn có thể mang thai, nếu thuốc đó khôg bảo đảm chất lượng. Cả khi mang bao cao su vẫn có thể nhiễm bệnh khi bao cao su cũ, rách… Bởi vậy, bố mẹ phải dạy cho chúng hiểu rằng, nguy cơ luôn rình rập chúng bất cứ lúc nào, không kể đó là lần quan hệ thứ mấy và cả khi mang bao cao su. Một điều rất quan trọng là luôn gần gũi con, “theo sát” sự phát triển tâm, sinh lý của con để có cách giáo dục cho đúng thời điểm.

Mai Thắng

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/giao-duc-gioi-tinh-cho-hoc-sinh-sinh-vien-nen-hay-khong-nen-115721.html